Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

Liên quan căn nhà 368 Nguyễn Sơn, Q. Tân Phú: Đằng sau bộ hồ sơ thế chấp là gì?

(CATP) Chuyện hy hữu tại quận Tân Phú: trước khi chủ nhà bán cho người mua đã làm giả một bộ giấy tờ thế chấp cho ngân hàng rút 40 tỷ đồng. Khi người mua bỏ tiền ra mua nhà đất, được các cơ quan từ phường, quận công chứng, thuế kiểm tra và chấp thuận các thủ tục, hồ sơ mua bán là đúng. UBND quận đang chuẩn bị làm thủ tục sang tên cho người mua thì bị ngưng do một văn bản ngăn chặn từ cấp trên.


Nhà mua xong phải bỏ hoang vì “kẹt” sang tên, không kinh doanh được
MỘT NGÀY “LÒI” RA HAI GIẤY
Bà Lê Thị Kim Thanh trú 74/9 Phan Đăng Lưu, phường 5, quận Phú Nhuận, TPHCM mua căn nhà số 368 Nguyễn Sơn, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, có diện tích xây dựng 289,2m2 tọa lạc trên thửa đất có khuôn viên 1.362,8m2, tờ bản đồ số 157, có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) số 5359/2003 ngày 10-7-2003 do UBND quận Tân Bình (chưa tách quận) cấp. Nhà đất này do ông bà Trần Thị Liên, Nguyễn Trí Hòa đứng tên sở hữu và ủy quyền cho Trần Hữu Thiện (ngụ tại 35 Lũy Bán Bích, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú) về mọi quyền lợi, nghĩa vụ của căn nhà. Ngày 10-4-2009, bà Liên ông Hòa lập Giấy ủy quyền cho Trần Hữu Thiện tại Phòng Công chứng số 5, TPHCM với nội dung: “Ông Trần Hữu Thiện toàn quyền quản lý, sử dụng, cho thuê, thế chấp, bảo lãnh, mua bán, tặng cho toàn bộ căn nhà và quyền sử dụng đất tọa lạc tại số 368 Nguyễn Sơn, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành”, đồng thời giao cho Thiện toàn bộ giấy tờ liên quan đến căn nhà.

Ngày 2-8-2010, ông Trần Hữu Thiện bán căn nhà trên cho bà Thanh, theo hợp đồng số 031990 được Phòng Công chứng số 4, TPHCM chứng nhận. Cùng ngày 2-8-2010, ông Trần Hữu Thiện bàn giao căn nhà cùng toàn bộ bản chính giấy tờ nhà, đất số 368 Nguyễn Sơn cho bà Thanh. Ngày 4-8-2010, Chi cục thuế quận Tân Phú ra thông báo nộp lệ phí trước bạ nhà đất và xác định số tiền lệ phí trước bạ phải nộp cho chủ nhà mới. Trước khi mua bán, bà Thanh cũng đã cẩn thận đến Phòng tài nguyên môi trường (TN-MT) quận Tân Phú, UBND phường Phú Thạnh để xác minh, kiểm tra tình trạng quy hoạch, giấy tờ, hồ sơ căn nhà và đều không có trục trặc gì. Cùng ngày ký bán, ông Thiện đã bàn giao nhà, đất cho bà Thanh đúng như hợp đồng.

Ngày 18-10-2010, bà Thanh đến quận nộp hồ sơ xin cấp đổi tên trong sổ đỏ thì được Phòng TN-MT quận thông báo họ vừa nhận được hồ sơ do ông Thiện và Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3 (NHNN&PTNT3 - số 596A Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM) chuyển đến đề nghị “đăng ký thế chấp” quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất căn nhà nêu trên. Hồ sơ phía ngân hàng và ông Thiện nộp cũng có một “giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” số 5359/2003 ngày 10-7-2003 (cùng mã số, ngày tháng với sổ đỏ của bà Thanh nộp tại phòng).

Sự “trùng hợp” này đã khiến các chuyên viên tại Phòng TN-MT Tân Phú hết sức bất ngờ.


Trong khi giấy giả thì góc (x) để trống
NGÂN HÀNG “NGẬM” GIẤY GIẢ
Các cán bộ của Phòng TN-MT quận Tân Phú đã nhanh chóng phát hiện bộ giấy tờ của bà Thanh nộp là thật, còn bộ giấy “đỏ” do ngân hàng và ông Thiện nộp có dấu hiệu giả mạo, dù cả hai được làm gần y hệt nhau. Lập tức bộ giấy tờ giả của ngân hàng đã được lập biên bản tạm giữ, chuyển sang Công an quận Tân Phú đề nghị điều tra làm rõ.

Một ngày sau, 19-10-2010 Phòng TN-MT quận Tân Phú gửi văn bản cho NHNN&PTNT3 và ông Trần Hữu Thiện thông báo như sau: “Hai hồ sơ khác nhau nhưng có cùng giấy chứng nhận. Phòng TN-MT quận Tân Phú xác định giấy chứng nhận do đại diện ngân hàng nộp thế chấp là giả nên tạm giữ để chuyển cơ quan công an xác minh...”.

Nhận được thông báo này, phía NHNN&PTNT3 vẫn chưa đồng tình nên ngày 20-10-2010 tiếp tục gửi công văn đến Phòng TN-MT Tân Phú cho rằng, giao dịch mua bán nhà giữa bà Thanh và ông Thiện là “giao dịch mang dấu hiệu lừa đảo, không có hiệu lực pháp luật”, còn hợp đồng thế chấp tài sản giữa ngân hàng này với ông Thiện (chủ nhà được ủy quyền) mới là giao dịch “xịn”, đề nghị cho giám định. Điều này không cần ngân hàng yêu cầu thì ngay khi nhận hồ sơ, Công an quận Tân Phú cũng đã tiến hành.

Công an quận Tân Phú chuyển cả hai bộ hồ sơ của bà Thanh và phía ngân hàng trưng cầu giám định tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP. Ngày 4-11-2010, Công an quận Tân Phú có văn bản thông báo cho các bên liên quan về kết quả giám định: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 5359/2003 ngày 10-7-2003 do bà Lê Thị Kim Thanh nộp tại Phòng TN-MT quận theo hồ sơ đề nghị xác nhận thay đổi chủ sở hữu căn nhà số 368 Nguyễn Sơn, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú là giấy chứng nhận thật; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 5359/2003 ngày 10-7-2003 do NHNN&PTNT3 nộp tại Phòng TN-MT quận Tân Phú đề nghị đăng ký thế chấp là giấy chứng nhận giả”. Công an quận Tân Phú tạm giữ bộ giấy giả để điều tra.
Sau khi có thông báo của công an quận, ngày 11-11-2010, Phòng TN-MT quận Tân Phú tiếp tục gửi công văn thông báo với NHNN&PTNT3 và ông Trần Hữu Thiện khẳng định rằng đề nghị tạm ngưng giải quyết hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận của ngân hàng không có giá trị. Việc ngân hàng vì sao lại giữ bộ giấy tờ giả của bên thế chấp để cho vay 40 tỷ đồng không liên quan đến hồ sơ xin cấp đổi sang tên của bà Thanh.


Giấy thật, có thông tin cập nhật hiện trạng quy hoạch
LẠI BỊ “ÁCH” PHÚT 89!
Phòng TN-MT đang làm các thủ tục chuyển đổi tên trong giấy tờ cho bà Thanh thì bất ngờ ngày 15-11-2010, Phòng TN-MT quận Tân Phú nhận được văn bản của một cơ quan cấp trên, đề nghị “tạm dừng mọi giao dịch, chuyển nhượng liên quan đến căn nhà 368 Nguyễn Sơn, chờ ý kiến” của cơ quan này. Văn bản này nêu: “Ngày 29-6-2010, Trần Hữu Thiện đã sử dụng giấy đỏ của nhà và đất ở số 368 Nguyễn Sơn, quận Tân Phú thế chấp cho khoản vay 40 tỷ đồng từ chi nhánh ngân hàng nông nghiệp trên”. Lý do là thế. Đúng ra, cơ quan này phải thông báo chính xác nội dung là có đối tượng đã làm giả giấy đỏ liên quan đến số nhà trên để thế chấp cho ngân hàng.

Giấy giả đã được giám định. Trong khi việc mua bán, thủ tục của bà Thanh đã làm xong. Theo pháp luật, căn nhà trên đã là sở hữu (bao gồm chiếm hữu, sử dụng và định đoạt) của bà Thanh, việc đổi tên trên giấy tờ chỉ là thủ tục cần thiết để thuận tiện cho bà Thanh trong giao dịch, làm ăn. Vậy tại sao bị “ách” lại, gây khó khăn và thiệt hại đủ đường cho gia đình bà.
(Còn tiếp)
Nguồn: Báo công an Tp Hồ chí Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét