Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

Cần chấn chỉnh các quy định về chuyển nhượng đất nông nghiệp

Năm 2010 được đánh giá là năm thị trường BĐS chứng kiến một cơn sốt đất lớn nhất trong 10 năm trở lại đây. Việc lấy ý kiến người dân về đồ án quy hoạch tổng thể phát triển thủ đô Hà Nội đã tạo nên một cơn sốt, đặc biệt ở khu vực phía tây Hà Nội đến tận chân núi Ba Vì. GS-TS Đặng Hùng Võ - cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên - Môi trường đã nhận định như vậy với phóng viên Lao Động ngày 28.12.


- Đúng là giá đất lên khá cao khi Quy hoạch tổng thể phát triển thủ đô được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Một số người đã tranh thủ khai thác các yếu tố quy hoạch để tìm kiếm lợi ích kỳ vọng trong tương lai. Các cò đất cũng lợi dụng cơ hội này tung thêm tin tức, tô vẽ cho những lợi ích mù mờ đó. Điển hình nhất là giá đất khu vực chân núi Ba Vì. Với thông tin trong tương lai, Ba Vì sẽ trở thành trung tâm hành chính nên dù quy hoạch chưa được duyệt, nhưng giá đất Ba Vì vẫn tăng chóng mặt kể cả đất ở, đất sản xuất  nông nghiệp, đất rừng... Cơn sốt giá các loại đất theo quy hoạch lan ra cả các vùng xung quanh, đặc biệt ở khu vực phía tây Hà Nội, hoặc những vùng dự kiến quy hoạch đi qua như Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh... đẩy giá đất lên cao. Tôi cho rằng, hiện cơn sốt đã tạm lắng, nhưng đã có những nạn nhân đầu tiên phải hứng chịu, đơn cử như giá đất ở Ba Vì hiện đang giảm khoảng 70% so với những ngày đầu công bố đồ án quy hoạch.

Vậy những bài học gì được rút ra sau việc này, thưa ông?

- Có nhiều bài học rút ra từ việc này. Việc công bố quy hoạch vừa rồi gây sốt đất ở Ba Vì và phía tây, trong khi đấy chỉ là quy hoạch để lấy ý kiến, chưa có ý nghĩa gì về mặt thực chất nó sẽ như thế nào, nhưng người dân đã cuống lên đi mua đất. Bài học thứ nhất ở đây, theo tôi, đó là do truyền tải thông tin đến người dân chưa thấu đáo để người dân không hiểu, gây thất thiệt cho dân, sự thật đến cùng thì cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm. Cần phải chuyển tải thông tin rõ ràng, mạch lạc để dân hiểu và làm theo đúng phạm vi người ta có thể làm được. 

Bên cạnh đó, cũng qua cơn sốt đất ở Ba Vì thì chúng ra thấy một điều là cần phải chỉnh đốn lại các quy định của pháp luật về từng trường hợp được chuyển nhượng đất nông nghiệp. Việc chuyển nhượng cần có điều kiện nhất định, cần trao đất đó vào tay những người trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp, tránh để bần cùng hoá nông dân. Không phải làm như vậy là chúng ta bó lại quyền của nông dân, mà chúng ta hướng họ tới những việc thực hiện quyền tốt hơn, không phải bán đi để gỡ thế bí về tài chính lúc này và bán cho ai được thì bán. Điều đó chỉ làm hại cho người nông dân. Nên có các quy định chặt chẽ trường hợp nào được bán, trường hợp nào không được bán, hoặc đối tượng mua là ai. Ví dụ, nếu đối tượng mua cũng là người trực tiếp sản xuất thì câu chuyện dễ chịu hơn là một người ở thành phố đến mua đất và găm ở đấy.   

Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm chính quyền xã trong việc kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật đất đai trên địa bàn, ngăn ngừa các trường hợp từ nơi xa đến nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để tính chuyện kiếm lợi theo quy hoạch. Tôi cho rằng việc này không quá khó, nhưng hiện nay cấp xã của chúng ta làm chưa được tốt. Nếu thực sự lo lắng cho dân thì sẽ thấy có rất nhiều việc để làm, giúp người nông dân nghĩ ngợi kỹ lưỡng hơn trước khi quyết định bán đất. Trong khi tôi thấy, hiện nay cấp xã đang làm một việc là chứng nhận cho người nông dân bán đất.

Mặt khác, cơ chế của ta có quy định người nông dân bị mất đất nông nghiệp thì được bồi thường bằng đất phi nông nghiệp, chuyển người ta sang làm dịch vụ đô thị... Thế nhưng các địa phương thấy cơ chế này phức tạp quá, nhiều việc quá nên muốn quy thành tiền. Việc này rất không lợi cho người nông dân. Cũng liên quan đến quy hoạch, tôi cho rằng cần hoàn thiện cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch, người nông dân được góp đất và thực hiện các dự án đầu tư phát triển theo quy hoạch để tránh tình trạng giá đất tăng lên ngay sau khi có quy hoạch đưa ra.

- Cảm ơn ông!
Phạm Huệ thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét