Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP–ĐIỂM “NGHẼN” CỦA NGÀNH TƯ PHÁP

Mặc dù sau 5 năm Pháp lệnh Giám định tư pháp đi vào cuộc sống, nhưng công tác giám định tư pháp vẫn đang được coi là điểm “nghẽn” của ngành tư pháp với nhiều vấn đề nổi cộm từ cơ chế, con người đến chất lượng của các kết quả giám định.
Thiếu…
Theo Báo cáo của Cơ quan điều tra, Bộ Công an và Cơ quan cảnh sát điều tra của 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ ngày 1.1.2005 đến tháng 8.2010, cơ quan điều tra trưng cầu khoảng 439.479 vụ giám định trên các lĩnh vực. Giám định pháp y được triển khai ở 3 ngành y tế, công an và quốc phòng; trong số các lĩnh vực giám định ở nước ta, hoạt động giám định pháp y chiếm số lượng vụ việc lớn nhất. Trung bình mỗi năm, các tổ chức pháp y nhận và thực hiện giám định trên 32.000 vụ việc. Giám định pháp y trong ngành công an và quốc phòng đều do các giám định viên pháp y chuyên trách đảm nhiệm.
Sau 5 năm triển khai thi hành Pháp lệnh giám định tư pháp – văn bản được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng trong tiến trình cải cách tư pháp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó là hệ thống tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự ở Trung ương và địa phương được củng cố, kiện toàn một bước, đội ngũ giám định viên tư pháp đã được tăng cường, cơ sở vật chất, phương tiện công tác và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho hoạt động giám định đã bước đầu được chú trọng, hoạt động quản lý nhà nước được tăng cường và đạt được những kết quả nhất định.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến nay, tổng số giám định viên được bổ nhiệm và cấp thẻ là 3.115 người trên nhiều lĩnh vực khác nhau như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, tài chính – kế toán, văn hóa, xây dựng, tài nguyên, môi trường, giao thông vận tải, nông lâm ngư nghiệp, khoa học kỹ thuật và một số lĩnh vực khác. Trong đó có khoảng 722 giám định viên chuyên trách, chủ yếu là giám định viên kỹ thuật hình sự chiếm 582 người, giám định viên pháp y khoảng 100 người, còn lại giám định viên pháp y tâm thần. So với trước khi ban hành Pháp lệnh, đội ngũ giám định viên tư pháp có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhất là giám định viên tài chính – kế toán có tốc độ tăng nhanh nhất. Ngoài các giám định viên tư pháp được bổ nhiệm và cấp thẻ, có còn 237 người giám định tư pháp theo vụ việc đã được Bộ Tư pháp lập và công bố danh sách. Người giám định tư pháp theo vụ việc chủ yếu là các chuyên gia ở các lĩnh vực mới chưa có giám định viên tư pháp như công nghệ công tin, điện lực, thương mại…

Hiện nay, có 14 địa phương vẫn duy trì hình thức tổ chức giám định pháp y, 18 địa phương mặc dù có bệnh viện tâm thần nhưng chưa thành lập được Trung tâm Giám định pháp y tâm thần theo quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp mà vẫn duy trì hình thức tổ chức giám định pháp y tâm thần theo quy định của Nghị định 117/HĐBT ngày 21.7.1988 về giám định tư pháp. Chính vì thế thiếu giám định viên là tình trạng phổ biến ở hầu hết các địa phương, nhất là giám định viên chuyên trách ở 3 lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, một số địa phương có nhu cầu nhưng vẫn chưa thành lập được Trung tâm do không có đủ giám định viên theo quy định. Trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự, theo tính toán của Bộ Công an hiện còn thiếu khoảng 200 người nên nhiều địa phương mới chỉ triển khai được giám định chuyên ngành kỹ thuật hình sự mang tính truyền thống như tài liệu, đường vân… Ngoài ra, trong lĩnh vực pháp y, việc thực hiện giám định của giám định viên kiêm nhiệm chưa thực sự gắn với hoạt động của tổ chức giám định tư pháp. Các tổ chức giám định tư pháp chưa phát huy được vai trò của mình trong việc bổ nhiệm giám định viên, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ giám định và kiểm tra việc thực hiện quy trình, quy chuẩn giám định của giám định viên tư pháp nên việc trưng cầu và thực hiện giám định đôi khi còn tùy tiện. Đặc biệt hiện nay, tất cả các lĩnh vực giám định vẫn chưa có quy chuẩn chuyên môn giám định, nhất là Bảng tỷ lệ thương tích trong giám định pháp y nên rất khó khăn cho người giám định tư pháp khi thực hiện giám định cũng như người tiến hành tố tụng khi đánh giá chứng cứ. Việc chưa có quy chuẩn chuyên môn giám định cũng đồng nghĩa với việc thiếu căn cứ để các Bộ, ngành và địa phương lựa chọn và công bố các tổ chức chuyên môn có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện giám định theo quy định tại Điều 24 của Pháp lệnh. Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng thường rất lúng túng khi cần trưng cầu giám định ở những lĩnh vực không có tổ chức giám định tư pháp như tài chính, xây dựng, văn hóa, giao thông, lâm nghiệp, làm chậm chễ, thậm chí ách tắc nhiều vụ án.
Một thực tế khác là đội ngũ người tiến hành tố tụng chưa được trang bị những kiến thức kỹ thuật cần thiết về giám định tư pháp nên gặp khó khăn trong việc đánh giá kết luận giám định. Bên cạnh đó, việc ban hành và triển khai thực hiện các văn bản về chế độ chính sách còn rất chậm. Mặc dù Pháp lệnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2005 nhưng đến ngày 7.5.2009 Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp mới được ban hành. Nhiều địa phương đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg (hầu hết cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đều đang nợ đọng tiền bồi dưỡng giám định với số lượng lớn) nên việc giám định còn bị chậm, kéo dài, chưa khuyến khích được chất xám của giám định viên. Một khía cạnh khác nữa là kinh phí chi trả cho việc thực hiện giám định. Thực tế, chi phí cho việc thực hiện giám định rất lớn, nhất là trường hợp phải trưng cầu các tổ chức chuyên môn là đơn vị kinh doanh, tự hạch toán tài chính, chuyên gia thực hiện giám định là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Bởi vì, khi đó chi phí chi trả cho việc thực hiện giám định được tính theo giá dịch vụ chuyên môn theo cơ chế giá cả thị trường trong khi mục chi ngân sách cho việc chi trả này không có mà phải “bấu víu” vào kinh phí cấp cho giải quyết án hình sự vốn rất hạn hẹp, hoặc trông chờ vào sự hỗ trợ kinh phí của các địa phương, các ngành nơi diễn ra vụ việc. Tình trạng “ăn đong” về kinh phí này khiến cho việc trưng cầu và thực hiện giám định thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết các vụ án.
Hệ thống tổ chức lạc hậu
Quy định của Pháp lệnh về hệ thống tổ chức giám định tư pháp đã bộc lộ những bất cập, khôn g phù hợp với thực tiễn. Pháp lệnh quy định việc xây dựng hệ thống tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự ở tất cả các địa phương, dẫn đến sự đầu tư bị dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm trong khi đó, nhu cầu và điều kiện giám định ở các địa phương là khác nhau. Pháp lệnh Giám định tư pháp quy định cho phép trưng cầu tổ chức chuyên môn thực hiện giám định nhưng chưa có cơ chế cụ thể bảo đảm cho tổ chức chuyên môn tham gia thực hiện giám định, chưa quy định rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp nên việc tham gia giám định của các tổ chức chuyên môn hiện nay còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, quy định về mô hình và cơ chế quản lý nhà nước về giám định tư pháp đã bộc lộ những điểm chưa phù hợp. Thực tế cho thấy, để quản lý nhà nước có hiệu quả thì cơ quan được giao quản lý nhà nước phải có một số thẩm quyền cần thiết và được bảo đảm một số điều kiện, phương tiện để thực hiện như có thẩm quyền về quản lý tổ chức, về kinh phí… Tuy nhiên, theo quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp thì các thẩm quyền trên đối với hoạt động giám định tư pháp đều được giao cho UBND cấp tỉnh và các Bộ, ngành khác. Bộ Tư pháp tuy được giao nhiệm vụ giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động giám định tư pháp, nhưng Pháp lệnh lại chưa có cơ chế để Bộ Tư pháp thực hiện chức năng này. Vì vậy, thời gian qua, việc quản lý của Bộ Tư pháp chỉ dừng lại ở việc ban hành hoặc soạn thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp và hướng dẫn thi hành; xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật cần thiết cho giám định viên tư pháp và phối hợp với các Bộ và UBND cấp tỉnh bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cần thiết cho giám định viên tư pháp. Đồng thời, Bộ Tư pháp không thể phát huy được vai trò của mình trong hoạt động quản lý công tác giám định, mặt khác các Bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý về con người, tổ chức, kinh phí, về đầu tư cơ sở vật chất cho các tổ chức giám định lại ít quan tâm đến công tác này. Hơn nữa Pháp lệnh giám định tư pháp quy định không rõ ràng về “người giám định tư pháp theo vụ việc” nên cách hiểu về quy định này có lúc chưa thống nhất, ví dụ như trong trường hợp giám định 3 triệu cổ phiếu ở nhà máy nhiệt điện Phả Lại, khi cơ quan điều tra trưng cầu Bộ Tài chính với tư cách là tổ chức chuyên môn và Bộ Tài chính phân công Chánh Thanh tra Ủy ban chứng khoán Nhà nước thực hiện giám định thì có ý kiến cho rằng người được phân công thực hiện giám định không phải là giám định viên và cũng không phải là người giám định tư pháp theo vụ việc đã được Bộ Tư pháp lập và công bố danh sách dẫn đến băn khoăn về giá trị kết luận giám định.
Nguồn: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét