Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Một số vấn đề cần chú ý khi tổ chức xét xử lưu động vụ án hình sự sơ thẩm


I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VỤ ÁN ĐIỂM VÀ XÉT XỬ LƯU ĐỘNG
1. Án trọng điểm (gọi tắt là án điểm)
Là các vụ án mà việc giải quyết các vụ án đó được xác định là quan trọng, lãnh đạo ba ngành Công an, Viện Kiểm sát và Toà án có trách nhiệm thống nhất chỉ đạo, ưu tiên sử dụng lực lượng để điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương và cả nước.
Tầm quan trọng của việc giải quyết các vụ án điểm được đo bằng các khách thể bị xâm phạm. Tính chất nguy hiểm của hành vi được xác lập bởi các nhóm quan hệ xã hội mà Nhà nước bảo vệ khi bị hành vi đó xâm hại và được biểu hiện bằng:
+ Đối tượng bị xâm hại (hay giá trị xã hội được bảo vệ)
+ Hậu quả do hành vi gây ra.
Hai dấu hiệu nêu trên cũng chính là thước đo tính nguy hiểm của hành vi.
2. Các căn cứ xác định án trọng điểm
2.1 Các vụ án trọng điểm là các vụ án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, kinh tế và trật tự an toàn xã hộiđã cản trở việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước hoặc gây ảnh hưởng chính trị xấu trong quần chúng nhân dân, dư luận xã hội đòi hỏi phải đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhằm đáp ứng yêu cầu chính trị, ngăn chặn tội phạm phát triển, góp phần giải quyết một tình trạng tiêu cực nhất định trong xã hội.
 Vụ án trọng điểm không nhất thiết phải là vụ án về tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng nhất thiết phải là vụ án mà việc giải quyết nó có tầm quan trọng nhất định.
Khi xác định các vụ án trọng điểm phải căn cứ vào nhiệm vụ chính trị chung của cả nước được nêu trong các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương vào thời điểm phát hiện tội phạm. Chẳng hạn như hiện nay cả nước đang tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khoá X “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”, triển khai học tập và thực hiện “Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; các Nghị quyết số 09/CP của Chính phủ về đấu tranh phòng chống tội phạm; Nghị quyết số 06/CP của Chính phủ về đấu tranh phòng chống và kiểm soát ma tuý; Nghị quyết số 05/CP của Chính phủ về đấu tranh phòng chống mại dâm; Nghị quyết 130/CP của Chính phủ về đấu tranh phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em; Chỉ thị số 01/2006/CT ngày 04-01-2006 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2006 của ngành Toà án nhân dân; Chỉ thị số 01/2005/CT-TA ngày 30-8-2005 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao về việc xét xử đối với một số tội phạm đang gây bức xúc trong tình hình hiện nay…
Trên tinh thần của Nghị quyết số 08/NQ-TW và Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, việc chọn, xác định án điểm cũng phải đáp ứng được yêu cầu thực hiện tốt các Nghị quyết này của Bộ Chính trị.
2.2 Căn cứ vào khả năng thực tế trong việc giải quyết các vụ án hình sự của ba ngành Công an- Viện Kiểm sát- Toà án để xác định các vụ án trọng điểm cho phù hợp. Tránh khuynh hướng chọn quá nhiều vụ án trọng điểm, không đảm bảo được việc giải quyết các vụ án kịp thời, khẩn trương, thận trọng, chính xác. Đồng thời cũng tránh khuynh hướng cầu toàn, không tích cực chọn án điểm, không chọn được án điểm hoặc chọn quá ít các vụ án điểm.
Việc chọn các vụ án trọng điểm do ba ngành Công an- Viện Kiểm sát- Toà án trung ương chỉ đạo cũng phải đảm bảo đúng các căn cứ nêu trên. Vụ án trọng điểm do ba ngành Trung ương chọn ở các địa phương phải được coi là vụ án trọng điểm của địa phương.
Ba ngành Công an- Viện Kiểm sát- Toà án ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như ở các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, cần dựa vào các căn cứ, (tiêu chuẩn) nêu trên để xác định, lựa chọn các vụ án trọng điểm của cấp mình.
(Giáo viên cần hướng dẫn cho học viên xem Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 15-10-1994 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn việc giải quyết các vụ án trọng điểm).
3. Xét xử lưu động vụ án hình sự sơ thẩm
3.1 Xét xử lưu động vụ án hình sự lưu động là đưa vụ án hình sự đó về xét xử tại địa phương xảy ra vụ án đó (cũng có nghĩa là vụ án đó không xét xử tại trụ sở Toà án).
Cho đến nay, Toà án nhân dân tối cao cũng chưa ban hành văn bản nào hướng dẫn cụ thể về các căn cứ, tiêu chuẩn để lựa chọn, xác định những loại vụ án nào (loại tội phạm nào) cần đưa ra xét xử lưu động. Tuy nhiên, trong rất nhiều văn bản của Toà án nhân dân tối cao như các báo cáo Quốc hội, báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề, báo cáo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về đấu tranh phòng chống các loại tội phạm thì vấn đề tổ chức các phiên toà lưu động luôn được quan tâm và gần như gắn chặt với việc lựa chọn, xác định và giải quyết các vụ án trọng điểm của từng Toà án và của toàn ngành. Hơn thế, việc xét xử lưu động các vụ án hình sự sơ thẩm còn là một tiêu chí chấm điểm thi đua và là một nhiệm vụ được lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao quan tâm để phân bổ kinh phí cho hoạt động này. Thực tiễn xét xử trong những năm qua cho thấy mỗi năm, trung bình ngành Toà án đã tổ chức xét xử khoảng trên 3.000 vụ án lưu động. Hầu hết các vụ án được đưa ra xét xử lưu động là các vụ án về các tội ma tuý, mại dâm, giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, cướp tài sản, trộm cắp tài sản, các vụ án về tham nhũng, buôn lậu v.v…
Đối chiếu lại các loại tội phạm nêu trên với căn cứ để xác định án trọng điểm thì thấy rằng hầu hết các căn cứ để xác định vụ án trọng điểm cũng là những căn cứ để tổ chức các phiên toà xét xử lưu động vụ án hình sự. Nhưng  cũng còn có một vài điểm không đồng nhất giữa việc xác định án điểm và vụ án được tổ chức xét xử lưu động. Đó là:
- Một số vụ án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia như các tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 79 Bộ luật hình sự); tội gián điệp (Điều 80 Bộ luật hình sự); tội khủng bổ (Điều 84 Bộ luật hình sự)…
- Một số tội phạm khi đưa ra xét xử công khai, lưu động có thể ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục hoặc gây mặc cảm không tốt cho người bị hại, người làm chứng như các tội phạm về tình dục; hiếp dâm (Điều 111 Bộ luật hình sự); Hiếp dâm trẻ em (Điều 112 Bộ luật hình sự); Tội cưỡng dâm (Điều 113 Bộ luật hình sự); Tội cưỡng dâm trẻ em (Điều 114 Bộ luật hình sự); Tội giao cấu với trẻ em (Điều 115 Bộ luật hình sự); Tội dâm ô với trẻ em (Điều 116 Bộ luật hình sự)…
- Một số tội phạm vì lý do bí mật quốc gia cần thiết phải xét xử kín.
Như vậy, tuy các vụ án (loại tội phạm) nêu trên có thể đáp ứng tiêu chuẩn (căn cứ) để chọn làm án trọng điểm nhưng lại không phải là căn cứ để chọn để tổ chức phiên toà lưu động, xét xử công khai tại địa phương xảy ra vụ án. Những vụ án này thường được xét xử tại trụ sở Toà án để tránh những ảnh hưởng không tốt thậm chí là phản tác dụng nếu xét xử lưu động.
3.2 Mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của việc tổ chức xét xử lưu động vụ án hình sự sơ thẩm.
* Mục đích đưa các vụ án hình sự sơ thẩm (cũng có thể là hình sự phúc thẩm) đi xét xử lưu động nhằm:
- Thông qua trình tự, thủ tục xét xử tại phiên toà để giáo dục, nâng cao sự hiểu biết của đông đảo quần chúng nhân dân về các quy định của pháp luật. Làm cho người dân hiểu được hành vi của bị cáo (hoặc các bị cáo) là vi phạm pháp luật và phải chịu hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội đó (tức là tính nguy hiểm của hành vi phạm tội).
- Đề cao tác dụng của công tác xét xử khi người dân được trực tiếp theo dõi diễn biến của phiên toà, các phán quyết của Toà án.
 * Ý nghĩa của phiên toà lưu động:
- Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các phiên toà lưu động có tác dụng trực tiếp đến những người tham dự hoặc theo dõi phiên toà. Tạo ra sự quan tâm của đông đảo cộng đồng dân cư trong khu vực hoặc ở địa phương. Giúp cho nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ những quy định pháp luật mà họ được nghe trực tiếp.
- Nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
- Đề cao tính răn đe (trừng trị) và tính giáo dục, thuyết phục của phiên toà nói chung và trong bản án, quyết định của Toà án nói riêng.
* Yêu cầu của phiên toà lưu động:
- Việc lựa chọn vụ án để tổ chức xét xử lưu động phải hết sức thận trọng, chính xác, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đòi hỏi của dư luận xã hội, có tác dụng ngăn chặn phát triển của tội phạm (hay tác dụng tốt trong việc phòng ngừa tội phạm).
- Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành Công an, Viện kiểm sát, Toà án trong việc lựa chọn, xác định và quyết định tổ chức xét xử lưu động vụ án. Như vậy, các cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Toà án cũng cần phải khẩn trương ưu tiên lực lượng cán bộ để tập trung điều tra, truy tố và xét xử để đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, kịp thời, chính xác.
- Phải có sự kết hợp chặt chẽ, phân công cụ thể trách nhiệm giữa các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát, Công an và chính quyền địa phương nơi đưa vụ án về xét xử lưu động. Sự phối hợp này nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phiên toà về mặt an ninh, trật tự.
- Trong quá trình xét xử phải làm rõ những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội dẫn tới là nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm để đề xuất, kiến nghị những biện pháp khắc phục ngay (Điều 225 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 27 Bộ luật tố tụng hình sự).
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN CHÚ Ý TRONG QUÁ TRÌNH TỔ CHỨC XÉT XỬ LƯU ĐỘNG VỤ ÁN HÌNH SỰ SƠ THẨM.
1. Trước khi thụ lý hồ sơ vụ án
Như đã nêu ở phần trên, hầu hết các vụ án điểm đều có thể tổ chức xét xử lưu động và các yêu cầu đặt ra với các vụ án điểm, các phiên toà lưu động. Để đảm bảo việc đưa vụ án ra xét xử nhanh gọn, kịp thời, chính xác, hạn chế tới mức thấp nhất việc phải hoàn trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tại phiên toà phải hoãn xử vì cần phải điều tra bổ sung (tức là phải hoàn trả hồ sơ cho Viện kiểm sát) thì khi vụ án đã được kết thúc điều tra, Toà án phải cử Thẩm phán theo dõi để nắm chắc nội dung vụ án, khi cần thiết thì nêu ngay yêu cầu để Viện kiểm sát giải quyết, điều tra bổ sung nhằm phục vụ cho công tác xét xử thuận lợi.
Đây cũng là vấn đề phối hợp giữa ba ngành Công an, Viện kiểm sát và Toà án nhưng chỉ có ý nghĩa cùng nhau đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án chứ hoàn toàn không được xâm phạm can thiệp vào chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan tiến hàng tố tụng. Có nghĩa là Toà án (Thẩm phán được cử theo dõi vụ án) không được trực tiếp tham gia vào quá trình điều tra hoặc điều tra bổ sung cũng không được tham gia vào quá trình truy tố của Viện kiểm sát. Ngược lại, các cơ quan điều tra, truy tố cũng không được can thiệp vào quá trình xét xử của Toà án.
Tuy nhiên, mối quan hệ phối hợp nêu trên (thực chất là phương pháp làm việc) của các cơ quan tố tụng càng chặt chẽ càng tốt thì kết quả càng tốt. Một số địa phương vẫn duy trì chế độ giao ban giữa lãnh đạo Công an, Toà án, Viện kiểm sát để kiểm điểm, trao đổi giải quyết về một số vướng mắc trong quá trình xử lý vụ án để đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ án trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành.
2. Chuẩn bị xét xử
2.1 Thụ lý hồ sơ vụ án
Thụ lý hồ sơ vụ án là tác nghiệp của thư ký Toà án. Do đó khi kiểm tra vụ án thư ký phải chú ý kiểm tra bảng kê tài liệu có trong hồ sơ vụ án xem có đúng với các bút lục của hồ sơ vụ án không. Nếu thiếu tài liệu hoặc có những sai sót trong các tài liệu như chưa ký, đóng dấu, chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy định nêu trong các mẫu tố tụng như không điền tên thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc điều tra viên, không giải thích quyền, nghĩa vụ cho người được lấy lời khai, thiếu chữ ký xác nhận của đương sự v.v… thì tuỳ từng trường hợp yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung ngay để thụ lý hoặc phải trả hồ sơ (chưa nhận hồ sơ, chưa thụ lý).
Tác nghiệp kiểm tra hồ sơ vụ án rất quan trọng vì đây là “đầu vào” đầu tiên nên nếu càng thận trọng thì càng giúp cho việc giải quyết vụ án nhanh, khắc phục được việc đã thụ lý hồ sơ rồi mới phát hiện ra những thiếu sót và phải trả hồ sơ, kéo dài vụ án không cần thiết.
Sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, thư ký báo cáo ngay với lãnh đạo Toà án (hoặc lãnh đạo Toà Hình sự Toà án nhân dân cấp tỉnh) để phân công Thẩm phán giải quyết vụ án. Thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà cũng cần phải lựa chọn là những Thẩm phán có nhiều kinh nghiệm trong công tác xét xử các vụ án hình sự. Trường hợp vụ án đó vừa là án điểm, đặc biệt quan trọng, vừa tổ chức xét xử lưu động thì Chánh án hoặc Phó Chánh án phải trực tiếp làm chủ toạ phiên toà.
Đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử có thể bao gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. Việc lựa chọn Thẩm phán và Hội thẩm tham gia phiên toà (là thành viên trong Hội đồng xét xử) cũng cần chú ý đến kinh nghiệm xét xử của Thẩm phán. Đối với Hội thẩm cần chú ý mời các vị Hội thẩm có kinh nghiệm xét xử và thuộc lĩnh vực chuyên môn của họ. Chẳng hạn khi xét xử một vụ án về kinh tế thì nên mời các vị Hội thẩm am hiểu về quản lý kinh tế.
(Chú ý Điều 185 Bộ luật tố tụng hình sự)
Trong trường hợp cần thiết, phải chú ý bố trí Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết để có thể giải quyết việc thay thế thành viên Hội đồng xét xử khi có thành viên không thể tiếp tục tham gia xét xử được (chú ý Điều 186 Bộ luật tố tụng hình sự).
2.2 Nghiên cứu hồ sơ vụ án
Trong trường hợp không phải ra các quyết định trả hồ sơ, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ tức là xét thấy có thể đưa vụ án ra xét xử thì tuỳ theo tính chất của vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên toà phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử đúng thời hạn mà pháp luật tố tụng hình sự quy định.
Thời hạn đó là: Ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc ra hạn thời hạn xét xử phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.
(Chú ý Điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự)
Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, chủ toạ phiên toà, Thẩm phán      (nếu Hội đồng xét xử là Năm người) và các Hội thẩm nhân dân cần nghiên cứu kỹ, nắm thật vững nội dung, tính chất đặc điểm, yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương hoặc cả nước. Cần phải trích tiểu hồ sơ vụ án để thuận tiện trong việc xét hỏi, tranh luận, nghị án tại phiên toà. Trường hợp hồ sơ có nhiều tập thì khi trích tiểu hồ sơ cần ghi rõ số bút lục và số tập hồ sơ để thuận tiện khi cần sử dụng tại phiên toà.
Chủ toạ phiên toà cần thông qua việc nghiên cứu hồ sơ, trích tiểu hồ sơ để lên kế hoạch xét hỏi, dự kiến phân công các thành viên Hội đồng xét xử cùng tham gia việc xét hỏi để tránh việc lặp lại câu hỏi không cần thiết.
Trước khi mở phiên toà, thư ký Toà án cần giúp Thẩm phán sắp xếp lại hồ sơ vụ án theo đúng thứ tự các bút lục, các tập hồ sơ của hồ sơ vụ án để tiện tra cứu khi ra phiên toà.
Thẩm phán chủ toạ phiên toà có thể phải làm dự thảo bản án (viết bản án). Về kỹ năng viết bản án đã được hướng dẫn tại Nghị quyết số 04 ngày   05-11-2004 và Nghị quyết số 05 ngày 08-12-2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. (Giáo viên có thể hướng dẫn thêm về hai Nghị quyết này, trong đó cần nhấn mạnh về cách viết bản án hình sự sơ thẩm).
Vì là bản án dự thảo nên trong một số phần như phần diễn biến tại phiên toà, phần nhận định, phần quyết định cần để trống để sau khi đã có kết quả thẩm vấn (xét hỏi), tranh luận tại phiên toà, chủ toạ phiên toà viết phần này nhằm đảm bảo khách quan, chính xác và đúng với tinh thần thực hiện cải cách tư pháp, tránh được tình trạng “án bỏ túi”.
Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, để thực hiện tốt hơn các chức năng của mỗi ngành, nếu thấy cần thiết, Thẩm phán có thể đề nghị lãnh đạo Toà án tổ chức cuộc họp trao đổi theo đúng tinh thần của Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 08-12-1988 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tuỳ trường hợp cần thiết, có thể mời đại diện cơ quan điều tra tham dự cuộc họp này.
2.3 Triệu tập phiên toà
- Căn cứ vào quyết định tổ chức phiên toà lưu động ở địa điểm nào, Thẩm phán chủ toạ phiên toà chỉ đạo thư ký Toà án viết các giấy triệu tập (Địa điểm tổ chức phiên toà đã được nêu trong quyết định đưa vụ án ra xét xử).
Việc triệu tập phiên toà cần chú ý đảm bảo trước 10 ngày. Đối với các phiên toà xét xử lưu động cần thiết phải tống đạt các giấy triệu tập trực tiếp, hợp lệ để tránh việc thất lạc và có căn cứ để Toà án xem xét khi quyết định có hoãn xử hay không. Trường hợp vụ án có luật sư (do đương sự mời hoặc do Toà án chỉ định) cũng cần phải thông báo về lịch xét xử lưu động cho Luật sư.
Cần chú ý phối hợp chặt chẽ với Trại tạm giam (trong trường hợp bị can đang bị giam giữ) để có kế hoạch đảm bảo sự có mặt của bị can, bị cáo đúng thời gian đã nêu trong lệnh trích xuất và trong quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Thông thường, các Toà án thường có công văn gửi Trại tạm giam để đề nghị phối hợp chặt chẽ trong việc dẫn giải bị can, bị cáo đến phiên toà. Đối với các vụ án trọng điểm, vụ án xét xử lưu động, thông thường lãnh đạo Trại tạm giam thường có kế hoạch dẫn giải, bảo vệ chu đáo trong suốt quá trình Toà án xét xử.
- Thẩm phán chủ toạ phiên toà (hoặc Văn phòng Toà án nhân dân tỉnh) liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương để bố trí địa điểm (Hội trường xét xử). Một số trường hợp phải tổ chức thiết kế Hội trường xét xử ngoài trời, nơi có khoảng trống lớn.
- Thẩm phán chủ toạ phiên toà chủ động đề nghị lãnh đạo Toà án tổ chức cuộc họp (có thể kết hợp trong cuộc họp trù bị) để phân công trách nhiệm của Toà án, Viện Kiểm sát, Công an và chính quyền địa phương để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phiên toà. Trường hợp là các vụ án lớn, phải tổ chức phiên toà nhiều ngày thì cần thiết phải thành lập Ban tổ chức, phân công người chỉ huy, điều hành để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra tại phiên toà.
Để đề cao tác dụng của phiên toà, Thẩm phán chủ toạ phiên toà (hoặc Văn phòng Toà án nhân dân tỉnh) có thể viết bài mang tính chất thông báo về việc đưa vụ án về xét xử lưu động tại địa phương để địa phương thông báo rộng rãi trước khi Toà án mở phiên toà.
- Chuẩn bị vật chứng của vụ án (nếu có). Trường hợp các vật chứng gọn, nhẹ có thể đem đến phiên toà thì cử cán bộ đem theo và trực tiếp bảo quản. Trường hợp vật chứng quá cồng kềnh, không thể đem đến phiên toà thì có thể công bố các tài liệu về vật chứng, các băng ảnh của vật chứng….
- Chuẩn bị kinh phí cho phiên toà lưu động.
Kinh phí cho phiên toà lưu động, án điểm, Toà án nhân dân tối cao cấp cho Toà án nhân dân cấp tỉnh 20 triệu đồng/một đơn vị/một năm; Toà án cấp huyện là thủ phủ và các quận của năm thành phố trực thuộc Trung ương là 15 triệu/1 đơn vị/1năm; Các Toà án nhân dân cấp huyện còn lại là 12 triệu/1đơn vị/1năm (đây là số liệu của năm 2007).
Thông thường, khoản kinh phí trên được chi cho các hoạt động để tổ chức phiên toà lưu động bao gồm:
- Chi cho Hội đồng xét xử, thư ký Toà án,
- Chi cho công tác bảo vệ an toàn (các lực lượng bảo vệ),
- Chi phí vận chuyển: thuê xe ô tô chở Hội đồng xét xử, vận chuyển các phương tiện phục vụ cho phiên toà: vành móng ngựa, quốc huy, phông chữ, vật chứng v.v…
- Chi phí cho việc trang trí Hội trường xét xử,
- Chi phí cho việc thuê loa đài phục vụ phiên toà,
- Chi phí cho việc tuyên truyền trước, trong và sau phiên toà.
- Chi khác (nước uống, họp triển khai việc tổ chức phiên toà với địa phương…).
Cần lưu ý là: Mặc dù hiện nay các Toà án đều đã được trang bị hệ thống âm thanh của phòng xét xử tại trụ sở Toà án, nhưng nếu tổ chức xét xử lưu động vụ án tại các địa điểm Hội trường rộng hoặc xét xử ngoài trời thì hệ thống âm thanh của Toà án không thể đảm bảo phục vụ tốt phiên toà. Do đó cần thiết phải thuê hệ thống âm thanh tốt, đáp ứng yêu cầu của phiên toà lưu động. Hệ thống âm thanh không đảm bảo sẽ mất đi tác dụng to lớn của việc tuyên truyền, hạn chế lớn đến kết quả của phiên toà.
Kinh phí sử dụng cho việc tổ chức các phiên toà do Toà án nhân dân tối cao đang cấp hiện nay còn nhiều eo hẹp. Với số kinh phí ước tính chi cho một phiên toà lưu động chỉ có khoảng hơn 1 triệu đồng/phiên toà thì không thể đủ. Thực tiễn cho thấy hầu hết các Toà án địa phương đều phải xin hỗ trợ kinh phí từ địa phương mới có thể đảm bảo việc chi tiêu cũng như đảm bảo chỉ tiêu xét xử lưu động của Toà án nhân dân tối cao. Việc hạn hẹp về kinh phí xét xử lưu động cũng là nguyên nhân dẫn tới việc một số Toà án địa phương không tích cực chọn, xác định án điểm, án xử lưu động. Do vậy, muốn tổ chức nhiều phiên toà lưu động cần thiết phải có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương.
III- XÉT XỬ TẠI PHIÊN TOÀ LƯU ĐỘNG
Thủ tục xét xử tại phiên toà lưu động cũng phải đảm bảo chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Không được thêm bớt bất cứ một trình tự nào. Tuy nhiên do là phiên toà xét xử lưu động tại địa phương xảy ra vụ án nên cần chú ý một số vấn đề sau:
1. Về trang phục
Những người tiến hàng tố tụng tại phiên toà cần phải mặc đúng trang phục của ngành. Các thành viên Hội đồng xét xử , thư ký Toà án đều đã được cấp trang phục thống nhất về mầu sắc, kiểu dáng. Kiểm sát viên cũng đã được cấp trang phục riêng của ngành kiểm sát. Do đó tại các phiên toà nói chung và các phiên toà xét xử lưu động nói riêng việc chấp hành mặc đúng trang phục ngành là rất cần thiết, làm tôn nghiêm và làm tăng hơn tính nghiêm túc của phiên toà.
2. Việc xét hỏi tại phiên toà
Chủ toạ phiên toà căn cứ vào kế hoạch xét hỏi, dự kiến phân công việc xét hỏi trong Hội đồng xét xử và căn cứ vào diễn biến cụ thể tại phiên toà để điều khiển việc xét hỏi cho đúng trọng tâm của vụ án. Không nên máy móc chỉ căn cứ vào kế hoạch xét hỏi đã chuẩn bị vì kế hoạch xét hỏi cũng chỉ là những dự kiến trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án chứ không phải là diễn biến có thật, khách quan tại phiên toà.
Khi đặt câu hỏi, chủ toạ phiên toà cần chú ý đặt câu hỏi ngắn, gọn, rõ ràng. Không nên vừa là câu hỏi vừa là giải thích pháp luật. Sau khi chủ toạ đã hỏi xong, những vấn đề gì cần hỏi thêm thì các thành viên trong Hội đồng xét xử có thể đặt những câu hỏi tiếp.
Viện kiểm sát (Kiểm sát viên), Luật sư (người bào chữa) có thể đặt các câu hỏi về những vấn đề mà Hội đồng xét xử chưa thẩm vấn (xét hỏi) tại phiên toà. Các vấn đề đó phải là những vấn đề xung quanh nội dung của vụ án. Trường hợp Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Luật sư… đặt lại câu hỏi mà chủ toạ đã hỏi, đã rõ hoặc các vấn đề không liên quan đến vụ án thì chủ toạ phiên toà cần điều khiển cho họ đi đúng vào trọng tâm vụ án.
Việc xét hỏi tại phiên toà phải đảm bảo khách quan, tính dân chủ, tôn trọng quyền tự khai báo, tôn trọng danh dự, nhân phẩm, danh dự của những người tham gia tố tụng tại phiên toà. Không được áp đặt suy nghĩ chủ quan của người tiến hành tố tụng trong việc đặt câu hỏi, không được đưa ra những giải thích, những vấn đề mang tính kết luận về tội danh, về hình phạt, về trách nhiệm dân sự của những người tham gia tố tụng tại phiên toà.
 Vấn đề quan trọng nhất của việc xét hỏi là phải xác định rõ, tìm ra sự thật khách quan, xác định sự thật khách quan của vụ án thông qua việc kiểm tra các tài liệu chứng cứ tại phiên toà.
 Đối với phiên toà xét xử lưu động, cần hỏi rõ về thủ đoạn phạm tội, việc thực hiện các hành vi phạm tội, nhận thức của bị cáo (các bị cáo) về hành vi phạm tội do mình thực hiện; động cơ, mục đích, điều kiện hoàn cảnh phạm tội. Thông qua việc xét hỏi để tìm ra những sơ hở, những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, phát triển tội phạm để có thể đưa ra kiến nghị, yêu cầu sửa chữa, khắc phục các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm tại cơ quan tổ chức đó.
 Vấn đề đặt ra là gianh giới của việc xét hỏi giữa Hội đồng xét xử và Viện Kiểm sát đến đâu? Vấn đề này phải tuân thủ trình tự xét hỏi tại phiên toà (Điều 207 Bộ luật tố tụng Hình sự và Điều 209 Bộ luật tố tụng Hình sự).
 Cần chú ý đến thủ tục trở lại việc xét hỏi trong quá trình xét xử tại phiên toà (Điều 219, 220, 223 Bộ luật tố tụng hình sự).
3. Về tranh luận tại phiên toà
 Theo tinh thần của cải cách tư pháp thì việc tranh luận tại phiên toà là rất quan trọng trong quá trình xét xử của Toà án. Ở giai đoạn này, Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng không đặt câu hỏi để người tham gia tố tụng trả lời. Hội đồng xét xử phải hết sức lắng nghe các ý kiến tranh luận của đại diện Viện kiểm sát, Luật sư, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên hoặc có nhược điểm về tâm thần, thể chất. Thông qua việc tranh luận của người tiến hành tố tụng (Viện Kiểm sát) với những người tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử có thể xác định được những chứng cứ, tài liệu nào xác thực, những vấn đề gì chưa được làm rõ để có thể quyết định trở lại việc xét hỏi v.v…
 Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát cần lồng ghép việc phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật.
Trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên toà được thực hiện theo Điều 217 Bộ luật tố tụng hình sự. Chủ toạ phiên toà cần chú ý điều khiển phiên toà đúng quy định, đặc biệt là thực hiện việc đối đáp theo quy định tại Điều 218 Bộ luật tố tụng hình sự. Đối với phiên toà xét xử lưu động việc tranh luận tại phiên toà cần phải thể hiện rõ tính dân chủ trong xét xử của Toà án nhân dân. Do vậy, chủ toạ phiên toà không nên, không được hạn chế thời gian tranh luận.
4. Nghị án và tuyên án
 * Nghị án: Việc nghị án phải tuân thủ Điều 222 Bộ luật tố tụng hình sự. Nguyên tắc là chỉ Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân mới có quyền nghị án. Trong quá trình nghị án, các thành viên trong Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề đặt ra của vụ án bằng hình thức biểu quyết theo đa số về từng vấn đề cụ thể.
 Các vấn đề chính cần phải nghị án (Buộc phải nghị án) như:
 - Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên toà (thông qua việc xét hỏi, tranh luận, xem xét tại chỗ (nếu có), lời nói sau cùng của bị cáo…Hội đồng xét xử phải xác định rõ có hành vi phạm tội xảy ra không? Hành vi đó có cấu thành tội phạm không? đó là tội gì? quy định trong điều nào của Bộ luật hình sự?
 Ai là người thực hiện hành vi phạm tội đó? Có đủ căn cứ kết luận họ là người thực hiện hành vi phạm tội không? các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt, các tình tiết để xác định trường hợp đặc biệt của tội phạm, điều kiện, hoàn cảnh, động cơ, mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội, nhân thân của người phạm tội…
 Hội đồng xét xử cân nhắc để quyết định hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ của tội phạm (tức là xem xét tính nguy hiểm của hành vi phạm tội).
 - Xem xét để áp dụng các hình phạt bổ sung, các biện pháp tư pháp đối với bị cáo. Lưu ý là các hình phạt bổ sung và biện pháp tư pháp chỉ được áp dụng nếu như điều luật mà bị cáo bị áp dụng có quy định các hình phạt bổ sung hoặc biện pháp tư pháp.
 - Xem xét giải quyết các vấn đề về trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự (hướng dẫn thêm cho học viên về Nghị quyết số 01/2004 ngày 28-4-2004 và Nghị quyết số 03/2006 ngày 8-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (chú ý là Nghị quyết số 03/2006 ngày 8-7-2006 thay thế nghị quyết số 01/2004 ngày 28-4-2004).
 * Tuyên án: Theo quy định tại Điều 226 Bộ luật tố tụng hình sự thì khi tuyên án, chủ toạ phiên toà yêu cầu mọi người trong phòng xử án phải đứng lên cho đến khi tuyên án xong. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử thì không nhất thiết phải thực hiện máy móc quy định này, đặc biệt là đối với những vụ án quá đông bị cáo, người tham gia tố tụng, bản án quá dài thì thông thường chủ toạ (hoặc thành viên Hội đồng xét xử) đọc xong phần mở đầu bản án, có thể cho phép mọi người ngồi xuống (trừ các bị cáo). Khi tuyên án, chủ toạ phiên toà (hoặc một thành viên của Hội đồng xét xử) phải đọc rõ ràng, rành mạch. Bản án phải đảm bảo đúng hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao. Lập luận trong bản án phải rõ ràng, chặt chẽ, không mâu thuẫn giữa các phần của bản án, đặc biệt là giữa nhận định và quyết định. Các nhận định và quyết định của bản án phải có tính thuyết phục cao trên cơ sở quy định của pháp luật.
 Kiến nghị của Toà án về việc sửa chữa những khuyết điểm trong công tác quản lý có thể đọc tại phiên toà cùng với bản án hoặc chỉ gửi riêng cho cơ quan, tổ chức hữu quan.
 Sau khi tuyên án, tuỳ từng trường hợp cụ thể chủ toạ phiên toà hoặc thành viên trong Hội đồng xét xử có thể giải thích cho bị cáo, những người tham gia tố tụng rõ hơn về quyền kháng cáo, quyền xin ân giảm án tử hình (nếu bị cáo bị áp dụng hình phạt tử hình). Nếu bị cáo được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ thì Toà án cũng cần giải thích cho bị cáo biết rõ về quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 60 Bộ luật hình sự về án treo hoặc khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự về cải tạo không giam giữ… Đây cũng là việc cần làm nhất là đối với vụ án xét xử lưu động. Việc giải thích cho bị cáo đồng thời cũng là việc giải thích, hướng dẫn, giáo dục pháp luật cho những người tham dự phiên toà.
 Trường hợp phải bắt giam hoặc trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên toà thì chủ toạ phiên toà phải công bố và cho thi hành ngay các quyết định này.
5. Một số vấn đề cần giải quyết sau phiên toà
 - Tổ chức rút kinh nghiệm công tác xét xử lưu động trong đó cần chú ý đánh giá kết quả của phiên toà cả về nội dung phiên toà, việc tổ chức phiên toà trên cơ sở các nhiệm vụ, trách nhiệm đã được phân công trong kế hoạch tổ chức phiên toà của Ban tổ chức hoặc trong cuộc họp trước khi mở phiên toà.
- Toà án phối hợp với các cơ quan ngôn luận của địa phương để tuyên truyền về kết quả phiên toà (viết bài, đưa tin, thông báo rộng rãi trong nhân dân).
 - Báo cáo kết quả phiên toà với Toà án cấp trên.
 - Khẩn trương hoàn tất các thủ tục như đánh máy bản án, chuyển giao bản án, sắp xếp hồ sơ để kịp thời thực hiện việc chuyển hồ sơ nếu như có kháng cáo, kháng nghị (7 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án có kháng cáo, kháng nghị cho Toà án cấp phúc thẩm (Điều 237 Bộ luật Tố tụng hình sự: Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị).

Nguồn: Cổng thông tin điện tử TANDTC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét