Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Về việc xác định hung khí nguy hiểm


Điểm 3.1 mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hướng dẫn áp dụng tình tiết “Dùng hung khí nguy hiểm” để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điểm a, khoản 1 Điều 104 BLHS) là những trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Như vậy, hung khí nguy hiểm được hiểu theo nghĩa rộng hơn; hung khí nguy hiểm có thể là vũ khí hoặc phương tiện phạm tội.
Phương tiện nguy hiểm dùng để phạm tội là những dụng cụ, công cụ được chế tạo để phục vụ cuộc sống, cũng có thể là vật có sẵn trong tự nhiên hoặc do người phạm tội tự tạo ra để làm phương tiện phạm tội. Dù nguồn gốc nào chăng nữa, nếu người phạm tội sử dụng những phương tiện này thì có thể gây thương tích, tổn hại sức khỏe hoặc xâm phạm tính mạng của người khác.
Ví dụ: dùng xe máy, xe ô tô để giết người; mài thanh sắt nhọn để đâm người, dùng hòn đá, cành cây cứng để tấn công người khác…
Ví dụ: A dùng dao nhọn để tấn công B và gây thương tích cho B, hành vi phạm tội của A có tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS.
Bản thân hung khí nguy hiểm đã chứa đựng khả năng gây ra nguy hiểm. Tuy nhiên tính nguy hiểm của hung khí đó đến đâu còn phụ thuộc vào khả năng sử dụng của người sử dụng các hung khí nguy hiểm đó.
Ví dụ: Người sử dụng súng tiểu liên AK bắn từng viên đạn vào đám đông ít nguy hiểm hơn trường hợp họ để nấc liên thanh nhằm vào đám đông để bắn; Một người dùng Axít để gây thương tích cho người khác, nếu họ cho axít vào chai để vẩy thì khả năng gây thương tích hạn chế hơn so với việc họ cho vào bát để hắt vào người khác…
Mặt khác, hung khí phạm tội có nhiều loại và tính nguy hiểm của các loại hung khí cũng khác nhau. Ví dụ súng nguy hiểm hơn dao găm, lựu đạn nguy hiểm hơn lưỡi lê; ô tô nguy hiểm hơn xe máy; thuốc mê nguy hiểm hơn thuốc ngủ v.v…
Khi xem xét, xác định hung khí nguy hiểm (vũ khí, phương tiện phạm tội) cần chú ý phân biệt với tình tiết “sử dụng thủ đoạn nguy hiểm” hay “dùng thủ đoạn nguy hiểm”.
Sử dụng thủ đoạn nguy hiểm là ngoài việc sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm để tấn công người khác thì người phạm tội có thể gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc tính mạng của nhiều người khác.
Ví dụ: dùng xăng đốt nhà; đặt mìn nhà người khác; bỏ thuốc độc vào nguồn nước sinh hoạt của người khác…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét