Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Quyền phủ quyết luật của Tổng thống Mỹ: Vũ khí quan trọng để kiềm chế Nghị viện


Phủ quyết (veto) được hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là quyền ngăn cản cái gì đó xảy ra. Trong tiếng La tinh, từ “phủ quyết (veto)” nghĩa là “I forbid” (Tôi cấm). Khi quyền phủ quyết được trao cho người đứng đầu nhánh hành pháp (chính phủ) thì đó là quyền ngăn cản các dự luật của nhánh lập pháp có hiệu lực.
Có thể phân loại quyền phủ quyết theo 4 loại sau đây: 

1. Quyền phủ quyết tuyệt đối: là khả năng mà cơ quan hành pháp có thể ngăn cản một dự luật của nhánh lập pháp trở thành luật và dự luật sẽ không được xem xét lại bởi một cơ quan nào nữa. Ví dụ, Quốc vương Anh và Người đứng đầu South Carolina xưa có quyền phủ quyết tuyệt đối.

2. Quyền phủ quyết tương đối (giới hạn): Tuy nhánh hành pháp sử dụng nhưng nó có thể bị vô hiệu hóa bởi nhánh quyền lực khác. Tổng thống Mỹ hiện nay có quyền phủ quyết tương đối. 

3. Phủ quyết bỏ túi (Pocket veto): Thực ra, phủ quyết bỏ túi là một hình thức của phủ quyết tuyệt đối. Ví dụ, Tổng thống Mỹ nhận được dự luật của Nghị viện và có 10 ngày để ký hoặc phủ quyết dự luật. Nếu Nghị viện nghỉ họp trước khi Tổng thống hành động thì Nghị viện sẽ không thể xem xét việc phủ quyết của Tổng thống. 

4. Phủ quyết một phần: là khả năng mà người đứng đầu nhánh hành pháp có thể phủ quyết một phần (một số điều khoản) của dự luật. Ví dụ: Hiến pháp Arizona cho phép thống đốc tiểu bang phủ quyết một phần.

Ở các nước phương Tây, quyền phủ quyết trong lịch sử được thực thi dưới các hình thức khác nhau bởi các vị vua chúa hay quí tộc trong phạm vi quyền lực của nhánh hành pháp. Như ở Rôm, lãnh đạo của các bộ lạc có quyền phủ quyết các dự luật từ Thượng viện La Mã. Hay thời trung cổ, quốc vương Anh là người lập pháp tối cao nhưng bị chi phối bởi các cơ quan như các quan tòa hay các hội đồng như Hội đồng bí mật (Privy Council). Từ từ nhà vua bị mất quyền lập pháp; quyền chấp thuận hay từ chối các dự luật của Nghị viện cũng bị hạn chế. Quyền phủ quyết của nhà vua đối với các dự luật của Nghị viện là để từ chối sự tán thành của nhà vua, không có ý nghĩa đối với hiệu lực của các đạo luật.

Ở Mỹ, trong suốt kỉ nguyên thực dân của lịch sử nước Mỹ, các Hội đồng thuộc địa có quyền ban hành luật nhưng có thể bị phủ quyết bởi Hoàng gia Anh (thời điểm mà quyền phủ quyết có giá trị tuyệt đối). Mặc dù trên thực tế quyền phủ quyết ít được sử dụng đến nhưng theo thời gian, việc sử dụng quyền phủ quyết tuyệt đối này đã trở thành nỗi bất bình cho những người thuộc địa. Tổng thống Jefferson đã từng tuyên bố trong bản Tuyên ngôn độc lập rằng: “Nhà vua George III đã từ chối sự tán thành đối với các dự luật, cái mà sẽ mang lại những giá trị thiết yếu tới cộng đồng.” 

Ảnh hưởng từ đó mà các bang đã không trao quyền phủ quyết cho những người đứng đầu nhánh hành pháp, ngoại trừ New York. Hiến pháp của New York cho phép Hội đồng Xét lại (Council of Revision) thẩm quyền phủ quyết. Hội đồng Xét lại bao gồm Thống đốc bang và các thẩm phán. Hội đồng có 10 ngày sau khi dự luật được thông qua bởi Nghị viện tiểu bang để xem xét và sửa đổi nó. Nếu đa số các thành viên của hội đồng phủ quyết dự luật thì dự luật đó sẽ quay trở lại với Nghị viện, kèm theo đó là những lý do của việc phản đối. Nhưng dự luật vẫn sẽ có hiệu lực nếu được 2/3 tán thành ở cả 2 viện (Thượng viện và Hạ viện). 

Sử dụng khuôn mẫu của New York, các nhà lập Hiến Mỹ quyết định quyền phủ quyết sẽ được trao riêng cho Tổng thống (người đứng đầu nhánh hành pháp), nhưng không phải là phủ quyết tuyệt đối, mà là “quyền phủ quyết tương đối”. Theo đó, khi sử dụng quyền phủ quyết, Tổng thống phải giải lý do từ chối đạo luật của nhánh lập pháp. Cũng giống như New York, đạo luật sẽ có hiệu lực nếu dành được 2/3 tán thành đến từ cả 2 viện. 

Có thể nói rằng việc người đứng đầu cơ quan hành pháp được trao quyền phủ quyết sẽ làm cho nhánh này có thêm sức mạnh như là vũ khí quan trọng để kiềm chế quyền lực nhánh lập pháp. Bởi theo Hiến pháp Mỹ, ba nhánh Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp độc lập, kiềm chế và đối trọng lẫn nhau, không có nhánh nào có quyền lực tuyệt đối. Với lý do, quyền lực tuyệt đối, tối cao sẽ sinh ra lạm quyền. 

Ngoài ra, đó là cơ hội thương lượng của chính phủ và nghị viện cũng như là cơ hội để bày tỏ ý chí của nhánh hành pháp thông qua sự đồng ý hay phản đối của cơ quan này. Hơn nữa, mặc dù đôi khi vì lý do chính trị mà quyền phủ quyết bị lạm dụng, tuy nhiên điều này giúp cơ quan hành pháp (thực thi pháp luật) có thể ngăn cản các dự luật không thể được thực thi bởi những lý do như trái với Hiến pháp, xâm phạm quyền hành pháp hay không được soạn thảo một cách kỹ lưỡng, 

Do đó, Nghị viện cũng sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước khi thông qua các dự luật. Nhờ vậy, các đạo luật của Nghị viện sẽ có chất lượng hơn khi thể hiện cả ý chí của Chính phủ. Cũng như, trong trường hợp cần thiết, Nghị viện phải tổ chức trưng cầu dân ý để xem lợi ích, mong muốn của nhân dân là gì… Như vậy quyền thực sự mới thuộc về người chủ là nhân dân, chứ không phải là người được ủy quyền.

Nguồn: TẠP CHÍ TIA SÁNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét