Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

SỬA ĐỔI BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ:Bỏ hẳn quy định về thời hiệu khởi kiện?

Những quy định về thời hiệu, chứng cứ trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự đã được những người làm công việc chuyên môn thực tế phân tích, mổ xẻ khá kỹ ở hội thảo do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa tổ chức.

Dự thảo sửa đổi theo hướng bỏ hẳn quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu theo Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành. Về chuyện này, có người phản đối vì sợ ảnh hưởng lớn tới việc giải quyết án mà xưa nay các tòa vẫn quen áp dụng nhưng nhiều ý kiến khác lại bảo bỏ là đúng.

Tòa không có quyền từ chối giải quyết?

Quyền Chánh án TAND TP Hải Phòng Lê Khắc Hạnh dẫn chứng trường hợp yêu cầu tuyên bố một người đã chết hoặc mất tích để phân tích rằng không thể tính thời hiệu được. Theo ông, có những trường hợp đương sự vì lý do nào đó mà gián đoạn thông tin với thân nhân một vài năm. Nếu tòa căn cứ vào yêu cầu của một bên rồi tuyên bố họ mất tích sau một năm tìm kiếm thì rất dễ bị “hố”.

Thực tế đã có nhiều người sau khi tòa tuyên bố mất tích lại trở về sinh sống bình thường. Khi ấy, không chỉ tòa khó “gỡ” về mặt tố tụng mà xét về tình cảm, đạo đức xã hội cũng khó ăn khó nói vì gia đình người bị tuyên bố mất tích luôn có tâm lý ngóng chờ tin tức người thân. Chưa kể, quyền lợi của các bên liên quan đều có thể bị ảnh hưởng.

Trưởng phòng Pháp luật dân sự Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Hải nhận xét quy định thời hiệu trong luật hiện hành mang nặng tính chất từ chối giải quyết vụ việc. Hậu quả của việc tòa không nhận đơn kiện của người dân có thể thúc đẩy hoạt động đòi nợ thuê trong xã hội tăng nhanh. Vì thế, việc bỏ tất cả các quy định về thời hiệu như dự thảo là hợp lý.

Để rút ngắn quá trình giải quyết án thì cần thiết phải cho thẩm phán quyền chủ động hơn nữa trong thu thập chứng cứ. Ảnh minh họa: HTD

“Chúng ta phải thừa nhận nguyên tắc tòa án không có quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do hết thời hiệu yêu cầu. Ở nước ngoài quy định thời hiệu là để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự chứ không phải để tòa từ chối giải quyết như ở ta” - ông Hải nhấn mạnh.

Giúp dân thu thập, xác minh chứng cứ

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Từ Văn Nhũ, khi đương sự đề nghị cơ quan, tổ chức đang lưu giữ chứng cứ xác nhận sự việc, sự kiện pháp lý thì thường bị từ chối bằng miệng. Vì thế, họ không có gì chứng minh với tòa về việc không thu thập được chứng cứ của mình. Do đó, cần phải sửa luật theo hướng là chỉ cần đương sự có yêu cầu thì tòa sẽ thu thập và xác minh chứng cứ giúp họ.

Ủng hộ quan điểm này, ông Lê Khắc Hạnh phân tích: Luật hiện hành không cho phép thẩm phán chủ động thu thập chứng cứ nên nếu thẩm phán tự tiện làm là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Trong khi đó, việc thu thập và đánh giá chứng cứ đòi hỏi phải có thời gian mà tòa chờ cho đến khi đương sự không thể tự thu thập được mới đứng ra yêu cầu là quá chậm. Để rút ngắn quá trình giải quyết án thì cần thiết phải cho thẩm phán quyền chủ động thu thập chứng cứ hơn nữa.

Về việc cung cấp chứng cứ của đương sự, Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Cơ và Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Phước Nguyễn Thị Thu Hương đều cho rằng phải quy định về thời hạn cung cấp và có chế tài cụ thể.

Theo bà Hương, trong thực tiễn xét xử, có những đương sự cố tình nộp chứng cứ theo kiểu “nhỏ giọt” trong giai đoạn tòa chuẩn bị đưa vụ án ra xử nhằm có lợi cho mình khiến tòa không kịp xác minh. Có đương sự lại cố tình ém nhẹm chứng cứ quan trọng ở phiên sơ thẩm, lên phiên phúc thẩm mới bung ra nên tòa sơ thẩm bị hủy án oan.

Còn theo ông Cơ, thậm chí có những vụ đã xử phúc thẩm xong rồi, đương sự lại trình ra các chứng cứ mới rồi gửi đơn khiếu nại yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm. Thực tế đã không ít lần TAND Tối cao hủy án của cấp dưới vì lý do này, gây thiệt hại cho các bên đương sự khác và kéo dài vụ án một cách không cần thiết.

Tòa phải chủ động giúp dân

Nếu tòa không chủ động thu thập chứng cứ thì chắc chắn quá trình thu thập sẽ kéo dài và thiếu chính xác, dẫn đến hậu quả là án bị hủy nhiều. Xét về mặt quan hệ với các cơ quan lưu giữ chứng cứ, nhiều khi chính tòa còn không thu thập được thì người dân làm sao nhờ vả? Hoặc khi phát hiện các chứng cứ có dấu hiệu bị làm giả thì thẩm phán phải xác minh chứ đương sự không thể tự làm. Cho nên, cán bộ tòa phải chủ động thu thập, xác minh giúp đương sự, đồng thời khơi gợi tính tự giác của người dân để họ cung cấp chứng cứ đầy đủ và kịp thời.

Chánh án TAND Tối cao TRƯƠNG HÒA BÌNH

Phải quy định thời gian mà các tổ chức, cơ quan phải cung cấp chứng cứ cho đương sự khi họ tự đi thu thập. Bởi lẽ thực tế việc thu thập này thường gặp rất nhiều khó khăn mà luật quy định đương sự chỉ có 15 ngày để nộp các chứng cứ tự thu thập được là bất hợp lý.

Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn
Luật sư Việt Nam TRƯƠNG XUÂN TÁM

VKS cũng được thu thập chứng cứ

Dự thảo theo hướng cho VKS tham gia ở tất cả các phiên tòa sơ thẩm nhưng lại hạn chế chỉ cho kiểm sát viên thu thập chứng cứ để phục vụ việc kháng nghị là gây khó cho hoạt động kiểm sát xét xử của VKS. Vì thế phải sửa lại trong phần quy định về chứng cứ là kiểm sát viên được thu thập chứng cứ trong tất cả các giai đoạn tố tụng dân sự.

Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh LÊ VĂN LÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét