Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Thi hành án dân sự


Thi hành án dân sự là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm của quá trình tố tụng, đảm bảo cho bản án được tổ chức thi hành trên thực tế. Quyết định kết quả của quá trình xét xử, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Đồng thời, đây là một khâu đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của người được thi hành án và người phải thi hành án( gọi chung là đương sự).
Chính vì vậy, đương sự luôn cảm thấy bức xúc trước những quyết định, hành vi của thủ trưởng, Chấp hành viên và cán bộ làm công tác thi hành án. Mọi thủ tục của cơ quan thi hành án tổ chức thực hiện đều có thể bị khiếu nại. Từ khâu nhận đơn yêu cầu thi hành án, ra quyết định, thông báo, xác minh, cưỡng chế thi hành án, thậm chí đến giai đoạn kết thúc thi hành án vẫn có thể bị khiếu nại như thu phí thi hành án, ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án hoặc đình chỉ thi hành án…..
Tuy nhiên, với sự ngày càng hoàn thiện của hệ thống pháp luật nói chung và quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo trong thi hành án nói riêng cũng được hoạn thiện đáng kể. Từ Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 đến Luật thi hành án dân sự năm 2008, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo luôn đặt lên hàng đầu. Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 có một chương và 05 Điều quy định về giải quyết khiếu nại tố cáo, đến Luật thi hành án dân sự năm 2008 có một chương, 02 mục và 20 Điều quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cho thấy, Luật thi hành án có sự kế thừa và có những điểm mới hơn về các quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự.
Nhưng theo Luật thi hành án thì có sự kế thừa nào? và có những điểm mới gì? Sau thời gian được học về Luật thi hành án dân sự, tôi xin chọn đề tài " Phân tích những điểm kế thừa, những điểm mới về các quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Luật thi hành án dân sự năm 2008” để làm báo cáo kết túc học phần 1 trong chương trình học của mình.
LÝ LUẬN CHUNG VỀ GIẢI QUYẾT
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ.
Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chũ nghĩa Việt Nam năm 1992 quy định:
" Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào.
Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định.
Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự.
Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”( Điều 74).
Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 có quy định:
1- "Khiếu nại" là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2- "Tố cáo" là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”( Điều 2).
Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 quy định:
" Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án có quyền khiếu nại đối với các quyết định, hành vi của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, nếu có căn cứ cho rằng các quyết định hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ”( Điều 59).
Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định:
" Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.( Điều 59).
Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức” ( Điều 154).
Ngoài ra, về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có nhiều nghị định của chính phủ hướng dẫn thi hành, đảm bảo mọi cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

II. SỰ GIỐNG VÀ KHÁC NHAU GIỮA KHIẾU NẠI VÀ TỐ CÁO
Về cơ bản, giữa khiếu nại và tố cáo có sự giống nhau là đều được Hiến pháp quy định, là một trong những quyền cơ bản của công dân nhằm bảo vệ cho lợi ích Nhà nước, tập thể và của công dân. Việc khiếu nại hay tố cáo phải có căn cứ chứng minh điều mình khiếu nại, tố cáo là đúng. Đồng thời, mọi khiếu nại, tố cáo của công dân phải được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nếu không kịp thời giải quyết thì tuỳ theo mức độ và tính chất của hành vi vi phạm sẽ bị xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, giữa khiếu nại và tố cáo cũng có sự khác biệt rất rõ ràng. Về chủ thể khiếu nại có phạm vi rộng hơn chủ thể tố cáo. Chủ thể khiếu nại có thể là cá nhân, c67 quan, tổ chức nhưng chủ thể tố cáo chỉ là cá nhân. Về đối tượng bị khiếu nại có phạm vi hẹp hơn đối tượng bị tố cáo. Đối tượng bị khiếu nại chỉ gồm hành vi hành chính, quyết định hành chính, quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, còn đối tượng bị tố cáo thuộc tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Theo đó, phạm vi lợi ích được bảo vệ trong trưòng hợp khiếu nại hẹp hơn trong trường hợp tố cáo, khiếu nại chỉ bảo vệ lợi ích cá nhân, còn tố cáo bảo vệ lợi ích cho Nhà nước, tập thể, cá nhân khác và lợi ích của bản thân.
Còn một điều khác nhau quan trọng nữa giữa khiếu nại và tố cáo là trách nhiệm của chủ thể. Chủ thể khiếu nại mà khiếu nại có nội dung không đúng chỉ bị bác nội dung khiếu nại, không chấp nhận khiếu nại mà không có hình thức xử lý nào khác. Nhưng chủ thể tố cáo mà tố cáo sai sự thật, thì tuỳ theo tính chất và mức độ sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật( đối với cán bộ công chức), buộc bồi thường thiệt hại( nếu có) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, giữa khiếu nại và tố cáo còn có sự khác biệt về thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo, thời hiệu khiếu nại, tố cáo.
Qua trên, ta thấy được những điểm giống và khác nhau cơ bản giữa khiếu nại và tố cáo, nhưng theo Luật thi hành án dân sự năm 2008, thì việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự có những điểm kế thừa nào? Có những điểm mới nào so với các quy định của pháp luật trước đây.

VỀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
THEO LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ NĂM 2008
I. NHỮNG ĐIỂM KẾ THỪA VỀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ THEO LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ 2008
Luật thi hành án dân sự năm 2008 có những điểm kế thừa của luật khiếu nại tố cáo năm 1998, Luật khiếu nại, tố cáo sử đổi bổ sung năm 2005 và của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004.
Trước hết, nói đến những điểm kế thừa theo Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và Luật sửa đổi bổ sung Luật khiếu nại tố cáo năm 2005. Luật thi hành án dân sự năm 2008 căn cứ một cách cụ thể, đầy đủ những quy định của Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và Luật khiếu nại tố cáo bổ sung năm 2005 về trình tự, thủ tục lập hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo, quyền khiếu nại, người tố cáo, quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại, tố cáo, thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo và thời hạn giải quyết khiếu nại tố cáo cũng như thời hiệu khiếu nại tố cáo. Những quy định trên của Luật khiếu nại, tố cáo được Luật thi hành án dân sự năm 2008 cụ thể hoá trong lĩnh vực thi hành án dân sự từ Điều 140 đến Điều 158.
Trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật khiếu nại, tố cáo, Luật thi hành án dân sự năm 2008 còn kế thừa những quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự. Theo Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, những quy định về quyền khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại và thời hạn giải quyết khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết tố cáo về thi hành án đều được Luật thi hành án dân sự năm 2008 kế thừa.
Chẳng hạn, theo Luật thi hành án dân sự và Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, người có quyền khiếu nại về thi hành án dân sự gồm có: Đương sự( người được thi hành án, người phải thi hành án), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án. Về đối tượng bị khiếu nại về thi hành án là các quyết định hoặc các hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, của Chấp hành viên. Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nếu khiếu nại quyết định, hành vi của Chấp hành viên thì do Thủ trưởng trực tiếp của Chấp hành viên giải quyết, thẩm quyền giải quyết tiếp theo do Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu. Nếu khiếu nại quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu do Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp trên trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan thi hành án có quyết định, hành vi bị khiếu nại, thẩm quyền giải quyết tiếp theo thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cấp cấp trên trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu….
Về tố cáo, Pháp lệnh quy định việc tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Luật thi hành án đã kế thừa những quy định của pháp luật khiếu nại tố cáo nên cũng có những quy định cụ thể để giải quyết tố cáo trong lĩnh vực thi hành án.
Tuy nhiên, không phải Luật thi hành án dân sự năm 2008 hoàn toàn không có gì mới so với những quy định về giải quyết khiếu nại tố cáo trong thi hành án dân sự theo Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004. Nhưng trên cơ sở những kế thừa đó, Luật thi hành án dân sự có những điểm mới hơn so với Pháp lệnh thi hành ándân sự năm 2008. Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định một cách cụ thể hơn, đầy đủ hơn, đồng thời, có những quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự được Luật quy định một cách chặt chẽ hơn, hợp lý hơn so với Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004.
II. Những điểm mới về quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự theo Luật thi hành án dân sự năm 2008Trước hết, nói đến điểm mới về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự theo Luật thi hành án dân sự, ta phải nói đến những quy định về khiếu nại thi hành án.
1. Khiếu nại về thi hành án dân sự
a. Đối tượng bị khiếu nại:
Luật thi hành án dân sự quy định đối tượng bị khiếu nại rộng hơn đối tượng bị khiếu nại theo Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004. Đối tượng bị khiếu nại theo luật ngoài quyết định, thì các hành vi sau đây có thể bị khiếu nại như: không xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án, không hướng dẫn thực hiện các quyền của các đương sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan mà Luật đòi hỏi Chấp hành viên phải hướng dẫn, bán đấu giá khi không có căn cứ xác lập thẩm quyền bán đấu giá của Chấp hành viên, tiến hành các hoạt động nghiệp vụ nhưng không lập biên bản, lập biên bản nhưng không giao cho người được nhận theo quy định của pháp luật, không triệu tập người phải thi hành án để thực hiện việc thi hành án, không chứng kiến việc thoả thuận của các đương sự khi luật yêu cầu Chấp hành viên phải chứng kiến…
Khác với Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2008, Luật thi hành án dân sự phân các quyết định, hành vi bị khiếu nại thành các nhóm khác nhau, tuỳ thuộc vào tính chất, giai đoạn thi hành án như sau:
- Nhóm quyết định, hành vi thuộc giai đoạn trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế.
- Nhóm quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp phong toả tài khoản và biện pháp bảo đảm khác.
- Nhóm quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp cưỡng chế.
- Nhóm quyết định, hành vi sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế.
b. Thời hiệu khiếu nại về thi hành án dân sự
Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2008 chỉ áp dụng chung một quy định là 90 ngày kể từ ngày đương sự nhận được quyết định hoặc biết được hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hoặc Chấp hành viên, nhưng để đảm bảo cho việc giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự cũng như quá trình thi hành án được thuận lợi, Luật thi hành án dân sự đã rút ngắn một cách tương đối thời hiệu khiếu nại nói chung chỉ còn trong khoảng từ 03 đến 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi trái pháp luật. Cụ thể:
- Đối với quyết định, hành vi về thi hành án trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế là 15 ngày.
- Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp phong toả tài khoản là 03 ngày làm việc, về áp dụng biện pháp bảo đảm khác là 10 ngày.
- Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày.
- Đối với quyết định, hành vi sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày.
Lần khiếu nại tiếp theo thống nhất chung một thời hiệu cho các quyết định, hành vi bị khiếu nại là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
c. Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự
Lần đầu tiên, pháp luật về thi hành án dân sự có những quy định về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại và người có thầm quyền giải quyết khiếu nại.
Để đảm bảo cho người khiếu nại được thực hiện quyền khiếu nại một cách có hiệu quả, Luật thi hành án dân sự quy định: " người khiếu nại có các quyền tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại; được nhờ luật sư giúp đở về mặt pháp luật trong quá trình khiếu nại; được nhận quyết định giải quyết khiếu nại; được biết các bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại; đưa ra bằng chứng về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về bằng chứng đó; được khiếu nại tiếp nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại; được rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại; được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm và được bồi thường thiệt hại, nếu có. Đồng thời , Luật thi hành án dân sự cũng quy định người khiếu nại phải khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết, trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó; phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành và quyết định của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp.
Không chỉ đứng về phía người khiếu nại, Luật thi hành án dân sự cũng tạo điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền của người bị khiếu nại. Người bị khiếu nại có quyền được biết các căn cứ khiếu nại của người khiếu nại, đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi bị khiếu nại, được nhận quyết định giải quyết khiếu nại. Đồng thời, người bị khiếu nại cũng có nghĩa vụ phải giải trình về quyết định, hành vi bị khiếu nại, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại yêu cầu, phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành và quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, phải bồi thường, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại được đúng đắn, khách quan, có hiệu lực, hiệu quả, Luật thi hành án dân sự quy định rất cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại, quyết định tạm dừng việc thực hiện quyết định, hành vi bị khiếu nại hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tạm ngừng việc thi hành án trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định, nếu xét thấy cần thiết( có cơ sở cho rằng sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc ảnh hưởng đến việc giải quyết khiếu nại). Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cũng có nghĩa vụ tiếp nhận giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi bị khiếu nại, thông báo bằng văn bản về việc thụ lý để giải quyết, gửi quyết định giải quyết cho người khiếu nại, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết khiếu nại của mình.
d. Thủ tục giải quyết khiếu nại về thi hành án
- Luật thi hành án dân sự có quy định về hình thức khiếu nại. Người khiếu nại thực hiện việc khiếu nại bằng nhiều hình thức: gửi đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ, nội dung đơn phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định; trực tiếp trình bày tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nội dung khiếu nại; khiếu nại thông qua người đại diện, người đại diện phải có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện….
- Luật thi hành án dân sự 2008 còn có điểm mới là quy định về những căn cứ không thụ lý đơn khiếu nại. Trường hợp khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp, người đại diện không có giấy tờ chứng minh về việc đại diện hợp pháp của mình, thời hiệu khiếu nại đã hết và việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét lại theo thẩm quyền thì không thụ lý. Trường hợp có căn cứ thụ lý đơn khiếu nại, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết.
- Về thời hạn giải quyết khiếu nại, Luật thi hành án dân sự quy định các thời hạn giải quyết khiếu nại theo tính chất và mức độ của quyết định, hành vi , cụ thể: đối với khiếu nại về thi hành án trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, lần hai là 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại; đối với khiếu bại về áp dụng biện pháp phong toả tài khoản và quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp bảo đảm khác thì thời hạn giải quyết khiếu nại là 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại; đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 30 ngày, lần hai là 45 ngày kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại, trong trường hợp cần thiết, đối với những vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại; đối với quyết định, hành vi sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, lần hai là 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.
- Ngoài ra, Luật thi hành án dân sự còn quy định về việc lập hồ sơ giải quyết khiếu nại, hình thức, nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại. Trong đó, đáng chú ý là nội dung quyết định giải quyết khiếu nại phải có điều khoản quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật gây ra và điều khoản hướng dẫn quyền khiếu nại lần hai của người khiếu nại.
Ngoài những điểm mới nói trên, Luật thi hành án dân sự năm 2008 còn quy định cụ thể tầm quan trọng của quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Vì quyết định giải quyết khiếu nại lần hai không giải quyết trực tiếp đến quyền lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, mà thông qua quyết định khiếu nại lần đầu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
2. Tố cáo về thi hành án dân sự
Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 không quy định cụ thể các quy định về giải quyết tố cáo, nhưng Luật thi hành án đã cụ thể hoá những quy định đó từ Điều 154 đến Điều 158. Theo đó, Luật thi hành án dân sự có những điểm mới về giải quyết tố cáo trong thi hành án dân sự như sau:
a. Người có quyền tố cáo
Người có quyền tố cáo là công dân, nếu thấy hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
b. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo
Người tố cáo quyền gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, được yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của mình, yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo, yêu cầu được bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù.
Đồng thời, người tố cáo có nghĩa vụ phải trình bày trung thực, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo, nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.
c. Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo
Người bị tố cáo có quyền được thông báo về nội dung tố cáo, được đưa ra bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật, được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được phục hồi danh dự, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo không đúng gây ra.
Bên cạnh đó, người bị tố cáo có nghĩa vụ phải giải trình về hành vi bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu, chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.
d. Thẩm quyền, thời hạn giải quyết tố cáo
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó chịu trách nhiệm giải quyết. Nếu người bị tố cáo là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm giải quyết.
- Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá 90 ngày.
- Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
e. Trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo
Cá nhân, tổ chức có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, xử lý nghiêm minh người vi phạm, áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra, bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết, giải quyết trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ngoài những quy định nêu trên, Luật thi hành án dân sự năm 2008 còn có điểm mới là quy định cụ thể việc kiểm sát tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án. Theo đó, Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, có quyền yêu cầu, kiến nghị đối với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật.
Trên đây là những điểm kế thừa và những điểm mới về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự theo Luật thi hành án dân sự năm 2008. Tuy vậy, dù Luật thi hành án dân sự năm 2008 có sự kế thừa và có những điểm mới, song quá trình áp dụng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Điều này thể hiện ra sao, chúng ta đi sâu vào phần thực tiễn áp dụng Luật thi hành án dân sự về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án sẽ rỏ.
THỰC TIỄN ÁP DỤNG LUẬT THI HÀNH ÁN VỀ GIẢI QUYẾT
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
I. NHỮNG KHÓ KHĂN, BẤT CẬP KHI ÁP DỤNG THEO LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ NĂM 2008 VỀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN THỰC TẾ
Luật thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2009, nhưng đến nay, Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/07/2009 của Chính phủ chỉ có Điều 25 hướng dẫn thi hành về giải quyết khiếu nại về thi hành án. Nghị định chỉ hướng dẩn cách xử lý đơn khiếu nại không có căn cứ thụ lý, nội dung đơn vừa khiếu nại, vừa tố cáo, thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp trên của Thủ trưởng cơ quan thi hành án có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhưng quá thời hạn mà không giải quyết, quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành ngay và cơ sở để xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành. Nghị định hướng dẫn không quan tâm đến những vấn để khác như trường hợp sau:
Bản án dân sự sơ thẩm 12/2008/DSST ngày 25/12/2008 của Toà án nhân dân quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, xét xử vắng mặt theo luật định. Tuyên buộc vợ chồng ông Nguyễn N. L và bà Trần T.Đ.H, không rõ nơi cư trú, xác định nơi cư trú cuối cùng của ông L là Ba Tri, Bến Tre, nơi cư trú cuối cùng của bà Trần T. Đ. H là quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, phải trả cho bà Nguyễn Thị C, trú tại quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh số tiền 700.000.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án, ngoài ra, buộc vợ chồng ông L, bà H phải nộp án phí 20.000.000 đồng.
Bản án có hiệu lực pháp luật, bà C gửi đơn yêu cầu thi hành án đến cơ quan thi hành án quận Tân Bình, nơi đây sau khi tiến hành xác minh, phát hiện tại địa phương ông L, bà H không có điều kiện thi hành án. Nhưng bà C cung cấp cho cơ quan thi hành án dân sự quận Tân Bình 05 giấy CNQSDĐ mang tên Nguyễn N. L và Trần T. Đ. H, toạ lạc tại thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang diện tích 900 m2 đất thổ cư và lâu năm khác. Do đó, Thi hành án dân sự quận Tân Bình đã uỷ thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự huyện Tịnh Biên tiếp tục tổ chức thi hành án.
Quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã tiến hành gửi cho ông L, bà H các quyết định về thi hành án theo địa chỉ cuối cùng ghi trong bản án( do bà Hạnh đã thay đổi địa chỉ theo bản án) bằng biện pháp gửi bảo đảm có phản hồi qua đường bưu điện. Khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án theo giấy báo tự nguyện thi hành án, Chấp hành viên áp dụng biện pháp kê biên tài sản của ông L, bà H tại thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Thủ tục thông báo lần này được áp dụng bằng phương tiện thông tin đại chúng, trên đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh hai lần.
Ngày 14/01/2009, Chấp hành viên tiến hành kê biên tài sản của người phải thi hành án. Nhưng tài sản được kê biên không chí có 900 m2 đất thổ cư và lâu năm khác, mà Chấp hành viên còn kê biên thêm tổng cộng 300 m2 đất thổ cư thuộc 02 giấy CNQSDĐ khác cũng do vợ chồng ông L, bà H đứng tên cùng toạ lạc tại thị trấn Nhà Bàng, vì qua khảo sát giá trị thực tế quyền sử dụng đất trước khi kê biên, Chấp hành viên ước tính giá trị tài sản không đủ để thi hành án số tiền 700.000.000 đồng. Hơn thế nữa, trước khi kê biên thêm 300 m2 đất thổ cư, Chấp hành viên phát hiện bà H chuẩn bị tẩu tán dưới hình thức chuyển nhượng lại cho người khác.
Ngày 15/01/2009, bà H đến cơ quan thi hành án dân sự huyện Tịnh Biên để khiếu nại việc kê biên thêm 300 m2 đất thổ cư hiện bà đang giữ 02 giấy CNQSDĐ là sai, đồng thời, yêu cầu huỷ quyết định kê biên, vì bà cho rằng quá trình tổ chức thi hành án và quá trình kê biên tài sản là sai. Theo thẩm quyền giải quyết khiếu nại, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự huyện Tịnh ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, không chấp nhận nội dung khiếu nại của bà H. Sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, bà tiếp khiếu đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự tỉnh An Giang. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự tỉnh An Giang giữ nguyên quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Tiếp tục thực hiện việc thi hành án, Chấp hành viên tiến hành định giá tài sản đã kê biên, lúc này bà Hạnh đã cung cấp được địa chỉ cụ thể nên việc thông báo định giá đã được gửi bảo đảm có phản hồi qua đường bưu điện đến địa chỉ mới. Nhưng ngày định giá bà vẫn không có mặt, sau đó một ngày, bà mới đến cơ quan thi hành án để yêu cầu nhận biên bản định giá.
Bà lại tiếp tục gửi đơn khiếu nại về việc định giá tài sản là sai, không đúng giá thực tế. Chấp hành viên giải quyết khiếu nại lần đầu, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự huyện Tịnh Biên giải quyết tiếp theo. Trình tự, Chấp hành viên tiến hành hợp đồng với trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh An Giang vào tháng 06/2008. Lúc này, bà H có đơn khiếu nại gửi đến cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để tiếp tục khiếu nại cơ quan thi hành án dân sự huyện Tịnh Biên tổ chức thi hành án không đúng pháp luật, nên việc tổ chức bán đấu giá phải ngưng lại vì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự huyện Tịnh Biên xét thấy có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án.
Đến nay, việc tổ chức thi hành án vẫn bị ngưng lại, không có cơ sở hoãn thi hành án vì hiện tại, Viện kiểm sát nhân tỉnh An Giang đã mượn hồ sơ nghiên cứu để trả lời khiếu nại cho bà Hạnh theo yêu cầu của Viện kiểm sát nhân tối cao.
Thậm chí vào ngày 03/9/2009, Chấp hành viên gửi giấy triệu tập bằng đường bưu điện là thư bảo đảm có phản hồi để triệu tập bà H đến cơ quan thi hành án dân sự huyện Tịnh Biên vào lúc 08 giờ 30 ngày 09/9/2009 để thực hiện việc thoả thuận trung tâm thẩm định giá và tổ chức bán đấu giá với người được thi hành án bà không đến mà có đơn khiếu nại cho rằng Chấp hành viên gửi giấy triệu tập không đúng thời gian theo quy định của pháp luật
Vấn đề đặt ra ở đây như sau:
1. Quyền khiếu nại của đương sự
- Quyền khiếu nại của đương sự được Hiến pháp quy định cụ thể, do đó, đương sự có thể khiếu nại bất cứ quyết định, hành vi nào của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án mà đương sư cho là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Nhưng như thế nào là có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó trái pháp luật, và như thế nào là không có căn cứ. Quá trình tác nghiệp của Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án, thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đều được pháp luật quy định cụ thể. Đồng thời, mọi thủ tục thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự đều có sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp hoặc của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên, Luật đã quy định cụ thể quyền kháng nghị của Viện kiểm sát, vậy nếu quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên có căn cứ là trái pháp luật, thì việc tổ chức thi hành án có được tiếp tục thực hiện hay không mà không bị Viện kiểm sát kháng nghị theo quy định của pháp luật?
Hơn nữa, thi hành án dân sự là nhằm bảo đảm cho bản án được tổ chức thi hành trên thực tế. Các quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên đều trực tiếp tác động vào quyền, lợi ích của đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nếu mỗi quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên đều bị khiếu nại( vì quyền Hiến định của công dân), thì quá trình tổ chức thi hành một quyết định thi hành án sẽ kéo dài, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân, đặc biệt là cho những đối tượng đã được bản án tuyên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
2. Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại
- Luật thi hành án dân sự quy định cho người khiếu nại có các quyền và nghĩa vụ cụ thể để thực hiện quyền khiếu nại của mình. Nhưng Luật không quy định trách nhiệm của người khiếu nại nếu khiếu nại sai, không có căn cứ. Mặt khác, trong quá trình thi hành án, người phải thi hành án chỉ có một nghĩa vụ duy nhất là phải tự nguyện thi hành án. Chúng ta đã biết, tâm lý người phải thi hành án luôn cảm thấy quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, vì bản án đã tuyên cụ thể, cho nên, họ luôn mong muốn kéo dài thời gian thi hành án, tìm đủ mọi biện pháp để có thể hạn chế đến mức thấp nhất khả ăng thiệt hại cho mình. Trong thời điểm hiện nay, nếu cơ quan thi hành chậm trễ dù chỉ một ngày, thì có thể giá trị tài tài sản sẽ thay đổi, dẫn đến thiệt thòi quyền lợi cho người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ví dụ như việc chậm tổ chức bán đấu giá tài sản đã kê biên của bà H, thì giá trị đất sẽ tăng lên hoặc giảm xuống. Nếu xét tại thời điểm tháng 06/2009, giá trị quyền sử dụng đất đã kê biên chỉ là 500.000 đồng/m2, nhưng nay có thể giá trị tăng lên 1.000.000 đồng/m2. Vậy, ai là người được lợi nhiều nhất trong việc kéo dài thời gian thi hành án. Phải chăng chỉ có bà H. Trong khi đó, pháp luật về thi hành án dân sự cho phép bà H có thể tự nguyện thi hành án trước ngày bán đấu giá tài sản một ngày để nhận lại tài sản đã kê biên.
3. Nghĩa vụ của người bị khiếu nại:
- Luật thi hành án dân sự quy định người bị khiếu nại có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do quyết định, hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật. Đây là một quy định chưa tạo ra sự bình đẳng trước pháp luật giữa đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan với người có trách nhiệm, quyền hạn tổ chức thi hành bản án, quyết định của toà án. Một bên có quyền khiếu nại, dù có hay không có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật. Khiếu nại xong, chỉ được hưởng quyền lợi mà không có chế tài để xử lý hành vi khiếu nại sai. Một bên khác chỉ bị khiếu nại, bị bồi thường thiệt hại, bị xử lý kỷ luật nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi do mình gây ra là trái pháp luật, nhưng nếu quyết định, hành vi của mình là đúng pháp luật thì thôi, không ai phải bồi thường cho những tổn thất mà mình phải gánh chịu, trong đó, tổn thất về mặt tinh thần là không thể nào cân đo, đong đếm được.
Tình huống nói trên chỉ có một bên khiếu nại là người phải thi hành án, nếu người được thi hành án khiếu nại việc cơ quan thi hành chậm tổ chức thi hành( vì hiện tại, thời hạn giải quyết khiếu nại đã hết), dẫn đến không nhanh chóng thu hồi được cho bà số tiền 700.000.000 đồng, trong khi nếu có số tiền đó, bà đầu tư vào công việc kinh doanh của mình, như tham gia thị trường vàng chẳng hạn, thì đến nay lợi nhuận trong việc kinh doanh của bà là bao nhiêu? Ai là người phải bồi thường, phải chăng chỉ có Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên chịu trách nhiệm hay không?
Qua trên, tôi xin nêu lên một số kiến nghị của mình nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nhằm tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự theo Luật thi hành án dân sự năm 2008 như sau:

II. KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP NÂNG HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐCÁO TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ THEO LUẬT THADS NĂM 2008
1. Kiến nghị:
- Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ cần có thông tư hướng dẫn như thế nào là quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên có căn cứ cho rằng, quyết định, hành vi đó là trái pháp luật hoặc quyết định hành vi đó là không trái pháp luật. Điều này hạn chế được khả năng lợi dụng quyền khiếu nại của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để trì hoãn, kéo dài thời gian thi hành án, làm ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của toà án do cơ quan thi hành án thực hiện.
- Cần quy định chế tài đối với hành vi khiếu nại không đúng sự thật. Điều này giúp cho người khiếu nại có suy nghĩ đúng đắn hơn về quyền khiếu nại của mình, chỉ khi nào thật sự cần thiết, chắc chắn rằng quyết định, hành vi đó của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên có căn cứ là trái pháp luật, họ mới tiến hành việc khiếu nại. Đồng thời, điều này cũng góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức về pháp luật thi hành án dân sự đối với đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ngăn chặn mầm mống chủ nghĩa cá nhân trong tư tưởng của họ như những quy định về giải quyết tố cáo trong thi hành án dân sự đã quy định rỏ.
- Cần quy định thời hạn giải quyết khiếu nại về thi hành án là một trong những cơ sở để hoãn thi hành án( nếu thấy cần thiết), để cơ quan thi hành án dân sự có cơ sở trả lời cho người được thi hành án trong trường hợp chậm thi hành án do giải quyết khiếu nại, cũng như đảm bảo quyền lợi cho người phải thi hành án không phải nộp lãi suất chậm thi hành án trong thời gian hoãn thi hành án. Hiện tại, Luật chỉ quy định tạm ngừng việc thi hành án, mà đối chiếu với các quy định hoãn, thì việc tạm ngừng không được tính là hoãn thi hành án.
2. Các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự theo Luật thi hành án dân sự năm 2008
- Quán triệt sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự cho Thủ trưởng, Chấp hành viên và cán bộ làm công tác thi hành án dân sự.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự, về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự cho quần chúng nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân nâng cao ý thức pháp luật về thi hành án dân sự, giúp họ tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực thi hành án dân sự.
- Mở các lớp tập huấn cho tất cả cán bộ, công chức làm công tác thi hành án những quy định của pháp luật về thi hành án dân sự theo luật thi hành án dân sự năm 2008. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự thực hiện đúng những quy định của pháp luật về thi hành án, hạn chế đến mức thấp nhất những khiếu nại phát sinh trong quá trình tổ chức việc thi hành án.
- Thực hiện tốt công tác rà soát, xác minh, phân loại án, tổ chức cao điểm các đợt cao điểm giải quyết án tồn đọng, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành hữu quan trong việc tổ chức thi hành án dân sự.
- Chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thời hạn, đúng pháp luật ngay từ cơ sở, hạn chế đến mức thấp nhất khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, khiếu nại vượt cấp.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thi hành án, nhất là những nơi có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự là một nhiệm vụ trọng tâm và bức thiết nhất trong tình hình hiện nay ở mỗi cơ quan thi hành án dân sự. Làm tốt công tác này, chúng ta góp phần rất lớn vào công cuộc đổi mới của đất nước, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, phù hợp với những chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, trong đó, quan trọng là chủ trưong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở " Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Hiện nay, các thế lực thù địch luôn lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để thực hiện âm mưu diễn biến hoà bình, đã phá chế độ của ta.
Vì vậy, với tư cách là một công chức, cán bộ làm công tác thi hành án dân sự, chúng ta phải cố gắng không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét