Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Đánh giá điểm mới theo luật thi hành án về kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản thi hành án


Kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự có tính nghiêm khắc nhất trong các biện pháp cưỡng chế. Theo đó, cơ quan thi hành án đã tước bỏ hẳn quyền tự định đoạt tài sản của đương sự là người phải thi hành án có nghĩa vụ trả tiền theo quyết định của bản án, quyết định của Tòa án. Các trình tự thủ tục để thực hiện biện pháp nghiệp vụ này đòi hỏi Chấp hành viên phải hết dức chặt chẽ, áp dụng đúng những quy định của pháp luật để giải quyết công việc.
             Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng những quy định của pháp luật để thi hành theo trình tự, thủ tục này gặp không ít khó khăn và vướng mắc nhất định. Vì luật thi hành án dân sự năm 2008 mới ban hành, có một quy định chưa được cụ thể hóa hoặc hướng dẫn chi tiết thi hành án, dẫn đến khi có vấn đề phát sinh Chấp hành viên lúng túng không biết cách để tháo gở, giải quyết.
PHẦN THỨ NHẤT
NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ NĂM 2008 VỀ KÊ BIÊN, ĐỊNH GIÁ VÀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN 
I. NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT THI HÀNH ÁN VỀ KÊ BIÊN TÀI SẢN:
Luật thi hành án dân sự được ban hành trên cơ sở kế thừa một số quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 và thực tiễn công tác thi hành án trong thời gian qua. Vì vậy, Luật thi hành án có những điểm rất mới về kê biên tài sản trong thi hành án.
1. LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ QUY ĐịNH CỤ THỂ TỪNG TRƯỜNG HỢP KÊ BIÊN TÀI SẢN:
Căn cứ vào từng đối tượng tài sản khác nhau, Luật thi hành án quy định từng biện pháp kê biên khác nhau để thi hành nghĩa vụ trả tiền theo bản án, quyết định của Tòa án.
Theo Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, tài sản bị kê biên chỉ quy định một các chung chung, không cụ thể. Nhưng Luật thi hành án dân sự 2008 phân loại ra từng đối tượng tài sản cụ thể để có biện pháp cưỡng chế thích hợp. Chẳng hạn, đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ, thì Điều 84 quy định như sau:
"Điều 84. Kê biên, sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ
1. Chấp hành viên ra quyết định kê biên quyền sở hữu trí tuệ thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án.
Trường hợp người phải thi hành án là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì quyền sở hữu trí tuệ vẫn bị kê biên.
2. Khi kê biên quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án, tùy từng đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, Chấp hành viên thu giữ các giấy tờ có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án.
3. Trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và lợi ích của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật sở hữu trí tuệ mà Nhà nước quyết định chủ sở hữu trí tuệ phải chuyển giao quyền của mình cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác sử dụng trong thời gian nhất định thì Chấp hành viên không được kê biên quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án trong thời gian bắt buộc phải chuyển giao.
4. Chấp hành viên quyết định giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phải nộp số tiền thu được sau khi trừ các chi phí cần thiết cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án.
Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên yêu cầu tổ chức chuyên môn, nghề nghiệp về sở hữu trí tuệ thu và quản lý thu nhập, lợi nhuận từ việc sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án.
5. Trường hợp người phải thi hành án đã chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà chưa được thanh toán hoặc mới được thanh toán một phần tiền thì Chấp hành viên ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao nộp khoản tiền chưa thanh toán để thi hành án”.
Đối với tài sản là vật thì Luật thi hành án dân sự quy định như sau:
" Điều 93. Kê biên đồ vật bị khóa, đóng gói
Khi kê biên đồ vật đang bị khoá hoặc đóng gói thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang sử dụng, quản lý đồ vật mở khoá, mở gói; nếu họ không mở hoặc cố tình vắng mặt thì Chấp hành viên tự mình hoặc có thể thuê cá nhân, tổ chức khác mở khoá, phá khoá hoặc mở gói, trong trường hợp này phải có người làm chứng. Người phải thi hành án phải chịu thiệt hại do việc mở khoá, phá khóa, mở gói.
Trường hợp cần thiết, sau khi mở khoá, phá khoá, mở gói, Chấp hành viên niêm phong đồ vật và giao bảo quản theo quy định tại Điều 58 của Luật này.
Việc mở khoá, phá khoá, mở gói hoặc niêm phong phải lập biên bản, có chữ ký của những người tham gia và người làm chứng.
Điều 94. Kê biên tài sản gắn liền với đất
Khi kê biên tài sản là công trình xây dựng gắn liền với đất phải kê biên cả quyền sử dụng đất, trừ trường hợp quyền sử dụng đất không được kê biên theo quy định của pháp luật hoặc việc tách rời tài sản kê biên và đất không làm giảm đáng kể giá trị tài sản đó.
Điều 95. Kê biên nhà ở
1. Việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án.
2. Khi kê biên nhà ở phải kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở. Trường hợp nhà ở gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng của người khác thì Chấp hành viên chỉ kê biên nhà ở và quyền sử dụng đất để thi hành án nếu người có quyền sử dụng đất đồng ý. Trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở của người phải thi hành án, nếu việc tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà.
3. Khi kê biên nhà ở của người phải thi hành án đang cho thuê, cho ở nhờ thì Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người đang thuê, đang ở nhờ biết.
Trường hợp tài sản kê biên là nhà ở, cửa hàng đang cho thuê được bán đấu giá mà thời hạn thuê hoặc thời hạn lưu cư vẫn còn thì người thuê có quyền tiếp tục được thuê hoặc lưu cư theo quy định của Bộ luật dân sự.
4Việc kê biên nhà ở bị khoá được thực hiện theo quy định tại Điều 93 của Luật này.
Điều 96. Kê biên phương tiện giao thông
1. Trường hợp kê biên phương tiện giao thông của người phải thi hành án, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng phương tiện đó phải giao giấy đăng ký phương tiện đó, nếu có.
2. Đối với phương tiện giao thông đang được khai thác sử dụng thì sau khi kê biên Chấp hành viên có thể thu giữ hoặc giao cho người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng tiếp tục khai thác sử dụng, bảo quản nhưng không được chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp.
Trường hợp giao cho người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng tiếp tục khai thác sử dụng phương tiện giao thông thì Chấp hành viên cấp cho người đó biên bản thu giữ giấy đăng ký để phương tiện được phép tham gia giao thông.
3. Chấp hành viên có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấm chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, cho thuê hoặc hạn chế giao thông đối với phương tiện bị kê biên.
4. Việc kê biên đối với tàu bay, tàu biển để thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về bắt giữ tàu bay, tàu biển.
Điều 97. Kê biên hoa lợi
Trường hợp người phải thi hành án có tài sản mang lại hoa lợi, Chấp hành viên kê biên hoa lợi đó để bảo đảm thi hành án. Đối với hoa lợi là lương thực, thực phẩm thì khi kê biên, Chấp hành viên phải để lại một phần để người phải thi hành án và gia đình họ sinh sống theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 87 của Luật này”.
Căn cứ vào hình thức sở hữu tài sản để áp dụng các biện pháp kê biên thích hợp:
Điều 89. Kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm
1. Trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký.
2. Sau khi kê biên, Chấp hành viên thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký về việc kê biên tài sản đó để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 178 của Luật này.
Điều 90. Kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp
1. Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.
            2. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.
Điều 91. Kê biên tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ
Trường hợp xác định người thứ ba đang giữ tài sản của người phải thi hành án, kể cả trường hợp tài sản được xác định bằng bản án, quyết định khác thì Chấp hành viên ra quyết định kê biên tài sản đó để thi hành án; trường hợp người thứ ba không tự nguyện giao tài sản thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc họ phải giao tài sản để thi hành án.
Trường hợp tài sản kê biên đang cho thuê thì người thuê được tiếp tục thuê theo hợp đồng đã giao kết.
Điều 92. Kê biên vốn góp
1. Chấp hành viên yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án để kê biên phần vốn góp đó. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định phần vốn góp của người phải thi hành án; trưng cầu tổ chức, cá nhân có chuyên môn xác định phần giá trị vốn góp của người phải thi hành án để cưỡng chế thi hành án.
2. Đương sự có quyền yêu cầu Toà án xác định phần vốn góp của người phải thi hành án”.

2. LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ QUY ĐịNH CHặT CHẼ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KÊ BIÊN TÀI SẢN:
Theo pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, các trình tự, thủ tục trong việc kê biên tài sản chỉ quy định chung chung, không rõ ràng tách bạch với các biện pháp cưỡng chế thi hành án khác. Nhưng đến Luật thi hành án, trình tự, thủ tục thực hiện việc kê biên tài sản được quy định một cách chi tiết và đầy đủ hơn.
Điều 88. Thực hiện việc kê biên
1. Trước khi kê biên tài sản là bất động sản ít nhất là 03 ngày làm việc, Chấp hành viên thông báo cho đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, tài sản kê biên, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
Trường hợp đương sự vắng mặt thì có thể uỷ quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình. Trường hợp đã được thông báo hợp lệ mà đương sự hoặc người được uỷ quyền vắng mặt thì Chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên, nhưng phải mời người làm chứng và ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên. Trường hợp không mời được người làm chứng thì Chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên nhưng phải ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên.
Khi kê biên đồ vật, nhà ở, công trình kiến trúc nếu vắng mặt người phải thi hành án hoặc người đang quản lý, sử dụng tài sản đó mà phải mở khoá, phá khoá, mở gói thì Chấp hành viên thực hiện theo quy định tại Điều 93 của Luật này.
2. Việc kê biên tài sản phải lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm kê biên, họ, tên Chấp hành viên, đương sự hoặc người được ủy quyền, người lập biên bản, người làm chứng và người có liên quan đến tài sản; diễn biến của việc kê biên; mô tả tình trạng từng tài sản, yêu cầu của đương sự và ý kiến của người làm chứng.
Biên bản kê biên có chữ ký của đương sự hoặc người được uỷ quyền, người làm chứng, đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, Chấp hành viên và người lập biên bản”.

Trước khi tiến hành kê biên, Chấp hành viên phải xác minh tài sản xem có thuộc diện không được kê biên hay không để có biện pháp xử lý thích hợp. Những tài sản không được kê biên đuợc quy định tại Điều 87 như sau:
"Điều 87. Tài sản không được kê biên
1. Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức.
2. Tài sản sau đây của người phải thi hành án là cá nhân:
a) Số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới;
b) Số thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh của người phải thi hành án và gia đình;
c) Vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm;
d) Đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương;
đ) Công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của người phải thi hành án và gia đình;
e) Đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình.
3. Tài sản sau đây của người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sảnxuất, kinh doanh, dịch vụ:
a) Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động;
b) Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh;
c) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường”.

II. NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ 2008 VỀ ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN ĐÃ KÊ BIÊN
Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 có quy định về nội dung và hình thức định giá tài sản. Nhưng Luật thi hành án dân sự năm 2008 có quy định định mới về việc định giá tài sản thông qua tổ chức thẩm định giá, cụ thể, tài Điều 98 quy định như sau:
" Điều 98. Định giá tài sản kê biên
1. Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thoả thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thoả thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thoả thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây:
a) Đương sự không thoả thuận được về giá và không thoả thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá;
b) Tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ;
c) Thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này.
3. Chấp hành viên xác định giá trong các trường hợp sau đây:
a) Không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thoả thuận được với nhau về giá. Chính phủ quy định về tài sản có giá trị nhỏ”.
Hình thức ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá nơi có tài sản kê biên là bắt buộc cho quá trình định giá của Chấp hành viên. Chỉ khi nào không ký được hợp đồng dịch vụ với trung tâm thẩm định giá thì Chấp hành viên mới áp dụng các hình thức định giá khác.
Căn cứ theo nội dung của việc định giá, Luật thi hành án còn quy định cho người phải thi hành án, người được thi hành án có quyền yêu cầu định giá lại theo quy định tại Điều 99 như sau:
Điều 99. Định giá lại tài sản kê biên
1. Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản;
b) Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản.
2. Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 98 của Luật này”.
Ngoài ra, Luật thi hành án dân sự có quy định các trường hợp Chấp hành viên phải tự mình xác định giá mà không thành lập Hội đồng định giá tài sản.
   
III.NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT THI HÀNH ÁN VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN THI HÀNH ÁN
Luật thi hành án dân sự 2008 kế thừa và có bổ sung một số quy định về bán đấu giá của Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004. Trong đó, đáng chú ý là quy định về việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản tại Điều 102 như sau:
Điều 102. Huỷ kết quả bán đấu giá tài sản
1. Đương sự, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản.
2. Trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ theo bản án, quyết định của Toà án thì việc xử lý tài sản để thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật này.
3. Việc xử lý hậu quả và bồi thường thiệt hại do kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ được giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Các quy định về hình thức bán đấu giá, tài sản được đưa ra bán đấu giá có khác so với Pháp lệnh thi hành án 2004 nhưng vẫn giống cơ bản về mặt nội dung thực hiện việc bán đấu giá:
" Điều 101. Bán tài sản đã kê biên
1. Tài sản đã kê biên được bán theo các hình thức sau đây:
a) Bán đấu giá;
b) Bán không qua thủ tục đấu giá.
2. Việc bán đấu giá đối với tài sản kê biên là động sản có giá trị từ trên 10.000.000 đồng và bất động sản do tổ chức bán đấu giá thực hiện.
Đương sự có quyền thoả thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thoả thuận. Trường hợp đương sự không thoả thuận được thì Chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản.
Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá.
Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.
3. Chấp hành viên bán đấu giá tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây:
a) Tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản chưa có tổ chức bán đấu giá hoặc có nhưng tổ chức bán đấu giá từ chối ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản;
b) Động sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày định giá hoặc từ ngày nhận được văn bản của tổ chức bán đấu giá từ chối bán đấu giá.
4. Chấp hành viên bán không qua thủ tục bán đấu giá đối với tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc tài sản tươi sống, mau hỏng.
Việc bán tài sản phải được thực hiện trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên.
5. Trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá.
Người phải thi hành án có trách nhiệm hoàn trả phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản. Mức phí tổn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.
6. Thủ tục bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản”.
Trong những điểm mới về kê biên tài sản, định giá và bán đấu giá tài sản kê biên theo Luật thi hành án dân sự năm 2008, thì việc quy định kê biên, định giá và bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ là một quy định hoàn toàn mới của Luật thi hành án dân sự 2008. Trong thực tiển cuộc sống xã hội, quyền sở hữu trì tuệ là một tài sản rất có giá trị nhưng trước đến nay, việc kê biên, xử lý tài sản là quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án chưa được quy định một cách cụ thể bằng một văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đã bỏ sót nhiều trường hợp có thể giải quyết xong việc thi hành án thay vì phải trả đơn yêu cầu thi hành án lại cho người được thi hành án khi người phải thi hành án không còn tài sản nào khác để thi hành án.
  
PHẦN THỨ HAI
NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG THỰC TIỄN KÊ BIÊN, ĐỊNH GIÁ VÀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN THEO LUẬT THI HÀNH ÁN

I. NHỮNG THUẬN LỢI TRONG THỰC TIỄN KÊ BIÊN, ĐỊNH GIÁ VÀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN THEO LUẬT THI HÀNH ÁN
Do được kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 nên việc Kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản theo luật thi hành án dân sự năm 2008 gặp rất nhiều thuận lợi. Mỗi giai đoạn từ khi kê biên, định giá đến khi bán tài sản kê biên đều gặp được những thuận lợi riêng nhất định.

1. NHỮNG THUẬN LỢI TRONG THỰC TIỄN KÊ BIÊN TÀI SẢN ÁP DỤNG THEO LUẬT THI HÀNH ÁN:
Thông qua việc quy định một cách cụ thể từng biện pháp kê biên tài sản tương ứng với mỗi loại tài sản khác nhau, Chấp hành viên dễ dàng lựa chọn được đối tượng và biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản thích hợp. Ví dụ, Ông Nguyễn Văn Lâm, sinh năm 1975, ngụ tại khóm Sơn Đông, thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang phải thi hành án cho ông Lâm Minh Nhựt, sinh năm 1967, ngụ tại khóm Thới Hòa, thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên , tỉnh An Giang số tiền 62.000.000 đồng. Sau khi xác minh, Chấp hành viên phát hiện ông Lâm có các tài sản sau:
- Nhà ở duy nhất có giá trị 100.000.000 đồng
- Một chiếc xe ô tô có giá trị 80.000.000 đồng
- Một chiếc xe găn máy có giá trị 10.000.000 đồng và một số tài sản nội thất có giá trị 30.000.000 đồng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 95 Luật thi hành án dân sự, trường hợp này không thể kê biên căn nhà của ông Lâm được, vì theo quy định tại Điều 95, việc kê biên nhà ở của người phải thi hành án chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án.
Căn cứ theo quy định tại Điều 8, Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế- kê biên tài sản- phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết khác. Theo ví dụ trên, thì Chấp hành viên áp dụng ngày Điều 96 Kê biên phương tiện giao thông là chiếc xe ô tô có giá trị 80.000.000 đồng của ông Lâm để đảm bảo thi hành án. Vì các tài sản khác không đủ giá trị thi hành án…
Thông qua việc quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục kê biên, Chấp hành viên khi tiến hành việc kê biên có thể xử lý dễ dàng các tình huống xảy ra trong thực tế. Ví dụ: Chấp hành viên tiến hành kê biên căn nhà của ông Nguyễn Phước Lợi, sinh năm 1966, ngụ tại ấp Tân Long, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang để đảm bảo thi hành nghĩa vụ trả tiền của ông Lợi cho ông Huỳnh Phước Lộc ngụ cùng địa phương. Khi Đoàn cưỡng chế đến tại nơi có tài sản để kê biên thì ông Lợi đã khóa cửa lại, không cho Chấp hành viên vào nhà thực hiện việc kê biên tài sản. Khi đó, Chấp hành viên áp dụng ngay Điều 93 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 để tiến hành kê biên căn nhà, đảm bảo cho việc cưỡng chế kê biên tài sản được thực hiện đúng theo kế hoạch cưỡng chế được phê duyệt. Trước đây khi chưa có quy định này, Chấp hành viên phải họp bàn với hội đồng cưỡng chế trước khi tiếp tục việc cưỡng chế, nhưng vừa tổ chức cưỡng chế lại vừa lo không biết nếu có hậu quả xảy ra thì lấy căn cứ đẩu để giải quyết….
 2. NHỮNG THUẬN LỢI TRONG THỰC TIỄN ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN ÁP DỤNG THEO LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ 2008
Căn cứ những quy định về định giá tài sản theo Pháp lệnh thi hành án, Chấp hành viên tổ chức thi hành án quyết định thi hành án muốn xử lý được tài sản đã kê biên phải tiến hành định giá tài sản. Nhưng việc định giá tài sản phải được thành lập bằng một Hội đồng định giá gồm có thành viên tham gia là các cơ quan ban ngành liên quan. Muốn tổ chức định giá đúng theo thời hạn quy định của pháp luật, Chấp hành viên phải lệ thuộc rất nhiều vào các thành viên tham gia, phải hết sức tranh thủ mới có thể triệu tập được đầy đủ thành phần, có trường hợp buộc phải hoãn lại việc định giá do có một vài thành viên không tham dự được do yêu cầu công việc chuyên môn.
Căn cứ theo Luật thi hành án, Chấp hành viên chỉ cần ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá nơi có tài sản kê biên trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày kê biên tài sản là đã giải quyết được việc định giá. Lúc trước, khi tiến hành định giá bằng Hội đồng định giá, ý kiến của các thành viên tham gia đưa ra nhưng trách nhiệm trong việc định giá lại thuộc về Chấp hành viên, nay, người chịu trách nhiệm trong việc định giá là Tổ chức thẩm định giá, tháo gỡ cho Chấp hành viên một phần trách nhiệm trong quá trình tổ chức thi hành án.
Thông qua việc ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá, Chấp hành viên chủ động được thời gian tổ chức thi hành án, có thể rảnh tay để lo tổ chức các việc thi hành án khác mà mình đang tổ chức thi hành.

3. NHỮNG THUẬN LỢI TRONG THỰC TIỄN BÁN TÀI ĐẤU GIÁ TÀI SẢN ÁP DỤNG THEO LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ 2008
Theo Pháp lệnh thi hành án, Chấp hành viên chỉ có thể bán đấu giá tài sản không qua thủ tục bán đấu giá tài sản có giá trị dưới 500.000 đồng và bán qua thủ tục đấu giá các tài sản có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng. Điều này khiến Chấp hành viên gặp rất nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục bán đấu giá đối với các tài sản có giá trị trên 500.000 đồng nhưng dưới 1.000.000 đồng như Xe gắn máy gây tai nạn giao thông, tủ gỗ thao lao, bàn, ghế gỗ… Nhưng nay theo quy định tại Điều 101 Luật thi hành án dân sự năm 2008, Chấp hành viên có thể bán không qua thủ tục đấu giá các tài sản có giá trị dưới hai triệu đồng hoặc tươi sống, hư hỏng( như gà, vịt, heo, bò …). Điểm mới này giúp Chấp hành viên tháo gở, giải quyết ngay được một lượng lớn án có giá trị thi hành nhỏ trong thực tế thi hành án, nâng cao ý thức giáo dục pháp luật về thi hành án cho người phải thi hành án và những người xung quanh.

II. NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG THỰC TIỄN KÊ BIÊN, ĐỊNH GIÁ VÀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN THI HÀNH ÁN ÁP DỤNG THEO LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ 2008
Do Luật thi hành án dân sự năm 2008 vừa mới có hiệu lực pháp luật và chưa có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành nên trong thực tiễn áp dụng trong việc Kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản gặp rất nhiều khó khăn nhất định.
Theo quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 về kê biên quyền sở hữu trí tuệ, Chấp hành viên có quyền kê biên quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án để đảm bảo thi hành án. Nhưng việc kê biên quyền sở hữu trí tuệ hiện nay chưa có cơ quan thi hành án nào tổ chức thực hiện, chưa có một cuộc tổng kết kinh nghiệm nào được triển khai để Chấp hành viên có điều kiện tập huấn. Do đó, thực tiễn khi phát hiện người phải thi hành án có tài sản là quyền sở hữu trí tuệ vẫn chưa mạnh tay áp dụng biện pháp kê biên ngay mà lựa chọn biện pháp kê biên tài sản khác để đảm bảo thi hành án.
Ví dụ, ông Nguyễn Văn Nghĩa là một nghệ nhân về cây cảnh phải trả cho Ngân hang nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên số tiền 200.000.000 đồng. Quá trình lao động, ông tìm ra được phương pháp làm cho cây kiểng có thể trổ hoa bất kể mùa nào trong năm, và giải pháp hữu ích của ông được đăng ký bảo hộ tại cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay, thu nhập hàng tháng của ông trong việc áp dụng giải pháp này trong việc chăm sóc cây kiểng thuê cho người khác không dưới 10.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi xác minh tài sản của ông Nghĩa, Chấp hành viên chỉ áp dụng biện pháp kê biên tài sản là quyền sử dụng đất của ông Nghĩa đã thế chấp vay tại ngân hàng( mặc dù bản án không tuyên kê biên tài sản thế chấp để bảo đảm thi hành án). Lý do, không cơ quan, tổ chức nào đứng ra thẩm định được giá trị của giải pháp hữu ích trên để có thể xử lý thi hành án.
 Trong việc định giá tài sản, Luật thi hành án quy định đương sự có quyền yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản, nhưng không quy định thời hạn và số lần yêu cầu định giá lại của đương sự, dẫn đến đương sự lợi dụng quy định này để cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian định giá để được lợi về giá trong quá trình thị trường có biến động lớn về giá. Theo quy định, mỗi năm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều ban hành những quy định mới về giá đất để áp dụng trong đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng. Thời điểm ban hành quyết định thường là tháng 11 và thời điểm quyết định mới có hiệu lực là vào ngày 01 tháng 01 của năm sau. Do đó, khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 01 của năm kế tiếp đương sự luôn tìm cách trì hoãn việc kê biên, định giá tài sản để chờ giá đất lên, đồng thời, kéo dài thời giant hi hành án, vì khi đến thời điểm tháng 01 mà chưa thể đưa tài sản ra bán đấu giá thì trong tháng hai có thể sẽ không thể xử lý được, phải kéo dài qua tháng 3 hoặc tháng 4 vì tháng 02 hay rơi vào dịp Tết Nguyên Đán, Tết cổ truyền của dân tộc.
 Trong vấn đề bán đấu giá tài sản thi hành án, trước đây, cơ quan thi hành án gặp khó khăn trong việc bán đấu giá tài sản kê biên do không người tham gia đấu giá vì việc áp dụng Nghị định 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Vì có nhiều trường hợp chỉ có một người đăng ký mua tài sản bán đấu giá. Theo quy định, trong trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có một người đăng ký mua tài sản bán đấu giá và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì tài sản được bán cho người đó, nếu người có tài sản bán đấu giá đồng ý. Hiện nay, Luật thi hành án quy định thủ tục bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Mà chỉ có nghị định 05/2005/NĐ-CP là quy định về bán đấu giá mà thôi. Theo đó, người có tài sản bán đấu giá là ai chưa có quy định cụ thể, nếu đó là cơ quan thi hành án hoặc Chấp hành viên được ủy quyền ký hợp đồng bán đấu giá tài sản thì có phải là người có tài sản bán đấu giá hay không? Vì khi chỉ một người tham gia đấu giá, phải được sự đồng ý của người có tài sản bán đấu giá, nếu là Chấp hành viên thì điều này sẽ dễ thực hiện hơn. Còn như nếu người có tài sản bán đấu giá là người phải thi hành án bị kê biên tài sản- đã bị hạn chế quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản- thì không thể họ chấp nhận bán tài sản bằng giá khởi điểm được.
 Qua trên, cho thấy Luật thi hành án có những điểm mới mang lại nhiều thuận lợi trong việc kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản trong thực tiễn thi hành án, nhưng đồng thời, cũng mang đến một số khó khăn nhất định cho cơ quan thi hành án, Chấp hành viên trong quá trình tổ chức việc thi hành án. Vì vậy, em xin đề xuất một số kiến nghị để khắc phục khó khăn trong quá trình áp dụng Luật thi hành án dân sự năm 2008 trong thực tiễn về kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản thi hành án như sau.

PHẦN THỨC BA
NHỮNG ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN TRONG THỰC TIỄN 
KÊ BIÊN, ĐỊNH GIÁ VÀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN 
THEO LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ NĂM 2008

Thông qua những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng luật thi hành án về kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản thi hành án, em xin đề xuất và kiến nghị như sau:
- Mở nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản thi hành án cho tất cả các Chấp hành viên. Từ đó, Chấp hành viên có them kinh nghiệm để giải quyết những khó khăn trong quá trình tác nghiệp của mình.
- Xây dựng và ban hành ngay các văn bản hướng dẫn Luật thi hành án về kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản thi hành án để triển khai áp dụng trong công tác trong thời gian tới.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân, từ đó, nâng cao nhận thức pháp luật của công dân về thi hành án dân sự, để họ tự giác chấp hành theo pháp luật thi hành án dân sự.
- Chú trọng công tác giáo dục, thuyết phục, động viên và tạo điều kiện cho người phải thi hành án tự nguyện thi hành án; quan tâm giải thích để đương sự hiểu biết nhằm thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật; Hướng dẫn các bên đương sự thỏa thuận về việc thi hành án nhằm hạn chế các xung đột giữa các bên; Tổ chức tốt công tác tiếp dân để giảm thiểu tình trạng khiếu nại, tố cáo của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Trường hợp bản án, quyết định có những điểm chưa rõ để thi hành, không phù hợp với thực tế hoặc cần được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Đối với những vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về mặt an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương cần báo cáo Ban chỉ đạo thi hành án dân sự. Những vấn đề vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án thì thỉnh thị ý kiến của cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời.
- Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan hữu quan để tranh thủ sự đồng tình và thống nhất biện pháp giải quyết đối với các vấn đề phát sinh.
- Các tài liệu có trong hồ sơ thi hành án phải đầy đủ, chặt chẽ, thể hiện đúng kết quả thi hành án làm cơ sở cho việc kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thuận lợi, chính xác, khách quan.

KẾT LUẬN

Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án là một trong các biện pháp cưỡng chế thi hành án được áp dụng nhiều nhất trong quá trình thi hành án. Vì vậy, Chấp hành viên cần phải nắm được không chỉ những quy định của pháp luật thi hành án dân sự mà còn phải hiểu những quy định của pháp luật trong các lĩnh vực khác như nhà đất, xây dựng, sở hữu trí tuệ, ngân hàng… Từ đó, trong quá trình tác nghiệp của mình, Chấp hành viên có thể nhanh chóng giải quyết được việc thi hành án, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, Chấp hành viên trong quá trình thực hiện việc kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản thi hành án, Chấp hành viên phải nắm vững các nghiệp vụ khác như xác minh điều kiện thi hành án, thông báo về thi hành án cho đương sự. Vì những nghiệp vụ này phục vụ một cách đắc lực cho quá trình thực hiện việc kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản của chấp hành viên trên thực tế./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét