Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Bàn về nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự


Tóm tắtTrên cơ sở nghiên cứu các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 2003 hiện hành, tác giả đã bàn về nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, phân tích nội dung, những vướng mắc để từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 liên quan đến nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
Trong số những nguyên tắc cơ bản qui định tại Chương II Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS) có nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong cùng vụ án hình sự làm định hướng cho cho toàn bộ quá trình giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT). Khi áp dụng nguyên tăc này, nhiều vấn đề bất cập nảy sinh ảnh hưởng tới tính khách quan, công bằng không chỉ đối với những nội dung của trách nhiệm dân sự mà cả việc xác định trách nhiệm hình sự (TNHS) của những người tham gia tố tụng. Vì vậy, đòi hỏi phải làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn cũng như việc đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật liên quan đến nguyên tắc và đó là nội dung của bài viết này.
1. Hành vi phạm tội xảy ra không chỉ xâm hại đến những quan hệ do pháp luật hình sự bảo vệ mà còn gây thiệt hại cho các quan hệ dân sự nên có hai loại trách nhiệm được đặt ra khi giải quyết vụ án hình sự, đó là: TNHS và trách nhiệm dân sự. Vấn đề dân sự có được giải quyết cùng với vụ án hình sự hay không trong luật mỗi nước lại qui định lại khác nhau tùy vào đặc điểm kinh tế, xã hội và pháp luật quốc gia đó. Có thể khái quát ở ba cách thức sau:
a) Tách vấn đề dân sự để giải quyết trong vụ án dân sự và do đó trong Luật tố tụng hình sự không quy định trình tự, thủ tục giải quyết vấn đề dân sự. Những nước theo hệ thống pháp luật Common Law mà đại diện điển hình là Vương quốc Anh tiêu biểu cho cách thức giải quyết này. Pháp luật những nước này có sự tách biệtrạch ròi giữa trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự trên cơ sở quan niệm một hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại có thể dẫn đến hai tố quyền là tố quyền hình sự và tố quyền dân sự nên cần phải được giải quyết bằng hai vụ án với hai trình tự, thủ tục khác biệt nhau. Tố quyền hình sự sẽ chỉ giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự còn hành vi gây thiệt hại ngoài hợp đồng được giải quyết trong vụ án dân sự. Chính vì vậy, trong Luật tố tụng hình sự của các nước theo hệ thống pháp luật Common Law không có điều luật nào quy định về việc giải quyết vấn đề dân sự. Luật điều tra và tố tụng hình sự của Vương quốc Anh được Nữ hoàng thông qua, với sự tư vấn và đồng thuận của các Nghị sĩ thuộc cả Thượng viện và Hạ viện ngày 4 tháng 7 năm 1996 với kết cấu khá đồ sộ gồm 7 phần chính và phần phụ lục. Điều đáng nói là ở cả 7 phần và 5 phụ lục đều không có phần nào quy định về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến trách nhiệm dân sự do hành vi phạm tội gây ra, cũng không có quy định nào nói về nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án như trong pháp luật của Việt Nam và các nước theo hệ thống pháp luật Civil Law.
b) Vấn đề dân sự được giải quyết đồng thời với trách nhiệm hình sự trong cùng vụ án hình sự nhưng không được coi là một nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hình sự. Pháp luật của các nước theo hệ thống Civil Law mà đại diện điển hình là Cộng hoà Pháp thừa nhận và giải quyết vấn đề dân sự phát sinh do hành vi phạm tội gây ra trong cùng vụ án hoặc có thể tách vấn đề dân sự để giải quyết riêng trong vụ án dân sự. Tuy có qui định như vậy nhưng việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự không trở thành một nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hình sự. Tại Thiên mở đầu “Quyền công tố và quyền kiện về dân sự” với những quy định chung, BLTTHS Pháp đã khẳng định việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và được quy định cụ thể tại nhiều điều luật trong bộ luật này. Theo đó, khi xét xử hình sự trên cơ sở quyết định khởi tố của Viện Công tố, Tòa hình sự vẫn có thể quyết định những biện pháp thẩm cứu chỉ liên quan đến lợi ích dân sự nhưng phải áp dụng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Tại Điều 3 Luật tố tụng Hình sự của nước Cộng hoà Pháp quy định: “Có thể thực hiện đồng thời quyền khởi kiện về dân sự và quyền công tố trước cùng một Tòa án. Có thể kiện về dân sự đối với tất cả các thiệt hại vật chất, thể xác cũng như tinh thần do hành vi bị truy tố gây ra”. Điều luật này đã xác định người bị hại hay nguyên đơn dân sự có quyền kiện về dân sự đối với các thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần do hành vi phạm tội gây ra trước Tòa hình sự, do đó có thể hiểu việc kiện dân sự có thể được giải quyết cùng với việc xét xử về hình sự. Tại Điều 4 Bộ luật này quy định: “Cũng có thể thực hiện quyền khởi kiện về dân sự mà không cần khởi tố hình sự. Tuy nhiên, phần dân sự của vụ án sẽ chưa được xét xử chừng nào phần hình sự của vụ án chưa được xét xử xong, nếu đã khởi tố hình sự”. Điều này có nghĩa là có thể tách phần dân sự trong vụ án hình sự ra để giải quyết riêng bằng một vụ án dân sự. Tuy nhiên, nếu vụ án hình sự đã được khởi tố thì phải đợi Toà án xét xử xong phần hình sự thì mới được xét xử phần dân sự. Nếu phần dân sự trong vụ án hình sự đã được khởi kiện trước Toà Dân sự có thẩm quyền thì không được kiện trước Toà hình sự, trừ trường hợp Viện Công tố đã khởi tố hình sự trước khi Toà án dân sự ra bản án xét xử về nội dung. Quyết định về phần dân sự trong vụ án hình sự sẽ được thực hiện sau khi ra quyết định về phần hình sự và việc xem xét, quyết định về phần dân sự sẽ tuân theo một thủ tục khác, đơn giản hơn. Điều 371 quy định: “Sau khi đã ra quyết định về hình sự, Toà đại hình, không có đoàn bồi thẩm tham dự, xem xét các yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn dân sự đối với bị cáo hoặc đối với nguyên đơn dân sự. Tòa ra quyết định sau khi nghe các bên đương sự và Viện Công tố phát biểu ý kiến. Tòa có thể uỷ thác một thành viên của Tòa nghe các bên đương sự trình bày, tìm hiểu tài liệu và trình bày báo cáo trước Tòa, tại đây các bên đương sự và Viện Công tố vẫn có thể phát biểu ý kiến”. Những người bị kết án về cùng một trọng tội có nghĩa vụ liên đới trong việc bồi hoàn và bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, Tòa án có thể quyết định buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm liên đới cùng với đồng phạm và tòng phạm trong việc nộp tiền phạt. Đối với các vụ án được xét xử tại Tòa tiểu hình thì người bị thiệt hại có quyền xin đứng nguyên đơn dân sự trước và tại phiên toà. Tuy nhiên, việc xin đứng nguyên đơn phải được thực hiện trước khi Viện Công tố trình bày các yêu cầu về nội dung hoặc nếu Tòa án đã ra quyết định hoãn tuyên hình phạt thì phải được thực hiện trước khi Viện Công tố trình bày các yêu cầu về hình phạt. Như vậy, có thể hiểu BLTTHS Pháp đã quy định về vấn đề trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự thông qua việc quy định về các chủ thể tham gia tố tụng là nguyên đơn dân sự và bị cáo, người phải chịu trách nhiệm dân sự.
Vấn đề dân sự phát sinh do việc thực hiện hành vi phạm tội được giải quyết theo cách thức này còn được qui định trong Luật tố tụng hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 1997, Luật tố tụng hình sự Cộng hòa Liên bang Đức, Luật tố tụng hình Liên bang Nga 2001.
c) Vấn đề dân sự được giải quyết đồng thời với trách nhiệm hình sự trong cùng vụ án hình sự và được qui định là một nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hình sự. Cách thức này không những qui định việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự mà còn coi đó là một nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự. BLTTHS Việt Nam 2003 tiêu biểu cho cách thức này. Theo đó, khi giải quyết vụ án hình sự mà tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản… của cá nhân, tổ chức thì ngoài việc điều tra, truy tố, xét xử về hình sự, áp dụng hình phạt đối với người phạm tội, các CQTHTT còn phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại theo qui định của pháp luật. Luật tố tụng hình sự Việt Nam từ năm 1945 đã quy định vấn đề dân sự phát sinh do việc thực hiện tội phạm được giải quyết đồng thời với TNHS trong cùng vụ án hình sự, nhưng chỉ đến BLTTHS 2003 mới được coi là một nguyên tắc cơ bản. Việc quy định giải quyết vấn đề dân sự phát sinh do việc thực hiện tội phạm trong cùng vụ án hình sự là một nguyên tắc cơ bản không những có ý nghĩa quan trọng đảm bảo tính khách quan, nhanh chóng, kịp thời trong việc giải quyết vụ án, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng mà còn có ý nghĩa tích cực trong đấu tranh phòng và chống tội phạm.
Khi thực hiện hành vi phạm tội, một mặt người phạm tội phải chịu TNHS, mặt khác họ còn phải chịu trách nhiệm dân sự với tính chất là một chế tài được áp dụng đối với người gây thiệt hại. Do đó, khi áp dụng trách nhiệm dân sự đối với người phạm tội không chỉ làm tăng khả năng trừng trị mà còn có ý nghĩa giáo dục đối với bản thân họ và có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Hơn nữa, quan hệ dân sự trong vụ án hình sự không đơn thuần chỉ là một quan hệ dân sự thông thường mà việc thực hiện trách nhiệm dân sự của bị can, bị cáo còn nhằm thực hiện trách nhiệm hình sự của họ. Chẳng hạn, trường hợp người phạm tội bị buộc trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại do họ gây ra là để thực hiện một biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 42 BLHS 1999, tức là để thực hiện một yêu cầu của trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, việc giải quyết vấn đề dân sự có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, đồng thời còn có giá trị như là chứng cứ để chứng minh về tội phạm, là cơ sở để áp dụng trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo.
Quy định giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có ý nghĩa đối với việc bảo đảm tôn trọng các quyền cơ bản của công dân. Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì công dân được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Mọi hành vi gây thiệt hại đến tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và xâm hại tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, của cá nhân đều phải bồi thường và xử lý theo pháp luật.
Quy định giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự còn có ý nghĩa đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được chính xác, nhanh gọn, đỡ tốn kém về thời gian, công sức, bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan khi bị tội phạm xâm hại. Nhiều chứng cứ trong vụ án hình sự có thể làm cơ sở cho việc giải quyết vấn đề dân sự. Ngoài ra, những đặc điểm đặc trưng của tố tụng hình sự về các nguyên tắc, thủ tục, thời hạn, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng so với những đặc điểm của tố tụng dân sự cũng góp phần tăng tính khả thi trong việc thực hiện các quyết định về dân sự trong vụ án hình sự.
2. Chương II BLTTHS 2003 qui định những nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hình sự, trong đó có nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (Điều 28 BLTTHS) [1]. Nguyên tắc cơ bản này có những đặc điểm sau:
a) Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hình sự nên nó chứa đựng những nội dung thể hiện phương châm, định hướng của Đảng và Nhà nước ta là giải quyết vấn đề dân sự cùng với TNHS trong vụ án hình sự, không tách riêng vấn đề dân sự để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự như pháp luật của một số nước [2]. Mặt khác, do đây là một nguyên tắc cơ cơ bản của Luật tố tụng hình sự nên định hướng này chi phối toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án có vấn đề dân sự nảy sinh do việc thực hiện tội phạm. Vì vậy trong quá trình tố tụng, ngoài việc phải chứng minh và giải quyết phần trách nhiệm hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải chứng minh và giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án một cách chính xác, khách quan, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Định hướng này không những có tác dụng giải quyết triệt để, khách quan những quan hệ dân sự phát sinh do việc thực hiện tội phạm mà còn góp phần làm sáng tỏ những nội dung thuộc trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong việc định tội danh và định khung hình phạt hoặc việc khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Vì vậy, quan niệm cho rằng giải quyết trách nhiệm dân sự phát sinh do việc thực hiện tội phạm chỉ xuất hiện ở giai đoạn xét xử và thuộc thẩm quyền của Tòa án là không đúng với qui định của Điều 28 BLTTHS 2003 về nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Nguyên tắc này đòi hỏi ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án hình sự vấn đề dân sự đã phải là một trong những nội dung cần phải thu thập chứng cứ đề chứng minh làm rõ và thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Tòa án, với chức năng của mình trên cơ sở những chứng cứ đã thu thập được của Cơ quan điều tra và trong phạm vi quyết định truy tố của Viện kiểm sát tiến hành xét xử, ra phán quyết những vấn đề thuộc trách nhiệm dân sự cùng với việc giải quyết những nội dung của trách nhiệm hình sự trong cùng một bản án.
b) Nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự chỉ có phạm vi áp dụng đối với những quan hệ về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng xuất hiện do việc thực hiện tội phạm. Có nhiều vấn đề dân sự phát sinh do việc thực hiện tội phạm gây thiệt hại cho các quan hệ dân sự, bao gồm: Hành vi phạm tội xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tài sản thì ngoài việc làm phát sinh trách nhiệm hình sự còn làm phát sinh trách nhiệm dân sự của những người tham gia tố tụng. Hoặc những vấn đề có liên quan đến tiền và tài sản như: tang vật, án phí, tịch thu vật, tiền hoặc tài sản do phạm tội mà có, đòi lại tài sản, đòi bồi thường thiệt hại… Tuy nhiên, không phải tất cả vấn đề dân sự nào liên quan đến tiền hoặc tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết cũng đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của nguyên tắc qui định tại Điều 28 BLTTHS. Theo đó, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự chỉ bao gồm việc đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt, đòi bồi thường giá trị tài sản do bị can, bị cáo chiếm đoạt nhưng bị mất hoặc bị huỷ hoại, buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng, đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Nói cách khác, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự chỉ được xác định trong phạm vi “trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” theo quy định tại chương XXI Bộ luật dân sự là những quan hệ bồi thường thiệt hại phát sinh do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của tổ chức, cá nhân bị tội phạm xâm hại.
c) Vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được giải quyết khi khởi tố vụ án hình sự mà không cần có đơn khởi kiện của đương sự. Khi vụ án hình sự có vấn đề dân sự phát sinh do việc thực hiện tội phạm bị khởi tố thì việc dân sự đó đương nhiên được xem xét và giải quyết mà không cần phải khởi kiện riêng bằng một thủ tục khác nữa. Đây là một điểm khác biệt so với việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án dân sự. Theo thủ tục tố tụng dân sự thì vụ án dân sự chỉ được đặt ra và xem xét giải quyết khi có đơn khởi kiện của các chủ thể có quyền khởi kiện theo quy định tại các Điều 161, 162 BLTTDS, theo đó, cá nhân, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình và toà án chỉ giải quyết khi có đơn khởi kiện dân sự. Trong vụ án hình sự, khi đã khởi tố vụ án mà có vấn đề dân sự liên quan đến việc thực hiện tội phạm thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét giải quyết ngay mà không cần phải có thủ tục khởi kiện dân sự khác nữa. Như vậy, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ được xem xét và giải quyết ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không cần phải có bất kể thủ tục nào khác nữa, kể cả thủ tục phải có yêu cầu khởi kiện của các chủ thể có quyền khởi kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
d) Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự phải tuân theo các quy định của Luật tố tụng hình sự. Tuy về thực chất vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là quan hệ pháp luật dân sự nhưng nó lại phát sinh trên cơ sở hành vi phạm tội, nên nó không chỉ đơn thuần là những quan hệ dân sự mà còn là căn cứ quan trọng cho việc xác định tội phạm, hình phạt cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS đối với người phạm tội. Vì vậy, khi xem xét, giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự về nội dung phải tuân theo các quy định của Bộ luật Dân sự nhưng về hình thức (về mặt thủ tục) phải tuân theo trình tự, thủ tục của Luật tố tụng hình sự chứ không phải là trình tự, thủ tục của Luật tố tụng dân sự như trong vụ án dân sự thuần tuý. Chẳng hạn, theo quy định của Luật tố tụng hình sự thì trường hợp người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ vắng mặt thì tùy từng trường hợp mà Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành xét xử nếu sự vắng mặt của những người này chỉ trở ngại cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thì sẽ tách ra để xét xử sau theo thủ tục tố tụng dân sự. Đây là điểm khác biệt so với qui định của thủ tục tố tụng dân sự. Luật tố tụng dân sự qui định nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự vắng mặt lần thứ nhất thì Hội đồng xét xử phải ra quyết định hoãn phiên tòa dù đương sự vắng mặt có lý do chính đáng hay không. Sở dĩ có sự khác biệt này là do bản chất của việc xét xử vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là xét xử vụ án hình sự, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự thì Hội đồng xét xử giải quyết luôn cả vấn đề dân sự phát sinh do tội phạm gây ra. Nếu vấn đề dân sự trong vụ án có liên quan đến việc định tội hay định khung hình phạt đối với bị cáo thì nó là một phần không thể tách rời khỏi vụ án hình sự và phải được giải quyết đồng thời với vụ án hình sự. Trong trường hợp này lời khai của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa rất quan trọng đối với việc giải quyết phần TNHS của vụ án. Vì vậy, Tòa án phải hoãn phiên tòa nếu những người trên vắng mặt. Tuy nhiên, đối với những vụ án mà phần dân sự không liên quan đến việc xác định TNHS, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS của bị can, bị cáo thì có thể tách phần dân sự ra để giải quyết bằng một vụ án dân sự khác theo thủ tục tố tụng dân sự. Do đó, trong trường hợp này nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử phần hình sự và tách phần dân sự ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Một điểm khác biệt nữa là, theo qui định của Luật tố tụng hình sự thì Viện kiểm sát tham gia tất cả các phiên tòa xét xử các vụ án hình sự của Toà án (bao gồm cả các phiên toà xét xử vụ án hình sự có giải quyết vấn đề dân sự). Tuy nhiên, theo Bộ luật tố tụng Dân sự thì Viện kiểm sát không tham gia tất cả các phiên toà xét xử của Toà án mà chỉ tham gia phiên toà đối với những vụ án do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại; Các vụ việc dân sự mà Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án (khoản 2 Điều 21 BLTTDS).
e) Khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, toà án áp dụng các nguyên tắc của Luật tố tụng hình sự và các nguyên tắc của Luật tố tụng dân sự để giải quyết.
Vấn đề dân sự được giải quyết trong vụ án hình sự nên khi xem xét vấn đề dân sự đó cần phải áp dụng các quy định, các nguyên tắc chung của Luật tố tụng hình sự để giải quyết. Tuy nhiên, Toà án không áp dụng cứng nhắc các nguyên tắc của tố tụng hình sự để xét xử vấn đề dân sự mà còn áp dụng một số nguyên tắc của tố tụng dân sự nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đương sự tham gia tố tụng như nguyên tắc đảm bảo sự bình đẳng giữa các đương sự, nguyên tắc đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự… Bởi vì, dù là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nhưng thực chất đó vẫn là quan hệ dân sự, mà đặc thù của quan hệ pháp luật dân sự là quan hệ bình đẳng giữa các bên đương sự, do đó cần phải đảm bảo quyền bình đẳng thoả thuận giữa các đương sự khi tham gia tố tụng.
Một điểm khác biệt quan trọng là trong tố tụng hình sự, việc chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ quan tiến hành tố tụng phải điều tra, thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm. Vấn đề dân sự phát sinh khi có hành vi phạm tội xảy ra được giải quyết trong vụ án hình sự nên trước hết phải tuân theo các nguyên tắc của tố tụng hình sự, do vậy các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm điều tra, thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ vụ án bao gồm cả việc điều tra, thu thập chứng cứ để làm rõ về phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự. Trường hợp các đương sự không cung cấp được chứng cứ về vấn đề dân sự mà những vấn đề dân sự này có liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải điều tra, làm rõ những thiệt hại đã xảy ra, trên cơ sở đó xác định được mức bồi thường thiệt hại. Chính vì vậy, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của PGS. TS. Hoàng Thị Sơn cho rằng: Nếu vấn đề dân sự được giải quyết ngay trong vụ án hình sự thì cơ quan điều tra có thể làm sáng tỏ các tình tiết liên quan đến việc bồi thường ngay từ khi tiến hành điều tra vụ án. Vì tuy là vấn đề dân sự nhưng nó là vấn đề phát sinh từ vụ án hình sự. Ngược lại, nếu vấn đề đó được giải quyết riêng ở phiên tòa dân sự thì khả năng đó sẽ không còn nữa bởi lẽ cơ quan điều tra không có trách nhiệm điều tra, xác minh các tình tiết của vụ án dân sự [3]. Ngược lại, trong tố tụng dân sự, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh thuộc về các đương sự. Toà án không tiến hành thu thập chứng cứ mà chỉ xét xử trên cơ sở chứng cứ của các bên đương sự cung cấp. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 6 BLTTDS thì Tòa án vẫn tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp luật định.
f) Trong quá trình giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự Tòa án không bắt buộc phải mở các phiên hòa giải giữa các đương sự như trong tố tụng dân sự.
Thủ tục mở phiên hòa giải không phải là thủ tục bắt buộc mà Toà án phải thực hiện khi chuẩn bị xét xử phiên toà sơ thẩm vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng không bắt buộc phải tiến hành hòa giải giữa các đương sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tạo điều kiện cho các bên tự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Trường hợp các đương sự tự nguyện thoả thuận được với nhau thì Tòa án công nhận việc thoả thuận này của các đương sự và sự thoả thuận này được ghi vào phần quyết định của bản án chứ Toà án không phải ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Đây là điểm khác biệt lớn so với tố tụng dân sự vì trong tố tụng dân sự Toà án cấp sơ thẩm bắt buộc phải tiến hành mở các phiên hoà giải giữa các đương sự và việc hoà giải được tiến hành trước và tại phiên tòa. Nếu các đương sự thoả thuận được với nhau thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự.
3. Nội dung của nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong cùng vụ án hình sự bao gồm:
a) Việc giải quyết vấn đề dân sự đồng thời với việc giải quyết vụ án hình sự
Vấn đề dân sự được giải quyết với những vấn đề của trách nhiệm hình sự hình trong cùng vụ án hình sự là nội dung cơ bản của nguyên tắc này. Theo đó, ngoài việc chứng minh, xử lý những vấn đề của trách nhiệm hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng còn phải chứng minh, xử lý những vấn đề thuộc trách nhiệm dân sự các của chủ thể tham gia tố tụng hình sự. Việc chứng minh, giải quyết vấn đề dân sự được tiến hành đồng thời với việc chứng minh giải quyết những vấn đề thuộc trách nhiệm hình sự, do vậy không thể giải quyết vấn đề dân dự sau khi đã hoàn tất việc giải quyết trách nhiệm hình sự. Nhiệm vụ của cơ quan tiến hành tố tụng trong trường hợp vụ án có vấn đề dân sự liên quan đế tội phạm là xác minh, làm rõ trách nhiệm dân sự của các đương sự trong vụ án. Nhiệm vụ này được thực hiện thông qua việc tiến hành các hoạt động sau:
- Các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định được các mối quan hệ có liên quan đến vấn đề dân sự cần giải quyết là những mối quan hệ nào trong các mối quan hệ sau: mối quan hệ về bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm tài sản bị xâm phạm; mối quan hệ về đòi tài sản; mối quan hệ về đòi bồi thường giá trị tài sản do bị can, bị cáo chiếm đoạt nhưng bị mất hoặc bị huỷ hoại; mối quan hệ về việc yêu cầu sửa chữa tài sản bị hư hỏng, bị huỷ hoại… Ví dụ: Trong vụ án giết người, bên cạnh việc xác định, chứng minh hành vi phạm tội của bị can, bị cáo cơ quan tiến hành tố tụng còn phải giải quyết các mối quan hệ về dân sự như quan hệ bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do tính mạng bị xâm phạm (xác định các khoản chi phí cho việc cứu chữa, mai táng, khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, tiền cấp dưỡng…).
- Đưa những người có liên quan đến vấn đề dân sự trong vụ án vào tham gia tố tụng. Xác định những người tham gia tố tụng gồm những ai, tư cách tham gia tố tụng của họ như thế nào (họ tham gia tố tụng với tư cách là bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án). Trên thực tế, khi vụ án ở giai đoạn điều tra, truy tố, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thường không xác định chính xác tư cách tham gia tố tụng của những người có liên quan đến vấn đề dân sự trong vụ án. Việc xác định thường được thực hiện một cách chung chung, có những vụ án tư cách của chủ thể tham gia tố tụng là nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự song Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chỉ xác định họ là những người liên quan đến vụ án. Chỉ đến giai đoạn xét xử, Toà án mới là cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định chính xác tư cách tham gia tố tụng của từng chủ thể. Thực tế này cũng là phù hợp. Bởi lẽ, ở giai đoạn điều tra, truy tố thì vấn đề quan trọng là điều tra, làm rõ những nội dung liên quan đến phần dân sự như tiến hành lấy lời khai, đối chất, yêu cầu các đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ… Việc xác định tư cách tham gia tố tụng không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động điều tra này. Còn ở giai đoạn xét xử, việc xác định tư cách tham gia tố tụng có ảnh hưởng nhiều tới quyền và nghĩa vụ tố tụng của các chủ thể tham gia tố tụng, đặc biệt là quyền kháng cáo. Có những vụ án tư cách chủ thể tham gia tố tụng là người làm chứng song Tòa án lại xác định họ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Rõ ràng nếu xác định như vậy, mặc nhiên họ có quyền kháng cáo. Thực ra họ chỉ là người làm chứng, không có quyền lợi, nghĩa vụ gì cần được giải quyết trong vụ án nên trong bản án cũng không xem xét, quyết định vấn đề gì liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
- Xác định nội dung của các mối quan hệ có liên quan đến vấn đề dân sự cần giải quyết như: xác định mức độ thiệt hại đã xảy ra, mức độ lỗi của các chủ thể tham gia tố tụng… để từ đó có thể xác định đúng mức bồi thường thiệt hại.
Các cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành điều tra, xác minh để làm rõ về những vấn đề nêu trên và đưa ra hướng giải quyết đối với toàn bộ vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Nguyên tắc chung là khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, về nội dung các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các quy định của Luật Dân sự còn về thủ tục tố tụng, các CQTHTT áp dụng những quy định của BLTTHS quy định việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự trên cơ sở kết hợp với các nguyên tắc của Luật tố tụng dân sự.
BLTTHS quy định việc giải quyết vấn đề dân sự được tiến hành đồng thời với việc giải quyết phần trách nhiệm hình sự của vụ án là một giải pháp hợp lý vì đối với người bị thiệt hại sẽ được thuận tiện hơn khi ra yêu cầu can thiệp đối với các CQTHTT và người bị thiệt hại cũng có thể sử dụng những chứng cứ mà các CQTHTT đã thu thập được để phục vụ cho việc giải quyết vấn đề dân sự. Hơn nữa, việc cùng giải quyết cả vấn đề dân sự và hình sự trong cùng một vụ án sẽ tiết kiệm hơn vì chỉ có một Toà án giải quyết cả hai loại vấn đề. Tuy nhiên, khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, Toà án cần phải nghiên cứu, vận dụng cả những quy định của pháp luật về dân sự và những quy định của pháp luật về hình sự. Việc phải nghiên cứu áp dụng cả hai loại quy phạm pháp luật dân sự và hình sự là một khó khăn với Toà án, đặc biệt là đối với những vụ án phức tạp, chính vì vậy BLTTHS đã quy định việc tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết riêng bằng một vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự trong phần nội dung thứ hai của nguyên tắc mà chúng ta sẽ xem xét dưới đây.
b) Việc tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
Phần nội dung thứ hai của nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự quy định về việc tách phần dân sự trong vụ án hình sự ra để giải quyết bằng một vụ án dân sự. Điều 28 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “…Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.
Có thể thấy căn cứ chung để thực hiện việc tách phần dân sự trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 28 BLTTHS là việc chưa có điều kiện chứng minh về phần bồi thường, bồi hoàn và việc tách này không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự. Nội dung này được làm rõ trong công văn số 121/2003/KHXX ngày 19/9/2003 của Toà án nhân dân tối cao về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự. Theo đó, thì các căn cứ để tách phần dân sự trong vụ án hình sự là: Phần dân sự được tách không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, việc xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS của bị cáo; chưa tìm được, chưa xác định được người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự; người bị hại và nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu; người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự có yêu cầu nhưng không cung cấp đầy đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình; người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự vắng mặt tại phiên toà và việc này thật sự gây trở ngại cho việc giải quyết phần dân sự. Như vậy, ở mức độ khái quát nhất có thể hiểu căn cứ “việc tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án” theo Điều 28 Bộ luật Tố tụng Hình sự chính là phần dân sự được tách không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, việc xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Còn căn cứ “chưa có điều kiện chứng minh về phần bồi thường” tức là chưa xác định được người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự; người bị hại và nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu; người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự có yêu cầu nhưng không cung cấp đầy đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình; người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự vắng mặt tại phiên toà và việc này thật sự gây trở ngại cho việc giải quyết phần dân sự.
Bên cạnh việc quy định tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự tại cấp sơ thẩm, công văn số 121/2003/KHXX ngày 19/9/2003 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự còn nêu rõ việc tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự tại cấp phúc thẩm: “trong trường hợp Toà án cấp sơ thẩm đã thực hiện các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ nhưng vẫn không được và thuộc một trong các trường hợp cần tách phần dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết bằng một vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu, nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn tiến hành xét xử, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm huỷ quyết định của bản án sơ thẩm về phần dân sự trong vụ án hình sự và tách phần dân sự này để giải quyết bằng vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự, khi có yêu cầu”. Công văn 121 cũng xác định việc tách phần dân sự trong vụ án hình sự tại phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm như sau: “Nếu xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm đã thực hiện các biện pháp để xác minh, thu thập chứng cứ, bổ sung chứng cứ, song vẫn không được và thuộc một trong các trường hợp cần tách phần dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết bằng vụ án dân sự, khi có yêu cầu, nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm vẫn tiến hành xét xử, thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm huỷ quyết định của bản án phúc thẩm, quyết định của bản án sơ thẩm về phần dân sự và tách phần dân sự để giải quyết bằng vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự, khi có yêu cầu”.
Liên quan đến việc tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, khoản 1 Điều 191 BLTTHS còn quy định trường hợp sự vắng mặt của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo thủ tục tố tụng dân sự. Như vậy, Bộ luật Tố tụng Hình sự và công văn số 121 mới chỉ quy định thẩm quyền tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự thuộc về Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm, phúc thẩm và Hội đồng xét xử giám đốc thẩm. Một vấn đề đặt ra là liệu các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án) trong quá trình giải quyết vụ án có quyền ra quyết định tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự không hay việc tách vụ án chỉ được thực hiện bởi Hội đồng xét xử tại phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm? Những người tham gia tố tụng có được quyền đề nghị tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự không?
Từ những phân tích nêu trên cho thấy vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là nội dung lớn giữ vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nhưng lại chỉ được đề cập tại một số ít các điều luật trong BLTTHS 2003 nên cần có bổ sung khi hoàn thiện BLTTHS.
4. Thủ tục giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Do vấn đề dân sự được giải quyết trong cùng vụ án hình sự nên BLTTHS 2003 không qui định thủ tục riêng mà vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ tuân theo trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hình sự. Xuất phát từ đặc thù của quan hệ dân sự nên khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự còn phải tuân theo những nguyên tắc riêng của tố tụng dân sự nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của các đương sự khi tham gia tố tụng. Tuy nhiên, Tòa án không thể đồng thời áp dụng cả thủ tục tố tụng hình sự và thủ tục tố tụng dân sự để giải quyết một vụ án mà chỉ có thể áp dụng thủ tục tố tụng hình sự trên cơ sở kết hợp với những nguyên tắc và thủ tục của tố tụng dân sự để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án đó. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ tuân theo thủ tục tố tụng hình sự trên cơ sở kết hợp với các nguyên tắc của tố tụng dân sự. Quá trình giải quyết một vụ án phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, bắt đầu từ giai đoạn khởi tố, đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, và kết thúc ở giai đoạn thi hành án. Mỗi giai đoạn đều có một chức năng và nhiệm vụ khác nhau nhưng đều nhằm mục đích giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong đó giai đoạn xét xử là giai đoạn trọng tâm của tố tụng hình sự. Các hoạt động khởi tố, điều tra chỉ nhằm thu thập chứng cứ phục vụ cho việc truy tố và xét xử. Trên cơ sở những chứng cứ thu thập được, Toà án sẽ xem xét và đánh giá một cách chính xác để đưa ra phán quyết cuối cùng nên ở tất cả các giai đoạn TTHS các CQTHTT khi giải quyết vấn đề dân sự sẽ tuân theo thủ tục TTHS.
5. Từ những phân tích nêu trên cần hoàn thiện BLTTHS về nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong cùng vụ án hình sự theo hướng sau đây:
- Nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong cùng vụ án hình sự đã được qui định trong BLHS 2003 nhưng nội dung của nguyên tắc này chưa được thể hiện trong các điều luật có liên quan. Trên cơ sở tiếp cận vấn đề dân sự là một trong những nội dung quan trọng của quá trình giải quyết vụ án mà các CQTHTT phải chứng minh, giải quyết thì cần bổ sung vào nguyên tắc “xác định sự thật khách quan vụ án” (Điều 10 BLTTHS 2003) nội dung này. Cụ thể như sau:
“Điều 10. Xác định sự thật của vụ án
Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can bị cáo, đồng thời thu thập chứng cứ xác định phạm vi, mức độ thiệt hại đối với những vấn đề dân sự liên quan đến việc thực hiện tội phạm.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm, chứng minh những vấn đề dân sự liên quan đến việc thực hiện tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội; Bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng khác có quyền nhưng không buộc phải chứng minh những thiệt hại về dân sự liên quan đến việc thực hiện tội phạm”.
Cũng tương tự như vậy, bổ sung thêm Khoản 5 vào Điều 63 BLTTHS 2003 đối tượng chứng minh khi điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự của các CQTHTT về vấn đề dân sự phát sinh do việc thực hiện tội phạm.
“Điều 63. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự
Khi điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải chứng minh:
1.
2.
….”

6. Những vấn đề dân sự liên quan đến việc thực hiện tội phạm
- Giải quyết vấn đề dân sự trong cùng vụ án hình sự. Do vấn đề dân sự được giải quyết trong cùng vụ án hình sự, nên xuất phát từ đặc thù của quan hệ dân sự, khi giải quyết vấn đề dân sự ngoài việc phải tuân theo thủ tục TTHS còn phải kết hợp những nguyên của tố tụng dân sự nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của các đương sự khi tham gia tố tụng. Tuy nhiên, BLTTHS 2003 chưa thể hiện rõ tinh thần này nên cần bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tố tụng khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự trong BLTTHS hoặc trong các văn bản hướng dẫn thi hành BLTTHS.
- Bổ sung, hoàn thiện các quy phạm pháp luật về người tham gia tố tụng, đặc biệt là những người tham gia tố tụng có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết phần trách nhiệm dân sự của vụ án đó là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Cụ thể:
Thứ nhất, cần đưa ra qui định về nội hàm về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án mà BLTTHS 2003 chưa có theo hướng sau: “Người có quyền lợi liên quan đến vụ án là người có lợi ích vật chất hoặc tinh thần có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo và được cơ quan tiến hành tố tụng công nhận. Người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người mà hành vi của họ có liên quan đến tội phạm do bị cáo thực hiện và theo pháp luật họ phải có trách nhiệm về hành vi của mình. Trách nhiệm của người có nghĩa vụ liên quan bao gồm cả trách nhiệm về vật chất và trách nhiệm về mặt tinh thần”.
Thứ hai, sửa đổi khái niệm về nguyên đơn dân sự theo hướng: Trường hợp tội phạm không trực tiếp xâm hại tới tài sản của cơ quan, tổ chức thì để được xác định là nguyên đơn dân sự, cơ quan, tổ chức phải có đơn yêu cầu bồi thường. Trường hợp tội phạm trực tiếp xâm hại tới tài sản của cơ quan, tổ chức thì dù cơ quan, tổ chức đó có làm đơn yêu cầu bồi thường hay không cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải xác định họ tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự. Bởi vì, trong trường hợp này dù nguyên đơn dân sự có đơn yêu cầu bồi thường hay không thì bị can, bị cáo, bị đơn dân sự vẫn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự.
- Bổ sung quy định thẩm quyền về việc tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và việc tách này được thực hiện ở giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án. Theo chúng tôi chỉ nên tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự ở giai đoạn xét xử vì ở giai đoạn điều tra nếu vấn đề dân sự được giải quyết ngay trong vụ án hình sự thì cơ quan điều tra có thể làm sáng tỏ các tình tiết liên quan đến việc bồi thường ngay từ khi tiến hành điều tra vụ án. Còn nếu vấn đề đó được tách ra từ giai đoạn điều tra để giải quyết riêng ở phiên tòa dân sự thì khả năng đó sẽ không còn nữa bởi lẽ cơ quan điều tra không có trách nhiệm điều tra, xác minh các tình tiết của vụ án dân sự và điều này sẽ là sự thiệt thòi cho người tham gia tố tụng, phần nào làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Bên cạnh đó, cần quy định Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử có quyền tách vụ án nếu thấy có đủ căn cứ tách vụ án theo quy định của pháp luật và việc tách vụ án không ảnh hưởng đến việc giải quyết vấn đề dân sự. Ngoài ra, theo chúng tôi cần quy định những người tham gia tố tụng cũng có quyền đề nghị tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nhằm tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trường hợp người tham gia tố tụng đề nghị tách vấn đề dân sự ra để giải quyết bằng một vụ án dân sự khác thì phải được sự đồng ý của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và việc tách này không ảnh hưởng tới việc giải quyết phần trách nhiệm hình sự.
- Bổ sung quy định trong BLTTHS hoặc trong các văn bản hướng dẫn thi hành các nội dung “vấn đề dân sự trong vụ án hình sự”; “chưa có điều kiện chứng minh”; “không ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án hình sự” mà BLTTHS 2003 đã nêu ra nhưng chưa được qui định cụ thể theo hướng sau:
Thứ nhất,“vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là những quan hệ về đòi tài sản; đòi bồi thường giá trị tài sản do bị can, bị cáo chiếm đoạt nhưng bị mất hoặc bị huỷ hoại; yêu cầu sửa chữa tài sản bị hư hỏng, bị huỷ hoại; đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị hành vi phạm tội gây ra…”. Nói cách khác, là xét xử vấn đề dân sự trong vụ án hình sự chỉ trong phạm vi “trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” theo quy định tại Chương V Bộ luật dân sự.
Thứ hai, “Chưa có điều kiện chứng minh là trường hợp chưa xác định được người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người bị hại và nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu; người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có yêu cầu nhưng không cung cấp đầy đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình; người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt tại phiên toà và việc này thật sự gây trở ngại cho việc giải quyết phần dân sự”.
Thứ ba, tách vấn đề dân sự không ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án hình sự “là phần dân sự được tách ra không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, việc xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo”.
Trên đây là một vài kiến nghị hoàn thiện nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp ở nước ta.

Tài liệu tham khảo
[1] Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 2003.
[2] Nguyễn Ngọc Chí, Những nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hình sự – Những đề xuất sửa đổi bổ sung, Tạp chí Khoa học (chuyên san Luật học), Đại học Quốc gia Hà Nội, số 2 (2009) 239.
[3] Hoàng Thị Sơn, Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, Luật học, số 6 (1998), 30.

Nguồn: Tạp chí Khoa học ĐHQGHN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét