Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Xử án hình sự: Sai một li, dễ đi một dặm


Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự, nhiều sai sót trong quá trình áp dụng pháp luật đã được VKSND tỉnh Hậu Giang đúc kết, nêu ra để rút kinh nghiệm chung.
Sai sót đầu tiên là trường hợp bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ nhưng khi quyết định hình phạt, tòa lại không áp dụng tình tiết quy định tại điểm d khoản 1 Điều 48 BLHS đối với bị cáo.
Đánh giá chưa hết tính chất côn đồ
Chẳng hạn, vụ Trương Tấn Sang phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Theo hồ sơ, Sang nhậu say, thấy một thanh niên nhìn mình bèn sừng sộ: “Nhìn gì mày?”. Người kia thách thức: “Tao nhìn mày, mày làm gì tao?” dẫn đến ẩu đả giữa hai bên. Thấy đánh nhau, anh Dương Hoàng Văn đến can ngăn. Sang liền vớ ngay lấy khúc cây ở bờ rào phang vào đầu anh Văn một cái gây chấn thương sọ não. Nạn nhân được đưa đi điều trị tại BV Cần Thơ bảy ngày thì tử vong. Sau đó, Sang bị cấp sơ thẩm khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích (dẫn đến chết người) theo khoản 3 Điều 104 BLHS.
Hành vi phạm tội của Sang rất côn đồ nhưng khi xét xử, tòa sơ thẩm không áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với bị cáo. Chưa kể, Sang và gia đình không có thiện chí khắc phục hậu quả cho phía nạn nhân. Sang chỉ có một tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo nhưng tòa sơ thẩm lại phạt bị cáo bảy năm tù là nhẹ, chưa đánh giá hết tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.
Sau phiên sơ thẩm, phía gia đình nạn nhân đã kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với Sang. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Hậu Giang đã chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm, áp dụng thêm tình tiết tăng nặng “phạm tội có tính chất côn đồ” (điểm d khoản 1 Điều 48 BLHS) để tăng án đối với Sang từ bảy năm lên 10 năm tù.
Áp dụng tình tiết giảm nhẹ sai
Một thiếu sót khác cũng khá phổ biến là chuyện vi phạm trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và xử dưới khung hình phạt.
Vụ Trần Trọng Tuấn trộm cắp tài sản là một ví dụ. Tuấn bị VKS cấp sơ thẩm truy tố, xét xử với tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội có tổ chức (điểm a khoản 2 Điều 138 BLHS). Vậy mà tòa sơ thẩm lại cho Tuấn được hưởng tình tiết giảm nhẹ là phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS). Sau đó, tòa tiếp tục áp dụng Điều 47 BLHS để phạt Tuấn chín tháng tù, mức án dưới khung hình phạt (từ hai năm đến bảy năm tù). Trong khi đó, theo quy định tại Điều 47 BLHS, tòa chỉ được xử dưới khung khi bị cáo có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS.
Tương tự là vụ Trương Văn Bắc cướp giật tài sản, bị cấp sơ thẩm truy tố, xét xử với tình tiết tăng nặng định khung là “dùng thủ đoạn nguy hiểm” (điểm d khoản 2 Điều 136 BLHS). Theo hồ sơ, Bắc dùng xe máy ép sát chiếc xe đạp của một phụ nữ chạy ngược chiều đang nghe ĐTDĐ để giật. Dù tài sản Bắc cướp giật được không lớn (900.000 đồng) nhưng mức độ nguy hiểm cho xã hội rất cao, có thể gây nguy hiểm cho người điều khiển các phương tiện đang lưu thông trên đường. Nhưng khi quyết định hình phạt, tòa sơ thẩm lại áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” (điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS) rồi áp dụng Điều 47 BLHS để phạt bị cáo dưới khung hình phạt là 30 tháng tù.
Xác định mức bồi thường chưa chính xác
Một thiếu sót nữa mà cơ quan tố tụng cũng thường gặp là xác định chưa đúng trách nhiệm bồi thường trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự.
Ngày 28-3-2008, do có mâu thuẫn từ trước, Lê Văn Tài đã dùng ly thủy tinh uống cà phê đập đầu Nguyễn Thanh Tấn. Ly bị vỡ, chỉ còn cái quai, Tài tiếp tục đâm vào cổ Tấn nhiều cái. Theo kết quả giám định pháp y, Tấn bị thương tật 67% nên Tài bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS. Trong thời gian chuẩn bị xét xử, nạn nhân chết nhưng theo kết luận giám định pháp y thì không đủ cơ sở để kết luận có liên quan đến thương tích.
Về phần hình sự, hành vi phạm tội của Tài có tính chất côn đồ nhưng tòa sơ thẩm không áp dụng tình tiết tăng nặng này và chỉ phạt bị cáo sáu năm tù (dưới khung hình phạt). Về phần dân sự, tòa sơ thẩm không áp dụng điểm c Tiểu mục 1.5 Mục 1 Phần II Nghị quyết 03 ngày 8-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng). Tòa sơ thẩm tính mức tổn thất tinh thần 15 tháng lương tối thiểu là chưa phù hợp (mức tổn thất tinh thần tối đa là 30 tháng lương tối thiểu). Từ đó, tòa sơ thẩm chỉ buộc bị cáo bồi thường thiệt hại các khoản gần 43 triệu đồng là chưa tương xứng với mức tổn thất mà gia đình nạn nhân phải gánh chịu.
Sau phiên sơ thẩm, phía gia đình nạn nhân kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt và tăng mức bồi thường đối với Tài. Tòa phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm, tăng mức hình phạt đối với Tài lên tám năm tù, tăng mức bồi thường tổn thất tinh thần lên 30 tháng lương tối thiểu. Tổng số tiền Tài phải bồi thường cho gia đình nạn nhân là hơn 52 triệu đồng.
Lỗi nhỏ, hậu quả lớn
VKSND tỉnh Hậu Giang còn phát hiện một số vụ khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông không có người chứng kiến trong biên bản. Do đó tại phiên tòa, kiểm sát viên bảo vệ quan điểm truy tố gặp không ít khó khăn khi luật sư bào chữa lập luận “biên bản khám nghiệm hiện trường như vậy là vi phạm thủ tục tố tụng, không đủ cơ sở pháp lý nên không có căn cứ cho rằng bị cáo có lỗi”. Nhiều vụ đã phải trả hồ sơ để khắc phục…
Cạnh đó, những sơ sót của HĐXX trong việc lập biên bản phiên tòa, biên bản nghị án và bản án cũng xảy ra khá nhiều. Tuy nhiên, công tác kiểm sát sau phiên tòa của kiểm sát viên thực hiện chưa tốt nên nhiều vụ không phát hiện được để đề nghị chỉnh sửa, kiến nghị hoặc kháng nghị, chỉ đến khi vụ án chuyển lên cấp phúc thẩm mới được phát hiện.
Để hạn chế sai sót, theo VKSND tỉnh Hậu Giang, lãnh đạo VKS cấp huyện cần theo sát kiểm sát viên khi giải quyết án, từ đó phát hiện những điểm yếu, những thiếu sót của kiểm sát viên để chấn chỉnh kịp thời hoặc yêu cầu nghiên cứu lại vụ án hoặc rút kinh nghiệm về sau.
Đối với những vụ án phức tạp về đánh giá chứng cứ, khó phân biệt hành vi phạm tội với hành vi vi phạm pháp luật thì phải đưa ra trao đổi, bàn bạc một cách thận trọng, nếu cần thì tham khảo ý kiến trao đổi nghiệp vụ với cấp trên để đảm bảo truy tố đúng người, đúng tội.
Mỗi cán bộ, kiểm sát viên phải nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, dành thời gian đầu tư, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, kiểm tra chứng cứ, kiểm tra về thủ tục tố tụng, xem xét kỹ, đánh giá một cách khách quan, thận trọng và toàn diện các tình tiết của vụ án.
Kiểm sát viên phải thực hiện đầy đủ các thao tác nghiệp vụ chuẩn bị đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội, dự kiến tranh luận với luật sư, với bị cáo… Nắm chắc các quy định của BLHS, BLTTHS và các văn bản hướng dẫn áp dụng luật. Công tác chuẩn bị tốt là rất quan trọng của kiểm sát viên, thể hiện được vai trò, tự tin của kiểm sát viên tại phiên tòa…
Nguồn: Tạp chí Pháp luật TP.HCM online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét