Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính

Theo Điều 72 và 74 Hiến pháp năm 1992, mọi chủ thể (kể cả Nhà nước) xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức đều phải bồi thường. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật có những điều khoản quy định về lĩnh vực này. Ví dụ, Điều 623, 624 của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995 hay  Điều 619, 620 BLDS năm 2005 đã có những quy định mang tính nguyên tắc về trách nhiệm bồi thường Nhà nước (BTNN)... Đến nay, rất nhiều các văn bản pháp luật chuyên ngành đã đề cập tới trách nhiệm BTNN như: Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998; Luật Hải quan năm 2001; Luật Bảo vệ môi trường năm 2005; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006; Luật Đầu tư năm 2005; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai (Nghị định số 84/2007/NĐ-CP)…

Như vậy, trong lĩnh vực hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã quy định về trách nhiệm BTNN đối với những thiệt hại của cá nhân, tổ chức do cơ quan, cán bộ, công chức Nhà nước gây ra trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các quy định này vẫn còn bộc lộ một số bất cập và thiếu tính khả thi.
Thứ nhất, do coi trách nhiệm BTNN thuần túy chỉ là một nội dung của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định trong BLDS, do đó, chưa xác định được tính đặc thù và thiếu các quy định cụ thể và về cơ bản chưa tạo điều kiện cho người bị thiệt hại. Hầu hết người bị thiệt hại không biết ai là người đã gây thiệt hại cho mình, nhất là trường hợp thiệt hại xảy ra là hậu quả của việc thực hiện không kịp thời, không đầy đủ, không đúng trách nhiệm quản lý… Điều này dẫn tới tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không  rõ cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm bồi thường.

Thứ hai, thủ tục giải quyết bồi thường, bồi hoàn còn quá rườm rà, phức tạp, chưa bảo đảm tính khách quan; phần bất lợi, bị động bao giờ cũng thuộc về người bị thiệt hại, nhất là trong trường hợp người gây ra thiệt hại lại là thủ trưởng cơ quan thực hiện bồi thường.
Thứ ba, các quy định về trách nhiệm BTNN còn tản mạn, nhiều văn bản ở tầm hiệu lực thấp, chưa tương xứng với tính chất, cũng như chưa tương thích với pháp luật quốc tế, do đó, chưa xác lập được cơ chế bồi thường có hiệu quả cho người bị thiệt hại, tính khả thi còn thấp.
Để khắc phục những hạn chế trên, ngày 18-6-2009, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Việc thông qua luật này được đánh giá là một tiến bộ, bởi lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp, Việt Nam đã luật hóa quyền của tổ chức, cá nhân được Nhà nước bồi thường vốn có trong Hiến pháp thành một đạo luật cụ thể. Theo quy định, luật này có hiệu lực 1-1-2010, nhưng đến tháng 4, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vẫn chưa thể đi vào cuộc sống còn thiếu thông tư hướng dẫn. 
Để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngày 26-11-2010, Liên bộ: Tư pháp, Tài chính, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính. Theo đó, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, người yêu cầu bồi thường gửi hồ sơ yêu cầu đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường bằng một trong các hình thức: Trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính viễn thông.
 Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện sau đây: Có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật; hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 13, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; có thiệt hại thực tế xảy ra; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ...
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ Thông tư số 49/2008/TT-BTC ngày 12-6-2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế, người khai hải quan do hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức thuế, cán bộ, công chức hải quan trong khi thi hành công vụ gây ra./.
(Nguồn: Báo quân đội nhân dân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét