Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Xử án hình sự: Còn sai sót


Trong các vấn đề nổi lên tại hội nghị triển khai công tác năm 2012 do TAND Tối cao tổ chức tại TP.HCM ngày 3-1, đáng lưu ý hơn cả là việc xét xử án hình sự của các tòa địa phương vẫn còn nhiều lúng túng, sai sót…
Tòa Hình sự TAND Tối cao cho biết trong số 26 quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì có đến 12 quyết định hủy án phúc thẩm, sơ thẩm để xét xử lại vì cho hưởng án treo không đúng.
Cho hưởng án treo sai
Theo Tòa Hình sự, điều kiện cho bị cáo hưởng án treo đã được quy định rõ tại Điều 60 BLHS và được hướng dẫn rất chi tiết trong Nghị quyết 01 ngày 2-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Nhưng trong thực tiễn xét xử, các tòa lại thường không để ý đến nhân thân của bị cáo mà quá nhấn mạnh đến tình tiết bị cáo nộp tiền phạt hay tình tiết gia đình, người thân thích của bị cáo là người có công. Chính vì vậy có trường hợp bị cáo có nhân thân xấu, phạm tội nhiều lần vẫn được tòa cho hưởng án treo.
Vụ án Hoa Anh Tuấn bị xét xử về tội cố ý gây thương tích là một minh chứng. Theo hồ sơ, do có mâu thuẫn với ông Tiến về việc thu mua phế thải, Tuấn đã nhờ một số người đánh dằn mặt người này. Tuấn đã chỉ nhà, chỉ mặt cho những người kia đánh, chém ông Tiến gây thương tật 23%. Xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội phạt Tuấn ba năm tù. Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã sửa án sơ thẩm, cho bị cáo này hưởng án treo.
Đánh giá về vụ này, Tòa Hình sự TAND Tối cao cho rằng cả hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều có thiếu sót: Tuấn phạm tội thuộc trường hợp có tính chất côn đồ nhưng cấp sơ thẩm lại không áp dụng điểm i khoản 1 Điều 104 BLHS là sai, đồng thời chỉ phạt Tuấn ba năm tù là quá nhẹ, chưa tương xứng với mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội cùng vai trò chủ mưu, khởi xướng. Sau đó, cấp phúc thẩm đã không phát hiện ra sai lầm của cấp sơ thẩm lại còn cho Tuấn hưởng án treo trong khi Tuấn có nhân thân xấu (năm 2005 từng bị kết án vềtội chống người thi hành công vụ). Trong một thời gian ngắn, Tuấn đã nhiều lần vi phạm pháp luật nên việc cho bị cáo hưởng án treo là không đúng chế định về án treo của BLHS và trái với hướng dẫn tại các điểm b, d Tiểu mục 6.1 Nghị quyết 01 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Cứng nhắc nên không khoan hồng
Ở chiều ngược lại, cũng có những vụ đủ điều kiện để cho bị cáo hưởng án treo nhưng các tòa lại quá cứng nhắc khi đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội nên không khoan hồng.
Theo Tòa Hình sự TAND Tối cao, vụ anh em Nguyễn Hồng Sơn và hai đồng phạm bị xét xử về tội cố ý gây thương tích tại Bình Thuận (Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh) là một ví dụ. Do có mâu thuẫn từ trước, tối 18-8-2009, một hàng xóm đã dùng đá đánh cha của Sơn phải nhập viện cấp cứu. Bốn ngày sau, còn ấm ức, anh em Sơn cùng hai người bạn đã dùng cây gỗ, rựa đánh người hàng xóm gây thương tật 55% tạm thời.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Tuy Phong phạt Sơn ba năm tù, em trai Sơn hai năm tù, cho hai bị cáo còn lại hưởng án treo. Sau đó, Sơn kháng cáo xin hưởng án treo, còn VKS huyện kháng nghị theo hướng tăng án, không cho cả bốn bị cáo hưởng án treo. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Thuận chấp nhận kháng nghị, phạt Sơn năm năm tù, ba bị cáo còn lại mỗi người ba năm tù.
Tòa Hình sự nhận xét việc tăng án với Sơn, không cho em trai Sơn hưởng án treo là quá nặng, không cần thiết bởi các bị cáo có đầy đủ điều kiện được hưởng án treo theo quy định tại Điều 60 BLHS và Mục 6 Nghị quyết 01.
Hủy, sửa án thiếu căn cứ
Theo luật, tòa phúc thẩm chỉ có thể hủy án sơ thẩm để điều tra lại nếu việc điều tra không đầy đủ mà tòa phúc thẩm không thể khắc phục được hay hủy án để xét xử lại khi cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, theo Tòa Hình sự, trong năm qua, đã có những trường hợp tòa phúc thẩm lại hủy án sơ thẩm để điều tra lại cả những vấn đề đã điều tra đầy đủ, tỉ mỉ hoặc yêu cầu điều tra những vấn đề không liên quan đến việc giải quyết án.
Chẳng hạn vụ Đặng Hồng Cừu không có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển xe máy, không làm chủ tốc độ gây tai nạn giao thông làm một người chết. Tòa sơ thẩm đã phạt Cừu bốn năm tù về tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ theo điểm a khoản 2 Điều 202 BLHS. Sau đó, tòa phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại nhưng không nêu cần phải điều tra lại vấn đề gì. Trong khi đó, bản án sơ thẩm đã giải quyết thấu đáo về cả trách nhiệm hình sự lẫn trách nhiệm dân sự.
Bỏ lọt… kháng nghị
Một vấn đề khác mà Tòa Hình sự cũng nêu ra để rút kinh nghiệm là việc tòa cấp phúc thẩm bỏ sót, không xem xét kháng nghị của VKS, vi phạm Điều 241 BLTTHS.
Điển hình là vụ Nguyễn Tiến Long bị tòa sơ thẩm phạt sáu năm tù về tội giết người. Không đồng ý, đại diện hợp pháp của nạn nhân kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt và mức bồi thường, VKS thì kháng nghị đề nghị tòa phúc thẩm chuyển tội danh nhẹ hơn và giảm hình phạt cho bị cáo.
Tại phiên xử phúc thẩm, phía nạn nhân đã rút toàn bộ kháng cáo. Lẽ ra phải tiếp tục xét xử vì vẫn còn kháng nghị của VKS, tòa lại ra quyết định… đình chỉ xét xử phúc thẩm. Tìm hiểu mới biết do không cẩn thận trong khâu thụ lý và lập hồ sơ phúc thẩm, bộ phận chức năng đã không chuyển kháng nghị cho thẩm phán được phân công giải quyết án nên mới xảy ra chuyện thẩm phán bỏ lọt kháng nghị như trên.
Tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, đã biểu dương những nỗ lực, cố gắng trong hoạt động xét xử của ngành tòa án trong bối cảnh cán bộ thiếu, cơ sở vật chất chưa đầy đủ, tình hình tội phạm và khiếu kiện gia tăng.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước lưu ý vẫn còn một số hạn chế, bất cập mà ngành tòa án phải khắc phục: Tình trạng án tồn đọng kéo dài, chậm được giải quyết; án bị hủy, sửa; một số bản án tính thuyết phục chưa cao, án tuyên không rõ gây khó khăn cho công tác thi hành án; một số cán bộ trình độ còn yếu, suy thoái về đạo đức, lối sống…
Phải công tâm khi cho hưởng án treo
Điều 60 BLHS quy định khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng việc cho hưởng án treo có thể tùy nghi vào người xét xử, mang tính chủ quan.
Tuy nhiên, tôi cho rằng việc cho hay không cho hưởng án treo theo Điều 60 BLHS buộc người thẩm phán phải căn cứ vào tình hình tội phạm ở địa phương vào thời điểm xét xử mà quyết định. Nếu tại thời điểm xét xử, loại tội phạm đó tại địa phương đang có chiều hướng gia tăng thì có thể không cho bị cáo hưởng án treo dù đủ điều kiện để đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Đồng thời, khi xét xử, người thẩm phán cũng cần phải có cái nhìn thật sự công tâm khi đưa ra quyết định.
Kiểm sát viên cao cấp NGUYỄN THANH SƠNViện Phúc thẩm III VKSND Tối cao
Còn lúng túng khi định tội danh
Thực tiễn xét xử phúc thẩm đối với các vụ án có kháng cáo, kháng nghị của địa phương, chúng tôi nhận thấy một số tòa còn lúng túng, vướng mắc trong việc định tội danh đối với nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người. Chẳng hạn giữa tội giết người ở khoản 2 Điều 93 BLHS với tội giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh theo Điều 95 BLHS; giữa tội giết người ở khoản 2 Điều 93 BLHS với tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS.
Cạnh đó, trong thực tế, tại một số nơi tồn tại quan điểm đã xét xử bị cáo về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS thì không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 BLHS (phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra).
Đại diện Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội

Theo: Tạp chí Pháp luật TP.HCM onlin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét