Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Xét xử: Kết hợp cả thẩm vấn lẫn tranh tụng?

Luật phải có sự ghi nhận chính thức nguyên tắc tranh tụng tại tòa, không chỉ riêng trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Cho luật sư tham gia hỏi cung.
So sánh mô hình xét xử thẩm vấn với mô hình xét xử tranh tụng, cải cách tư pháp nên bắt đầu từ đâu? Vấn đề này đã thu hút nhiều ý kiến tranh luận trong ngày thứ hai của hội thảo về quyền bào chữa trong tố tụng hình sự do Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức.
Vấn đề đầu tiên được mổ xẻ là nước ta nên chọn mô hình xét xử nào, tố tụng thẩm vấn hay tố tụng tranh tụng.
Mô hình nào cũng có cái hay
Thạc sĩ Lương Thị Mỹ Quỳnh, giảng viên ĐH Luật TP.HCM, cho biết: Xét xử theo mô hình thẩm vấn là đặt nặng vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong suốt quá trình tố tụng. Tại phiên xử, tòa giữ vai trò chính, làm nhiệm vụ kiểm tra chứng cứ, tình tiết, xem các hoạt động của cơ quan điều tra trước đó có căn cứ, đúng pháp luật hay không…
Theo bà Quỳnh, tố tụng thẩm vấn có ưu điểm là giúp cho hoạt động kiểm soát tội phạm của nhà nước đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, mô hình này làm chênh lệch vai trò giữa các cơ quan tố tụng (mang tính quyền lực nhà nước) với bên gỡ tội.
Trong khi đó, với mô hình tố tụng tranh tụng, tòa sẽ đóng vai trò là trọng tài với chức năng điều khiển, giải thích luật. Quyền và nghĩa vụ của bên buộc tội (kiểm sát viên) và bên gỡ tội (luật sư bào chữa) ngang nhau. Hai bên sẽ cùng tranh luận, đưa ra chứng cứ để bảo vệ quan điểm. Dựa vào đó, bồi thẩm đoàn sẽ là người quyết định xem bị cáo có tội hay vô tội và tòa sẽ tuyên án. Mô hình này nêu cao vai trò của người bào chữa, tạo sự cân xứng giữa bên gỡ tội với bên buộc tội. Tuy nhiên, mô hình này có hạn chế là hiệu quả hoạt động phòng và chống tội phạm của nhà nước sẽ không cao.
Từ các phân tích trên, bà Quỳnh cho rằng cả hai mô hình tranh tụng trên đều có ưu và khuyết điểm riêng. Do vậy, nước ta nên theo xu hướng vừa áp dụng mô hình tố tụng thẩm vấn, vừa áp dụng mô hình tố tụng tranh luận để có thể tận dụng các ưu điểm, khắc phục những hạn chế vốn có.
Luật sư đang tranh luận tại một phiên tòa lưu động. Ảnh: HTD
Đồng tình, PGS-TS Nguyễn Thái Phúc, Trưởng Cơ quan đại diện của Bộ Tư pháp tại TP.HCM, nhìn nhận: Vì tính chất lịch sử của đất nước, chúng ta không thể thay thế mô hình tố tụng thẩm vấn bằng mô hình tố tụng tranh tụng như các nước khác được. Nên chăng chúng ta cần có sự pha trộn giữa hai mô hình trên và lấy tố tụng tranh tụng tại tòa làm căn cứ chủ yếu khi phán quyết.
Cải cách phải tập trung từ tòa án
Một vấn đề khác, cải cách tư pháp nên tập trung đột phá từ giai đoạn nào để thật sự có hiệu quả?
Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, giai đoạn điều tra là giai đoạn quan trọng nhất, ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình tố tụng, thân phận pháp lý của bị can, bị cáo. Tuy nhiên, từ trước đến nay, quyền bào chữa bị vi phạm nhiều nhất là ở giai đoạn này. Điều tra viên thường gây khó khăn khi luật sư đề nghị cấp giấy chứng nhận bào chữa, gặp và tiếp xúc bị can, bị cáo, tham gia chứng kiến các buổi hỏi cung…
Vì vậy, luật sư Nghĩa kiến nghị cải cách tư pháp trước hết phải cải cách ngay từ giai đoạn điều tra với những quyền mới cần được bổ sung vào luật như quyền được giữ im lặng của đương sự cho đến khi có luật sư, quyền của luật sư được tiếp xúc riêng với bị can, bị cáo...
PGS-TS Nguyễn Thái Phúc lại cho rằng tòa án phải là trung tâm để thực hiện cải cách tư pháp. Ông phân tích: Tòa chính là nơi kết thúc quá trình tố tụng, là nơi chốt chặn, đánh giá, kiểm tra hoạt động tố tụng trước đó. Dù các giai đoạn trước có thiếu sót, có vi phạm thì đến tòa sẽ là nơi phát hiện, khắc phục. Cái cần nhất bây giờ là bản lĩnh của thẩm phán, nếu chứng cứ chưa đủ thì trả hồ sơ điều tra bổ sung, còn nếu không có tội thì tuyên vô tội. Nếu tòa cứng rắn, bản lĩnh thì chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến các cơ quan tố tụng khác và sự thay đổi trong tư duy, trong cách làm sẽ là điều tất yếu.
Ông Phúc nhắc lại: Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh là “nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Chủ trương đã có, vấn đề cần thiết bây giờ là phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự. Phải có sự ghi nhận chính thức nguyên tắc tranh tụng tại tòa, không chỉ trong lĩnh vực tố tụng hình sự mà còn trong tất cả lĩnh vực khác. Chính vì nguyên tắc tranh tụng chưa được ghi nhận chính thức vào Bộ luật Tố tụng hình sự đã ít nhiều làm hạn chế chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và nhà nước.
Chú trọng kết quả tranh tụng
Mô hình xét xử hiện nay ở Việt Nam chủ yếu là thẩm vấn, dựa vào kết quả điều tra của các cơ quan tố tụng trước đó.
Xuất phát từ đặc thù trên mà hiện nay luật trao cho cơ quan điều tra quyền năng quá lớn, trong khi nghĩa vụ lại ít. Có quyền, một số cán bộ tố tụng khó tránh khỏi việc sách nhiễu, làm ảnh hưởng đến hoạt động hành nghề của luật sư cũng như quyền bào chữa.
Một hạn chế nữa của mô hình tố tụng thẩm vấn là việc phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động điều tra trước đó. Hoạt động của tòa cũng như nhiều cơ quan khác chỉ dựa vào nền do cơ quan điều tra dựng sẵn, chắc chắn sẽ khó tránh khỏi việc làm oan hoặc bỏ lọt tội phạm.
Do vậy, cần cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị là tòa lấy kết quả tranh tụng để làm căn cứ xét xử. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần có sự sửa đổi theo hướng giảm bớt quyền lực của cơ quan điều tra, tòa và tăng quyền cho VKS.
Luật sư ĐỖ NGỌC THỊNH,
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Cải cách đồng bộ
Theo kinh nghiệm của tôi, đa số các nước trên thế giới đều xem phiên tòa là quan trọng nhất và tòa án chính là cơ quan được họ chú trọng đầu tư cải cách hơn cả. Hầu hết các tổ chức, cá nhân đều yêu cầu quyền về xét xử công bằng tại tòa chứ ít ai lại đòi hỏi quyền công bằng tại cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận nếu giai đoạn điều tra mà không công bằng thì làm sao đương sự có thể có công bằng tại phiên tòa. Do vậy, việc cải cách tư pháp phải được tiến hành đồng bộ, trong tất cả giai đoạn tố tụng chứ không thể chỉ tiến hành riêng đối với một cơ quan tố tụng cá biệt nào và tòa án vẫn là cơ quan quan trọng, cần nhận được sự quan tâm nhiều nhất.
Luật sư NICHOLAS BOOTH, cố vấn chính sách về pháp quyền và tiếp cận công lý của UNDP
Cho luật sư tham gia hỏi cung
Tình trạng bị cáo lúc ở cơ quan điều tra nhận tội nhưng ra phiên tòa thì chối hết, nại rằng bị ép cung, đánh đập hiện khá phổ biến. Xử lý tình huống này hiện nay tùy thuộc vào bản lĩnh của thẩm phán chủ tọa. Có thẩm phán cẩn trọng trả hồ sơ bổ sung nhưng cũng có thẩm phán bác bỏ lời phản cung, căn cứ vào bản khai và các chứng cứ khác để tuyên án.
Tình trạng này có thể khắc phục nếu như luật sư được tham gia vào tất cả buổi lấy lời khai. Các bản lời khai nhận tội của bị cáo có chữ ký xác nhận của luật sư thì dù cho bị cáo ra tòa phản cung, thẩm phán cũng chẳng cần đắn đo mà tuyên án. Bổ sung luật như vậy sẽ khắc phục đáng kể tình trạng trên và cũng sẽ giúp cho cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm thuyết phục hơn.
PGS-TS NGUYỄN THÁI PHÚC, Trưởng Cơ quan đại diện của
Bộ Tư pháp tại TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét