Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Chỉ số minh bạch của thị trường bất động sản ngày càng thấp

Do vấn đề quản lý còn lỏng lẻo khiến trách nhiệm của các chủ đầu tư phải công bố dự án vẫn được thả nổi. Để tối đa hóa lợi nhuận của mình, hiện nay hầu hết những thông tin về các dự án BĐS tại Việt Nam đều được các doanh nghiệp ém chặt, điều này dẫn tới tình trạng giao dịch ngầm các sản phẩm BĐS theo kiểu trao tay diễn ra ngày một lớn. Việc công bố thông tin của rất ít dự án hiện nay cũng chỉ mang tính thủ tục và PR cho các dự án của mình là chính và mỗi nơi thực hiện một kiểu.

Những người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở không dễ gì tiếp cận trực tiếp được chủ đầu tư để có được những thông tin chính xác nhất về dự án, thậm chí có những công trình đến chuyên gia am hiểu thị trường cũng tỏ ra lúng túng. Theo ông Richard Leech, Giám đốc điều hành công ty CBRE Việt Nam, các giao dịch BĐS tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là giao dịch thỏa thuận ngầm với nhau, chính vì thế việc thống kê và đánh giá tiềm năng của thị trường là hết sức khó khăn. Các sàn giao dịch BĐS hiện nay chỉ phản ánh một phần rất nhỏ của thị trường và nó không mang tính điển hình. Các dự án được mua đi bán lại khi thông tin vẫn chưa được nắm vững đã nâng cao rủi ro khi hoạt động trong lĩnh vực này, theo đó, chỉ số minh bạch của thị trường BĐS Việt Nam ngày càng thấp đi, lòng tin của người dân đối với các thông tin do chủ đầu tư cung cấp cũng đang đi xuống.

Xét về chỉ số minh bạch của thị trường BĐS thì Việt Nam đang đứng vị trí thấp nhất trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Theo các chuyên gia BĐS, để nâng cao chỉ số minh bạch thị trường, trước hết Việt Nam cần nâng cao lòng tin của người dân đối với các dự án BĐS thông qua việc công bố đầy đủ, chính xác thông tin về các dự án BĐS. Việc minh bạch hóa thị trường là cơ sở tối quan trọng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Boaz Boon, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách nghiên cứu của Tập đoàn Capita Land cho rằng, để đầu tư vào một nước nào đấy, các nhà đầu tư thường nhìn vào chỉ số minh bạch thị trường BĐS. Hiện nay, các thông tin về dự án mà doanh nghiệp đưa ra thường gây nhầm lẫn, thậm chí đánh lừa người mua, khiến cho việc tìm tới giá thật của các sản phẩm BĐS là gần như không thể, điều này cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà đầu tư.

Thực tế, Bộ Xây dựng cũng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường như bắt buộc các công ty khi bán nhà đất phải thông qua các sàn giao dịch BĐS. Tuy nhiên, động thái này gần như không thể phát huy tác dụng, khi hầu hết các sàn giao dịch lập nên chỉ để có hình thức. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, những sản phẩm BĐS được bán trên sàn chỉ chiếm khoảng 20- 30% nguồn cung của thị trường.

Ông Phùng Văn Năng, Tổng giám đốc Cty cổ phần BĐS Nam Việt, cho rằng hiện có rất nhiều sản phẩm căn hộ, đất nền được tung ra thị trường, nhưng những sản phẩm được cấp giấy chứng nhận qua sàn chỉ là 10-15%. Giám đốc một công ty BĐS cho biết, hiện nay, để hoàn thành thủ tục pháp lý của một dự án BĐS phải mất ít nhất từ 1- 2 năm, điều này gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS.

Để thực hiện dự án được sớm, hiện có đến 90% các dự án có vấn đề về mặt pháp lý, nhưng để dự án được hoạt động trói lọt các công ty thường không công bố những khiếm khuyết này bởi đa số các dự án hiện nay đều phải vay tiền ngân hàng hoặc huy động vốn nên áp lực trả lãi là không hề nhỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét