Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Mua nhà đấu giá, chuốc bực vào thân

Mua nhà bán đấu giá
Trước đó, ngôi nhà số 194 phố Huế (Hà Nội) đã được Công ty TNHH Bắc Sơn thế chấp để vay 20 tỷ đồng của Vietinbank từ năm 2002. Tháng 8/2007, Vietinbank đệ đơn ra tòa kiện đòi 15 tỷ đồng nợ gốc còn lại mà Công ty Bắc Sơn chưa trả. Sau đó, hai bên hòa giải, với thỏa thuận Công ty Bắc Sơn sẽ bán ngôi nhà số 194 phố Huế (trụ sở Công ty, là tài sản thế chấp) để trả nợ cho Vietinbank. Tuy nhiên, Công ty Bắc Sơn không bán được nhà và không trả nợ, nên tháng 3/2009, Vietinbank có đơn đề nghị cơ quan thi hành án xử lý tài sản thế chấp.
Sau đó, Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng đã kê biên ngôi nhà số 194 phố Huế, Vietinbank và Công ty Bắc Sơn thỏa thuận với nhau giá kê biên là 34,9 tỷ đồng. Do các bên không tự bán được và cũng không thỏa thuận được với nhau về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá, nên Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng đã ký hợp đồng ủy quyền cho CTCP Bán đấu giá Hà Nội bán với giá khởi điểm 34,9 tỷ đồng.
Hết thời hạn, không có khách mua nhà, theo quy định, cơ quan thi hành án ra quyết định giảm giá 10%, giá mới là 31,4 tỷ đồng và tiếp tục ủy quyền cho CTCP Bán đấu giá Hà Nội. Ngày 24/8/2009, công ty này tổ chức bán đấu giá ngôi nhà số 194 phố Huế và người trúng đấu giá là ông Đặng Văn Thoán, với số tiền 31,5 tỷ đồng. Ông Thoán đã nộp đủ tiền và CTCP Bán đấu giá Hà Nội chuyển số tiền đó vào tài khoản tạm giữ của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng.

Viện KSND Tối cao can thiệp
Thông thường, việc mua đấu giá nhà trong một vụ thi hành án được coi là an toàn về mặt pháp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp này, ngay khi ông Đặng Văn Thoán chuẩn bị được bàn giao nhà thì Viện KSND Tối cao có quyết định kháng nghị đối với quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự, yêu cầu tạm đình chỉ thi hành án và chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm. Quá trình tố tụng đã bị kéo dài nhiều năm, khi vụ án trải qua bản án giám đốc thẩm, sơ thẩm (lần 2) rồi lại bị kháng nghị và cuối cùng vào giữa năm nay, bản án phúc thẩm có hiệu lực, quyền lợi của người mua nhà trúng đấu giá mới được bảo vệ, khi việc đòi nhà của Công ty Bắc Sơn không được chấp nhận. Cùng với đó là khoản tiền mà bị đơn phải trả ngày một nhiều hơn, từ 25 tỷ đồng tăng lên 43,6 tỷ đồng và án phí tỷ lệ thuận với giá trị khoản nợ.
Tuy nhiên, sự quan tâm của Viện KSND Tối cao trong vụ án nhà số 194 phố Huế không chỉ dừng lại ở việc liên tiếp kháng nghị các bản án, mà còn đối với quyết định khởi tố vụ án hình sự để “xử lý” người đã cho thi hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự vào năm 2009. Đáng chú ý là việc thi hành án, từ khâu định giá tài sản và bán đấu giá tài sản, đều có sự tự nguyện của đương sự phải thi hành án. Chỉ đến khi việc bán đấu giá đã thực hiện xong thì đương sự mới thay đổi không chịu bàn giao nhà, dẫn đến cơ quan thi hành án phải cưỡng chế giao nhà.

… dù pháp luật bảo vệ quyền lợi người mua
Trong khi đó, người trúng đấu giá không được nhận nhà, dù Luật Thi hành án dân sự quy định: trường hợp tài sản được thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án và chuyển cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình qua bán đấu giá mà sau đó, bản án, quyết định của Tòa án bị hủy, sửa đổi thì chủ sở hữu ban đầu không được lấy lại tài sản đó, nhưng được bồi hoàn giá trị tài sản. Các văn bản pháp quy khác như Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản, Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC đều có quy định bảo vệ quyền lợi của người mua đấu giá theo hướng tiếp tục hoàn thiện thủ tục giao tài sản, dù bản án, quyết định đã bị kháng nghị.
Trong suốt thời gian đó, người mua trúng đấu giá ngôi nhà số 94 phố Huế là ông Thoán liên tục có đơn thư khiếu nại, kêu cứu, bởi gần 3 năm kể từ khi nộp toàn bộ số tiền mua nhà 31,5 tỷ đồng, ông Thoán vẫn chưa nhận được nhà. Nguyện vọng của ông Thoán rất đơn giản: “Tôi là người mua ngay tình, trúng đấu giá có hợp đồng, có công chứng, có trả đủ tiền và không liên quan đến tranh chấp của các bên, nên tôi đề nghị được nhận nhà, đề nghị cơ quan chức năng đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho tôi”.
Kéo dài từ năm 2007 đến nay, vụ kiện đòi nợ đã khép lại, song dư âm vẫn còn khi số tiền mà Công ty Bắc Sơn phải trả tăng lên cùng với các kháng nghị bản án của Viện KSND Tối cao. Bên cạnh đó là khó khăn cho một công dân mua nhà đấu giá sau 3 năm mới được nhận nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét