Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

Tòa được hủy quyết định của cơ quan khác?

Tòa được hủy quyết định của cơ quan khác?
Tòa nhân danh nhà nước nên có quyền tuyên bố hủy một văn bản rõ ràng trái pháp luật của cơ quan nhà nước khác.
Một vấn đề gây tranh cãi trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự là tòa có quyền hủy bỏ các quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác hay không. Cạnh đó, việc bổ sung một số biện pháp khẩn cấp tạm thời trong dự thảo cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau.

Hiện nay, trong quá trình xét xử án dân sự, nếu phát hiện thấy các quyết định của cơ quan, tổ chức khác rõ ràng trái pháp luật thì tòa án chỉ có quyền kiến nghị hủy bỏ chứ không được tuyên chúng vô hiệu. Dự thảo sửa đổi theo hướng khi tòa thấy sai thì có quyền tuyên hủy bỏ luôn các quyết định ấy (giống quy định tại Điều 12 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự trước đây).

Đẩy nhanh tiến độ giải quyết án
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Phạm Quý Tỵ phân tích tòa chỉ có quyền kiến nghị theo luật hiện hành dẫn đến chuyện vụ việc bị kéo dài một cách không cần thiết. Tòa phải chờ các cơ quan hủy bỏ các quyết định trái luật của mình, không bảo vệ kịp thời quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự. Cạnh đó, khi được tòa kiến nghị, các cơ quan, tổ chức thường không thực hiện hoặc làm không đúng nên có tình trạng bản án không được tuân thủ nghiêm túc.

Trong quá trình thu thập ý kiến, nhiều người còn cho rằng nên bổ sung quy định cho tòa được tuyên hợp đồng công chứng vô hiệu và xác định tài sản thuộc sở hữu chung.

Các vụ án sẽ giải quyết nhanh gọn hơn khi tòa có quyền hủy bỏ các quyết định trái luật của các cơ quan khác. Ảnh minh họa: HTD
Phó Chánh án TAND Tối cao Từ Văn Nhũ nói khi cơ quan công chứng không đồng ý hủy hợp đồng của mình thì đương sự không biết nhờ cậy ai. Về tài sản chung, thực tế có nhiều đương sự phải thi hành án nhưng không có tài sản riêng mà chỉ có một phần nhất định trong khối tài sản chung với người khác. Trong khi đó, phải kê biên mới xác định được tài sản của người phải thi hành án nên rất khó khăn, thậm chí có nhiều vụ bế tắc. Từ đó, ông Nhũ nói phải bổ sung quy định cụ thể về những trường hợp này để khi gặp, các tòa không bị lúng túng.

Chánh Tòa Dân sự TAND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Liên dẫn chứng bà đã từng gặp một vụ tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp là kê biên đất của con nhưng trên đất lại có ngôi nhà thuộc sở hữu của người mẹ. Khi hai bên đương sự yêu cầu tòa tuyên rõ ràng phần tài sản của từng người thì tòa bó tay vì luật chưa cho phép.

Có nên nộp chứng từ bảo lãnh cho tòa?
Dự thảo sửa đổi bổ sung một số biện pháp bảo đảm khi đề nghị tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đó là người yêu cầu phải nộp cho tòa những chứng từ bảo lãnh của ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác.

Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Trí Tuệ nói như vậy là chưa phù hợp với quy định về bảo lãnh. Vì bản chất bảo lãnh là người bảo lãnh và người nhận bảo lãnh thực hiện thay cho bên được bảo lãnh. Khi người bảo lãnh nộp cho tòa chứng từ của ngân hàng thì đó chỉ là thỏa thuận giữa người bảo lãnh và người được bảo lãnh, không liên quan gì đến người nhận bảo lãnh nên không phải là hợp đồng bảo lãnh. Cho nên nếu có tranh chấp tại tòa thì không phát sinh nghĩa vụ giữa ba bên trong quan hệ bảo lãnh nêu trên. Mặt khác, các chứng từ bảo lãnh chỉ là cam kết, không là tài sản thật nên tòa khó xác minh tính xác thực, trong khi thời gian cần áp dụng biện pháp khẩn cấp rất ngắn…

Ngược lại, Phó Chánh án TAND TP.HCM Hà Thúy Yến lại đồng tình với dự thảo với nhận định đây không phải là chế định bảo lãnh. Thực chất biện pháp này như hình thức một người có tiền cho người yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp mượn để họ có đủ điều kiện yêu cầu tòa ra chế định. Tuy nhiên, quy định việc bảo lãnh phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại cụ thể phát sinh rất khó thực hiện bởi lẽ thẩm phán không có cơ sở để xác định ngay tổn thất này mà báo cho đương sự. Cho nên có thể quy định cách dễ áp dụng hơn là nộp biện pháp bảo đảm tương đương với yêu cầu giá trị tài sản đang tranh chấp.
Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Định Đặng Thành Thái thì đề xuất bổ sung quy định là nếu người cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không có tài sản nào khác ngoài tài sản hiện có thì tòa nên phong tỏa tài khoản ngân hàng của họ để bảo đảm.

Nâng cao vị thế của luật sư
Theo luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP.HCM), vị trí và vai trò của luật sư cần phải được nâng cao hơn nữa. Trong luật hiện hành, luật sư được coi là người tham gia tố tụng nên vai trò rất mờ nhạt và bị xem nhẹ. Vì vậy, phải coi luật sư là chủ thể tư pháp độc lập, có quyền hạn, trách nhiệm như những người tiến hành tố tụng, trong đó có quyền xác minh thu thập chứng cứ cho tòa án.
Luật sư Hoài còn cho rằng có một điều bất hợp lý là luật sư là người bảo vệ hợp pháp cho đương sự nhưng tòa án lại yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận bào chữa và các thủ tục khác. Đây phải là quyền đương nhiên của luật sư giống như thân chủ họ.
Nhân danh nhà nước là đúng thẩm quyền
Nhiếu ý kiến cho rằng tòa không có quyền tuyên một văn bản rõ ràng trái pháp luật của một cơ quan nhà nước khác vì ngang quyền nhau. Nhưng theo tôi, tòa hoàn toàn có quyền bởi khi xét xử thẩm phán, chủ tọa nhân danh nhà nước, nếu chỉ có quyền kiến nghị thôi thì vô tình đã vô hiệu hóa chức năng của thẩm phán. Luật sửa đổi cho phép tòa hủy ngay các quyết định này nếu thấy rõ ràng trái luật là phù hợp. Từ đó giúp quá trình giải quyết vụ án diễn ra nhanh gọn và chính xác.
Phó Chánh Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao
tại TP.HCM LƯƠNG NGỌC TRÂM
Chấp nhận người thứ ba
Thực tế xuất hiện việc người thứ ba đứng ra đưa tài sản của mình để bảo đảm cho người yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo tôi nên chấp nhận việc này vì đây là yêu cầu chính đáng của các đương sự và góp phần cho tòa giải quyết nhanh vụ án.
Một thẩm phán TAND TP.HCM
Tòa cấp huyện xử án có yếu tố nước ngoài
Luật nên quy định cho tòa án cấp quận, huyện được ủy thác tư pháp mà không cần chuyển lên tòa tỉnh, thành. Thực tế có những vụ án rất đơn giản nhưng chỉ dính một chút có yếu tố nước ngoài là đành phải chuyển đi. Hiện nay các tòa quận, huyện đã được tăng thẩm quyền hết. Thậm chí thời gian tới sẽ có tòa khu vực, nếu không cho thẩm phán cấp quận xử án có yếu tố nước ngoài thì chủ trương tăng thẩm quyền, mở rộng tòa sẽ không có ý nghĩa gì.
Một thẩm phán tòa quận tại TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét