Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Tranh chấp kinh doanh - thương mại, ra tòa hay gõ cửa trọng tài?


Tại Hội thảo “Những cảnh báo về các tranh chấp thương mại trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ngày 28/6, nhiều chuyên gia khuyến cáo nên lựa chọn cơ chế trọng tài kinh tế để giải quyết tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, hiệu quả của cơ chế trọng tài vẫn còn những dấu hỏi.
 Bùng phát tranh chấp trong khủng hoảng
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, những khó khăn vĩ mô khiến tình trạng ngừng hoạt động, giải thể, phá sản DN tăng mạnh, ở bình diện quốc tế là việc tăng cường rào cản thương mại, chậm thực hiện các cam kết… Đó là nguyên nhân chính làm phát sinh tranh chấp ở nhiều cấp độ giữa các quốc gia, giữa quốc gia và DN; giữa các DN với nhau.
Theo ông Cung, từ năm 2007 đến nay, vốn FDI không thực hiện được và thực hiện dở dang vào khoảng 100 tỷ USD cam kết, chưa giải ngân. Trong số đó có nhiều dự án bị hủy bỏ, rút giấy phép…, dẫn đến việc phải xử lý hệ quả phát sinh. Đó là việc giải quyết diện tích đất đã giao cho các dự án và tranh chấp phát sinh giữa chính quyền địa phương với nhà đầu tư, nhà đầu tư và nông dân. Chưa kể, hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư kèm với cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dẫn đến việc khi rút dự án là phải giải thể DN liên quan. Xử lý vấn đề này là khá phức tạp và đang có lúng túng nhất định.
Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn, DN không trả được nợ, không đòi được tiền hàng, dẫn đến tranh chấp với chủ nợ và đối tác. Vấn đề là, khi phát sinh tranh chấp, nhiều thiếu sót của DN mới bộc lộ.
Theo luật sư Lưu Tiến Dũng, Công ty Luật hợp danh YKVN, khi ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, DN Việt Nam thường không nghiên cứu kỹ, mà phó mặc cho đối tác lựa chọn luật áp dụng cũng như không cân nhắc kỹ cơ chế giải quyết tranh chấp nên thường thua thiệt. Ngoài ra, DN Việt Nam có thói quen tin vào mối quan hệ làm ăn cũ, không cân nhắc hậu quả pháp lý của việc thực hiện hợp đồng sai lệch theo cam kết như cho phép đối tác chậm chễ thực hiện hợp đồng, thay đổi các điều kiện thực hiện hợp đồng. Nhiều trường hợp, DN còn chưa chú ý thời hiệu khởi kiện, thông thường là 2 năm đối với các tranh chấp kinh doanh thương mại, dẫn đến mất quyền khởi kiện. Chưa kể, nhiều DN không có tư vấn pháp lý khi đàm phán, soạn thảo trước khi ký kết hợp đồng, dẫn đến khi tranh chấp thì bị “lép vế”.
Giải quyết một lần với trọng tài kinh tế
Theo VIAC, khi có tranh chấp, các bên có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết, khởi kiện ra tòa hoặc ra các trung tâm trọng tài. Tại hội thảo, nhiều luật sư cho rằng, việc lựa chọn cơ chế giải quyết là tòa án thường mất thời gian và không hiệu quả, khi một vụ kiện dân sự có thể phải trải qua nhiều cấp xét xử và kéo dài nhiều năm. VIAC cho rằng, với tiêu chí minh bạch, thân thiện, các trung tâm trọng tài có thể giúp DN giải quyết nhanh tranh chấp để tập trung vào kinh doanh.
Luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký VIAC còn cam kết, nếu lựa chọn cơ chế trọng tài, DN sẽ không phải mất thêm phí “ngoài” và phán quyết của VIAC được thừa nhận và thi hành trên 140 nền kinh tế. Điều này giúp DN có tranh chấp với đối tác nước ngoài yên tâm phán quyết sẽ được thi hành.
Ông Phạm Trọng Vân, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng An Bình cho biết, 8 năm nay mỗi khi việc kinh doanh có tranh chấp, ông đều lựa chọn cơ chế trọng tài để giải quyết. Ông Vân đã nhờ trung tâm trọng tài để giải quyết tranh chấp trong 3 dự án lớn mà DN tham gia thi công và ông khuyến nghị DN khác nên lựa chọn cơ chế giải quyết này, vì tính hiệu quả cao. Tuy nhiên, ở góc độ khác, có ý kiến cho rằng, “trọng tài phí” hiện quá cao so với án phí. Ngoài ra, một mặt cơ chế phán quyết trọng tài có hiệu lực ngay, giúp DN rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, song mặt khác khiến DN e ngại nếu thua sẽ không có quyền kháng cáo lên cấp cao hơn như đối với khởi kiện ra tòa.
Đại diện một ngân hàng cho biết, nếu đã không thể giải quyết tranh chấp bằng thương lượng mà phải viện đến một cơ quan tố tụng thì mâu thuẫn ở mức gay gắt và DN có xu hướng nhờ đến tòa án hơn là trọng tài kinh tế, bởi phán quyết của trọng tài kinh tế có thể bị phủ quyết bởi tòa án.
Luật sư Châu Huy Quang, Công ty Luật LCT cho rằng, đây là điểm yếu của các trọng tài viên. Luật pháp quy định, phán quyết của trọng tài chỉ bị hủy bỏ nếu sai về thủ tục tố tụng, tức là tòa án không có quyền xem xét nội dung phán quyết mà chỉ có quyền xem xét thủ tục có được tuân thủ đầy đủ hay không. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, các trọng tài viên chưa chú trọng đến khâu này và đây là nguyên nhân dẫn đến phán quyết có thể bị hủy bỏ bởi tòa án. Trong tương lai, các trọng tài viên cần khắc phục điểm này để cơ chế trọng tài phát huy hiệu quả hơn nữa.
Theo đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, các đương sự nhờ đến trung tâm trọng tài để giải quyết tranh chấp cần nhận thức về hiệu lực của phán quyết, nghĩa là phán quyết có hiệu lực kể từ ngày ban hành và không được xem xét lại về mặt nội dung và đã lựa chọn cơ chế trọng tài thì phải tôn trọng cơ chế này. Ngoài ra, trọng tài viên cần giải thích rõ cho các bên về tính pháp lý của phán quyết. Đối với việc thi hành án, không có sự phân biệt giữa bản án của tòa, phán quyết của hội đồng trọng tài, hội đồng xử lý cạnh tranh. Đương sự nên cố gắng thỏa thuận giải quyết với nhau để khỏi phải đưa ra cơ quan thi hành án, nhằm bớt chi phí như phí thi hành án, bớt thời gian, đảm bảo bí mật kinh doanh, uy tín DN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét