Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

TỐ TỤNG DÂN SỰ: TÒA “BÍ” KHI ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

Trong quá trình xét xử, các thẩm phán không thể có đủ kiến thức về mọi lĩnh vực, để bảo đảm tính khách quan nên phải trưng cầu giám định, định giá tài sản… mới giải quyết được vụ án. Điều này khiến Tòa án gặp không ít khó khăn khi tiến hành các hoạt động tố tụng.
Điều 92 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) quy định: Tòa án ra quyết định định giá tài sản tranh chấp, trong trường hợp có yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, khi các đương sự không thỏa thuận được giá trị tài sản, hoặc các bên tuy thỏa thuận được giá nhưng mức giá thấp, nhằm mục đích trốn thuế hoặc giảm mức đóng án phí. Hội đồng định giá tài sản (HĐĐGTS) do Toà án quyết định thành lập, gồm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên là đại diện cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan.
Về trình tự thủ tục để thành lập HĐĐGTS, Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17.9.2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã hướng dẫn: Tòa án phải xem xét tài sản cần định giá là loại tài sản nào, có liên quan đến cơ quan chuyên môn nào, HĐĐGTS cần phải có bao nhiêu thành viên và cần cử đại diện của cơ quan nào làm chủ tịch HĐĐGTS. Trên cơ sở đó, Tòa án có công văn gửi cho các cơ quan chuyên môn đề nghị cử cán bộ làm Chủ tịch và ủy viên HĐĐGTS. Trong công văn cần nêu rõ tài sản cần định giá, yêu cầu cụ thể đối với Chủ tịch và uỷ viên HĐĐGTS, thời hạn cơ quan chuyên môn có công văn trả lời cho Tòa án biết việc việc cử người tham gia HĐĐGTS. Sau khi nhận được công văn trả lời của các cơ quan chuyên môn về việc cử người tham gia HĐĐGTS, thẩm phán phải kiểm tra những người được cử có đáp ứng các yêu cầu cụ thể mà Tòa án nêu trong công văn không… Nếu những người được cử đã đáp ứng được các yêu cầu thì thẩm phán ra quyết định định giá tài sản. Như vậy, pháp luật đã quy định rất cụ thể và rõ ràng về căn cứ, trách nhiệm, trình tự, thủ tục thành lập HĐĐGTS. Với hành lang pháp lý kín kẽ như vậy, về mặt lý thuyết, việc Tòa án tiến hành các thủ tục định giá tài sản là không có gì khó khăn, tuy nhiên thực tế lại không đơn giản như vậy.

Theo trình tự nêu trên thì sau khi nhận được công văn của Tòa án, các cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm cử người tham gia HĐĐG bằng văn bản gửi cho Tòa án. Tuy nhiên thực tế, nếu Tòa cứ ngồi chờ văn bản trả lời thì thường không có. Do đó, các Tòa án phải cử cán bộ trực tiếp mang công văn đến từng cơ quan chuyên môn để gặp lãnh đạo trao đổi. Gặp được đã khó, nhưng để có được công văn cử người tham gia định giá lại càng khó hơn, vì hầu hết các cơ quan này đều ngại dính dáng đến những công việc liên quan vụ án, nên chỉ giới thiệu bằng lời, do đó không bảo đảm tính pháp lý. Một thực tế hiện nay, phần do những khó khăn như đã nêu, phần do thói quen làm việc của nhiều thẩm phán còn tuỳ tiện nên có rất nhiều vụ án đã không cần đến văn bản cử người tham gia HĐĐGTS của các cơ quan chuyên môn nhưng vẫn tiến hành định giá. Do vậy, việc định giá không hợp pháp và một khi xảy ra trường hợp thành viên HĐĐGTS lợi dụng, cố tình làm trái pháp luật gây thiệt hại cho đương sự thì không có căn cứ để buộc cơ quan chủ quản của họ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Một khó khăn khác là hiện nay ở các cơ quan chuyên môn chưa có cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực định giá tài sản. Do đó, để ấn định được thời gian mà các thành viên đều không bận công tác chuyên môn của họ để tiến hành việc định giá tài sản là rất khó. Trong nhiều trường hợp, Toà án đã thông báo cho đương sự, chính quyền địa phương về thời gian định giá, nhưng khi một trong các thành viên của HĐĐGTS có công việc đột xuất là phải hoãn, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án, gây phiền hà cho đương sự.
Chất lượng của việc định giá là vấn đề đáng quan tâm hơn. Theo nguyên tắc thì việc định giá phải xác định theo giá của tài sản đó trên thị trường, tại thời điểm định giá. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là rất nhiều nơi, nhất là ở cấp huyện, việc định giá của các HĐĐGTS chỉ là việc áp giá theo khung bng giá do Nhà nước quy định. Chẳng hạn như định giá quyền sử dụng đất thì áp theo giá quyền sử dụng đất, định giá tài sản khác thì áp theo giá tài sản đền bù khi nhà nước thu hồi đất, do HĐND cấp tỉnh quy định tại địa phương đó. Chính vì vậy, giá theo kết quả định giá thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Sở dĩ có tình trạng này là vì như đã nêu, hiện nay ở các cơ quan chuyên môn không có cán bộ chuyên trách về công tác định giá tài sản nên không có đủ các thông tin, tài liệu liên quan. Mặt khác, họ cũng không có đủ thời gian để thực hiện việc khảo sát giá trên thị trường trong khi giá cả luôn có sự biến động. Ngoài ra, thực tế cũng có nhiều loại tài sản, nhiều địa phương ít có việc chuyển nhượng loại tài sản đó nên khó xác định được giá theo thị trường. Trong khi đó, tâm lý của các thành viên HĐĐGTS thì việc áp giá theo khung giá Nhà nước quy định là dễ thực hiện và có độ “an toàn”. Do đó, trong nhiều trường hợp đương sự không đồng ý với mức giá mà HĐĐGTS kết luận, và cả Tòa án cũng nhận thấy mức giá không phù hợp, nhưng khi yêu cầu định giá lại đều bị từ chối vì những lý do nêu trên.
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên là nguyên nhân gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác xét xử và việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của đương sự. Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần có chủ trương thành lập tổ chức chuyên trách định giá tài sản là loại hình dịch vụ công, bổ trợ tư pháp để tạo thuận lợi và nâng cao chất lượng của hoạt động định giá tài sản.
Nguồn: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét