Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

HÙNG BIỆN – NGUỴ BIỆN

Trong đời sống xã hội, các chính khách trổ tài hùng biện khi vận động tranh cử vào các chức vụ trọng yếu như Nghị sĩ Quốc hội, Thủ tướng, Tổng thống… Sự hùng biện của “thầy cãi”  chẳng những chỉ thể hiện bằng ngôn ngữ đanh thép, xoáy vào lòng người mà còn bao hàm cả sự diễn cảm qua ánh mắt, nụ cười, khi cần pha chút hài hước. Luật sư nhập vai một diễn giả giàu bản lĩnh và nghị lực, xem cử toạ như “con cháu trong nhà”. Có tự tin luật sư mới mạnh dạn khi “diễn thuyết” một cách thao thao bất tuyệt trước chốn pháp đình. Luật sư hùng hồn nhấn mạnh điểm mấu chốt liên quan tới nhân vật then chốt mà luật sư bảo vệ trong vụ án. Thỉnh thoảng luật sư đưa mắt về phía họ nhằm bày tỏ sự quan tâm của luật sư đối với thân chủ. Luật sư cố gắng tránh tật nói lắp, nói ngọng. Chúng ta nên kiên trì sửa chữa khuyết tật ấy, nếu không giọng nói của luật sư ấp a, ấp úng, lập cà, lập cập chắc hẳn sẽ là vở hài kịch nơi công đường.
Nghề luật sư là một trong số nghề nghiệp mang đậm tính chất hùng biện. Có lẽ vì thế mà ở nước ta, ngay từ những ngày đầu mới hình thành vào cuối thế kỷ 19 giới “thầy cãi” được mệnh danh là trạng sư.
Tiếng nói của luật sư ở chốn pháp đình thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng khán thính giả; trong đó có Hội đồng xét xử (HĐXX), Kiểm sát viên (KSV), luật sư đồng nghiệp, phóng viên báo chí, bị cáo, bị hại, những đương sự khác… tham dự phiên toà. Nội dung luận cứ của luật sư dù có súc tích, sắc sảo đến đâu mà diễn đạt thiếu mạch lạc, hùng hồn, chẳng những không lôi cuốn mà còn làm cho cử toạ chê bai.
Cách thức diễn đạt luận cứ của luật sư (tương tự biện minh trạng đối với vụ án hình sự, lý đoán đối với vụ án phi hình sự mà luật sư nước ta thể hiện tại toà án trước năm 1975) được xem là thước đo năng lực lý luận của luật sư, nhằm thuyết phục HĐXX tin rằng bị cáo, đương sự mà luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi vô tội  hoặc ít ra sai phạm chưa đến mức độ như đại diện viện kiểm sát quy buộc. Đây cũng là thời điểm thích hợp để luật sư trình bày quan điểm pháp lý nhằm thuyết phục HĐXX cân nhắc, đánh giá vụ án một cách khách quan, toàn diện để có một phán quyết phù hợp thấu tình, đạt lý. 
Bao giờ luật sư cũng tỏ ra thận trọng trong lời ăn, tiếng nói tại chốn pháp đình, nhất cử, nhất động của luật sư đều bị “quan trên ngó xuống, người ta trông vào”.
Muốn được thiên hạ tôn trọng, nể vì luật sư phải vừa có tâm, vừa có tầm. Nghề luật sư vinh dự được xã hội tôn vinh là thiên chức. Để xứng đáng với danh vị cao quý ấy chúng ta phải lấy chữ tín làm đầu. Thật chí lý khi cho rằng: Mất tài sản có thể làm ra tài sản, mất uy tín là mất tất cả.
Là luật sư, đòi hỏi chúng ta phải tinh thông luật pháp, nắm bắt thật chính xác những nội dung quy định pháp luật. Khi dẫn chứng điều khoản luật phải thật cụ thể, tránh lập luận theo kiểu nước đôi, ba phải nhằm “tung hoả mù” đánh lạc hướng, xa rời bản chất của sự việc. Lập luận của luật sư có thể mang tính chất suy đoán có lợi cho thân chủ, nhưng không được gây bất lợi cho bị cáo hoặc đương sự khác trong cùng vụ án. Trong hoàn cảnh thích hợp, luật sư có thể trích dẫn “lời hay, ý đẹp” của nhà luật học, luật sư, quan toà có tiếng tăm. Luật sư triệt để khai thác những chứng cứ mơ hồ, mâu thuẫn thể hiện trong hồ sơ kể cả lời khai của những người tham gia tố tụng trước toà, làm thay đổi “định kiến phạm tội” do HĐXX áp đặt cho bị cáo, đương sự đã được hình thành trong bản án “bỏ túi”!
Để giữ gìn thanh danh gia đình, họ tộc, ông cha ta thường căn dặn cháu con “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”.
Đáng tiếc là trong hoạt động nghề nghiệp, một số luật sư “mị thân chủ” bằng mọi giá cho dù phía thân chủ của luật sư yếu thế về mặt chứng cứ vẫn gân cổ “cải chày, cải cối”, bất chấp sự thật khách quan khiến công luận phê phán là luật sư “đổi trắng, thay đen”:
Ngày 14 và 15 tháng 01 năm 2009, TAND TP.HCM xét xử vụ án V.T.H.N và đồng phạm can tội “Lưu hành giấy tờ có giá giả khác” và “Trốn thuế”. Suốt quá trình điều tra, truy tố, kể cả hai phiên xử trước đó, bị cáo N. không hề khai nại chi tiết: Do yêu tha thiết bị cáo T. (đồng phạm trong cùng vụ án) N. nhận mình là kẻ chủ mưu, cầm đầu để cho T. được nhẹ tội. N. đã không ngần ngại hiến dâng “đời con gái” cho T. Khi biết N có thai với mình, T. đã đưa N. đi phá thai tại bảo sanh viện X. Với “tình tiết mới” vừa nêu, N. hy vọng sẽ được HĐXX thương cảm giảm án cho mình. Kịch bản vụng về do luật sư đạo diễn cho bị cáo N. đã bị HĐXX bác bỏ!
Ngày 21 tháng 01 năm 2009, TAND TP.Hà Nội xét xử vụ án: V.V.L nguyên thẩm phán TAND quận Hoàn Kiếm về tội “Nhận hối lộ”. Trong phần tranh luận có tới 04 luật sư bào chữa cho bị cáo L., lần lượt đưa ra quan điểm: L. đã làm đúng quy trình giải quyết án không hề có hành vi vòi vĩnh., chỉ vì “nể nang bạn bè mà phải ra chốn pháp đình”. Nếu cho rằng bị cáo L. làm đúng quy trình, vậy thì nể nang cái gì? Theo luật sư này trong các cuộc ghi âm ông T. đã dùng thủ đoạn để gài L. buộc L. trả lời theo hướng định sẵn của mình: “Bị cáo không nhận tiền cho vào túi, vì vậy có thể xem xét cho bị cáo tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội để giảm nhẹ hình phạt”. Nói như thế khó nghe quá: L. chưa nhận tiền cho vào túi vì công an đã đột nhập bắt quả tang. Việc L. chưa nhận tiền đâu phải do L. “chê tiền” mà do bị công an phát hiện lập biên bản. Một luật sư khác nói: “Bị cáo không chủ ý sách nhiễu mà vì người đưa hối lộ đã dùng nhiều thủ đoạn, chủ động gọi điện thoại nhiều lần nên bị cáo phạm tội do bị kích động mạnh”? Phải chăng luật sư “cố tình nhầm lẫn” khi cho rằng L. không sách nhiễu mà vì người đưa hối lộ dùng nhiều thủ đoạn… Cùng bênh vực cho L. mà lập luận của luật sư này lại “chỏi” với luật sư kia, người nói L. nửa chừng chấm dứt phạm tội, người lại bảo L. phạm tội vì bị kích động. Chỉ khi nào bị A. khiêu khích, thách thức, dùng vũ lực đe doạ tấn công, bực tức không thể kiềm chế được, B. chủ động “trả miếng” lại A. mới dẫn chứng là B. bị kích động mạnh. Vị luật sư này đề nghị toà áp dụng Điều 18 Bộ Luật Hình sự về việc phạm tội chưa đạt đối với L. Mặc dù bị cáo L. chưa lấy được tiền chỉ vì nguyên nhân ngoài ý muốn. Một luật sư nữa bổ sung: “Chúng tôi nghi ngờ không hiểu có sự lồng ghép nội dung ghi trong đĩa CD hay không, không ai giám sát được”. Khi nghi ngờ tính xác thực của chứng cứ, bị cáo L và luật sư có quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định chứng cứ mà mình cho rằng “có vấn đề” cơ mà.
Bị cáo L. là người đã từng “cầm cân nẩy mực” quyết định “số phận tài sản” của các đương sự lẽ nào lại bị “gậy ông đập lưng ông” dễ dàng quá!
Với lương tâm nghề nghiệp, luật sư phải hết lòng vì thân chủ: Thân chủ oan thì bằng mọi phương cách hợp pháp luật sư giải oan bằng được cho họ; thân chủ sai phạm thì luật sư cố gắng làm giảm nhẹ đến mức thấp nhất thân phận pháp lý về hình lẫn hộ cho họ. Dứt khoát không chìu lòng thân chủ bằng mọi giá mà phải tôn trọng sự thật khách quan, sự nghiêm minh của pháp luật. Có như vậy luật sư mới làm tròn trọng trách của người phụ tá công lý, xoá tan định kiến lệch lạc trong dư luận rằng nghề luật sư là nghề “đổi trắng, thay đen”! Hùng biện chứ dứt khoát không ngụy biện!
Nguồn: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN LUẬT SƯ TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét