Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

Sửa luật để công chứng hoạt động tốt hơn

Một trong những trọng tâm khi sửa Luật Công chứng là các quy định về miễn học nghề, tập sự nghề công chứng với một số đối tượng.

Sự ra đời của các văn phòng công chứng (VPCC) đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra những sai phạm trong hoạt động của các VPCC. Bên lề Hội nghị toàn quốc ngành tư pháp năm 2011, Pháp luật TP.HCM có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính (ảnh) về vấn đề này.

Đã bớt đi tình trạng cửa quyền

. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về hoạt động của các VPCC kể từ khi Luật Công chứng 2006 mở ra chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng?

+ Luật Công chứng 2006 đưa ra định hướng đúng đắn về xã hội hóa hoạt động công chứng. Bên cạnh các phòng công chứng nhà nước thì các VPCC ra đời ở các địa phương khá nhiều, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN) trong các giao dịch dân sự. Tác phong phục vụ, lề lối làm việc cũng tốt hơn, bớt đi tình trạng cửa quyền, khó khăn của các phòng công chứng trước kia. Về cơ bản thì cái được của các VPCC là chủ yếu.

. Nhưng trên thực tế cũng đã có không ít sai phạm xảy ra ở các VPCC?

+ Đúng là qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm ở các VPCC. Tuy chưa có VPCC nào bị rút phép nhưng cũng đã có một VPCC ở Hà Nội mắc sai phạm rất lớn.

Ngoài ra cũng có nhiều công chứng viên (CCV) bị xử phạt vi phạm trong quá trình hành nghề. Sai phạm thường là chứng các hợp đồng giao dịch bất động sản (BĐS) không đúng thẩm quyền. Có những BĐS không được giao dịch, sang nhượng nhưng vẫn ký… Song cũng có những sai phạm không phải do CCV. Có một tình hình báo động chung là nạn làm giả hồ sơ BĐS rồi đưa tới các VPCC và cả phòng công chứng để ký. Hồ sơ giả tinh vi đến mức nhiều khi CCV không thể phân biệt được.

Bên cạnh đó còn có những biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh của một số VPCC. Đơn cử như tình trạng chi lại tiền hoa hồng cho khách hàng, hoặc có những cách lôi kéo khách hàng không nên áp dụng. Đặc biệt là việc ký công chứng ngoài trụ sở không theo quy định của luật xảy ra khá phổ biến.

Công chứng ngoài trụ sở lợi bất cập hại

. Có quan điểm cho rằng nên cho phép ký công chứng ngoài trụ sở vì như vậy sẽ thuận tiện cho người dân, thưa ông?

+ Luật Công chứng quy định việc ký công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ trường hợp những người yêu cầu công chứng bị ốm đau không tới VPCC được, hoặc cá biệt là các phạm nhân đang thi hành án trong trại giam và một vài lý do khác phải rất đặc biệt. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều VPCC cứ tới chỗ của người yêu cầu công chứng để ký công chứng. Một số ý kiến cho rằng đến với dân như thế là thuận tiện cho dân. Tôi đồng ý có những cái thuận tiện nhưng cũng nhiều cái không tiện. Công chứng ngoài trụ sở sẽ dễ dẫn đến tiêu cực khiến CCV bị lung lay, dễ có những yếu tố tác động đến sự trung thực, khách quan của CCV. Mặc dù luật đã quy định nhưng việc này cũng đang phải tiếp tục chấn chỉnh.

. Thế còn năng lực của đội ngũ CCV hiện nay thì sao, thưa ông?

+ Một vấn đề lớn đang nổi lên là có những CCV được miễn học nghề và tập sự nghề công chứng nhưng năng lực yếu. Cái này có nguyên do từ các quy định của luật pháp. Do muốn phát triển đội ngũ CCV tương đối nhanh nên luật quy định một số đối tượng từng là thẩm phán, luật sư, điều tra viên, kiểm sát viên… được miễn học nghề, tập sự nghề công chứng.

Về nguyên tắc chung thì quy định trên có vẻ đúng nhưng đi vào từng trường hợp cụ thể lại có bất cập. Thực tế có trường hợp từng là thẩm phán cách đây 10 năm và chỉ làm chừng hai năm thôi, sau đó chuyển sang làm việc khác không liên quan đến luật pháp. Trong tám năm đó luật pháp có những thay đổi ghê gớm mà họ không được cập nhật nhưng theo luật thì họ lại được miễn học nghề và tập sự nghề công chứng. Hơn nữa, trong quá trình hành nghề trước khi trở thành CCV, chẳng hạn họ là thẩm phán về hình sự thì đâu có biết được về tài chính, ngân hàng. Do vậy mà khi chúng tôi thanh tra thì thấy họ có một số sai phạm.

Sẽ sửa Luật Công chứng

. Vậy Bộ Tư pháp có những biện pháp gì nhằm chấn chỉnh tình trạng trên?

+ Bộ chỉ đạo các sở tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh-kiểm tra hoạt động của các VPCC, phòng công chứng để chấn chỉnh sai phạm. Trong 2-3 tuần tới đây, Bộ sẽ ra thông tư để chấn chỉnh những hiện tượng sai phạm mà trong phạm vi của một thông tư có thể làm được.

Bộ cũng đang chuẩn bị để kiến nghị sửa đổi Luật Công chứng. Việc này phải chờ được Quốc hội chấp nhận và hiện cũng chưa được đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ cho rằng việc sửa Luật Công chứng là cần thiết.

. Trọng tâm của việc sửa luật sẽ gồm những gì?

+ Trọng tâm sẽ nhằm vào tiêu chuẩn bổ nhiệm CCV, đặc biệt là những người được miễn đào tạo nghề.

Quá trình hành nghề công chứng không chỉ liên quan đến Luật Công chứng mà còn rất nhiều luật khác như đất đai, nhà ở, tài chính, ngân hàng… Do vậy việc miễn đào tạo, tập sự nghề công chứng như nêu trên là chưa ổn. Tới đây, cơ quan quản lý sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng để tạm thời khắc phục trước mắt. Nhưng biện pháp căn bản vẫn là phải sửa luật, vì hoạt động công chứng trực tiếp ảnh hưởng đến an toàn pháp lý trong xã hội.

Vấn đề thứ hai cũng rất quan trọng là quy định về tổ chức hành nghề. Luật hiện nay xác định VPCC gồm hai CCV trở lên thì hình thức hành nghề là hợp danh, còn một CCV thành lập là DN tư nhân. Nhưng sự chuyển đổi, sát nhập như thế nào trong quá trình hoạt động thì luật vẫn chưa giải quyết hết…

. Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét