Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Xác minh điều kiện thi hành án


X
ác minh điều kiện thi hành án có vai trò hết sức quan trọng trong hầu hết các giai đoạn của quá trình thi hành án dân sự. Kết quả xác minh là cơ sở để Chấp hành viên vận dụng trong quá trình thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án, ra các quyết định về thi hành án và quan trọng nhất là lựa chọn biện pháp cưỡng chế thích hợp đối với người phải thi hành án.
           
            Để thực hiện tốt công tác xác minh, Chấp hành viên phải làm gì? Tiến hành các bước xác minh như thế nào? Và thực hiện ra làm sao ?

            I. Điều kiện và Nguyên tắc xác minh điều kiện thi hành án
            1. Cơ sở pháp lý
            Xác minh điều kiện thi hành án được quy định cụ thể tại Điều 44 Luật THADS 2008 như sau:
            Điều 44. Xác minh điều kiện thi hành án
1. Trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay.
Việc xác minh phải được lập thành biên bản, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Biên bản xác minh phải thể hiện đầy đủ kết quả xác minh.
           
            Quy định này được hướng dẫn trong Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành môt số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự như sau:
            Điều 6. Xác minh điều kiện thi hành án
1. Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án ủy quyền có yêu cầu. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đó từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Kết quả xác minh được công nhận và làm căn cứ để tổ chức việc thi hành án, trừ trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết phải xác minh lại. Việc xác minh lại của Chấp hành viên được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp.
Trường hợp người được thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Người được thi hành án khi yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án phải xuất trình các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc người đó hoặc người đại diện theo ủy quyền đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án nhưng không có kết quả.
Việc xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân được coi là không có kết quả khi người được thi hành án hoặc người được ủy quyền chứng minh đã trực tiếp hoặc yêu cầu bằng văn bản nhưng đã quá thời hạn 01 tháng, kể từ ngày yêu cầu nhưng không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không có lý do chính đáng.
3. Trường hợp người phải thi hành án phải thi hành đồng thời cả khoản nghĩa vụ thi hành án theo đơn yêu cầu và nghĩa vụ thi hành án thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án thì việc xác minh điều kiện thi hành án của đương sự được Chấp hành viên chủ động tiến hành cho đến khi người phải thi hành án thi hành xong khoản nghĩa vụ thuộc diện chủ động.
Kết quả xác minh tiếp tục được công nhận để tổ chức thi hành khoản nghĩa vụ theo đơn yêu cầu. Việc xác minh các tài sản tiếp theo của người phải thi hành án được tiến hành theo yêu cầu của người được thi hành án.
4. Khi xác minh trực tiếp, Chấp hành viên phải xác minh cụ thể điều kiện kinh tế, hiện trạng tài sản, căn cứ vào nội dung trình bày của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khác cung cấp.
Đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, đăng ký giao dịch bảo đảm thì còn phải xác minh tại các cơ quan có chức năng đăng ký tài sản đó.
Đối với người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức, Chấp hành viên trực tiếp xem xét tài sản, kiểm tra hệ thống sổ sách quản lý vốn, tài sản, xác minh tại các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án. Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên có quyền mời cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên và phải chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin đã cung cấp.
5. Đối với việc thi hành án thuộc diện chủ động thi hành án mà người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án thì ít nhất 6 tháng một lần Chấp hành viên phải thực hiện xác minh điều kiện thi hành án của đương sự. Trường hợp người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án mà đang chấp hành hình phạt tù hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới thì thời hạn xác minh giữa các lần không được quá một năm.
Đối với việc xác minh điều kiện thi hành án theo đơn yêu cầu thì việc xác minh được thực hiện theo yêu cầu của người được thi hành án. Người được thi hành án có nghĩa vụ chứng minh việc người phải thi hành án có tài sản để thi hành án và yêu cầu thi hành án trở lại trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án.
Ngoài ra, Luật THADS 2008 còn quy định về xác minh điều kiện thi hành án trong một số trường hợp như: Hoãn thi hành án, đình chỉ thi hành án, cưỡng chế thi hành án …

Qua trên, ta có thể hiểu được các điều kiện và nguyên tắc xác minh trong thi hành án dân sự như sau:
                      
2. Điều kiện để tiến hành xác minh:
Theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, Chấp hành viên có trách nhiệm xác minh trong mọi trường hợp. Nhưng nay theo quy định của Luật THADS 2008, xác minh điều kiện thi hành án không còn đơn thuần là nghĩa vụ của Chấp hành viên mà còn là nghĩa vụ của người được thi hành án. Cụ thể, theo quy định tại Điều 44:
" Đối với trường hợp thi hành theo đơn yêu cầu thi hành án thì người được thi hành án phải tự xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và Chấp hành viên chỉ tiến hành xác minh khi người được thi hành án có yêu cầu”. Như vậy, điều kiện để tiến hành xác minh là:

a. Việc thi hành án bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước:
Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để bảo đảm lợi ích của Nhà nước( khoản 2, Điều 20 Luật THADS 2008) nên điều kiện để tiến hành xác minh là việc thi hành án phải bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước. Khoản 1, Điều 44 Luật THADS quy định:
" Trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án”.
Như vậy, điều kiện để Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án là khi Chấp hành viên thi hành quyết định thi hành án đối với các khoản án phí, phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính…. nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước.

b. Việc thi hành án bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự nhưng phải có đơn yêu cầu xác minh của người được thi hành án:
Đây là điều kiện được quy định nhằm tháo gỡ bớt gánh nặng xác minh của Chấp hành viên, mặt khác, nâng cao hiệu quả công tác xác minh trong thi hành án. Khoản 1, Điều 44 Luật THADS 2008 quy định như sau:
" Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh”.
Do đó, Chấp hành viên chỉ có nghĩa vụ xác minh khi người được thi hành án yêu cầu. Nhưng không phải mọi yêu cầu của người được thi hành án đều được Chấp hành viên thực hiện, chỉ khi yêu cầu đó đáp ứng các điều kiện như: Yêu cầu của người được thi hành án phải được lập thành văn bản, trong đó, phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả kèm theo tài liệu chứng minh. Và để hướng dẫn rõ hơn đối với điều kiện này, khoản 2, Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ đã quy định "Việc xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân được coi là không có kết quả khi người được thi hành án hoặc người được ủy quyền chứng minh đã trực tiếp hoặc yêu cầu bằng văn bản nhưng đã quá thời hạn 01 tháng, kể từ ngày yêu cầu nhưng không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không có lý do chính đáng”.

3. Nguyên tắc xác minh điều kiện thi hành án:
Luật thi hành án dân sự năm 2008 không quy định cụ thể về nguyên tắc xác minh, nhưng trong một số điều luật quy định về kê biên, xử lý tài sản( Điều 89, Điều 91, Điều 95 …),  điều luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên( khoản 4, Điều 20) có một số quy định buộc Chấp hành viên phải tuân thủ trong quá trình xác minh. Có 02 nguyên tắc cơ bản mà Chấp hành viên phải tuân thủ khi tiến hành xác minh.

Thứ nhất, xác minh trực tiếp điều kiện thi hành án của đương sự. Trong quá trình xác minh, Chấp hành viên không chỉ căn cứ vào nội dung trình bày của UBND xã, thị trấn, hoặc của đương sự, mà Chấp hành viên phải xác minh cụ thể hiện trạng tài sản, điều kiện kinh tế. Nếu không trực tiếp xác minh, thì Chấp hành viên không thể biết chính xác các điều kiện thi hành án của đương sự được. Và thông qua đó, Chấp hành viên sẽ khó mà quyết định được là sẽ áp dụng biện pháp nào, hoặc là sẽ kê biên tài sản nào.
Thông thường, Chấp hành viên rất hay vi phạm nguyên tắc này khi giao khoán việc xác minh cho thư ký giúp việc mà không kiểm tra.
Thứ hai, xác minh điều kiện thi hành án chặt chẽ và đầy đủ. Xác minh đóng vai trò quan trọng trong quá trình thi hành án, nên việc xác minh phải bảo đảm tinh chặt chẽ và đầy đủ. Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ có quy định " … Chấp hành viên phải xác minh cụ thể điều kiện kinh tế, hiện trạng tài sản, căn cứ vào nội dung trình bày của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khác cung cấp. Đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, đăng ký giao dịch bảo đảm thì còn phải xác minh tại các cơ quan có chức năng đăng ký tài sản đó. Đối với người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức, Chấp hành viên trực tiếp xem xét tài sản, kiểm tra hệ thống sổ sách quản lý vốn, tài sản, xác minh tại các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án. Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên có quyền mời cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh”.
Nguyên tắc này rất quan trọng, Chấp hành viên không được vi phạm trong quá trình tác nghiệp của mình. Nếu không, quá trình giải quyết thi hành án của Chấp hành viên sẽ gây thiệt hại phải bồi thường. Ví dụ: Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2011/DS-ST ngày 01/01/2011 của Tòa án nhân dân huyện An Phú tuyên buộc ông Nguyễn Văn A phải bồi thường cho ông Nguyễn Văn B số tiền 100.000.000 đồng. Quá trình xác minh, Chấp hành viên chỉ phát hiện ông A có tài sản duy nhất là chiếc xe tải trị giá 120.000.000 đồng có giá trị thi hành án. Và theo trình bày của ông A, thì đây là tài sản của ông mua và do ông đứng tên. Đối chiếu theo quy định, Chấp hành viên tiến hành kê biên, thẩm định và bán đấu giá thành tài sản nói trên cho người mua trúng đấu giá. Sau khi giao tài sản và chi tiền cho người được thi hành án đúng theo quyết định thi hành án( chi đủ 100.000.000 đồng cho ông B), vợ ông A là bà Lý Thị C khiếu nại việc kê biên tài sản của Chấp hành viên, yêu cầu hủy kết quả kê biên và bán đấu giá, vì tài sản nói trên là do cha ruột của bà mua cho vợ chồng bà làm của hồi môn, ông A chỉ là người đứng tên, quyền sở hữu tài sản là của chung hai vợ chồng. Nếu chấp hành viên xử lý tài sản chỉ được quyền xử lý ½ giá trị tài sản của ông A, ½ giá trị tài sản còn lại là của bà, Chấp hành viên không được quyền xử lý, và nếu có xử lý thì phải thông báo cho bà biết và thông báo quyền ưu tiên mua tài sản này cho bà. Nay bà nộp số tiền 60 triệu đồng để thi hành án cho ông A và yêu cầu cơ quan thi hành án phải trả lại tài sản cho bà, nếu không bà sẽ khởi kiện yêu cầu bồi thường. Hiện nay, cơ quan thi hành án dân sự đang tiến hành thỏa thuận với bà C theo trình tự, thủ tục quy định về trách nhiệm bồi thường trong thi hành án dân sự.
Qua đó cho thấy, việc tuân thủ đúng các nguyên tắc xác minh và các điều kiện xác minh trong thi hành án của Chấp hành viên là hết sức cần thiết. Điều này đòi hỏi ở Chấp hành viên một tinh thần trách nhiệm rất cao nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được phân công.

II. Xác minh điều kiện thi hành án trong thực tiễn giải quyết thi hành án:
Theo quy định của pháp luật, Chấp hành viên có nhiệm vụ xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án … Tuy nhiên, Chấp hành viên phải căn cứ vào phán quyết của Tòa án thì mới có thể xác định được khi nào thì xác minh tài sản, khi nào thì xác minh điều kiện thi hành án khác của đương sự. Và trong quá trình xác minh, Chấp hành viên cần phải nắm được một số kỹ năng cần thiết để việc xác minh thi hành án được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng và có kết quả.

1. Lập kế hoạch xác minh:
Trên cơ sở các thông tin có được từ việc phân tích bản án, do người được thi hành án cung cấp …, Chấp hành viên cần lập kế hoạch xác minh. Kế hoạch xác minh về mặt hình thức thì tùy theo mỗi Chấp hành viên mà có cách lập khác nhau, nhưng quan trọng là kế hoạch xác minh phải thể hiện các vấn đề sau: Đối tượng xác minh là ai? Thời điểm tiến hành xác minh đối với từng đối tượng? Địa điểm tiến hành xác minh? Mục đích của buổi xác minh? Nội dung cần khai thác đối với từng đối tượng xác minh? Các đơn vị, cá nhân cần phối hợp để tiến hành xác minh, kế hoạch liên hệ cụ thể? Các loại biểu mẫu nào dùng trong việc xác minh? Phương tiện, nhân lực và các điều kiện khác phục vụ cho việc xác minh?
Trên cơ sở kế hoạch xác minh đã lập, Chấp hành viên sẽ đảm bảo được việc xác minh diễn ra thuận lợi, hiệu quả, đúng pháp luật, đảm bảo sự phối hợp của các cơ quan, cá nhân liên quan trong công tác xác minh thi hành án và tạo tính chủ động, khoa học trong việc giải quyết việc thi hành án của mình.
Ngoài việc lập kế hoạch xác minh, các yêu cầu về hình thức biên bản xác minh và cách thức sử dụng kết quả xác minh cũng cần được Chấp hành viên chú trọng.
 2. Yêu cầu về hình thức biên bản xác minh:
Quá trình xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh đối với rất nhiều chủ thể và đối tượng cung cấp thông tin khác nhau, đòi hỏi Chấp hành viên phải linh hoạt trong việc lựa chọn hình thức xác minh: ghi âm cuộc nói chuyện, lập biên bản xác minh( theo biểu mẫu của cơ quan thi hành án hoặc biên bản viết tay …), chụp ảnh hiện trạng tài sản … Nhưng hình thức tốt nhất là lập biên biên bản xác minh.
Do đó, biên bản xác minh phải được lập một cách cẩn thận, rõ ràng và đảm bảo các yêu cầu như: Đảm bảo nội các nội dung của biên bản về căn cứ xác minh, thời gian, địa điểm xác minh, thành phần tham gia, đúng theo mẫu biên bản, có đầy đủ chữ ký, con dấu( nếu có) của các thành phần tham gia, nhất là biên bản xác minh phải ghi đầy đủ các nội dung thông tin đã xác minh và ghi một cách dễ hiểu, ngắn gọn, không được tẩy xóa trong biên bản xác minh và phải gạch bỏ những phần bỏ trống để đảm bảo tính pháp lý của biên bản xác minh khi dùng làm căn cứ giải quyết thi hành án: Trả đơn, hoãn, đình chỉ thi hành án, ủy thác thi hành án hoặc trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo…
 3. Yêu cầu về sử dụng kết quả xác minh:
Chấp hành viên sau khi tập hợp đầy đủ các thông tin xác minh được để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo là sử dụng kết quả xác minh. Kết quả xác minh được sử dụng đòi hỏi phải đáp ứng được mục đích xác minh, từ đó, Chấp hành viên mới có thể sử dụng làm căn cứ giải quyết thi hành án, phân loại hồ sơ hoặc sử dụng kết quả xác minh để vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án, thuyết phục các bên thỏa thuận kết thúc dứt điểm việc thi hành án, xác định biện pháp cưỡng chế và lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án…
Vì vậy, yêu cầu về sử dụng kết quả xác minh là:
Sử dụng kết quả xác minh đúng mục đích, kết quả xác minh chỉ được dùng để giải quyết thi hành án, không được sử dụng kết quả xác minh vào các mục đích khác trái pháp luật và đạo đức xã hội. Ví dụ: Chấp hành viên xác minh được biết ông A ngoài vợ chính thức ra ông A còn đang chung sống như vợ chồng với người khác, có tài sản riêng, có con riêng … nên lấy kết quả xác minh này buộc ông A phải thi hành án nếu không sẽ báo cho vợ chính thức của ông ta biết! Việc làm này là trái pháp luật, dùng kết quả xác minh để đe dọa người phải thi hành án.
 Kết quả xác minh được sử dụng phải đảm bảo có cơ sở pháp lý và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, quá trình thu thập thông tin phản ánh kết quả xác minh phải đúng pháp luật. Chẳng hạn, ông A phải thi hành án, trong nhà ông A có cất giữ tiền, Chấp hành viên nhân lúc ông A không có ở nhà, yêu cầu con của ông A chỉ 14 tuổi mở tủ kiểm tra số tiền đang cất giữ, xong ghi vào biên bản. Thì trường hợp này, kết quả xác minh là không đúng pháp luật, vi phạm quyền sở hữu hợp pháp của ông A, cũng như là có hành vi gian dối trong quá trình thu thập thông tin- lợi dụng con ông A còn nhỏ không biết chuyện- nên sẽ không được sử dụng làm kết quả xác minh.
 Kết quả xác minh được sử dụng phải được kế thừa và liên tục trong quá trình giải quyết thi hành án. Trường hợp Chấp hành viên vừa thi hành án phần chủ động thi hành án và theo đơn yêu cầu thi hành án, kết quả xác minh đối với trường hợp chủ động thi hành án được áp dụng và thi hành xong phần nghĩa vụ chủ động thì kết quả xác minh phải được tiếp tục sử dụng để thi hành khoản theo đơn yêu cầu.
 Ngoài ra, vấn đề về chi phí xác minh cũng cần phải bàn tới trong quá trình tiến hành xác minh điều kiện thi hành án.
 4. Một số vấn đề về chi phí xác minh:
Theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004, chi phí xác minh hoàn toàn do cơ quan thi hành án phải chịu, trích từ nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan thi hành án. Hiện nay, Luật thi hành án dân sự năm 2008 có quy định cụ thể về chi phí xác minh điều kiện thi hành án. Cụ thể: điểm a, khoản 1,  Điều 73 quy định " Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây: Chi phí xác minh theo quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này; chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá”; điểm b, khoản 3, Điều 73 quy định " Ngân sách nhà nước trả chi phí cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp sau đây: Chi phí xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp chủ động thi hành án quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này”. Ngoài ra, chi phí xác minh còn được quy định tại khoản 1, Điều 31 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/9/2009 của Chính phủ " Người được thi hành án có yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án phải trả các chi phí thực tế, hợp lý cho việc xác minh. Chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính quy định cụ thể”.
Qua trên ta thấy, chi phí xác minh hiện không chỉ do ngân sách nhà nước chi trả, mà người được thi hành án có đơn yêu cầu xác minh phải chi trả. Điều này là một điểm hoàn toàn mới trong luật thi hành án dân sự, khẳng định trách nhiệm của người được thi hành án ngoài việc gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành phán quyết của tòa để bảo vệ quyền lợi của mình, họ phải song song thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc xác minh điều kiện thi hành án, nếu không thực hiện được thì yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh và nộp phí xác minh. Thứ nhất, việc quy định về nộp phí xác minh giúp nâng cao hơn công tác xác minh, vì Chấp hành viên có đủ điều kiện để thu thập đầy đủ thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của đương sự( tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, tại các địa bàn ở xa cơ quan như tại Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh, tại các huyện khác hoặc tỉnh khác …) điều mà trước đây, khi Chấp hành viên muốn tiến hành thực hiện nhưng một số nơi kinh phí cơ quan không đủ chi trả nên không thể thực hiện được. Thứ hai, việc quy định nghĩa vụ nộp phí xác minh của người có đơn yêu cầu xác minh sẽ giảm ghánh nặng cho ngân sách nhà nước, có thể nói là kinh phí hoạt động tự chủ của cơ quan thi hành án không bị bội chi, ảnh hưởng đến hoạt động chung của cả cơ quan thi hành án. Vì hầu hết các việc thi hành án đang tổ chức thi hành đều phải tiến hành xác minh, dù chủ động hay theo đơn yêu cầu.
Từ những ưu điểm trên, chi phí xác minh là một quy định đúng và kịp thời của pháp luật trong thi hành án dân sự. Tuy nhiên, cần thiết phải có ngay một văn bản hướng dẫn  mức thu chi phí, cách thức sử dụng và điều kiện miễn giảm nộp chi phí để từ đó, quy định này được thống nhất áp dụng, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu, tùy tiện, gây tâm lý bất bình cho đương sự. Chẳng hạn, ở khu vực nông thôn thì mức thu là bao nhiêu? Theo km hay theo địa danh hành chính( xã, huyện, tỉnh)? Ở khu vực thành thị thì thu bao nhiêu?...
Thông qua những nhận định trên, ta hãy đi vào tìm hiểu thực tế xác minh điều kiện thi hành án trong thi hành án dân sự đối với một số trường hợp cụ thể sau đây.
 5. Thực tiễn xác minh điều kiện thi hành án:
a. Xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp thi hành nghĩa vụ trả tiền:
Đây là trường hợp khá phổ biến và Chấp hành viên phải thường xuyên tổ chức thi hành trong thực tế. Quá trình xác minh để thi hành nghĩa vụ này cũng là công việc khó khăn nhất của Chấp hành viên. Ví dụ: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số: 15/2011/QĐDS-ST ngày 14/02/2011 của TAND huyện An Phú quyết định: Công nhận thỏa thuận giữa ông Hà Văn Nghi, sinh năm 1965, địa chỉ ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú và ông Lê Minh Đức, sinh năm 1978, địa chỉ ấp ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú về thời gian và số tiền mua vật tư, nông nghiệp phải trả như sau: Ngày 01/4/2011 ông Đức trả cho ông Nghi 100.000.000 đồng; Ngày 01/8/2011, ông Đức trả 100.000.000 đồng còn lại.
Ngày 05/4/2011, thụ lý thi hành theo đơn yêu cầu thi hành án của ông Hà Văn Nghi, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự huyện An Phú ra quyết định thi hành án đối với khoản: Ngày 01/4/2011, ông Đức trả cho ông Nghi số tiền 100.000.000 đồng và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án. Trình tự thi hành án, Chấp hành viên ra giấy báo tự nguyện thi hành án để yêu cầu ông Đức tự nguyện trả cho ông Nghi số tiền 100.000.000 đồng trong thời hạn 15 ngày và tống đạt trực tiếp cho các bên đương sự. Vấn đề đặt ra ở đây đối với Chấp hành viên là việc tìm kiếm thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của ông Đức.
Căn cứ đơn yêu cầu thi hành án và các tài liệu kèm theo của ông Nghi, Chấp hành viên chỉ biết được các thông tin sau: ông Đức có 01 căn nhà cấp 4 tọa lạc tại chợ Phú Lợi, xã Phú Hữu; khoảng 10 công ruộng tọa lạc tại ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Lộc và nhiều tài sản khác có giá trị.
Căn cứ quá trình thông báo trực tiếp cho ông Đức( do vợ nhận thay) các văn bản( Quyết định thi hành án và Giấy báo tự nguyện thi hành án), Chấp hành viên có các thông tin sau: ông Đức là tài xế xe tải đường dài, lâu lâu mới về nhà một lần, hiện trong nhà chỉ có vợ ông Đức và 02 đứa con( đứa lớn 05 tuổi, đứa nhỏ 03 tuổi), vợ ông Đức nghề nghiệp nội trợ. Căn nhà ông Đức đang ở là Nhà Đại Đoàn kết, cất trên nền đất tái định cư do người anh  Lê Văn Nhân đứng tên, tài sản nội thất chủ yếu là đồ giả gỗ và đã qua sử dụng, giá trị thi hành án không có. Sau khi xác minh lại diện tích quyền sử dụng đất của ông Đức do ông Nghi cung cấp, Chấp hành viên phát hiện tài sản này ông Đức đã chuyển nhượng cho người khác vào tháng 12/2010 với giá 400.000.000 đồng và vẫn mướn lại canh tác đến hết năm 2011 với giá 30.000.000 đồng.
Bế tắc, Chấp hành viên mời ông Nghi đến thông báo về kết quả xác minh lại các thông tin của ông Nghi cung cấp, hiện nay điều kiện thi hành án của ông Đức là chưa có, do đó, Chi cục thi hành án huyện An Phú sẽ trả đơn yêu cầu thi hành án lại cho ông Nghi, khi nào ông Đức có điều kiện thi hành án trở lại sẽ tiếp tục thụ lý và tổ chức thi hành án cho ông Nghi.Với tâm trạng lo lắng, ông Nghi bộc bạch rằng ông biết ông Đức hiện đang làm công tại thành phố Hồ Chí Minh cho người dì, làm tài xế xe tải, nhưng do tuổi cao, sức yếu nên không thể đi đến nơi thu thập thông tin được, do đó ông làm đơn yêu cầu Chấp hành viên xác minh cho ông, sau đó hãy trả đơn cũng không muộn.
Xét thấy yêu cầu này của ông Nghi là chính đáng nên Chấp hành viên chấp nhận và yêu cầu ông nộp chi phí xác minh để thực hiện việc xác minh theo yêu cầu của người được thi hành án.
Qua bàn bạc và trao đổi nghiệp vụ với thủ trưởng đơn vị, cũng như với các Chấp hành viên khác, có một số thông tin đáng chú ý là số tiền bán đất 400.000.000 đồng của ông Đức hiện nay đang ở đâu? Sử dụng vào việc gì? Đồng thời, ông Đức làm nghề tài xế, vậy ông mướn đất tiếp tục canh tác đến hết năm 2011 để làm gì? Và ai là người hiện đang trực tiếp canh tác đất này? Đi sâu vào phân tích cho thấy, việc ông Đức tiếp tục mướn đất canh tác có thể là nhằm đánh lừa dư luận về việc ông đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án theo kỳ hạn với ông Nghi, và việc canh tác trên đất hiện nay chắc chắn là người thân của ông Đức chứ không phải ai khác, nếu không, ông Nghi đã phát hiện ra ngay, vì ông Nghi là đại lý bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã.
Từ cơ sở lý luận như trên, Chấp hành viên tiến hành xác minh về người trực canh      trên diện tích quyền sử dụng nói trên, được biết, ông Lê Văn Nhân- là anh ruột ông Đức- đang canh tác. Bản thân ông Nhân cũng canh tác khoảng 20 công tầm cắt liền kề với ông Đức. Theo lời ông Nhân trình bày, việc Đức thiếu nợ ông Nghi anh cũng biết, nhưng Đức cho hay là đã trả xong 100.000.000 đồng vào tháng 01/2011( khi bán đất xong). Nay do đi làm xa nên không thể tiếp tục canh tác nên nhờ tôi làm tiếp và đong lúa cho vợ con của Đức có cái ăn. Thuận miệng, ông Nhân cung cấp số điện thoại cố định nơi Đức đang làm công tại thành phố Hồ Chí Minh để Chấp hành viên liên lạc, riêng địa chỉ thì ông không biết vì Đức có nói nhưng ông không nhớ.
Như vậy, chỉ còn xác định rõ số tiền 400.000.000 đồng mà Đức chuyển nhượng quyền sử đất hiện đang sử dụng vào mục đích gì thì mới có thể tiếp tục tổ chức thi hành án được, bằng không buộc phải trả đơn yêu cầu thi hành án.
Chấp hành viên đến nơi cư trú của ông Đức để tìm hiểu về mặt nhân thân và quan điểm của chính quyền địa phương đối với nhân thân của Đức. Địa phương cung cấp ông Đức là người chí thú làm ăn, bản thân không tiền án, tiền sự, luôn chăm lo cho vợ con, không cờ bạc, rượu chè, luôn được mọi người xung quanh yêu mến! Đồng thời, có nghe nói Đức mua được xe tải để chạy đường dài ở thành phố nhưng không rõ xe mấy tấn, biển kiểm soát là bao nhiêu.
 Như vậy đã rõ, Đức chắc chắn đã dùng số tiền này để mua tài sản có giá trị lớn để làm ăn, nên phải đến thành phố Hồ Chí Minh xác minh mới có thể làm rõ điều kiện thi hành án của Đức được. Thêm một khó khăn nữa là thông tin về địa chỉ của Đức rất mơ hồ, chỉ có số điện thoại cố định để liên lạc, nếu liên lạc không khéo thì sẽ hoàn toàn bế tắc. Đến đây, có hai vấn đề đặt ra. Một là thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng( Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh) nghĩa vụ thi hành án của Đức, và yêu cầu Đức phải về cơ quan thi hành án huyện An Phú làm việc. Hai là trực tiếp lên thành phố để xác minh.
Nếu thực hiện theo phương án thứ nhất, có lợi là ít tốn kém, không mất nhiều công sức nhưng vẫn bảo đảm được việc thông báo cho đương sự biết được nghĩa vụ thi hành án để thực hiện( nếu họ có ý thức tự nguyện thi hành án), nhưng không có lợi trong trường hợp người phải thi hành án cố tình không tự nguyện thi hành án, thậm chí, nếu bị đánh động có khả năng họ sẽ tìm cách tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho công tác thi hành án sau này. Nếu thực hiện theo phương án thứ hai, có hại về mặt đường sá xa xôi, địa chỉ không rõ ràng, và rất vất vả cho Chấp hành viên trực tiếp xác minh. Nhưng phương án này có lợi là đảm bảo được nguyên tắc xác minh trực tiếp, có thể làm việc trực tiếp để nắm bắt thái độ chấp hành án của ông Đức, kịp thời ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản trong trường hợp ông Đức không tự nguyện thi hành án mặc dù có điều kiện thi hành án.
Cuối cùng, Chấp hành viên quyết định thực hiện theo phương án trực tiếp xác minh tại thành phố Hồ Chí Minh, về địa chỉ nơi làm việc của ông Đức, Chấp hành viên yêu cầu tổng đài 1080 tại thành phố Hồ Chí Minh cung cấp thông qua số điện thoại cố định mà ông Nhân cung cấp, và được tổng đài cung cấp số điện thoại này là của công ty TNHH Vận tải Thanh Ngân, trụ sở chính đặt tại số 15/3 đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, thành phố Chí Minh. Về phương tiện, Chấp hành viên thuê xe ôtô làm phương tiện đi đến địa chỉ đã khảo sát được. Sau khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đi công tác xa, Chấp hành viên đi đến trụ sở công ty TNHH Thanh Ngân để làm việc. Tuy nhiên, trước ngày khởi hành, Chấp hành viên đã liên lạc với Chi cục thi hành án dân sự quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh về việc đề nghị hỗ trợ thi hành án, cũng như sắp xếp thành phần tham gia buổi giải quyết thi hành án tại Công ty TNHH Thanh Ngân đối với ông Lê Minh Đức.
Tại công ty, Chấp hành viên giải thích cho bà Thanh Ngân biết thành phần tham gia  của đoàn làm việc, mục đích của Chấp hành viên đến đây, và yêu cầu bà cung cấp cho Chấp hành viên về điều kiện thi hành án của ông Đức tại đây. Xét thấy đoàn làm việc của Chấp hành viên là hợp pháp và đúng quy định, bà Thanh Ngân nhiệt tình cung cấp các thông tin cho Chấp hành viên như sau: Đức không phải là người làm công cho bà mà là một thành viên góp vốn của công ty( Đức là cháu ruột gọi bà bằng Dì), thu nhập của Đức được chia theo tỷ lệ vốn góp hàng tháng, bình quân khoảng 30.000.000 đồng/tháng, và tài sản của Đức đóng góp vào vốn điều lệ của công ty là 02 xe tải loại 30 tấn, trị giá 500.000.0000 đồng. Hiện Đức đang có mặt tại bãi đỗ xe của công ty, cách trụ sở công ty khoảng 01 Km, nếu Chấp hành viên muốn làm việc với Đức bà sẽ điện thoại yêu cầu Đức có mặt ngay.
Đến đây, xem như việc tiến hành xác minh của Chấp hành viên đã hoàn thành đến 90%, phần còn lại là cũng cố biên bản cũng như tiến hành làm việc trực tiếp với ông Đức xem như kết quả của chuyến đi là thành công. Vì vậy, khi làm việc trực tiếp với ông Đức, Chấp hành viên luôn giữ thái độ mềm mỏng, nhẹ nhàng giải thích trách nhiệm thi hành án cho ông Đức, phân tích về tình, về lý cho ông Đức hiểu về nghĩa vụ thi hành án của mình đối với ông Nghi, đồng thời ghi nhận ý kiến trình bày của Đứa như sau: Việc ông thiếu nợ ông Nghi ông đã biết mình phải trả nợ, nhưng do ngay từ ban đầu, thu nhập chưa ổn định nên đến hạn mà chưa trả cho ông Nghi được, nay Chấp hành viên đã đến đây thì ông xin tự nguyện thi hành án, nộp ngay cho Chấp hành viên số tiền 100.000.000 đồng, trong đó,  khoản thu nhập được chia tại công ty trong 03 tháng là 90.000.000 đồng( công ty chi trả qua tài khoản mở tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển quận Thủ Đức), còn lại 10.000.000 đồng là ông tạm ứng trước với công ty, sẽ trừ lại trong tháng tiếp theo. Đối với khoản phải thi hành theo quyết định của tòa án là 100.000.000 đồng còn lại, ông cam kết sẽ nộp dứt điểm khi đến hạn( 01/8/2011), nếu không, ông hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Như vậy, bằng nhận định chính xác và quyết định đúng đắn, Chấp hành viên đã giải quyết xong hoàn toàn một việc thi hành án mà ngày từ ban đầu tưởng chừng đã bế tắc. Cho thấy, công tác xác minh điều kiện thi hành án là hết sức quan trọng trong quá trình thi hành án, nếu xác minh đúng hướng, đúng địa điểm và đúng đối tượng thì sẽ thu được kết quả xác minh rất cao, từ đó, sử dụng kết quả xác minh này vào quá trình giải quyết thi hành sẽ gặt hái được thành công ngoài mong đợi.
 Bên cạnh đó, có những trường hợp Chấp hành viên đã xác minh đầy đủ điều kiện thi hành án của đương sự nhưng vẫn chưa giải quyết thi hành án được, như trường hợp phải thi hành án sau đây.
 b. Xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp thi hành nghĩa vụ giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định:
Bản án số: 35/HNST ngày 26/12/2010 của Tòa án nhân dân huyện An Phú xét xử về việc " Ly hôn” giữa ông Lâm Chí Vĩnh, sinh năm 1982, địa chỉ ấp Vĩnh Bảo, xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú và bà Lê Thị Hoa, sinh năm 1982, địa chỉ ấp Vĩnh Bảo, xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, nội dung án tuyên: Ông Lâm Chí Vĩnh phải giao cháu Lâm Thị Như, sinh năm 2007 cho bà Lê Thị Hoa nuôi dưỡng, chăm sóc; Ông Lâm Chí Vĩnh có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 300.000 đồng cho đến khi cháu Lâm Thị Như đủ 18 tuổi.
Thụ lý thi hành theo đơn yêu cầu thi hành án của bà Lê Thị Hoa, Chi cục thi hành án dân sự huyện An Phú ra quyết định thi hành án số: 32/QĐ-THA ngày 02/02/2011 cho thi hành khoản " Ông Lâm Chí Vĩnh phải giao cháu Lâm Thị Như cho bà Lê Thị Hoa nuôi dưỡng, chăm sóc và cấp dưỡng mỗi tháng 300.000 đồng đến khi cháu Như đủ 18 tuổi” và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án.
Trình tự, Chấp hành viên ra giấy báo tự nguyện thi hành án, ấn định thời hạn tự nguyện thi hành án cho ông Vĩnh trong thời hạn 15 ngày để thực hiện nghĩa vụ và thông báo trực tiếp cho ông Lâm Chí Vĩnh quyết định thi hành án, giấy báo tự nguyện thi hành án.
Tại buổi làm việc đầu tiên với ông Vĩnh, Chấp hành viên đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của ông Vĩnh, có được một số thông tin như sau: Ông Vĩnh làm nghề nông, thu nhập ổn định, hiện đang canh tác trên phần đất của gia đình khoảng 20 công tầm cắt; gia đình ông Vĩnh hiện có 04 khẩu gồm: Cha, mẹ ông Vĩnh( năm nay đã trên 70 tuổi), ông Vĩnh và cháu Như. Sau khi ly hôn với bà Hoa, ông Vĩnh hiện đang rất khó khăn trong việc chăm sóc con nhỏ cũng như lo lắng, chăm sóc cho cha, mẹ già mất sức lao động.   Hằng ngày, ông Vĩnh có thuê một người vú nuôi để giữ cháu Như cũng như lo cơm nước trong nhà. Đồng thời, ông Vĩnh chuẩn bị cưới vợ khác trong dịp tết để có người chăm sóc cha, mẹ và cháu Như.
Theo ý kiến trình bày của ông Vĩnh, ông mong muốn được nuôi con, vì cha mẹ ông rất thương cháu. Hơn nữa, kể từ khi cháu được 01 tuổi thì bà Hoa đã bỏ nhà ra đi, để mặc ông chăm sóc con và cha, mẹ. Với lại, điều kiện kinh tế của ông rất khá giả, mặc dầu tài sản là của cha, mẹ nhưng ông là con một, nên xem như tất cả tài sản là của ông khi cha mẹ ông mất Vì vậy, ông tha thiết xin được nuôi con để có thể an tâm đảm bảo tương lai tốt đẹp cho con. Đổi lại, nếu bà Hoa muốn nhận một số tiền khoảng 30.000.000 để làm vốn, ông sẵn sàng giúp đỡ, miễn sao đừng đòi bắt con là được. Đến khi nào con lớn và hiểu biết, cháu muốn về với mẹ ông cũng bằng lòng. Nếu cơ quan thi hành tiến hành cưỡng chế buộc ông giao con, chắc cha, mẹ ông sẽ chịu không nỗi mà ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng.
Trước tình huống thế này, Chấp hành viên không biết phải xử trí thế nào, chỉ ghi nhận ý kiến của ông Vĩnh và ra về.
Qua buổi xác minh sơ bộ, Chấp hành viên trao đổi nghiệp vụ với các đồng nghiệp và thủ trưởng đơn vị để tìm hướng giải quyết. Có một số ý kiến cho rằng, cần phải xác minh các vấn đề sau: Cháu như hiện đang ở nơi nào, thời điểm thích hợp nhất để mang cháu Như đến Ủy ban nhân dân xã và giao cho bà Hoa, tình trạng sức khỏe của cha, mẹ ông Vĩnh( có bệnh tật gì, phản ứng ra sao nếu biết tin cháu Như được giao cho mẹ….), địa hình giao thông nơi tiến hành mang cháu Như đi, dư luận địa phương đối với việc tiến hành mang cháu Như giao cho mẹ… và cũng có một số ý kiến khác cho rằng: nên xác minh điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Như của bà Hoa, liệu có đảm bảo được cho cháu được ăn học tử tế hay không? Có được chăm sóc sức khỏe y tế đầy đủ hay không? Và phải xác minh được khả năng cháu Như có bị ảnh hưởng gì đến tâm lý khi giao cháu cho mẹ nuôi dưỡng hay không? Vì theo phân tích bản án, cũng như thông tin do ông Vĩnh cung cấp, bà Hoa đã bỏ rơi cháu Như khi cháu được 01 tuổi, đến nay cháu hoàn toàn ở bên cha và ông bà nội, nếu thay đổi chỗ ở đột ngột cũng như việc thay đổi người chăm sóc( người lạ) chắc chắn cháu sẽ bị ảnh hưởng.
Tổng hợp các ý kiến đã trao đổi, Chấp hành viên tiến hành việc xác minh điều kiện thi hành án. Trước hết, Chấp hành viên xác minh điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng của bà Hoa! Theo ghi nhận của Chấp hành viên do gia đình bà Hoa và ban ấp cung cấp, bà Hoa khi kết hôn với ông Vĩnh sống rất hạnh phúc, nhưng khi sinh cháu Như thì vợ chồng cứ " lục đục” hoài, bà Hoa bị cha, mẹ ông Vĩnh chì chiết là " gái độc”, chỉ sanh con gái, mà không phải là con trai để nhà ông, bà có người nối dõi tông đường. Chịu không xiết, bà Hoa giao con lại cho ông Vĩnh( vì muốn bắt đi cũng chẳng được) về nhà cha mẹ ruột làm thuê, sinh sống qua ngày. Hoàn cảnh gia đình bà Hoa thuộc hộ ngưỡng nghèo của địa phương, không ruộng đất, không tài sản có giá trị. Lý do bà Hoa muốn bắt con là vì nghe tin ông Vĩnh sắp cưới vợ nên mới yêu cầu Tòa án xử buộc ông Vĩnh giao con lại cho mình nuôi, sợ cảnh " dì ghẻ, con chồng”. Ngoài ra, Chấp hành viên còn biết được một thông tin do đồng chí trưởng ấp cung cấp riêng là bà Hoa về mặt quan hệ tình cảm rất lăng nhăng, từ khi ly thân đến nay thường quan hệ như vợ chồng với một số người đàn ông khác ngoài địa bàn xã.
Bước tiếp theo, Chấp hành viên xác minh các điều kiện thi hành án của ông Vĩnh. Qua buổi tiếp xúc với cha, mẹ ông Vĩnh, Chấp hành viên ghi nhận: Cha, mẹ ông Vĩnh tuy tuổi đã cao, nhưng sức khỏe rất tốt, trí óc còn minh mẫn, ông, bà trình bày, nếu Nhà nước đã buộc con ông phải thực hiện nghĩa vụ, thì ông không có ý kiến phản đối hay có hành vi xúi giục con ông cản trở, chống đối lại người thi hành án công vụ, nhưng ông thấy tội cho cháu Như, từ nhỏ đến nay, cháu rất quý mến ông bà nội, khi ngủ lúc nào cũng bắt bà Nội quạt mới chịu ngủ, không là mở mắt suốt, còn khi ăn hay bú sữa, phải chính ông Nội đút mới chịu, người khác đút là nhè ra, quấy khóc. Hơn nữa, ở bên cha, cháu Như được chăm sóc rất kỹ lưỡng, mỗi đợt trạm xá tiêm vắt xin cháu đều được tiêm thuốc đầy đủ. Nói chung, điều kiện sống của cháu là tương đối đầy đủ hơn so với những đứa bé khác ở địa phương. Lúc đang trò chuyện với Chấp hành viên, cháu Như vẫn ngồi trong lòng của bà Nội mà không hề quấy khóc.
Khai thác thêm thông tin về việc học hành của cháu, ba của ông Vĩnh cung cấp thêm là tựu trường tới mới gửi cháu đi học mẫu giáo, vì sợ cháu còn nhỏ quá gửi vào trường các cô chăm sóc không kỹ bằng ông bà, dù gì ông bà vẫn có kinh nghiệm nhiều hơn. Ngoài ra, Chấp hành viên còn khơi chuyện nếu ông Vĩnh lấy vợ khác thì cháu Như sẽ như thế nào, ông, bà cười bảo " đối với chúng tôi, cháu nào cũng là cháu, dù khi vợ mới của ông Vĩnh có sanh cháu trai đi chăng nữa thì ông bà vẫn thương cháu Như như trước đây”, chắc chắn ông bà sẽ lập di chúc để lại cho cháu Như một phần di sản đảm bảo cho cuộc sống sau này của cháu, vì ông bà cũng có nghĩ đến trường hợp này rồi.
 Việc xác minh tiến hành đến đây đã xem như đầy đủ: thái độ của người phải thi hành án, điều kiện thi hành án cũng như các khả năng chống đối của đương sự đều đảm bảo cho việc giải quyết thi hành án, nhưng bằng một linh cảm, Chấp hành viên quyết định tiến hành xác minh thêm một bước nữa, đó là tìm kiếm thông tin để bảo vệ quyền lợi của bà mẹ và trẻ em.
Qua buổi làm việc tại Phòng Lao động thương binh và xã hội huyện An Phú, Chấp hành viên ghi nhận: điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng hiện tại của Cha cháu Như là đảm bảo, riêng trong trường hợp của mẹ cháu thì phải suy xét lại, nếu mẹ cháu có lối sống đồi trụy thì đương nhiên là không được quyền nuôi cháu. Hiện nay, theo phán quyết của Tòa án thì buộc phải giao cháu Như lại cho mẹ cháu nuôi dưỡng là phù hợp theo Luật hôn nhân và gia đình "Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác”.
 Trên cơ sở các thông tin đã xác minh được, Chấp hành viên lưỡng lự không biết nên giao cháu Như cho bà Hoa hay không, vì giao thì rất dễ, nhưng sẽ không đảm bảo được điều kiện sống của cháu, cũng như tương lai của cháu ra sao? Còn không giao thì vi phạm pháp luật( không thi hành án). Hiện nay, Chấp hành viên thụ lý hồ sơ đang làm văn bản gửi Viện kiểm sát tỉnh An Giang và Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xem xét lại bản án theo thủ tục Giám đốc thẩm vì nội dung bản án không đề cập đến vấn đề đảm bảo quyền lợi cho cháu Như khi giao cháu Như cho mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng( không tuyên phần thay đổi người nuôi con trong trường hợp một bên không đủ điều kiện nuôi), cũng như mức cấp dưỡng mỗi tháng 300.000 đồng là quá thấp so với nhu cầu hiện tại của một đứa trẻ.

Từ những vụ việc được tiến hành trên thực tế, ta có thể thấy công tác xác minh điều kiện thi hành là hết sức khó khăn và đòi hỏi rất nhiều kỹ năng của Chấp hành viên, như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phán đoán, kỹ năng phân tích bản án, kỹ năng suy luận logic… từ đó, Chấp hành viên có thể nắm bắt được nhiều thông tin chính xác sử dụng làm kết quả xác minh và tiến hành giải quyết thi hành án. Và thông qua những trường hợp này, ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm về xác minh điều kiện thi hành án để áp dụng như sau.
 III. Bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế xác minh điều kiện thi hành án:
- Trước khi tiến hành xác minh, Chấp hành viên phải kiểm tra các điều kiện xác minh: chủ động hay theo đơn yêu cầu để tính toán chi phí xác minh phù hợp;
 - Chấp hành viên phải khai thác triệt để các thông tin có được trước khi tiến hành xác minh thông qua việc phân tích bản án, các văn bản kèm theo đơn yêu cầu thi hành án và qua sự cung cấp của người được thi hành án;
 - Quá trình xác minh, Chấp hành viên cần thiết phải lập kế hoạch xác minh, từ đó, xác định cụ thể các nội dung cần xác minh, đối tượng xác minh, đối tượng để cung cấp thông tin, thời gian, địa điểm tiến hành xác minh và phải chuẩn bị tốt tâm lý, các loại biểu mẫu, phương tiện cần thiết cho việc xác minh( Biên bản, máy ghi âm, máy chụp ảnh..);
 - Khi xác minh được một thông tin, Chấp hành viên phải phân tích và có suy luận logic đối với thông tin đó, để phán đoán được những thông tin tiếp theo cần bổ sung để có được kết quả xác minh đáp ứng quá trình giải quyết thi hành án. Ví dụ: Có số điện thoại cố định hoặc số điện thoại di động thuê bao trả sau => tên, họ, địa chỉ, số CMND của thuê bao => có tài sản hay không? Hoặc cha, mẹ người phải thi hành chết => Có di chúc hay không? di sản thừa kế còn hay không?  Thời hiệu chia thừa kế đã hết hay chưa? => có điều kiện thi hành án hay không?
 - Quá trình xác minh, Chấp hành viên phải trực tiếp tiến hành xác minh để đảm bảo tính khách quan của kết quả xác minh, khi giao cho thư ký giúp việc phải có sự kiểm tra lại; khi xác minh phải đảm bảo tính chặt chẽ và đầy đủ các thông tin, đáp ứng đúng mục đích xác minh để giải quyết thi hành án, tránh tình trạng xác minh tràn lan hoặc sơ sài, ảnh hưởng đến kết quả xác minh và kết quả giải quyết thi hành án. Ví dụ: trường hợp thi hành nghĩa vụ buộc nhận người lao động trở lại làm việc không cần phải xác minh tài sản riêng, tài sản chung của giám đốc công ty; còn trường hợp thi hành nghĩa vụ trả giấy tờ thì đừng xác minh nội dung đương sự có nhà lầu, xe hơi …
 - Trên cơ sở những thông tin đã xác minh, Chấp hành viên phải tổng hợp và kiểm tra tính xác thực của thông tin, đưa ra trao đổi, bàn bạc với các đồng nghiệp khác để tìm hướng giải quyết thi hành án thích hợp trên cơ sở kết quả thông tin đã tổng hợp;
 - Ngoài ra, Chấp hành viên phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn về xác minh điều kiện thi hành án để ứng dụng trên thực tế, đảm bảo cho việc xác minh có kết quả và sử dụng được kết quả xác minh trong quá trình giải quyết thi hành án, hoàn thành nhiệm vụ được phân công.
  
Xác minh điều kiện thi hành án là một nghiệp vụ của Chấp hành viên trong việc tìm kiếm các thông tin phục vụ công tác giải quyết việc thi hành án. Tiến trình xác minh đòi hỏi Chấp hành viên phải vận dụng rất nhiều kỹ năng để có thể nắm bắt được thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, người được thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Từ đó, Chấp hành viên mới có được kết quả xác minh đáp ứng được mục đích, yêu cầu phục vụ cho công tác tổ chức thi hành án của mình.
 Thông qua kết quả xác minh, Chấp hành viên sẽ mạnh dạn tiến hành các bước giải quyết thi hành án tiếp theo trong quá trình tổ chức thi hành quyết định thi hành án. Kết quả xác minh tốt, đầy đủ, Chấp hành viên sẽ nhanh chóng và thuận lợi để giải quyết thi hành án, nếu xác minh sơ sài, không chặt chẽ, Chấp hành viên sẽ bế tắc trong việc tìm ra hướng giải quyết cho hồ sơ thi hành án. Dẫn đến trường hợp kéo dài thời gian thi hành án, tạo điều kiện cho người phải thi hành án chây ỳ, không tự nguyện thi hành án, thậm chí có trường hợp người phải thi hành án tẩu tán tài sản mà không bị phát hiện, nếu bị khiếu nại sẽ phải bồi thường.
 Vì vậy, bản thân mỗi Chấp hành viên phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc đặt ra, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị cũng như của ngành thi hành án dân sự./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét