Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Mở rộng vai trò của luật sư trong giải quyết khiếu nại

Mới đây, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi chức năng quản lý của Thanh tra Chính phủ (TTCP).

* Công dân không nhất thiết phải viết đơn KN,TC

* Tổ chức hành nghề công chứng cũng có thể xác nhận Giấy ủy quyền KN


Nghị quyết nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện, TTCP chủ động phát hiện và kịp thời sửa đổi, bổ sung thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan theo thẩm quyền hoặc đề nghị bằng văn bản, gửi Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ về các luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định về TTHC cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ để thực hiện phương án đơn giản hóa TTHC được Chính phủ thông qua.


Đối với những TTHC được quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo (KN,TC) năm 1998 và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KN,TC, giao TTCP chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan khác khẩn trương hoàn thiện các dự án Luật KN, Luật TC theo nội dung đã được Chính phủ thông qua để trình Quốc hội xem xét, quyết định.


Đối với những TTHC được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ theo phương án đơn giản hóa, giao TTCP áp dụng hình thức 1 văn bản sửa đổi nhiều văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trường hợp cần áp dụng 1 văn bản để sửa đổi 1 văn bản, giao Tổng Thanh tra xem xét, quyết định.


Báo Thanh tra giới thiệu cùng bạn đọc nội dung phương án đơn giản hóa TTHC đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 58/NQ-CP.


1- Nhóm thủ tục tiếp công dân (TCD) và xử lý đơn gồm: Thủ tục TCD tại cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Thủ tục xử lý đơn tại cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.


a- Sáp nhập thủ tục TCD và thủ tục xử lý đơn thành thủ tục TCD và xử lý đơn.


b- Sửa đổi quy định


“Giấy ủy quyền có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người ủy quyền cư trú” thành “giấy ủy quyền có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền”.


“Trường hợp công dân trình bày bằng miệng các KN,TC, kiến nghị nếu thấy cần thiết thì yêu cầu viết thành văn bản và ký tên xác nhận” thành “trường hợp công dân trình bày bằng miệng các KN,TC, kiến nghị thì người TCD phải ghi lại thành văn bản và có chữ ký xác nhận hoặc điểm chỉ của công dân”.


c- Đối với mẫu Đơn KN, Đơn TC


Pháp lý hóa mẫu Đơn KN, Đơn TC


Sửa đổi từ “địa chỉ” thành cụm từ “địa chỉ liên lạc”


Bổ sung nội dung về số điện thoại liên lạc, emai (nếu có), số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp (hoặc số hộ chiếu đối với người nước ngoài) của người KN, người TC.


Bổ sung quy định: Chữ ký hoặc điểm chỉ của người KN, người TC.


Bãi bỏ nội dung mã số hồ sơ trong đơn KN.


2- Nhóm thủ tục giải quyết KN lần đầu gồm: Thủ tục giải quyết KN lần đầu tại cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã


a- Sửa đổi trình tự thực hiện thủ tục như sau:


Khi có căn cứ cho rằng, quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người KN KN lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính.


Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được KN, người có thẩm quyền giải quyết KN lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người KN biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.


Quy định thời hạn giải quyết KN lần đầu không quá 10 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 15 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết không quá 15 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết KN có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 15 ngày, kể từ ngày thụ lý.


Trong thời hạn giải quyết KN, người có thẩm quyền giải quyết lần đầu có trách nhiệm: Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, nếu KN của người KN là đúng thì ra quyết định giải quyết ngay. Tổ chức xác minh, kết luận nội dung KN khi thấy cần thiết và ra quyết định giải quyết KN.


Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết KN, người giải quyết KN lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết KN cho người KN, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết KN, người có quyền, lợi ích liên quan, người đã chuyển đơn KN đến.


b- Về mẫu Đơn KN, Giấy ủy quyền KN


Về Đơn KN: Sửa đổi từ “địa chỉ” thành cụm từ “địa chỉ liên lạc”; quy định bổ sung số điện thoại liên lạc, emai (nếu có), số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp (hoặc số hộ chiếu đối với người nước ngoài) của người KN; bãi bỏ nội dung mã số hồ sơ; bổ sung quy định chữ ký hoặc điểm chỉ của người KN.


Về Giấy ủy quyền KN: Sửa đổi từ “địa chỉ” thành cụm từ “địa chỉ liên lạc”; sửa đổi quy định “xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người được ủy quyền cư trú” thành quy định “xác nhận của cơ quan thẩm quyền” (UBND cấp xã nơi người ủy quyền cư trú hoặc tổ chức hành nghề công chứng); bổ sung quy định chữ ký hoặc điểm chỉ của người ủy quyền KN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét