Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

ÁN LỆ VÀ SỰ DU NHẬP NÓ VÀO VIỆT NAM

Nguồn gốc và ý nghĩa của án lệ
Án lệ là một từ ngữ được đưa ra vào khoảng năm 1960 tại miền Nam Việt Nam (giáo sư Vũ Văn Mẫu) khi tiếng Việt bắt đầu được dùng để dạy học tại Trường Luật Saigon.
Trong tiếng Anh nó là “precedent”, nghĩa là tiền lệ; còn trong tiếng Pháp nó là “jurisprudence”, là một sự tập hợp các phán quyết của các tòa án. Trong bối cảnh chung lúc đó, danh từ “án lệ” được dùng cho “jurisprudence” và được tác giả giải nghĩa là “đường lối giải thích và áp dụng dạng luật pháp của các tòa án về một điểm pháp lý đã được coi như thành một lệ khiến các thẩm phán có thể noi theo đó mà xét xử trong các trường hợp tương tự”.
Tuy nhiên, dù là “tiền lệ” hay “tập hợp” thì các bản án đều là chung thẩm; nghĩa là đã được các bên tranh chấp nhìn nhận và thi hành. Để hiểu đúng về “án lệ”, chúng ta sẽ xem xét nó trong khuôn khổ của hệ thống Thông luật của các nước Anglo-Saxon, tiêu biểu là Anh và Mỹ và hệ thống Dân luật của các nước Âu châu, tiêu biểu là Pháp.
Thông luật bắt đầu ở Anh, khoảng thế kỷ 13; còn Dân luật, bắt đầu từ thời La Mã cổ đại, nhưng trở thành hệ thống quy củ thì phải đến đầu thế kỷ 19 ở Pháp. Hai cái này cách nhau sáu thế kỷ và chúng cho ta thấy sự tiến hóa của loài người về tri thức trong lĩnh vực luật pháp. Lịch sử cho thấy, luật pháp – ý chí của nhà cầm quyền – chỉ thể hiện khi trong xã hội có sự tranh chấp. Thật vậy, khi người dân tranh chấp với nhau, họ đến chính quyền để nhờ phân giải. Khi ấy, chính quyền ra quyết định dựa trên một cơ sở nào đó.
Vậy thì vào thế kỷ thứ 13, luật pháp thành văn chưa có ở Anh; tranh chấp của công dân được đưa ra trước quan chưởng lý (chancellor) của triều đình. Vị này đã dựa trên tập tục, luân lý, đạo đức đang được tuân giữ trong địa phương có liên quan để xem xét sự tranh chấp và tuyên bố bản án. Để độc giả dễ hiểu tôi xin lấy thí dụ bây giờ để mô tả chuyện ngày xưa. Trước năm 2005 ở ta không có luật về chơi hụi (họ, biêu, phường), tuy nhiên trong cuộc sống người ta chơi hụi rất nhiều; vì đó là nhu cầu giúp đỡ nhau khi có người cần tiền. Khi chơi hụi, các người chơi đều biết các quy định và họ tuân giữ. Thí dụ hốt hụi, giật hụi. Đó là tập tục có sẵn trong xã hội; ở bên Anh người ta gọi là luật chung (common law). Trở lại thế kỷ 13 ở Anh, có hai người đến tòa thưa nhau về tội giật hụi. Quan tòa sẽ xem xét nội vụ và ra bản án trong đó viết là “trong tập tục chơi hụi, người nào đã hốt hụi rồi thì sau đó phải đóng đủ cho chủ hụi cho đến khi người cuối cùng đã hốt hụi chót. Bị đơn đã không làm như thế, nay tòa buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn X đồng, kèm với tiền lãi và tiền phạt”. Ta thấy, quy định về giật hụi đã có sẵn; nay tòa lấy ra và tuyên bố nó cho mọi người. Người ta gọi đó “luật do tòa quyết định” (decisional law). Trong hệ thống Thông luật, tòa án làm ra luật, bằng cách nêu lên hay tuyên bố luật chung đã có sẵn trong xã hội. Vậy là xong vụ tranh chấp thứ nhất. Lần sau, tại địa phương khác, có người cũng thưa nhau về giật hụi nữa; vị chưởng lý sẽ lấy bản án cũ ra áp dụng. Thật là thuận tiện và “chắc cú”. Và bản án trước trở thành “tiền lệ” cho bản án sau. Nguyên tắc tiền lệ trong Thông luật có nguồn gốc như thế. Có thể lúc đầu áp dụng tiền lệ là một sự thuận tiện cho thẩm phán; nhưng về sau – vô tình – nó giúp thống nhất hóa quan điểm xét xử trong những vụ án có những tình tiết giống nhau. Đi xa hơn nữa về sau này nguyên tắc ấy trở thành một mối lợi cho người dân mà chúng tôi sẽ đề cập.

Về sau, xã hội nước Anh phát triển, các vụ tranh chấp xảy ra nhiều, hệ thống tòa án mở rộng, người ta vẫn áp dụng tiền lệ vì đó là cốt tủy của hệ thống. Tuy nhiên, khi có một vụ có cùng tên nhưng có tình tiết mới, hoặc khi có chính sách mới hay nhu cầu mới… các quan tòa có quyền “tuyên bố luật mới”; tức là xóa bỏ tiền lệ cũ và thiết lập một tiền lệ mới. Nhờ vậy – theo nhận xét của các học giả – hệ thống Thông luật có khả năng đáp ứng tình hình mới nhanh hơn hệ thống Dân luật.
Việc bãi bỏ một tiền lệ cũ để lập ra một tiền lệ diễn ra khi thẩm phán chủ tọa viết bản án cho một vụ mới và dĩ nhiên việc ấy chỉ có thể làm sau khi có tranh luận giữa các bên tranh chấp, và luật sư của họ. Thẩm phán chủ tọa được tự do lập nên tiền lệ mới; bao lâu lập luận của họ thuyết phục đa số các phụ thẩm trước khi tuyên án (và người phản đối có thể bảo lưu ý kiến của họ ở dưới bản án) và các bên tranh chấp thi hành. Việc xóa bỏ tiền lệ cũ, lập nên tiền lệ mới trong hệ thống Thông luật nằm ở tài ba của thẩm phán và điều đó được chứng tỏ qua các bản án phổ biến công khai. Ở Anh và Mỹ có nhiều thẩm phán nổi tiếng nhờ các bản án họ viết nhằm giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong xã hội.
Hệ thống Dân luật không làm như thế.
Dân luật quy củ đi sau Thông luật sáu thế kỷ, các luật gia thiết lập hệ thống, tiêu biểu là Bộ Dân luật thời Napoleon năm 1804, đã có thời gian thu thập kinh nghiệm loài người và đưa chúng vào một sự hợp lý khi áp dụng. Cho nên, ở trong hệ thống Dân luật, mọi sự phải hợp lý. Thí dụ, phải là thương nhân thì mới được thực hiện hành vi thương mại, hay phải là công ty cổ phần mới được niêm yết.
Trong hệ thống này, khi xét xử, thẩm phán phải dựa trên luật đã được ban hành chứ không dựa trên tiền lệ. Tuy nhiên, luật không thể bao quát hết mọi trường hợp tranh chấp; nên khi áp luật vào một sự kiện nhất định; nếu luật rõ ràng thì thôi, còn không thì thẩm phán phải giải thích luật rồi mới dựa trên đó để tuyên án. Các bản án chung thẩm được tòa án tập hợp lại để thành “jurisprudence”. Trong “tập hợp” này có những bản án giải thích các điều luật nhất định, trong dân luật, trong hình luật. Biết được một điều luật được tòa phúc thẩm giải thích như thế nào là điều cần thiết cho thẩm phán và luật sư để chắc ăn và dễ xong việc. Bởi vậy, từ năm 1845 anh em nhà ông Dalloz chọn ra các bản án “giải thích hay” ghi lại trong các tập sách rồi xuất bản; tạo nên các tập sách gọi là Recueil Dalloz. Các luật sư ở miền Nam Việt Nam trước 1975, gọi các quyển này là án lệ, vì luật của miền Nam Việt Nam thoát thai từ luật của Pháp. Tất nhiên vào thời đó cũng đã có các bản sưu tập của tòa án Việt Nam.
Vậy là án lệ trong hệ thống Dân luật là sự giải thích các điều luật nhất định và đại đa số của chúng nằm trong các bản án chung thẩm của các tòa phúc thẩm. Trong hệ thống tòa án hai cấp của hệ thống Dân luật – khác hẳn với của ta – quan điểm của tòa trên ràng buộc tòa dưới vì người ta đặt một điểm dừng cho sự tìm kiếm công lý. Trong thủ tục xét xử, bản án của tòa sơ thẩm thường bị các bên liên quan xin phúc thẩm; cho nên dẫu tòa sơ thẩm không bị buộc phải theo án lệ; nhưng nếu có một bản án bị kháng cáo, trong đó có một điều luật nhất định đã được tòa trên giải thích mà thẩm phán tòa dưới không theo, thì bản án ấy sẽ bị bác. Vì thế dù không bị bắt buộc thì thẩm phán tòa sơ thẩm – vì sự khôn ngoan – vẫn sẽ áp dụng án lệ. Sự ràng buộc của án lệ trong hệ thống Dân luật là như thế.
Vậy trong hệ thống này các điều luật – quy phạm pháp luật thành văn – là nền tảng để xét xử, nhưng người ta vẫn tôn trọng án lệ. Và khi có một điều luật mới thì thẩm phán không áp dụng “sự giải thích đang có” nữa mà áp dụng luật mới, tòa trên không bác bỏ được. Sự tương thích giữa án lệ và điều luật thành văn là như thế.
Về việc giải thích luật pháp, thẩm phán sẽ chọn các cách khác nhau: ý chí của Quốc hội khi ban hành luật liên quan; các sự nghiên cứu của các học giả, gọi là các học thuyết và theo chính sách của chính quyền. Thành thử để phục vụ lợi ích xã hội – thể hiện qua vụ án đang xử lý – thẩm phán chọn cách giải thích điều luật; với điều kiện là lý lẽ đưa ra thuyết phục được các bên có liên quan.
Tương tự như hệ thống Thông luật, các bản án được phổ biến công khai và khi đã trở thành chung thẩm thì dù đương sự không đồng ý thì cũng phải thi hành. Trong cả hai hệ thống, việc lập nên hay xóa bỏ án lệ là việc nội bộ của tòa án; tòa trên làm, tòa dưới áp dụng và các bên tranh chấp phải thi hành; vì tòa án là uy quyền của quốc gia. Và quan trọng hơn là ngành tư pháp độc lập.
Với quá trình như thế, ngày nay, người ta thấy án lệ có hai vai trò chính. Một là làm cho luật pháp, vốn là những ngôn từ nằm trên giấy, đáp ứng với các đòi hỏi của cuộc sống và khai mở những hướng phát triển mới cho xã hội. Thí dụ án lệ của điều luật về lỗi trong Bộ Dân luật Pháp (Điều 1382) năm 1804 đã khai mở ra ngành bảo hiểm xe cộ ở Pháp trong những năm 1930. Hai là, nó giúp cho người dân tiên đoán được; nếu họ định làm gì thì hậu quả sẽ có thể như thế nào thì có thể tìm thấy trong án lệ (nghe nói, hay được tư vấn); nhờ đó họ thấy cuộc sống mình ổn định. Ổn định trong tâm lý là một điều cực kỳ quan trọng cho nền kinh tế quốc gia và an ninh xã hội. Đấy là hai hệ quả mà người đặt ra tiền lệ hay án lệ khó lòng nghĩ ra khi bắt đầu làm; lúc ấy họ chỉ thấy là thuận tiện, chắc ăn; rồi sau đó thấy là thống nhất hóa được quan điểm xét xử.
Sự nhìn nhận án lệ ở ta
Bây giờ chúng ta mới chính thức bàn chuyện du nhập án lệ mà thế giới đã có cả trăm năm! Điều này dễ hiểu vì hệ thống tư pháp của chúng ta được thiết lập theo quan niệm của nhà nước xã hội chủ nghĩa, bắt nguồn từ Liên Xô. Nay, khi muốn du nhập định chế kia, chúng ta thấy gì từ phía những người có trách nhiệm quyết định? Xin điểm lại một vài ý kiến đã được nêu trên báo.
Ý kiến thứ nhất của bộ phận đề nghị,  nói- đại ý – là án lệ không làm giảm sút quyền lực của cơ quan tư pháp, mà lại tạo sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế để lựa chọn tài phán tại Việt Nam, tạo niềm tin về tính minh bạch công khai của hệ thống tòa án. Nội dung đầu của ý kiến này đúng; nhưng các ý sau cho thấy vai trò của tòa án và của luật pháp đối với lợi ích của người dân chưa được thấu hiểu. Thảo nào Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bác án lệ!
Ý kiến thứ hai nói- đại ý – rằng ở ta luật pháp luôn luôn thay đổi nên không thể lấy bản án trước áp dụng cho bản án sau được. Ví dụ, những năm 1970 chỉ ăn trộm vài chục mét dây điện có thể bị xử tử hình nhưng nay thì đã khác. Ý kiến này trình bày đúng sự kiện, nhưng không biết một điều quan trọng là hệ thống luật pháp của ta xử theo điều luật, do đó có thể áp dụng án lệ theo cách của Pháp.
Ý kiến thứ ba nói rằng đưa án lệ vào xét xử hoàn toàn không phù hợp với Việt Nam, vì hệ thống pháp luật không ngừng thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn nên trong từng giai đoạn cụ thể thì chính sách pháp luật không hoàn toàn giống nhau. Người Việt Nam thì cũng là người, tại sao án lệ phù hợp với người ở những nước khác thì lại không phù hợp với người Việt Nam? Đại khái là cũng chưa biết đủ, giống như ý kiến ở trên.
Ý kiến thứ tư nói rằng một bản án được coi là án lệ phải được thông qua trình tự, thủ tục công nhận, và do cơ quan có thẩm quyền công nhận theo luật định chứ không phải bất kỳ bản án nào của tòa án cấp trên cũng được coi là án lệ và buộc tòa án cấp dưới phải tham khảo khi tiến hành xét xử. Ngoài ra, dự thảo luật cũng chưa làm rõ được khái niệm “án lệ”, trường hợp nào áp dụng án lệ, mối quan hệ giữa án lệ và văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Nội dung sau của ý kiến này đúng; nhưng nội dung trước thì… khỏi nói!
Cuối cùng có ý kiến nói rằng những năm 1990 ở Đông Âu cũng có phong trào đưa án lệ vào nhưng không thật sự thành công vì với hệ thống pháp luật thành văn thì nó khó dung nạp án lệ. Hơn nữa, về án lệ thì không có nghĩa cứ thấy người ta làm là làm vì nó còn phải phù hợp với trình độ thẩm phán, với văn hóa pháp đình, với hệ thống pháp luật thành văn của ta. Nội dung sau của ý kiến này đúng vì muốn áp dụng án lệ phải có các điều kiện tiên quyết; nhưng không biết các nước đã có phong trào đưa án lệ vào hệ thống tư pháp của họ có phân biệt sự khác nhau giữa án lệ của hệ thống Thông luật và Dân luật không?
Sau những ý kiến “nặng ký” trên thì Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý với đề nghị của Ủy ban Tư pháp cho rằng tại thời điểm hiện nay chưa nên áp dụng án lệ trong công tác xét xử của tòa án mà cần tiếp tục nghiên cứu để xem xét khi sửa đổi Hiến pháp, luật tổ chức Tòa án Nhân dân và khi tiến hành sửa đổi toàn diện luật Tố tụng Dân sự.
Nhận định
Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không có gì đáng nói. Vì thực sự muốn tạo nên án lệ rồi áp dụng chúng thì phải có các điều kiện tiên quyết mà hiện nay ta chưa có. Một là trình độ thẩm phán và các biện pháp kích thích họ. Hai, sự hỗ trợ của kiểm sát viên cũng như của luật sư và – quan trọng hơn – sự nhìn nhận của thẩm phán đối với vai trò của luật sư. Ba, điều quan trọng nhất, mà hiện nay ta không chấp nhận, là việc đi tìm công lý phải có điểm dừng. Điều này đòi hỏi: việc đánh giá chứng cứ phải được ấn định lại; quan điểm của tòa án trên sẽ ràng buộc tòa án cấp dưới dựa trên sự kinh nghiệm và thâm niên của thẩm phán tòa trên; và việc phân chia tòa án theo khu vực địa lý chứ không theo đơn vị hành chính khiến cho tòa án tỉnh không còn là tòa phúc thẩm của tòa án quận, mà phải là tòa phúc thẩm khu vực. Tuy vậy, dựa trên kinh nghiệm phải có chiến tranh du kích thì mới có chiến tranh tổng lực – có nên nhìn nhận án lệ ngay từ bây giờ không?
Dẫu vậy, trong sự kiện này có hai điều đáng tiếc. Một là các viện nghiên cứu của Bộ Tư pháp, của tòa án và của Quốc hội, họ đã làm gì để cho tòa án trình bày đề nghị một cách thiếu sót như thế; họ đã trình bày thế nào để các vị trong Ủy ban Pháp luật đưa ra những ý kiến như vậy? Vậy họ đang làm gì trong công cuộc cải tổ tư pháp hiện nay? Mới bước đầu tiên mà đã thất bại rồi!
Hai là, sự hiểu biết của các vị có trách nhiệm về một định chế đã tồn tại từ lâu trên thế giới khiến tạo ra câu hỏi: làm sao chúng ta hội nhập với thế giới? Hệ thống tòa án của chúng ta sẽ được các nhà nghiên cứu nước ngoài nhận định như thế nào khi mà các ý kiến nặng ký ở trên đến tai họ?
LS. NGUYỄN NGỌC BÍCH – Công ty Luật hợp danh D.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét