Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN – CẦN CHẾ TÀI ĐỦ MẠNH

Sự phát triển của kinh tế thị trường làm xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ môi giới, với hình thức, quy mô hoạt động ngày càng rộng rãi và được công nhận là nghề trong xã hội. Trong đó phải kể đến nghề môi giới bất động sản.
Môi giới bất động sản được hiểu là hoạt động của bên thứ 3 (cá nhân hoặc tổ chức) với mục đích giới thiệu, giải quyết những vấn đề liên quan giữa các bên: bên bán, cho thuê với bên mua, bên thuê trong giao dịch như mua, bán, cho thuê, cho thuê lại bất động sản… với khoản phí theo hợp đồng môi giới.
Như vậy, bản thân bên môi giới phải là người chủ động trong các giao dịch liên quan đến bất động sản: họ làm nhiệm vụ kết nối giữa bên bán, cho thuê với bên mua, cần thuê từ việc gặp gỡ, trao đổi, thương thảo cho đến khi kết thúc giao dịch.
Trước khi hoạt động môi giới diễn ra thì bên môi giới phải tiếp xúc với khách hàng của mình để nắm được nhu cầu của khách hàng và khả năng tài chính thực sự của họ. Đây là khâu cần thiết trong bất kỳ hoạt động môi giới nào. Bằng kinh nghiệm, khả năng phân tích, phán đoán hoặc sự nhạy cảm nghề nghiệp bên môi giới có thể xác định được độ khả thi của kết quả môi giới đến đâu giúp cả 3 bên (bên môi giới, bên bán, cho thuê và bên mua, thuê) tiết kiệm được thời gian, cũng như các khoản chi phí không cần thiết khác…
Để trở thành nhà môi giới thành công, có thương hiệu, uy tín lớn, ngoài sự am hiểu về kiến thức pháp luật liên quan đến bất động sản như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, các dự án quy hoạch, kiến thức phong thủy… thì họ cần phải chứng tỏ cho khách hàng biết khả năng nhạy bén thị trường của mình cũng như sự hiểu biết kiến thức thông qua việc tư vấn cho khách hàng (bên mua, bên thuê) các khoản vay tín dụng có hỗ trợ lãi suất từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng… Đây là điều mà bất kỳ khách hàng nào khi tham gia giao dịch cũng mong muốn có được từ các nhà môi giới và tạo ra điểm khác biệt giữa môi giới bất động sản chuyên nghiệp và các loại hình môi giới khác. Chính nhà môi giới là người cung cấp thông tin về pháp luật, chính sách của Nhà nước một cách đầy đủ và trung thực cho khách hàng từ việc dự án quy hoạch xây dựng như thế nào cho đến những những chính sách pháp luật mới thay đổi ảnh hưởng đến thị trường bất động sản ra sao? Sự linh hoạt nhạy bén cùng với sự trung thực của nhà môi giới sẽ tạo nên uy tín, thương hiệu cũng như sự tin cậy từ phía khách hàng. Tực tế thời gian qua một số nhà môi giới đã làm rất tốt, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh bất động sản ở nước ta sôi động hơn. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số yếu kém cần phải thay đổi.

Tình trạng nhà đầu tư hiểu biết về kiến thức pháp luật liên quan đến bất động sản và khả năng ứng biến đối với thị trường chưa cao, khiến thị trường bất động sản nước ta có lúc phát triển quá “nóng”, sốt ảo cục bộ có lúc lại đóng băng ảm đạm. Đây là điều kiện để những người môi giới thiếu chuyên nghiệp trục lợi, làm xáo trộn thị trường. Tình trạng nhà nhà làm môi giới, người người làm môi giới diễn ra trong thời gian vừa qua đã làm thị trường có lúc chệch hướng, không phản ánh đúng thực trạng. Các văn phòng nhà đất, trung tâm dịch vụ bất động sản mọc lên như nấm… Những khách hàng kém nắm bắt thông tin không ít lần rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười với những chiêu bài moi tiền của “cò” nhà đất như: dẫn đi xem đất, xem nhà bất luận kết quả ra sao đều bị mất phí. Và điều đó tồn tại như một luật bất thành văn, người chịu thiệt thòi bao giờ cũng thuộc về khách hàng.
Trong khi Nhà nước chưa có các chế tài đủ mạnh, các “cò” đất tranh thủ “ tung hoành” đã làm cho thị trường nhà đất có lúc “méo mó”. Thực trạng này nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Điều đó tạo tâm lý không tốt cho khách hàng cũng như dư luận xã hội, có sự nhìn nhận một cách thiếu công bằng ngay cả đối với những nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp.
Để hạn chế tình trạng này, Chính phủ đã có biện pháp kịp thời nhằm điều chỉnh những bất ổn của thị trường theo đó người hành nghề môi giới phải có chứng chỉ hành nghề, điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề Môi giới bất động sản được quy định rất cụ thể tại nghị định 153/2007/NĐ-CP ban hành ngày 15.10.2007: không phải cán bộ công chức nhà nước; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không trong tình trạng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chấp hành án phạt tù; có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản; có hồ sơ xin cấp chứng chỉ môi giới bất động sản theo quy định. Ngoài việc quy định điều kiện hành nghề môi giới bất động sản, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định 23/NĐ-CP ngày 27.2.2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản… Theo đó, các chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm nguyên tắc hoạt động môi giới được quy định cụ thể như sau:
- Tại điểm c khoản 1 Điều 34 của Nghị định nêu rõ: Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi môi giới độc lập nhưng không có chứng chỉ hành nghề theo quy định, vi phạm nguyên tắc về hoạt động môi giới.
- Tại điểm a khoản 2 điều 34 của nghị định nêu: Phạt tiền từ 60 triệu đến 70 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh bất động sản có hành vi vi phạm nguyên tắc về môi giới bất động sản.
- Khoản 4 điều 34 nêu: ngoài hình thức xử phạt quy định tại khoản 1,3 điều 34 của nghị định thì cá nhân có hành vi vi phạm còn bị tước chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản từ 1 đến 3 năm hoặc không có thời hạn.
Với quy định, chế tài nêu trên đã tạo hành lang pháp lý cho nghề môi giới bất động sản nước ta phát triển một cách chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, so với những khoản lợi mà bên môi giới cố tình “vượt rào” thu được thì với mức xử phạt như trên là quá nhẹ, tính răn đe chưa đủ mạnh.
Để môi giới bất động sản được công nhận như một nghề mang tính chuyên nghiệp, bản thân mỗi cá nhân, tổ chức khi tham gia hoạt động môi giới ở lĩnh vực này phải xác định cho mình một nguyên tắc hoạt động rõ ràng, tự học hỏi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp. Mặt khác, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, khách hàng trong khi thực hiện giao dịch cần phải ký kết hợp đồng môi giới với nội dung cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi có tranh chấp xảy ra. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với cá nhân, tổ chức hoạt động môi giới bất động sản, Nhà nước cần phải xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện hơn, với những quy phạm pháp luật có chế tài đủ mạnh đối với hành vi vi phạm nguyên tắc môi giới bất động sản như: tăng mức xử phạt đối với từng mức độ của hành vi vi phạm, trường hợp gây thiệt hại lớn đối với cá nhân, tổ chức được môi giới thì nên áp dụng biện pháp mạnh đó là truy cứu trách nhiệm hình sự… Chế tài đó mới có tính răn đe, hạn chế được vi phạm phát sinh. Việc tách bạch hóa hoạt động kinh doanh và môi giới bất động sản là điều cần thiết, tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi của những tổ chức, sàn kinh doanh bất động sản thời gian qua… Điều chỉnh kịp thời những sai phạm, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của bên môi giới, cũng như các bên tham gia giao dịch.
Đã đến lúc cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, có biện pháp điều chỉnh kịp thời những quan hệ phát sinh từ thị trường nhiều biến động này, để cung – cầu phản ánh đúng thực trạng góp phần xây dựng thị trường bất động sản nước ta phát triển lành mạnh.
( Nguồn: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét