Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

TÌM HIỂU THÊM VỀ ÁN LỆ

Bản tin Đoàn Luật Sư TP.HCM số 118 + 119 phát hành ngày 25-9-2010 và số 120 + 121 phát hành ngày 30-10-2010, LS. Nguyễn Ngọc Bích và LS. Trương Trọng Nghĩa đã giải thích nguồn gốc, những ưu điểm của án lệ; vì sao nên áp dụng án lệ, và nên áp dụng án lệ ở Việt Nam như thế nào?
Cần nghiên cứu và trân trọng về những ý kiến của hai vị luật sư nói trên; mong rằng pháp luật Việt Nam trong tương lai ổn định và nhất quán. Vì pháp luật là tĩnh, còn án lệ là động. Sau này sinh viên trường luật năm thứ ba hay năm thứ tư sẽ được học môn án lệ này.
Tầm quan trọng của án lệ trong việc nghiên cứu luật học, một giáo sư người Pháp tên là H. Capitant đã viết từ hơn thế kỷ là :”Muốn thật hiểu biết môn luật, không chỉ nghiên cứu về phương diện TĨNH  nghĩa là thuần lý thuyết mà phải quan sát những tương quan pháp lý giữa các cá nhân, xem các tương quan ấy được cấu tạo cách nào, biến chuyển ra sao, phát sinh ra những vụ tranh tụng gì, rồi được Tòa án xét xử thế nào, tóm lại phải cứu xét môn học cả về mặt ĐỘNG”.
Do đó, các nhà nghiên cứu án lệ, vì án lệ đem lại một nguồn sinh lực mới cho các luật lệ; luật lệ càng khó hiểu hay khô khan, thì án lệ lại càng cần thiết hơn. Tại sao vậy ? Vì trong công việc áp dụng luật lệ, tòa án phải giải thích các điều khoản, phải tìm những lý do trong văn từ luật lệ hay trong các nguyên tắc tổng thể, các tòa án dần dần sáng tạo nên một cơ cấu pháp lý, để bổ sung vào các văn bản lập pháp ngày càng thêm hoàn chỉnh và phong phú. Nếu không có án lệ mỗi ngày đem lại nguồn sinh lực mới, các luật lệ sẽ dần dần già nua và lạc hậu hoặc bị triệt tiêu.
Việc nghiên cứu tập hợp các án lệ còn đem lại cho người học luật một lợi ích quý báu, vì có được án lệ mới hiểu rõ những tương quan pháp lý được cấu tạo như thế nào và biến chuyển ra sao.
Muốn nhận biết nhiệm vụ và tầm quan trọng của một định chế pháp lý, ta cần phải biết vị trí cũng như sự điều hành của định chế ấy đã được con người nhận thức và sử dụng trong những điều kiện nào, bằng những phương sách nào, để đưa đến những kết quả hay những hậu quả ra sao. Về những điểm này chỉ có án lệ mới có thể vạch cho người ta thấy rõ và người ta chỉ có thể thấu triệt một định chế pháp lý sau khi đã xét kỹ các phán quyết của tòa án đã áp dụng các định chế ấy.

Trước đây, thông thường để làm sáng tỏ các luật và các định chế đã được các giáo sư phân tích trong các bài giảng về các môn học dân luật tại trường luật cho các sinh viên; các vị giáo sư ấy đã sưu tập những bản án quan trọng về các các môn học; những bản án ấy trước hết đã giúp cho các sinh viên tiếp xúc ngay với thực tế pháp luật đang được thi hành, các bài giảng về án lệ còn giúp các sinh viên sự hào hứng trong các môn học; đồng thời giúp cho sinh viên luyện dần tập đọc và tìm hiểu rõ  những phán quyết của các Tòa án, mà sau này khi tốt nghiệp thi vào ngành thẩm phán công tố, thẩm phán xử lý hay hành nghề luật sư không còn bỡ ngỡ, và mỗi người đã có sẵn về các kiến thức này, để áp dụng khi thực nghiệm ngành nghề của mình, và tôn trọng lẫn nhau.
Vậy muốn thấu hiểu tinh thần và tầm mức của một bản án, mà chỉ đọc phần tóm lược của bản án, thì chẳng khác gì học toán mà chỉ coi đáp số của các bài giải; cho nên cần phải nắm vững những sự kiện của nội vụ, và phải đọc nguyên văn toàn thể bản án mới tìm được những lý lẽ viện ra để từ đó phê phán giá trị của các lý lẽ ấy; việc nghiên cứu, phân tích, phán đoán các án lệ là một trong những nguyên tắc cần thiết của một nền giáo dục pháp lý.
Từ trước cho đến ngày miền Nam Việt nam được giải phóng, các Tòa án Pháp cũng như các Tòa án hỗn hợp tại Nam phần áp dụng án lệ được xét xử tại Pháp đã có từ lâu những án lệ quan trọng trong cuốn :”Les grands arrêts de la jurisprudence civil” của giáo sư Henri Capitant in lần thứ ba vào năm 1950; những án lệ này các Tòa án Sài gòn trước năm 1975 vẫn thường sử dụng như lý trí thành văn, để đối chiếu các điều khoản trong các bộ Dân luật Bắc và Trung phần …
Những bản án được dùng làm án lệ, vì trong các bản án vào thời đó, có đầy đủ các lý lẽ của nguyên đơn và bị đơn, các điều luật viện dẫn, thẩm phán xét xử phải trả lời các lý lẽ của hai bên, và thẩm phán đưa ra lý lẽ, viện dẫn các điều luật của mình để bác hay chấp nhận yêu cầu của một trong hai bên nguyên bị. Bản án này bị kháng cáo lên Tòa Thượng thẩm, rồi thượng tố lên Tòa Phá án (Tòa Tối cao), và Tòa Phá án xét xử đưa ra các lý lẽ, viện dẫn các điều luật để bác đơn thượng tố hay chấp nhận đơn thượng tố (gọi là phá án), đến đây là chấm dứt thủ tục tranh tụng, và từ những xét xử hợp tình, hợp lý này được các nhà luật học sưu tập thành án lệ để dùng cho sinh viên học tập, các thẩm phán và luật sư nghiên cứu áp dụng vào những vụ việc tương tự. Nhờ có án lệ mà pháp luật ngày càng phong phú và hoàn chỉnh hơn phù hợp với đời sống hàng ngày, công bằng xã hội tương đối được an toàn hơn.
Dưới đây, là một án lệ do Tòa Phá án (Tòa Tối cao) xử ngày 14-6-1926 về bảo hiểm trách nhiệm – tại nạn xe hơi – nạn nhân- đứng bảo hiểm cho người chủ bị trách nhiệm – tố quyền trực diện (Chevassas và công ty bảo hiểm L’Urbaine và La Seine Mazet). Lược thuật vụ kiện như sau :
1. Mazet có con gái nhỏ bị xe hơi của Chevassus cán, bèn đưa cả Chevassus và Công ty L’Urbaine et la Seune, đứng bảo hiểm cho Chevassus ra tòa đòi bồi thường thiệt hại. Tòa Thượng thẩm Paris, do bản án ngày 4-5-1922, chấp nhận đơn đòi bồi thường và xử buộc Chevassus và công ty bảo hiểm trả cho Mazet số tiền 4.000 quan bồi thường thiệt hại. Các bị đơn cho rằng việc Mazet kiện thẳng công ty bảo hiểm không thể chấp nhận được, nên đã thượng tố bản án này của Tòa thượng thẩm Paris.
2. Phương chước Thượng tố của Công ty bảo hiểm cho rằng bản án Tòa Thượng thẩm Paris xử ngày 4-5-1922 đã vi phạm điều 1165 Dân luật, áp dụng sai điều 2102 sửa đổi do luật ngày 28-5-1913, điều 1134 dân luật và điều 7 luật ngày 20-4-1810 vì bản án bị thượng tố đã chấp nhận đơn của nạn nhân kiện thẳng người đứng bảo hiểm, trong lúc điều 2102 đoạn 8 tạo ra đặc quyền của nạn nhân trên số tiền bảo hiểm không có thay đổi tình trạng pháp lý các đương sự và đã không dự liệu một tố quyền trực diện của nạn nhân đối với người đứng bảo hiểm lại còn buộc người đứng bảo hiểm phụ trái của người đóng bảo hiểm và một quyết định về điểm này là một quyết nghị dự bị về việc hành xử đòi bồi thường của nạn nhân, sau nữa trong lúc Mazet kiện công ty bảo hiểm của Chevassus phủ nhận trách nhiệm, với tư cách chủ nợ của Mazet chưa được công nhận và, do đó, y chưa thể kiện theo điều 2102 đoạn 8 nói trên, sau cùng, một giao ước của hợp đồng bảo hiểm đã ngăn trở việc Mazet kiện thẳng người đứng bảo hiểm, giao ước này không thể bảo là không có hiệu lực đối với Mazet, điều 2102 đoạn 8 không có quy định gì có thể đưa đến kết quả nói trên.
3. Phương chước của Tòa Phá án (Tòa tối cao) bác phương chước thượng tố của công ty bảo hiểm là khi tai nạn xảy ra, điều 2108 đoạn 8 dân luật cho nạn nhân một quyền đặc biệt được kiện thẳng cả người đứng bảo hiểm và người đóng bảo hiểm. Không thể viện một ước khoản của hợp đồng bảo hiểm theo đó nạn nhân không được kiện thẳng người đứng bảo hiểm, vì ước khoản đó không ngăn cản sự hành xử một quyền không phát sinh nơi hợp đồng bảo hiểm mà do luật pháp đã dành cho nạn nhân.
Đoạn 8 được thêm vào Điều 2102 do đạo luật ngày 28-5-1913 định rằng những trái quyền phát sinh do một tai nạn gây ra khiến người khác bị thiệt hại những trái quyền ấy, được ưu tiên trên bồi khoản mà người đứng bảo hiểm tự ý trả hay do Tòa phán trả theo hợp đồng bảo hiểm; đoạn 8 này còn quy định rằng những việc trả tiền cho người đứng bảo hiểm không giải trái khi mà những trái chủ ưu tiên chưa được trả.
Do bản văn đó, có thể kết luận được rằng là nạn nhân có một tố quyền trực diện đối với người đứng bảo hiểm không ? Bản án dẫn chiếu trả lời dứt khoát là có; tố quyền này căn cứ nơi hai đoạn văn của điều luật nói trên, đoạn thứ nhất cho nạn nhân một quyền đặc biệt, đoạn thứ hai tuyên bố những việc trả tiền cho người đóng bảo hiểm không được giải trái khi mà trái chủ ưu tiên chưa được trả.
Do hai đoạn văn viện dẫn trên, luật pháp đã cho nạn nhân không những một quyền ưu tiên trên phụ cấp bảo hiểm mà còn cho nạn nhân quyền đòi thẳng nơi người đứng bảo hiểm, vì những người này trả cho người đóng bảo hiểm  không có tính cách giải trái đối với người thứ ba mà bản án đã viện dẫn :”Nghĩa vụ buộc người đứng bảo hiểm phải giữ lại phụ cấp bảo hiểm vì quyền lợi nạn nhân có hậu quả tất yếu là cho phép nạn nhân đòi phụ cấp thẳng nơi người đứng bảo hiểm”.
Trong vụ kiện, hợp đồng bảo hiểm gồm một ước khoản, thường thấy trong mọi hợp đồng định rằng không bao giờ người đứng bảo hiểm có thể bị người đóng bảo hiểm đem tham dự vào vụ kiện do nạn nhân khởi kiện; công ty bảo hiểm cho rằng ước khoản này không cho phép nạn nhân kiện thẳng công ty; lý luận như vậy không đúng và bản án dẫn chiếu đã bác hẳn; vì ước khoản nói trên chỉ liên quan đến người đứng bảo hiểm và người đóng bảo hiểm không thể đem ra đối kháng với người thứ ba không tham dự vào việc lập ước.
Đạo luật ngày 18-7-1910 về hợp đồng bảo hiểm đã tổng-quát-hóa giải pháp do điều 2102 đoạn 8 đem lại và áp dụng cho các loại bảo hiểm trách nhiệm; điều 53 đạo luật nói trên định rằng người đứng bảo hiểm không thể trả cho ai khác ngoài người thứ ba bị thiệt hại toàn thể hay một phần bồi khoản khi người thứ ba bị thiệt hại chưa được trả đến mức đã định do sự kiện khiến người đóngbảo hiểm bị trách nhiệm; điều luật này đã đương nhiên công nhận tố quyền trực tiếp của nạn nhân (tham khảo Lê Tài Triển – nạn nhân và tố quyền của nạn nhân trong tai nạn có bảo hiểm – Đại học tháng 7 năm 1958 trang 3-17).
Đó án lệ là phải như vậy ! Tòa tối cao đã đưa ra những nhận định để chấm dứt tranh tụng mà Tòa cấp dưới phải tuân theo và được viện dẫn và áp dụng vào những vụ kiện tương tự bắt nguồn từ luật lệ quốc gia bảo vệ công lý và quyền lợi công dân của quốc gia đó. Vậy muốn xây dựng án lệ, thì phải thay đổi cơ cấu tranh tụng, hai bên tranh luận bằng văn bản nộp Tòa án, trao đổi cho nhau cho đến khi chấm dứt tranh luận, Tòa án nghị xử và tuyên án… Từ những bản án có sự tranh luận và viện dẫn điều luật cụ thể, mới đánh giá được khả năng, trình độ của luật sư và thẩm phán – công lý mới được bảo vệ không còn tình trạng án dân sự xử thế nào cũng được mà không viện dẫn được các lý lẽ thuyết phục và các điều luật áp dụng, khiến cho hiện nay có những bản án giám đốc thẩm ba bốn lần, mà vẫn trong vòng lẩn quẩn, không có điểm dừng!
Nguồn: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN LUẬT SƯ TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét