Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

VKS tham dự phiên tòa dân sự: Chưa ngã ngũ

Hội thảo góp ý sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự (Dự thảo 4) do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa tổ chức ghi nhận hai luồng ý kiến trái chiều nhau:

Các thẩm phán đều nói không cần VKS tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm trong khi các kiểm sát viên bảo có họ ở tòa thì tốt hơn.

Theo Giám đốc Công an tỉnh Đăk Nông Võ Văn Đủ, việc VKS tham gia và phát biểu tại các phiên tòa dân sự thể hiện thái độ tôn trọng luật pháp. Nó cũng giúp cho thẩm phán nắm bắt đầy đủ hơn về pháp luật. Hơn nữa, do dân còn nghèo, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, có VKS tại tòa sẽ giúp họ có thêm chỗ dựa về pháp lý.

Có vẫn hơn không

Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng Trần Thanh Vân kể, nhiều lần lãnh đạo tòa TP của ông nói rằng nếu có VKS tham gia xử án với tòa thì đâu có nhiều án sai đến vậy. Theo ông Vân, VKS tham gia tòa chỉ tốt hơn chứ không hề xấu đi. Do vậy, trừ những vụ nào đã quá rõ ràng thì thôi, còn lại viện nên tham gia phiên tòa.

Ông Lê Văn Lành - Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh nói thêm trong luật phải bổ sung yếu tố VKS tham gia phiên tòa thì phải phát biểu quan điểm.

Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể lập luận, nguyên tắc tối thượng của án dân sự là quyền tự định đoạt thuộc đương sự nhưng không nên hiểu cứng nhắc. Bởi pháp luật còn phải dựa theo điều kiện kinh tế, khả năng nhận thức pháp luật của người dân, tính hoàn thiện của nền hành chính quốc gia và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Ở nhiều nước, các điều kiện trên của họ hơn hẳn chúng ta nhưng họ vẫn tăng cường tối đa vai trò của VKS trong tố tụng. Hơn nữa, theo luật pháp hiện hành, VKS vừa kiểm sát việc tuân theo pháp luật vừa là cơ quan tiến hành tố tụng. Nghĩa là việc tham gia phiên tòa cũng thuộc thẩm quyền của viện.

Theo ông Thể, nguyên tắc thỏa thuận trong dân sự là cốt lõi nhưng lật ngược lại, nếu hai bên đương sự đã thỏa thuận với nhau thì cần gì phải ra tòa nữa. Cạnh đó, tại tòa, VKS phát biểu là làm nhiệm vụ chứ không hề cản trở quyền định đoạt của đương sự, tòa cũng toàn quyền đưa ra phán quyết của mình…

Việc dân sự cốt ở đôi bên

Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp Hà Văn Thượng và Quyền Chánh án TAND TP Hải Phòng Nguyễn Khắc Hạnh đều phản đối khi dự thảo đưa quy định này vào. Ông Thượng phân tích, nếu lấy tư cách nhà nước để đại diện VKS phát biểu quan điểm trong phiên tòa thì không cần vì bản thân tòa là đại diện cho nhà nước rồi. Viện đọc hồ sơ thấy tòa áp dụng pháp luật sai thì vẫn kháng nghị bình thường chứ không cần trực tiếp ở tòa mới làm được. Còn không thì đến giai đoạn xử phúc thẩm, viện có mặt cũng chưa muộn.

“Đã dự tòa thì viện phải có quan điểm. Tuy nhiên, viện phát biểu thì vi phạm đến quyền tự định đoạt của các đương sự vì lúc đó tòa chưa tuyên án. Đằng nào đi nữa viện cũng không nên tham gia” - ông Thượng nói.

Chánh án Nguyễn Khắc Hạnh cũng bảo trong phiên tòa dân sự không cần sự can thiệp của VKS. Ngoài ra, VKS phát biểu về vụ án chưa chắc đã chính xác, có khi lại gây hoang mang cho HĐXX làm ảnh hưởng đến kết quả xử án.

Ông Nguyễn Văn Cơ - Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phân tích thêm, việc VKS thường tự thu thập chứng cứ, lấy lời khai độc lập vô tình tạo nên cơ chế có hai cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ án. Điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý và niềm tin của đương sự vào công lý.

Ở khía cạnh khác, Phó Chánh án TAND TP.HCM Hà Thúy Yến cho rằng nếu tham gia tất cả thì chắc chắn một điều viện sẽ không đáp ứng đủ số lượng. Ví dụ như TP.HCM có ngày xử sơ thẩm đến vài chục vụ. Việc tăng cường biên chế ngành kiểm sát để bổ sung cho xử dân sự vừa tốn kém lại thêm cồng kềnh bộ máy của cơ quan tố tụng.

Không nên “tẩy chay” VKS

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết qua nhiều lần lấy ý kiến ở nhiều nơi, đa phần người trong ngành tòa án không đồng tình với hướng sửa đổi trong dự thảo nhưng ngành kiểm sát và chuyên gia ở các lĩnh vực khác thì lại đồng ý cao.

Theo ông Bình, tinh thần của hiến pháp và chủ trương của Đảng luôn đề cao vai trò giám sát việc tuân theo pháp luật của VKS. Thế nên trong các vụ án dân sự, nếu có VKS tại tòa thì chắc chắn thẩm phán sẽ phải thận trọng hơn. Cạnh đó, theo thống kê hằng năm, tỉ lệ kháng nghị của VKS được chấp nhận là hơn 80%. Điều đó nói lên rằng chất lượng giám sát rất tốt. Vì thế việc dự thảo luật đưa ra hướng như trên là xuất phát từ mục đích muốn chất lượng xử án tốt hơn. Về khía cạnh xã hội, hiện dân ta còn nghèo, ít hiểu biết pháp luật, họ cần được nhờ cậy pháp lý nhiều. Cho nên nói gì thì nói cũng không thể thiếu vai trò của VKS trong án dân sự. Còn mức độ tham gia thế nào thì phải chờ Quốc hội thông qua.

Vừa thừa vừa thiếu

Tôi nghĩ không quan trọng việc nhất thiết phải có VKS ở tất cả phiên tòa dân sự mà quan trọng là việc cụ thể hóa vai trò ấy như thế nào. Chẳng hạn tôi đã từng tham gia những vụ án liên quan đến chuyện ủy thác tư pháp rất rắc rối và phức tạp, khi làm đơn yêu cầu thì viện không tham gia. Trong khi có những vụ án khác viện rất nhiệt tình nhảy vào, đôi khi chỉ để kháng nghị chuyện rất nhỏ là tòa tính sai án phí. Như vậy có thể nói bất hợp lý lớn chính là ở chỗ này.

Luật sư PHAN TRUNG HOÀI, Đoàn Luật sư TP.HCM

Có VKS hay không thì vụ án vẫn rõ

Nếu cho rằng phải có VKS tham gia ở tất cả phiên xử sơ thẩm dân sự vì đạo đức, trình độ thẩm phán kém và để tránh tạo cơ chế khép kín của tòa thì không chính xác. Bởi hiện nay trong tố tụng dân sự, vai trò nhiệm vụ của viện vẫn đang làm tốt. Viện có dự tòa hay không dự thì nội dung bản chất vụ án cũng rất rõ không có gì là khép kín. Cho nên theo tôi, không nhất thiết phải có VKS ở tất cả phiên tòa…

Phó Chánh Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM
LƯƠNG NGỌC TRÂM

Tham gia là bước lùi

Nếu đặt nguyên tắc thỏa thuận lên hàng đầu thì ngay cả tòa án cũng chỉ làm vai trò trung gian cho các bên chứ không áp đặt ý chí hướng giải quyết. Chúng ta nên bỏ hẳn vai trò của VKS ra khỏi án dân sự vì đó là việc của cá nhân với nhau, không cần quyền lực nhà nước can thiệp. Mặt khác, VKS phát biểu quan điểm trong các phiên tòa, phiên họp là trái với nguyên tắc đảm bảo quyền tranh luận và quyền tự định đoạt của đương sự. Cho phép VKS tham gia tất cả phiên tòa dân sự là chúng ta đang bước lùi trong tố tụng.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Ủy viên BCH Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét