Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Tội ghép, xử sao mới đúng?


BLHS 1999 có nhiều tội danh quy định ghép các hành vi phạm tội khác nhau vào cùng một điều luật (thường gọi là tội ghép).
Trong thực tiễn xét xử, gặp trường hợp bị cáo phạm nhiều hành vi trong cùng một tội ghép, có tòa xử về một tội chung, có tòa lại tách riêng xử thành nhiều tội độc lập…
Năm 2003, TVA nhặt được một khẩu súng hiệu USCarbine đã cưa báng cưa nòng và khoảng 50 viên đạn tại huyện Diên Phước (Khánh Hòa). A. đem súng về nhà cất giấu, ban đêm thì đem xuống biển bắn thử.
Xử nhiều tội?
Khi vụ việc bị phanh phui, A. đã bị khởi tố, truy tố về hai tội là tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo khoản 2 Điều 230 BLHS.
Tại phiên xử sơ thẩm, luật sư bào chữa của A. đã đề nghị tòa chỉ xét xử A. về một tội là tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Tuy nhiên tòa không chấp nhận, tuyên phạt A. năm năm tù về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, năm năm tù về tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, tổng hợp hình phạt chung là 10 năm tù.
A. kháng cáo yêu cầu được xử về một tội và xin giảm án. Tòa phúc thẩm nhận định: Sau khi nhặt được súng đạn, A. đem về nhà cất giấu, đem xuống biển bắn thử… rồi lại đem về nhà cất giấu trong một thời gian khá dài (gần ba năm). Do đó việc xét xử A. về hai tội là đúng. Tòa phúc thẩm chỉ chuyển khung hình phạt, xử A. theo khoản 1 Điều 230 BLHS và giảm án cho mỗi tội xuống còn ba năm sáu tháng tù.
Hay chỉ xử một tội?
Trái với vụ án trên, trong thực tiễn xét xử, nhiều trường hợp phạm tội ghép khác lại được xét xử về một tội chung.
Có vụ TAND TP Nha Trang tuyên bố bị cáo TTT phạm tội bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 123 BLHS và tuyên phạt bị cáo 12 tháng tù. Sau đó, bản án sơ thẩm này đã bị TAND tỉnh Khánh Hòa nhắc nhở trong hội nghị tổng kết công tác xét xử với lập luận: Thực chất Điều 123 BLHS quy định về ba tội độc lập trong cùng một điều luật. Đó là tội bắt người trái pháp luật, giữ người trái pháp luật, giam người trái pháp luật. Theo cách tuyên của bản án sơ thẩm thì bị cáo đã phạm hai tội là bắt người trái pháp luật và giữ người trái pháp luật nhưng tòa sơ thẩm chỉ tuyên hình phạt chung cho một tội là không chính xác.
Vụ án Tân Hoàng Phát đầy tai tiếng mà Pháp Luật TP.HCM đăng tải gần đây cho thấy các bị cáo Phan Cao Trí, Phan Văn Hậu… có hai hành vi bắt và giữ người trái pháp luật nhưng cũng chỉ bị tòa sơ thẩm xử về một tội là bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 123 BLHS. Sau đó, tòa phúc thẩm tiếp tục giảm án cho các bị cáo về tội này đã gây bất bình trong dư luận về tính nghiêm minh của pháp luật.
Cần hướng dẫn mới
Việc xử án thiếu thống nhất đối với các bị cáo phạm nhiều tội độc lập trong cùng một điều luật là không công bằng. Vậy pháp luật quy định ra sao?
Cả BLHS năm 1985 lẫn BLHS năm 1999 đều không có quy định cụ thể về vấn đề này. Về các văn bản dưới luật, trước đây Thông tư liên ngành số 01 ngày 7-1-1995 của Bộ Nội vụ – VKSND Tối cao – TAND Tối cao có hướng dẫn như sau: Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia), đối với nhiều đối tượng hay một đối tượng thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã thực hiện. Ví dụ: Một người chế tạo vũ khí rồi tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Vấn đề là Thông tư 01 nói trên chỉ hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 BLHS năm 1985. Về nguyên tắc, thông tư này chỉ hướng dẫn về tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ. Như vậy, dùng hướng dẫn trong thông tư để áp dụng vào các tội ghép khác như tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật… là không ổn. Mặt khác, Thông tư hướng dẫn áp dụng BLHS năm 1985, trong khi bộ luật này nay đã được thay thế bằng BLHS năm 1999.
Vì vậy, điều cần đặt ra là các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành một hướng dẫn mới chính thức về vấn đề này để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Theo ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao (Bình luận khoa học BLHS NXB TP.HCM, 2002, tr.34-35), trong tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu người phạm tội chỉ có hành vi bắt người trái pháp luật mà không có hành vi giữ hoặc giam người trái pháp luật thì định tội là bắt người trái pháp luật. Nếu người phạm tội chỉ có hành vi giữ người trái pháp luật mà không có hành vi bắt hoặc giam người trái pháp luật thì định tội là giữ người trái pháp luật. Nếu người phạm tội chỉ có hành vi giam người trái pháp luật mà không có hành vi bắt hoặc giữ người trái pháp luật thì định tội là giam người trái pháp luật. Nếu người phạm tội vừa có hành vi bắt, vừa có hành vi giữ người trái pháp luật mà không có hành vi giam người trái pháp luật thì định tội bắt giữ người trái pháp luật (không có dấu phẩy). Nếu người phạm tội vừa có hành vi bắt, vừa có hành vi giam người trái pháp luật mà không có hành vi giữ người trái pháp luật thì định tội bắt giam người trái pháp luật (không có dấu phẩy). Nếu người phạm tội có cả ba hành vi bắt, giữ và giam người trái pháp luật thì định tội bắt giữ và giam người trái pháp luật (không có dấu phẩy và liên từ hoặc).

Nguồn: Tạp chí Pháp luật TP.HCM online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét