Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

KÊU GỌI ĐỨC TRỊ SẼ LÀM SUY YẾU VIỆC XÂY DỰNG NỀN PHÁP TRỊ

Xưa nay ai cũng biết phải “tu thân, tề gia” rồi mới “trị quốc, bình thiên hạ” được! Thế nên phải rèn luyện bản thân làm đầu. Lo học hành phấn đấu đến lúc ông bà cha mẹ gọi là “thành tài”, nghĩa là có chút ít chữ nghĩa hay bằng cấp lận lưng như ngày xưa là tú tài, cử nhân, còn ngày nay có thể là đại học, thạc sĩ, tiến sĩ… để còn mong tìm được một vị trí xã hội xứng đáng hay tối thiểu cũng là cơm no áo ấm.
Từ phương Đông nước Việt
Nền giáo dục chịu ảnh hưởng Nho giáo luôn trọng bằng cấp, xem bằng cấp là đích đến hay câu nói cửa miệng của cha mẹ, ông bà thường động viên con cháu “ráng học thành tài!” Luôn răn mình và răn đời kêu gọi sống tốt, xây dựng một tấm gương tốt, đạo đức tốt để thế hệ sau noi theo.
Điều này thật thịnh hành ở các quốc gia phương Đông trong suốt quá trình lịch sử đã hình thành chủ nghĩa sùng bái các cá nhân có đạo đức tốt, có quá trình phấn đấu học tập và rèn luyện công phu, tu thân dưỡng tánh hay tu hành đắc đạo trở thành các cá nhân xuất chúng và được suy tôn thành các lãnh tụ hay thánh nhân để mọi người phải ngưỡng mộ.
Thế nhưng, một vấn đề đặt ra là, các “ngôi sao” này có thể luôn thực sự chói sáng trong mọi lĩnh vực chăng? Họ có thể mắc sai lầm không? Họ sẽ luôn hoàn hảo trong các suy nghĩ, quyết định và hành động? Câu trả lời chắc ai cũng đã rõ! Không ai hoàn hảo và không thể mắc sai lầm trong đời mình.
Nền đức trị được hình thành
Lâu dài, hình thành phong cách cổ súy cho việc lấy đức trị làm trọng. Vậy điều gì đã xảy ra? Đức trị có gì sai? Thật ra, đức trị cổ vũ cho các cá nhân sống tốt, phấn đấu làm điều tốt. Lấy đức trị thân. Học sinh, sinh viên nên học giỏi, cố gắng học tập và rèn luyện để đạt tới những đỉnh cao trong khoa học. Động lực để đạt được các bằng cấp cao hơn, để chứng tỏ với bản thân, gia đình và xã hội là đáng trân trọng. Các quan chức nên có đạo đức tốt để đối đãi với dân, hiểu rõ vai trò “dân làm gốc”. Vợ chồng con cái trên thuận dưới hòa là điều nên cổ súy… Thế nhưng, đối với bình diện một quốc gia có nên lấy đức trị dân? Có nên cổ vũ hay suy tôn, sùng bái lãnh tụ chăng? Điều này là câu hỏi lớn.

Nền pháp trị để trị quốc và vận hành đất nước
Các quốc gia văn minh và phát triển mạnh cho đến nay vẫn luôn có các cá nhân xuất sắc được tôn vinh xứng đáng, nhưng họ không sống dựa vào cá nhân nào cả. Họ luôn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để trị dân, tức quản trị đời sống dân sự bằng pháp luật.
Lấy pháp trị nhân hay trị quốc. Không thể kêu gọi suông lòng tốt của con người, anh phải nên thế này và anh không nên thế kia. Không thể lý thuyết hay giáo điều kêu gọi mọi người phải hy sinh vì dân vì nước, nghĩa vụ cao quý là phải biết cống hiến vì cộng đồng .v.v.
Tất cả nên cụ thể hóa bằng luật hay hiến pháp và pháp luật. Không ai được phép đứng trên pháp luật hay đứng ngoài pháp luật.
Tinh thần thượng tôn pháp luật, bình đẳng trước pháp luật là quan trọng bật nhất.
Quyền trưng cầu dân ý là tối thượng. Khi có các sửa đổi hiến pháp tức bộ luật tối thượng của quốc gia phải hỏi ý kiến nhân dân bằng trưng cầu dân ý. Muốn sửa luật phải có quốc hội tham gia biểu quyết. Quốc hội phải thực sự là dân biểu do dân bầu…
Đó là nền pháp trị được kêu gọi, suy tôn. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi người đều có cơ hội ngang nhau. Không ai có quyền lực tuyệt đối để có thể bắt nạt kẻ khác. Luật pháp luôn được hoàn thiện để triệt tiêu các kẽ hở tạo điều kiện cho con người vi phạm. Không có tội danh “lợi dụng kẽ hở pháp luật để phạm tội” mà phải luật hóa các tình huống phát sinh trong đời sống pháp luật xã hội.
Chống tham nhũng bằng luật chứ không thể kêu gọi suông các quan chức “phải giữ gìn đạo đức trong sạch”. Ngày nay, ai cũng biết quyền lực có xu hướng tham nhũng và quyền lực tuyệt đối sẽ dễ dàng sinh ra tham nhũng tuyệt đối.
Nền kinh tế nên trả lương theo sức lao động, theo qui luật cung cầu của nền kinh tế xã hội. Bằng cấp cao được tôn trọng xứng đáng nếu chứng tỏ được năng lực thực sự. Không có gì mâu thuẫn giữa bằng cấp và năng lực nếu học thật và bằng cấp thật.
Nhân tài được tạo thuận lợi để làm việc và cống hiến trong môi trường làm việc khoa học tự do và thích hợp nhất. Con người được cổ vũ sống cho bản thân mình, yêu quý tôn trọng bản thân mình trước tiên, không vì những mục tiêu quá trừu tượng, quá cao cả và mâu thuẫn với lợi ích cá nhân.
Xây dựng nhà nước pháp quyền
Vậy chúng ta muốn phát triển dựa vào thiên tài hay tài năng cá nhân tự nhiên sinh ra? Hay phải xây dựng một thể chế, một cơ chế đúng đắn để tạo ra hiền tài? Muốn vậy con người phải được đặt ở vị trí trang trọng nhất, phải thực sự được tôn trọng với các quyền thể hiện mình cùng với các quyền lợi cơ bản tối thiểu trong một xã hội pháp trị thực sự.
Đó cũng là nhà nước pháp quyền. Nơi quyền lực được giám sát chặt chẽ đến không còn kẽ hở nhiều cho tham nhũng. Các quyền lực được phân lập và giám sát lẫn nhau, chia sẻ quyền lực để không có thế lực nào có thể vượt trội hay lũng đoạn, thao túng toàn bộ quyền lực quốc gia.
Nước Việt Nam ta trải qua bao cuộc chiến tranh đau thương đẫm máu mới giành được độc lập mà công đầu thuộc về đảng Cộng sản Việt Nam trong việc huy động sức mạnh dân tộc chống ngoại xâm. Cơ hội xây dựng nhà nước pháp quyền đã và đang thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân và là một quá trình tất yếu trong sự phát triển của nhân loại hiện nay.
Nếu các nhân tài xuất chúng là sự sản sinh của lịch sử nhân loại mà tài năng và đức độ kiệt xuất của họ cống hiến cho sự phát triển thì nền pháp trị chính là cái nôi nuôi dưỡng để các tài năng nở rộ, thực sự là một trong các thành tựu vĩ đại nhất của văn minh con người.
Nguồn: SÀI GÒN TIẾP THỊ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét