Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Hoàn thiện pháp luật về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài

Pháp luật về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự (BA-QĐDS) của Tòa án nước ngoài (TANN) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan trong trường hợp BA-QĐDS của TANN có nhu cầu thi hành tại Việt Nam. Một trong những nội dung quan trọng của pháp luật trong lĩnh vực này là việc xác định phạm vi các BA-QĐDS của TANN có thể được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, bởi vấn đề này có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc. Bài viết phân tích quy định của pháp luật hiện hành, so sánh với kinh nghiệm lập pháp quốc tế, đề xuất các kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật[1].

1. Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài
Pháp luật Việt Nam hiện hành tiếp cận khái niệm phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài ở phạm vi hẹp, nghĩa là chỉ bao gồm các bản án, quyết định do TANN ban hành. Tuy nhiên, phạm vi các bản án, quyết định của TANN cũng khác nhau trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như văn bản pháp luật trong nước mà điển hình là Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004.
1.1.  Quy định của các Hiệp định tương trợ tư pháp (TTTP) mà Việt Nam là thành viên
Đến thời điểm hiện tại, chỉ có các Hiệp định TTTP mà Việt Nam ký kết với các nước là có quy định về vấn đề công nhận và cho thi hành BA-QĐDS của TANN. Xem xét nội dung của các hiệp định, chúng ta thấy nội hàm khái niệm phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài rất khác nhau ở từng hiệp định cụ thể:
Theo Điều 51, Điều 52 Hiệp định TTTP giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam và Liên bang Nga năm 1999, thì bản án, quyết định của TANN gồm hai loại: quyết định về các vụ kiện không mang tính chất tài sản; và quyết định về các vụ kiện mang tính chất tài sản. Quyết định về các vụ kiện không mang tính chất tài sản bao gồm: “1. Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về các vụ kiện dân sự không mang tính chất tài sản do Toà án của bên ký kết này tuyên được công nhận trên lãnh thổ của bên ký kết kia…; 2. Quyết định về những vụ kiện hôn nhân, gia đình không mang tính chất tài sản của các cơ quan khác, không phải là Toà án”.Còn quyết định về các vụ kiện mang tính chất tài sản bao gồm: “Bản án, quyết định của Toà án về các vụ kiện dân sự; Phần bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra trong bản án, quyết định hình sự của Toà án; Thoả thuận của các đương sự tại phiên toà về giải quyết vụ kiện dân sự mang tính chất tài sản được Toà án công nhận và văn bản công chứng có hiệu lực thi hành theo pháp luật của Bên ký kết nơi được công chứng”.
Hiệp định TTTP giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Mông Cổ năm 2000 cũng có cách định nghĩa về bản án, quyết định của TANN tương tự với Hiệp định TTTP  giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Liên bang Nga năm 1999. Theo đó, BA-QĐDS của TANN gồm hai loại: quyết định về các vấn đề không mang tính chất tài sản; quyết định về các vấn đề mang tính chất tài sản. Quyết định về các vấn đề không mang tính chất tài sản bao gồm: “Các quyết định đã có hiệu lực về các vấn đề dân sự (bao gồm cả lao động) và gia đình không mang tính chất tài sản do cơ quan tư pháp, cơ quan hộ tịch, cũng như cơ quan giám hộ và trợ tá của Bên ký kết này đã ra”. Quyết định về các vấn đề mang tính chất tài sản bao gồm: “Các quyết định của Tòa án về các vấn đề dân sự (bao gồm cả lao động) và gia đình mang tính chất tài sản; Các thoả thuận hoà giải do Toà án công nhận; Các quyết định về bồi thường thiệt hại trong các bản án hình sự”.
Tương tự, Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Belarut năm 2000 quy định, bên cạnh các BA-QĐDS do Tòa án của các bên ký kết ban hành thì quyết định về những vụ kiện hôn nhân, gia đình, lao động của các cơ quan khác không phải là Tòa án cũng được xem xét công nhận và cho thi hành trên lãnh thổ của nhau (khoản 2 Điều 56).
Như vậy, các Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Mông Cổ, Belarut tiếp cận khái niệm phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài theo nghĩa rộng, bao gồm bản án, quyết định của Tòa án và quyết định do các cơ quan khác không phải là Tòa án ban hành. Tuy nhiên, một số Hiệp định TTTP khác lại tiếp cận khái niệm phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài theo nghĩa hẹp. Cụ thể:
Điều 15 Hiệp định TTTP giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1999 quy định:“Các quyết định của Tòa án nói trong Hiệp định này ở Cộng hòa XHCN Việt Nam bao gồm: BA-QĐDS và biên bản hòa giải của Tòa án; Ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bao gồm: phán quyết, tài định và biên bản hòa giải của Tòa án”. Cụ thể bao gồm: “Các quyết định của Toà án về các vấn đề dân sự; Các quyết định của Toà án về việc bồi thường thiệt hại dân sự trong bản án hình sự”.
Điều 44 Hiệp định TTTP giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 1999 quy định: Nước ký kết này sẽ công nhận và thi hành bản án, quyết định sau đây của Nước ký kết kia trên lãnh thổ nước mình theo quy định của Hiệp định này: “1. BA-QDDS, kể cả bản án, quyết định của Toà án về lao động, hôn nhân, thừa kế và các bản án, quyết định khác ghi trongHiệp định này; 2. Quyết định về phần tài sản trong bản án hình sự”.
Các Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Cuba năm 1984, Hungary năm 1985, Bungary năm 1986… đều có các quy định tương tự.
Như vậy, các Hiệp định TTTP đều không đưa ra định nghĩa về bản án, quyết định của TANN mà áp dụng phương pháp liệt kê các loại bản án, quyết định của Tòa án nước ký kết này sẽ được công nhận và cho thi hành trên lãnh thổ của nước ký kết kia. Xem xét quy định của các Hiệp định TTTP, chúng ta thấy phạm vi các phán quyết được xem là BA-QĐDS do Tòa án ban hành cũng rộng hẹp khác nhau. Nếu Hiệp định TTTP giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Liên bang Nga năm 1999 cũng như Hiệp định TTTP giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Mông Cổ năm 2000 quy định phạm vi các BA-QĐDS của Tòa án ban hành rất rộng, bao gồm các bản án, quyết định không mang tính chất tài sản; bản án, quyết định mang tính chất tài sản trong lĩnh vực dân sự; Thoả thuận của các đương sự tại phiên toàvà cả các văn bản công chứng có hiệu lực thi hành theo pháp luật của Bên ký kết nơi được công chứng, có thể là bản án, quyết định do Tòa án ban hành nhưng cũng có thể là quyết định trong lĩnh vực dân sự do cơ quan khác không phải là Tòa án ban hành (cơ quan tư pháp, cơ quan hộ tịch, cơ quan giám hộ…) thì phạm vi các BA-QĐDS của Tòa án ban hành theo Hiệp định TTTP giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 1999 lại rất hẹp, chỉ bao gồm BA-QĐDS về lao động, hôn nhân, thừa kế và các quyết định về phần tài sản trong bản án hình sự do Tòa án ban hành. Vì các Hiệp định TTTP chỉ liệt kê mà không định nghĩa BA-QĐDS của TANN, nên không có cơ sở để đánh giá quy định của Hiệp định TTTP nào là phù hợp, đúng đắn. Tuy nhiên, một đặc điểm chung có thể rút ra được, là đa số các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì phạm vi các phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài được hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ bao gồm các BA-QĐDS do Tòa án ban hành. Đặc điểm này sẽ được thể hiện đậm nét trong pháp luật quốc gia của các nước là thành viên của điều ước.
Một vấn đề nữa cần xem xét trong quy định của các Hiệp định TTTP về cách tiếp cận khái niệm bản án, quyết định của TANN là việc phân nhóm các bản án, quyết định. Theo các hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Cộng hòa nhân dân Mông Cổ có hai nhóm bản án, quyết định của TANN là bản án, quyết định không mang tính chất tài sản và bản án, quyết định mang tính chất tài sản. Việc phân nhóm này không có nhiều ý nghĩa trong việc xem xét nội dung của bản án, quyết định nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định các điều kiện để công nhận và cho thi hành bản án, quyết định đó như điều kiện đối với tư cách chủ thể nộp đơn yêu cầu, điều kiện về nơi cư trú, tài sản của bên phải thi hành và quan trọng nhất là xác định trình tự, thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định đó. Quy định của các điều ước quốc tế cũng như pháp luật các nước đều phân định rõ thủ tục công nhận đối với bản án, quyết định chỉ có yêu cầu công nhận và thủ tục cưỡng chế thi hành đối với bản án, quyết định có nhu cầu thi hành. Việc không phân định rõ hai loại bản án, quyết định này sẽ kéo theo nhiều vấn đề phát sinh trong việc xây dựng quy định pháp luật cũng như áp dụng pháp luật vào thực tiễn[2]. Cụ thể: theo Hiệp định TTTP giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Liên bang Nga thì đối với việc công nhận bản án, quyết định về các vụ kiện dân sự không mang tính chất tài sản thì không cần phải có một thủ tục tố tụng đặc biệt nào (đương nhiên công nhận) nhưng đối với việc công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định mang tính chất tài sản thì buộc phải trải qua trình tự, thủ tục công nhận và thi hành.
1.2. Quy định của BLTTDS 2004
Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về BA-QĐDS của TANN được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam tập trung trong BLTTDS năm 2004. Điều 342 BLTTDS 2004 vềBA-QĐDS của TANN, quyết định của Trọng tài nước ngoài” quy định: “1. BA-QĐDS của TANN là bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của TANN và bản án, quyết định khác của TANN mà theo pháp luật của Việt Nam được coi là BA-QDDS”.Từ quy định này, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét sau:
Thứ nhất, BLTTDS năm 2004 tiếp cận khái niệm phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài theo nghĩa hẹp, chỉ bao gồm bản án, quyết định của TANN, quyết định của Trọng tài nước ngoài. Đối với bản án, quyết định của Tòa án, theo quy định của BLTTDS năm 2004, chỉ những bản án, quyết định được tuyên bởi cơ quan tài phán nước ngoài có tên gọi là Tòa án mới được xem xét công nhận và cho thi hành ở Việt Nam. Bên cạnh đó, BLTTDS năm 2004 hoàn toàn căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam để xác định phạm vi bản án, quyết định của TANN. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như đặc điểm của pháp luật quốc gia về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN là pháp luật trong nước đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, việc tiếp cận khái niệm phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài theo nghĩa hẹp trong một số trường hợp trên thực tế đã gây khó khăn cho các chủ thể có nhu cầu công nhận tại Việt Nam một phán quyết nhưng không do Tòa án tuyên.
Thứ hai, BLTTDS năm 2004 không phân định BA-QĐDS của TANN thành bản án, quyết định không mang tính chất tài sản và bản án, quyết định mang tính chất tài sản. Như đã phân tích, việc phân nhóm này không có nhiều ý nghĩa khi xem xét nội dung của bản án, quyết định nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định các điều kiện cũng như trình tự, thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định đó. Những quy định của BLTTDS năm 2004 về trình tự, thủ tục công nhận và cho thi hành cho thấy sự lúng túng của nhà làm luật trong việc xây dựng một trình tự, thủ tục hợp lý đối với tính chất của từng loại bản án, quyết định mà nguyên nhân quan trọng nhất chính là việc không phân định rõ hai loại BA-QĐDS của TANN.
Thứ ba, những văn bản do một số cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không phải là Tòa án ban hành không được xem là bản án, quyết định của TANN tại Việt Nam. Xuất phát từ nguyên tắc Luật Tòa án (Lex fori) trong tố tụng dân sự quốc tế, Tòa án các quốc gia trong quá trình hoạt động chỉ tuân theo pháp luật tố tụng của nước mình. Vì vậy, thẩm quyền của Tòa án Việt Nam chỉ tuân theo pháp luật tố tụng của Việt Nam và chắc chắn là sẽ khác thẩm quyền của TANN. Chính nguyên nhân này dẫn đến trên thực tế có những vụ việc dân sự ở nước ngoài không do Tòa án giải quyết, nhưng tại Việt Nam lại do Tòa án giải quyết (ly hôn chẳng hạn). Vì thế, các quyết định này nếu có nhu cầu công nhận tại Việt Nam sẽ không được xem là BA-QĐDS của TANN theo quy định của BLTTDS năm 2004.
Thứ tư, phạm vi BA-QĐDS được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo quy định của BLTTDS năm 2004 hẹp hơn một số Hiệp định TTTP ký giữa Việt Nam với các nước. Điều này đã dẫn đến tình trạng bản án, quyết định của TANN được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam rộng hơn khái niệm bản án, quyết định của TANN theo quy định của BLTTDS năm 2004. Dĩ nhiên rằng, trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của pháp luật trong nước và quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì quy định của điều ước quốc tế sẽ được ưu tiên áp dụng. Tuy nhiên, xét ở góc độ kỹ thuật lập pháp, rõ ràng đã không có sự tương đồng giữa pháp luật trong nước với quy định trong từng điều ước quốc tế cụ thể mà Việt Nam là thành viên.
Tóm lại, xem xét quy định của các Hiệp định TTTP mà Việt Nam là thành viên cũng như quy định của BLTTDS năm 2004 về khái niệm BA-QĐDS của TANN, chúng ta thấy, bên cạnh những điểm tương đồng vẫn còn rất nhiều điểm khác biệt trong kỹ thuật lập pháp cũng như quy định cụ thể giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế. Những khác biệt này cần thiết phải được xem xét và điều chỉnh để đảm bảo hiệu lực điều chỉnh của các quy định pháp luật trên thực tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam.
2. Đề xuất góp phần hoàn thiện pháp luật Việt Nam
2.1. Thay đổi cách tiếp cận
Cách tiếp cận của BLTTDS năm 2004 (trước đây là Pháp lệnh Công nhận và Thi hành tại Việt Nam BA-QĐDS của TANN năm 1993)là liệt kê cụ thể tên của cơ quan tài phán nước ngoài ban hành phán quyết và tên của phán quyết nước ngoài. Cách tiếp cận này dẫn đến phạm vi các phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam rất hẹp, chỉ bao gồm các phán quyết có tên gọi là bản án, quyết định và phải do TANN ban hành. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến trên thực tế có rất nhiều quyết định của nước ngoài có nhu cầu và cần phải được công nhận tại Việt Nam để bảo vệ lợi ích chính đáng của của công dân Việt Nam nhưng đã không được Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận, do không phải là quyết định của TANN ban hành.
Ví dụ như, đối với các văn bản đăng ký thay đổi liên quan đến việc kết hôn, ly hôn trước cơ quan hộ tịch nước ngoài đều không được công nhận tại Việt Nam khi công dân Việt Nam có nhu cầu kết hôn hoặc ly hôn tại Việt Nam bởi theo pháp luật một số nước và vùng lãnh thổ (như Hàn Quốc, Đài Loan) thì thẩm quyền giải quyết các vấn đề này không chỉ bao gồm Tòa án như tại Việt Nam. Để tạm thời giải tỏa ách tắc về vấn đề này, trước khi BLTTDS năm 2004 được ban hành (từ năm 1998 – năm 2005) Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 Về đăng ký hộ tịch quy định về việc ghi chú vào Sổ đăng ký hộ tịch các việc ly hôn đã tiến hành trước cơ quan hộ tịch có thẩm quyền của nước ngoài. Sau khi BLTTDS năm 2004 có hiệu lực thi hành (01/01/2005) Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 Về đăng ký và quản lý hộ tịch thay thế Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998. Nghị định số 158/2005/NĐ-CP đã không có quy định nào về việc ghi chú hộ tịch những thay đổi về hộ tịch như Nghị định số 83/1998/NĐ-CP vì lý do BLTTDS năm 2004 đã quy định vấn đề công nhận và cho thi hành BA-QĐDS của TANN. Nhằm tạm thời khắc phục tình trạng ách tắc hồ sơ, giải quyết bức xúc và góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 16/2010/TT-BTP ngày 08/10/2010 “Hướng dẫn việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài”. Tuy nhiên, tất cả những biện pháp trên đây chỉ là giải pháp tạm thời và cũng chỉ áp dụng đối với vấn đề ly hôn mà chưa thể giải quyết được toàn bộ các vấn đề liên quan đến các quyết định không do TANN ban hành có nhu cầu công nhận tại Việt Nam.
So sánh với quy định của các điều ước quốc tế, pháp luật các nước trên thế giới, chúng ta thấy việc hạn chế phạm vi các phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài trong giới hạn các bản án, quyết định do TANN ban hành của pháp luật Việt Nam tỏ ra không còn phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế và quan trọng nhất, không đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tiễn tại Việt Nam hiện nay. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị, cần thay đổi cách tiếp cận khái niệm phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài trong pháp luật Việt Nam theo hướng không liệt kê cụ thể tên gọi của phán quyết và tên của cơ quan ban hành ra phán quyết đó. Về nguyên tắc, phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài bao gồm mọi phán quyết trong lĩnh vực dân sự, không phụ thuộc vào tên gọi và tên cơ quan ban hành, nếu có nhu cầu công nhận và thi hành tại Việt Nam sẽ được xem xét giải quyết nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật Việt Nam quy định. Thật ra, cách tiếp cận này đã áp dụng trong Hiệp định TTTP giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Liên bang Nga năm 1999 và Hiệp định TTTP giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Mông Cổ năm 2000. Tuy nhiên, đây là hai điều ước quốc tế song phương, chỉ có giá trị ràng buộc đối với những nước là thành viên của điều ước mà không phải là các nguyên tắc chung của pháp luật Việt Nam. Việc thay đổi cách tiếp cận là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh yêu cầu công nhận các quyết định không do TANN ban hành không ngừng gia tăng tại Việt Nam trong thời gian gần đây, đồng thời góp phần quan trọng làm cho pháp luật Việt Nam phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế, một trong những yêu cầu quan trọng của pháp luật trong quá trình hội nhập quốc tế.
2.2. Phân định hai loại phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài: phán quyết không có tính chất tài sản và phán quyết có tính chất tài sản
Như đã phân tích, việc phân định hai loại phán quyết như trên không có nhiều ý nghĩa khi xem xét nội dung của bản án, quyết định, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định các điều kiện cũng như trình tự, thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định đó. Việc BLTTDS năm 2004 không phân định rõ hai loại bản án, quyết định này đã dẫn đến sự nhầm lẫn trong việc quy định về điều kiện về tài sản của bên phải thi hành khi bên có yêu cầu công nhận tại Việt Nam một quyết định không mang tính chất tài sản và thủ tục không công nhận và cho thi hành đối với bản án, quyết định chỉ có nhu cầu công nhận tại Việt Nam thể hiện từ Điều 350 đến Điều 363 BLTTDS năm 2004. Thực tiễn cho thấy, rất nhiều trường hợp chính các điều kiện do BLTTDS năm 2004 đặt ra đã hạn chế khả năng bảo vệ các lợi ích hợp pháp của các chủ thể có nhu cầu công nhận tại Việt Nam bản án, quyết định của TANN. Để khắc phục các vấn đề này, chúng tôi kiến nghị, trong quy định của pháp luật Việt Nam về phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài có nhu cầu công nhận và thi hành tại Việt Nam, cần phân định rõ những bản án, quyết định không mang tính chất tài sản chỉ có nhu cầu công nhận và những bản án, quyết định mang tính chất tài sản có nhu cầu thi hành tại Việt Nam để đảm bảo cho việc xây dựng các quy định về các điều kiện cũng như trình tự, thủ tục công nhận và cho thi hành phù hợp với tính chất của từng loại bản án, quyết định./.


[1] Trong phạm vi bài viết, tác giả không đề cập đến các vấn đề có liên quan đến việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.
[2] Xem thêm: Bành Quốc Tuấn, Hoàn thiện pháp luật về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam BA-QĐDS của TANN, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 5, tháng 3/2011.

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét