Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Một số vấn đề về chuyển vụ án hình sự


Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì sau khi thụ lý hồ sơ vụ án để chuẩn bị xét xử, nếu Toà án thấy vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án mình thì chuyển vụ án cho Toà án có thẩm quyền xét xử vụ án đó. Việc chuyển vụ án trong giai đoạn điều tra là do Cơ quan điều tra đề nghị và Viện kiểm sát quyết định, nhưng việc chuyển vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử lại do Toà án tự quyết định, Toà án chỉ thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Trong khi đó có nhiều trường hợp việc chuyển vụ án của Toà án nếu Viện kiểm sát không đồng ý thì Toà án có thẩm quyền xét xử vụ án đó cũng không xét xử được. Ví dụ: Toà án nhân dân huyện H sau khi thụ lý vụ án hình sự thấy không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án mình, đã quyết định chuyển vụ án cho Toà án nhân dân huyện M, Toà án nhân dân huyện M cũng thấy vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án mình, nhưng Viện kiểm sát nhân dân huyện M không thay đổi bản cáo trạng vì cho rằng vụ án vẫn thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện H.
Đây là vấn đề tuy không phổ biến nhưng thực tiễn xét xử đã xảy ra nhiều trường hợp do không có sự thống nhất giữa Toà án với Viện kiểm sát dẫn đến việc lẽ ra vụ án phải được chuyển cho Toà án có thẩm quyền xét xử nhưng không chuyển được hoặc Toà án “buộc phải” xét xử vụ án sai thẩm quyền để rồi bị Toà án cấp phúc thẩm hoặc Toà án cấp giám đốc thẩm huỷ bản án vì vi phạm về thẩm quyền xét xử. Ngay cả khi bản án đã bị huỷ vì xét xử không đúng thẩm quyền thì việc giải quyết vụ án đó theo thẩm quyền xét xử cũng gặp khó khăn, nếu như Viện kiểm sát và Toà án không thống nhất về thẩm quyền xét xử.
Việc chuyển vụ án gắn liền với việc xác định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử. Do đó, muốn chuyển vụ án đúng, trước hết phải xác định đúng thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử vụ án.
Về thẩm quyền liên quan đến chuyển vụ án bao gồm thẩm quyền theo việc và thẩm quyền theo lãnh thổ. Bộ luật tố tụng hình sự quy định thẩm quyền điều tra và thẩm quyền xét xử không có gì mâu thuẫn. Vì vậy, nếu Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát xác định đúng thẩm quyền điều tra thì Toà án cũng sẽ xác định đúng thẩm quyền xét xử. Vấn đề còn lại là giải quyết trường hợp tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau, mà đây mới là vấn đề quan trọng.
Về thẩm quyền điều tra, Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt. Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện, Toà án quân sự khu vực; Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp dưới nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra. Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra (khoản 4 Điều 110 BLTTHS). Như vậy, ngay trong giai đoạn điều tra, Bộ luật tố tụng hình sự cũng đã quy định thẩm quyền điều tra phải theo thẩm quyền xét xử của Toà án, nhưng thực tiễn không có xảy ra tranh chấp về thẩm quyền giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát vì nếu có xảy ra tranh chấp thì Viện kiểm sát là người quyết định cuối cùng. Nhưng đến giai đoạn xét xử, mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự quy định tương đối cụ thể và rõ ràng về thẩm quyền xét xử của Toà án nhưng thực tiễn xét xử khi có vấn đề tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa Toà án với Viện kiểm sát thì việc giải quyết lại rất khó khăn. Do đó, việc hiểu rõ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thẩm quyền xét xử của Toà án trên cơ sở đó giải quyết vấn đề tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa Toà án với Viện kiểm sát là rất quan trọng, không chỉ đối với Thẩm phán mà đối với cả Kiểm sát viên trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Với ý nghĩa trên, người viết bài này chỉ tập trung phân tích thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án đối với vụ án hình sự và vấn đề vướng mắc khi có ý kiến khác nhau về xác định thẩm quyền xét xử trong việc chuyển vụ án từ Toà án này đén Toà án khác, đồng thời kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc chuyển vụ án từ Toà án này đến Toà án khác.
I. THẨM QUYỀN XÉT XỬ  VỤ ÁN HÌNH SỰ CỦA TOÀ ÁN CÁC CẤP
 1. Thẩm quyền theo việc
1.1. Đối với Toà án cấp huyện
Theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự, thì Toà án nhân dân cấp huyện và Toà án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phạm phá hoại hoà bình, chống loài người và các tội phạm chiến tranh; các tội phạm quy định tại các Điều 93, 95, 96, 172, 216, 217, 218, 219, 221, 222, 223, 224, 225, 226, 263, 293, 294, 295, 296, 322 và 323 của Bộ luật hình sự.
So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, thì Toà án cấp huyện được tăng thẩm quyền hơn. Nếu Bộ luật tố tụng hình sự 1988 chỉ giao cho Toà án cấp huyện xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự những tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt từ bảy năm tù trở xuống, trừ một số tội, thì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 giao cho Toà án cấp huyện xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt từ mười lăm năm tù trở xuống. Tuy nhiên, việc tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho Toà án cấp huyện không thể tiến hành đồng loạt ngay sau khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có hiệu lực (ngày 1-7-2004) mà phải căn cứ vào tình hình cụ thể, khả năng và điều kiện của mỗi Toà án cấp huyện; Toà án nào có đủ điều kiện thì được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao trước, nhưng chậm nhất đến ngày 1-7-2009 tất cả Toà án cấp huyện sẽ xét xử sơ thẩm theo thẩm quyền mới.
 1.2. Đối với Toà án cấp tỉnh
Theo quy định tại khoản 2 Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự thì Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện và Toà án quân sự khu vực hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.
Thực tiễn xét xử cho thấy nhiều vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện, nhưng lại do Cơ quan điều tra cấp tỉnh khởi tố, điều tra, kết luận và Viện kiểm sát cấp tỉnh cũng truy tố ra Toà án cấp tỉnh, Toà án cấp tỉnh cũng thụ lý và đưa ra xét xử. Tình trạng này tương đối phổ biến, nhưng lại được giải thích rằng, Cơ quan điều tra cấp huyện khởi tố điều tra, kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp huyện đã truy tố, Toà án cấp tỉnh còn lấy lên để xét xử được huống chi vụ án đã do Cơ quan điều tra cáp tỉnh khởi tố điều tra, Viện kiểm sát cấp tỉnh đã truy tố thì không có lý gì Toà án cấp tỉnh lại không xét xử sơ thẩm. Chúng tôi cho rằng giải thích như vậy chỉ có tính chất ngụy biện, không có cơ sở và trái với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Việc Toà án cấp tỉnh quyết định lấy một vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án cấp huyện lên để xết xử hoàn toàn khác với việc vụ án thuộc thẩm quyền của của cấp huyện nhưng Cơ quan điều tra, truy tố và xét xử ở cấp tỉnh tiến hành tố tụng. Việc nhà làm luật phân định thẩm quyền theo việc cũng đồng thời phân định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử. Toà án cấp tỉnh chỉ lấy lên để xét xử khi mọi việc điều tra, truy tố đã hoàn tất và việc lấy lên để xét xử cũng chỉ đối với những trường hợp cá biệt.
Tuy nhiên, hiện nay, ở một số địa phương cấp huyện Cơ quan điều tra chưa đủ Điều tra viên hoặc vụ án khi phát hiện Cơ quan điều tra cấp tỉnh thụ lý điều tra, nhưng khi kết thúc điều tra thì xác định thẩm quyền điều tra lẽ ra thuộc Cơ quan điều tra cấp huyện nhưng Cơ quan điều tra cấp tỉnh đã điều tra và kết thúc điều tra, nên đề nghị Viện kiểm sát cấp tỉnh truy tố bị can ra Toà án cấp tỉnh. Về vấn đề này, theo chúng tôi có thể chấp nhận lúc đầu Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra nhưng khi kết thúc điều tra mà phát hiện thấy thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện thì đề nghị chuyển về Viện kiểm sát cấp huyện để Viện kiểm sát cấp huyện lập cáo trạng truy tố bị can ra Toà án cấp huyện xét xử hoặc Viện kiểm sát cấp tỉnh lập cáo trạng nhưng truy tố bị can ra Toà án cấp huyện có thẩm quyền xét xử vụ án đó, đồng thời uỷ quyền cho Viện kiểm sát cấp huyện thực hành quyền công tố trước Toà án cấp huyện,* mà không nên truy tố ra Toà án cấp tỉnh để xét xử vụ án đó.
Theo quy định tại Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự, trong trường hợp bị cáo phạm nhiều tội, trong đó có tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp tỉnh thì Toà án cấp tỉnh xét xử toàn bộ vụ án. Ví dụ: Bùi Huy T phạm tội cố ý gây thương tích thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự có mức cao nhất của khung hình phạt là bảy năm tù, thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện và tội đưa hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 289 Bộ luật hình sự có mức cao nhất của khung hình phạt là hai mươi năm tù thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp tỉnh, thì do Toà án cấp tỉnh xét xử đối với cả hai hành vi phạm tội của Bùi Huy T.
 1.3. Đối với Toà án quân sự
Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh tổ chức Toà án quân sự thì, Toà án quân sự có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công nhân, nhân viên quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, dân quân tự vệ phối thuộc chiến đấu với quân đội và những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý và những người tuy không thuộc các đối tượng trên nhưng hành vi phạm tội của họ có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội.
Theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự thì đối với những người không còn phục vụ trong quân đội mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trong thời gian phục vụ trong quân đội hoặc những người đang phục vụ trong quân đội mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trước khi vào quân đội thì Toà án quân sự xét xử những tội phạm có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội; những tội phạm khác do Toà án nhân dân xét xử.
Trong trường hợp bị cáo phạm tội nhiều tội, có tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp khu vực, có tội thuộc thẩm quyền của Toà án cấp quân khu, thì Toà án cấp quân khu xét xử toàn bộ vụ án. (Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự).
Như vậy, căn cứ vào thẩm quyền xét xử theo việc, nếu vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án mình thì phải chuyển cho Toà án có thẩm quyền xét xử để xét xử vụ án đó. Việc chuyển vụ án trong trường hợp này là chuyển từ Toà án cấp dưới lên Toà án cấp trên ngược lại. Việc chuyển vụ án do không thuộc thẩm quyền xét xử theo việc, nói chung không vướng mắc, vì vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa Toà án cáp dưới với Toà án cấp trên bao giờ cũng dễ hơn giữa các Toà án cùng cấp. Tuy nhiên, cũng có trường hợp giữa Toà án cấp trên với Toà án cấp dưới thống thất được về thẩm quyền xét xử nhưng Viện kiểm sát lại không đồng ý thì vấn đề phức tập hơn. Ví dụ: Viện kiểm sát cấp huyện truy tố bị can về tội cố ý gây thương tích thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự nhưng Toà án cấp huyện cho rằng bị can phạm tội giết người thuộc trường hợp quy định tai Điều 93 Bộ luật hình sự, nên đã chuyển vụ án lên Toà án cấp tỉnh để Viện kiểm sát cấp tỉnh truy tố bị can ra Toà án cấp tỉnh xét xử, nhưng Viện kiểm sát cấp tỉnh lại cho rằng bị can chỉ phạm tội cố ý gây thương tích như Viện kiểm sát cấp huyện truy tố là đúng, nên Toà án cấp tỉnh không thể xét xử vụ án được. Thực tiễn xét xử cho thấy, chỉ có Toà án cấp dưới chuyển vụ án cho Toà án cấp trên (Toà án cấp huyện chuyển vụ án cho Toà án cấp tỉnh), vì nếu Toà án cấp dưới xét xử thì chắc chắn bản án sẽ bị huỷ, còn Toà án cấp trên rất ít chuyển vụ án khi xét thấy không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án mình cho Toà án cấp dưới xét xử, nhưng bản án do Toà án cấp tỉnh xét xử sai thẩm quyền lalị không bị huỷ vì cho rằng “coi như” trường hợp “lấy lên để xét xử” mà chúng tôi đã nêu ở trên.
 2. Thẩm quyền theo lãnh thổ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 171 Bộ luật tố tụng hình sự, thì Toà án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Toà án nơi tội phạm được thực hiện. Trong trường hợp tội phạm được thự hiện ở nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Toà án có thẩm quyền xét xử là Toà án nơi kết thúc việc điều tra.
Theo quy định này, thì việc xác định thẩm quyền trước hết căn cứ vào nơi tội phạm được thực hiện, tức là địa danh hành chính mà người phạm tội thực hiện tội phạm. Ví dụ: Trần Văn H trú quán ở tỉnh Thái Nguyên, khi về quê ở xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã có hành vi giết anh Đặng Quang Ph, thì thẩm quyền xét xử thuộc Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, có một số trường hợp tội phạm được thực hiện ở nhiều nơi khác nhau và lại do Cơ quan điều tra phát hiện ở một nơi mà tội phạm không được thực hiện hoặc ở nơi tội phạm kết thúc. Ví dụ: Vụ án buôn bán ma tuý do Vũ Xuân Trường và đồng bọn thực hiện trên nhiều địa phương khác nhau, từ biên giới Việt – Lào về Lai Châu, rồi từ Lai Châu đến các tỉnh phía bắc và thủ đô Hà Nội và cuối cùng Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà nội phát hiện điều tra. Trong quá trình điều tra, Công an thành phố Hà nội còn phát hiện nhiều người phạm tội ở nhiều địa phương khác nhau có liên quan đến đường dây buôn bán ma tuý này, nhưng lại thuộc thẩm quyền xét xử của nhiều Toà án khác nhau, có người do Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử, có người do Toà án nhân dân tỉnh Lai Châu xét xử, nên sau khi kết thúc điều tra cơ quan Công an thành phố Hà nội đã chuyển hồ sơ vụ án về tỉnh Lai Châu để truy tố xét xử những người phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân tỉnh Lại Châu.
Trong trường hợp không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Toà án có thẩm quyền xét xử là Toà án nơi kết thúc điều tra. Về nguyên tắc, cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh nơi thực hiện tội phạm của bị can bị cáo, vì theo quy định tại Điều 167 Bộ luật tố tụng hình sự thì nội dung bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm xảy ra tội phạm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng chỉ xác định được hành vi phạm tội mà không thể xác định chính xác nơi xảy ra tội phạm. Ví dụ: Nguyễn Văn Kh lừa chị M, chị L và chị H ở bốn tỉnh khác nhau, nói là về Hà Nội xin việc làm cho các chị, nhưng Kh đã đưa chị M và L qua biên giới Việt – Trung thuộc tỉnh Cao Bằng bán cho một người Trung Quốc, còn chị H, Kh đưa qua biên giới thuộc tỉnh Quảng Ninh bán cho một người Trung Quốc khác. Sau một thời gian, chị H trốn được về nước đã tố cáo hành vi phạm tội của Kh với Cơ quan điều tra nơi chị H cư trú. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra còn phát hiện Kh còn bán chi M và L. Trong trường hợp này không thể xác định nơi thực hiện tội phạm của Kh là nơi nào, nên thẩm quyền xét xử vụ án đối với Kh là Toà án nơi kết thúc việc điều tra.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 171 Bộ luật tố tụng hình sự thì bị cáo phạm tội ở nước ngoài sẽ do Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Ví dụ: Vũ Minh H trú quan ở quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng vượt biên trái phép sang Hồng Kông, tại Hồng Kông, trong trại tỵ nạn, H đã hiếp dâm chị M, sau khi bị chính quyền Hồng Kông trục xuất về nước, chị M đã tố cáo hành vi phạm tội của H thì Toà án có thẩm quyền xét xử đối với hành vi phạm tội của H là Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng. Trường hợp nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tuỳ trường hơp, Chánh án Toà án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử. Ví dụ: Đào Văn T sống lang thang ở thành phố Hồ Chí Minh, không có nơi cư trú nhất định đã vượt biên trốn ra nước ngoaì. ở nước ngoài, T giết anh Trần Quốc A để cướp tài sản. Sau mười năm T thấy không ai phát hiện được hành vi phạm tội của mình nên đã trở lại Việt Nam thì bị Công an thành phố Hải Phòng bắt giữ. Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã giao vụ án này cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử vì người bị hại là người sinh sống ở tỉnh Long An và trước khi vượt biên, T sống lang thang ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường hợp bị cáo phạm tội ở nước ngoài mà thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự thì Toà án quân sự cấp quân khu trở lên xét xử theo quyết định của Chánh án Toà án quân sự trung ương. Ví dụ: Phạm Trọng B là sĩ quan quân đội được cử đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài đã có hành vi cố ý làm lộ bí mật quân sự. Sau khi kết thúc thời gian học tập, nghiên cứu ở nước người, Phạm Trọng B trở về Việt Nam, Cơ quan điều tra hình sự Bộ quốc phòng mới phát hiện B phạm tội này. Chánh án Toà án quân sự trung ương đã quyết định giao cho Toà án quân sự quân khu 5 xét xử vì B là sĩ quan thuộc Binh đoàn X đóng quân trên địa bàn quân khu 5.
Theo quy định tại Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự những tội phạm xảy ra trên tàu bay hoặc tàu biển của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang hoạt động ngoài không phận hoặc lãnh hải Việt Nam thuộc thẩm quyền của Toà án Việt Nam nơi có sân bay hoặc bến cảng trở về đầu tiên, hoặc nơi tàu bay, tàu biển đó được đang ký. Ví dụ: Trần Văn Q là thủ tàu viễn dương X thuộc Công ty vận tải biển thành phố Đà Nẵng, trong thời gian Tầu đang vận hành trên vùng biển thuộc hải phận của Nhật Bản, Q đã giết Đặng Văn T. Khi tầu viễn dương X về nước đã cập cảng Hải Phòng, nên thẩm quyền xét xử hành vi phạm tội của Q thuộc Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng. Điều luật chỉ quy định Toà án nơi có sân bay hoặc bến cảng trở về đầu tiên, hoặc nơi tàu bay, tàu biển đó được đăng ký mà không quy định Toà án cấp nào nên thẩm quyền xét xử những tội phạm thuộc trường hợp quy định tại Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự còn tuỳ thuộc vào thẩm quyền theo việc được quy định tại Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự. Nếu vụ án chỉ thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện thì Toà án cấp huyện nơi có sân bay hoặc bến cảng mà tàu bay hoặc tàu biển trở về đầu tiên xét xử chứ không nhất thiết vụ án nào cũng thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp tỉnh. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử loại tội phạm xảy ra trên tàu bay, tàu biển không nhiều và nếu có thì thường do Toà án cấp tỉnh xét xử, vì việc điều tra, truy tố xét xử có liên quan đến nhiều nơi, nhiều lĩnh vực mà cấp huyện không thể thực hiện được. Vì vậy, cũng có ý kiến cho rằng loại việc này nên giao cho Toà án cấp tỉnh xét xử, ý kiến này có nhiều nhân tố hợp lý và chúng tôi hy vọng rằng khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự  ý kiến này sẽ được quan tâm, xem xét.
II. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ THẨM QUYỀN
Nếu việc xác định thẩm quyền xét xử trong một số trường hợp gặp khó khăn, thì việc việc giải quyết vấn đề tranh chấp về thẩm quyền xét xử còn khó khăn hơn nhiều. Do việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử chưa được quy định chặt chẽ, nên kéo theo việc chuyển vụ án từ Toà án này đến Toà án khác không thực hiện được. Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm nay chưa được giải quyết dẫn đến tình trạng vi phạm hoặc buộc phải vi phạm pháp luật.
Theo Điều 174 Bộ luật tố tụng hình sự, khi thấy vụ án không thuộc thẩm quyền mình thì Toà án chuyển vụ án cho Toà án có thẩm quyền xét xử, Việc chuyển vụ án cho Toà án ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính tương đương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án quân sự cấp quân khu quyết định. Chỉ được chuyển vụ án cho Toà án khác khi vụ án chưa được xét xử. Trường hợp này, việc chuyển vụ án do Chánh án Toà án quyết định. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án quân sự hoặc Toà án cấp trên thì vụ án đã được đưa ra xét xử vẫn phải chuyển cho Toà án có thẩm quyền. Trong trường hợp này, việc chuyển vụ án do Hội đồng xét xử quyết định. Việc chuyển vụ án phải được thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật tố tụng hình sự thì việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử do Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp quyết định; việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa các Toà án nhân dân cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau, do Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi kết thúc việc điều tra quyết định; việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa Toà án nhân dân và Toà án quân sự do Chánh án Toà án nhân dân tối cao quyết định.
Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã sửa đổi, bổ sung về việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền, nhưng như trên đã phân tích, thực tiễn xét xử vẫn còn nhiều trường hợp giữa Viện kiểm sát và Toà án không thống nhất với nhau về thẩm quyền xét xử, nên việc chuyển vụ án từ Toà án này đến Toà án khác không thực hiện được và vụ án đã không được giải quyết đúng thẩm quyền. Ví dụ: Vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp tỉnh, nhưng Viện kiểm sát tỉnh không truy tố nên Toà án cấp tỉnh không thể xét xử mà phải để Toà án cấp huyện xét xử và việc xét xử của Toà án cấp huyện rõ ràng là không đúng với thẩm quyền; có trường hợp vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án khác cùng cấp (cấp huyện), nhưng khi Toà án không thuộc thẩm quyền chuyển vụ án cho Toà án có thẩm quyền xét xử thì Viện kiểm sát cùng cấp với Toà án đó không thay đổi cáo trạng, nên Toà án cũng không xét xử được.
 Để khắc phục tình trạng này, đa số ý kiến cho rằng cần có quy định cụ thể về tranh chấp thẩm quyền theo việc, nhất là giải quyết mối quan hệ giữa Toà án với Viện kiểm sát trong trường hợp không thống nhất vơí nhau về thẩm quyền xét xử theo việc. Có ý kiến đề nghị Bộ luật tố tụng hình sự cần quy định, trong trường hợp Toà án thấy vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án mình thì ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để Viện kiểm sát chuyển cho Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố ra Toà án có thẩm quyền xét xử vụ án đó và nêu rõ lý do. Nếu ý kiến này được chấp nhận thì Bộ luật tố tụng hình sự phải sửa đổi, bổ sung thêm một trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định tại Điều 179 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.
Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở việc quy định trả hồ sơ để truy tố lại cũng mới chỉ mở ra chủ trương giải quyết chứ chưa đề ra được cách thức giải quyết triệt để. Chúng tôi cho rằng, cần phải có quy định ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố; Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải thực hiên đúng thẩm quyền điều tra, truy tố về các vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, nếu Viện kiểm sát truy tố không đúng thẩm quyền thì Toà án có quyền chuyển vụ án cho Toà án có thẩm quyền xét xử vụ án đó và trong trường hợp này Viện kiểm sát phải cử Kiểm sát viên tham gia phiên toà hoặc phải thay đổi cáo trạng, nếu Viện kiểm sát không nhất trí với việc chuyển vụ án của Toà án thì có quyền báo cáo lên Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên, ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên là ý kiến quyết định sau khi đã thống nhất với Chánh án Toà án cấp trên. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là người quyết định cuối cùng sau khi đã thống nhất với Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
Trong khi Bộ luật tố tụng hình sự chưa được sửa đổi, bổ sung chúng tôi thiết nghĩ Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao nên có thông tư liên tịch hướng dẫn trường hợp chuyển vụ án.

* Về vấn đề Viện kiểm sát cấp trên lập cáo trạng và uỷ quyền cho Viện kiểm sát cấp dưới tham gia phiên toà, thực hành quyền cụng tố đang được thực hiện trong Ngành Kiểm sát cũng cú ý kiến cho rằng không đúng pháp luật vỡ Viện kiểm sát cấp trên không có quyền thì sao lại uỷ quyền được ! Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không phân tích về tính pháp lý về sự uỷ quyền của Viện kiểm sát cấp trên đối với Viện kiểm sát cấp dưới, mà chỉ nêu quan điểm như vậy, để bạn đọc tham khảo, hiện tại thỡ trong ngành kiểm sát vẫn đang thực hiện việc uỷ quyền cho Viện kiểm sỏt cấp dưới thực hành quyền công tố.

Theo: Cổng thông tin điện tử TANDTC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét