Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Vận dụng quy định của pháp luật về lãi suất để giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án

Nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn là nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động tín dụng ngân hàng (TDNH), các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện hàng loạt giải pháp để nâng cao năng lực quản trị rủi ro, siết chặt tín dụng.v.v., đáng lưu ý là giải pháp xử lý nợ thông qua việc vận dụng pháp luật tố tụng dân sự tại các cấp Toà án, nhằm hạn chế thiệt hại cho các bên liên quan. Theo thống kê của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, năm 2010, số vụ án tranh chấp về tín dụng chiếm hơn 50% tổng số các vụ án về kinh doanh, thương mại mà Toà án đã thụ lý (2.980 vụ) [1] và phát sinh nhiều tình huống pháp lý phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các TCTD.
Dưới góc độ pháp lý, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về thẩm quyền xét xử của các cấp Toà án, về xử lý tài sản bảo đảm và áp dụng quy định về lãi suất.v.v. khi giải quyết tranh chấp trong TDNH [2] . Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không có tham vọng nghiên cứu vấn đề một cách toàn diện mà chỉ khái quát thực tiễn áp dụng pháp luật về lãi suất để giải quyết tranh chấp TDNH tại các cấp Toà án hiện nay.
1.      Khái quát về lãi suất
Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 ghi nhận lãi suất nhưng không có khái niệm cụ thể về lãi suất; thông thường lãi suất được hiểu là tỷ lệ của tổng số tiền phải trả so với tiền vay trong khoảng thời gian nhất định. Lãi suất được quy định rộng rãi trong quan hệ dân sự như: Vay mượn; phạt do chậm thi hành bản án, quyết định của Toà án; phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán thương mại.v.v. Trong lĩnh vực TDNH, lãi suất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng như là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô thông qua việc ấn định lãi suất cơ bản, lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Các TCTD khi cấp tín dụng đều thoả thuận với khách hàng một mức lãi suất phù hợp với chính sách lãi suất trong từng thời kỳ và là điều khoản cơ bản trong hợp đồng tín dụng, làm cơ sở cho việc thực hiện và giải quyết tranh chấp sau này.
Phần lớn các tranh chấp TDNH đều có liên quan đến lãi suất. Lãi suất cơ bản được hiểu là lãi suất do NHNN công bố trong từng giai đoạn cụ thể, làm cơ sở cho các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh, có tác dụng định hướng và điều tiết thị trường nội tệ liên ngân hàng. Hiện nay, mức lãi suất cơ bản là 9%/năm [3] ; lãi suất cho vay là lãi suất được các bên thoả thuận và ghi trong các hợp đồng tín dụng phù hợp quy định của pháp luật, khi đến kỳ hạn trả nợ nếu khách hàng vay không trả đúng hạn và không được điều chỉnh kỳ hạn nợ vay hoặc không được gia hạn nợ thì TCTD chuyển toàn bộ số nợ còn lại sang nợ quá hạn; lãi suất nợ quá hạn trước đây được tính bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn [4] .
2. Pháp luật về lãi suất và cơ chế điều chỉnh lãi suất trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng
Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về lãi suất và các giao dịch liên quan đến lãi suất trong chế định hợp đồng vay tài sản. Đối với lĩnh vực TDNH, quy định về lãi suất dựa trên những cơ sở quy định của pháp luật dân sự có sự điều chỉnh phù hợp với đặc thù của ngành Ngân hàng; vì vậy, để tránh chồng chéo khi áp dụng pháp luật, theo chúng tôi cần xác định quan hệ tranh chấp thuộc lĩnh vực TDNH hoặc ngoài lĩnh vực này, để áp dụng luật chuyên ngành giải quyết; trường hợp luật chuyên ngành không có quy định thì áp dụng BLDS với tư cách là luật chung để giải quyết.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 476 của BLDS năm 2005 thì: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng” song ngành Ngân hàng vẫn vận dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận theo Quyết định số 546/2002/QĐ-NHNN ngày 30/5/2002 của Ngân hàng Nhà nước đang phát huy tác dụng tích cực, vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, cần sủa đổi Điều 476 của BLDS năm 2005 theo cơ chế lãi suất thị trường (lãi suất thoả thuận, tự do hoá lãi suất) cho phù hợp với khoản 2 Điều 83 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008); theo đó, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, cần lấy mức lãi suất do NHNN công bố làm tiêu chuẩn để quy định cách tính lãi suất trong quan hệ vay tài sản, tạo điều kiện cho Toà án trong quá trình xét xử, đồng thời để bảo đảm sự phù hợp và đồng bộ với các quy định khác trong hệ thống pháp luật [5] .
Để phù hợp với Điều 476 của BLDS năm 2005, Luật Ngân hàng Nhà nước và tình hình kinh tế, ngày 16/5/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN (Quyết định 16) quy định cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam (thay thế Quyết định số 546 nêu trên), làm cơ sở cho các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh, định hướng và điều tiết lãi suất thị trường nội tệ liên ngân hàng. Quyết định trên chỉ cho phép các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh (lãi suất huy động, lãi suất cho vay) bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố để áp dụng trong từng thời kỳ và định kỳ hàng tháng; đồng thời NHNN công bố lãi suất cơ bản, điều chỉnh kịp thời trong trường hợp cần thiết.
Thực tiễn vận dụng cho thấy, Quyết định số 16 thiếu tính định hướng chiến lược, cơ chế trần lãi suất cho vay và trần lãi suất huy động không phù hợp với các đối tượng khách hàng khác nhau, các TCTD có mức độ tín nhiệm khác nhau.v.v. Ngay sau khi Quyết định số 16 được ban hành, lãi suất cơ bản và lãi suất cho vay có sự tăng giảm đột biến gây khó khăn cho các TCTD khi thực hiện các hợp đồng tín dụng. Để khắc phục tình trạng trên, tại Điều 91 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định về cơ chế tính lãi suất theo hướng, các TCTD và khách hàng có quyền thoả thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng; trong trường hợp hoạt động Ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống TCTD, NHNN có quyền quy định cách xác định phí, lãi suất. Quy định này đã tạo cơ chế mới trong việc xác định lãi suất, đồng thời đảm bảo sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay ngành Ngân hàng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào thì áp dụng cơ chế lãi suất thoả thuận hoặc theo ấn định của NHNN, cũng như mức phí áp dụng khi cấp tín dụng để các TCTD và các tổ chức, cá nhân chủ động khi giao kết hợp đồng tín dụng.
3. Thực tiễn áp dụng pháp luật về lãi suất để giải quyết những tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực tín dụng Ngân hàng tại Toà án hiện nay
3.1. Về lãi suất đối với dư nợ quá hạn
Hợp đồng tín dụng được các bên giao kết trên nguyên tắc tự nguyện thoả thuận, không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội và phải đáp ứng các yêu cầu về hình thức, điều kiện vay, mục đích sử dụng vốn vay, thời hạn vay và lãi suất. Tuy nhiên, không ít trường hợp khách hàng vi phạm cam kết và thoả thuận, không thanh toán nợ vay đến hạn. Tuỳ từng trường hợp, các TCTD đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng và xem xét để điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc giãn nợ với thời gian phù hợp. Nếu hết thời hạn được điều chỉnh hoặc gia hạn mà khách hàng không trả được nợ thì các TCTD chuyển nợ gốc sang nợ vay quá hạn và áp dụng lãi suất quá hạn.
Trước đây, quy định lãi suất quá hạn được thực hiện theo Quy chế cho vay ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001. Quy chế trên cho phép các TCTD áp dụng mức lãi suất đối với khoản nợ gốc quá hạn do TCTD ấn định và thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng tín dụng nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay áp dụng trong thời hạn cho vay đã được ký kết hoặc điều chỉnh trong hợp đồng tín dụng. Do vậy, khi giải quyết tranh chấp, Toà án chấp nhận lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay để buộc bên vay vốn, bên bảo lãnh phải trả nợ cho các TCTD đối với tranh chấp xảy ra trước khi BLDS năm 2005 có hiệu lực là có căn cứ.
Bộ luật Dân sự năm 2005 có sự thay đổi về lãi suất quá hạn, theo quy định tại khoản 5 Điều 474 của BLDS năm 2005: “Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”. Vận dụng quy định trên, hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về cách tính lãi nợ quá hạn, có ý kiến cho rằng lãi nợ quá hạn bằng 150% lãi suất đối với nợ trong hạn, ý kiến khác cho rằng lãi nợ quá hạn trong trường hợp này phải là lãi suất cơ bản do NHNN công bố và chỉ áp dụng lãi suất cơ bản đối với khoản nợ quá hạn. Theo chúng tôi, tiền lãi nợ quá hạn được tính trên số tiền vốn trong hạn, kể từ thời điểm quá hạn cho đến thời điểm xét xử sơ thẩm, nhưng áp dụng lãi suất cơ bản do NHNN công bố tại thời điểm xét xử sơ thẩm (hiện nay, lãi suất cơ bản do NHNN công bố là cơ sở chung để ấn định lãi suất cho vay đối với các loại cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn chứ không có lãi suất cơ bản riêng để ấn định lãi suất cho vay đối với từng loại vay). Như vậy, những trường hợp không trả hoặc trả không đầy đủ khoản nợ đến hạn, bên vay hoặc bên bảo lãnh phải trả khoản tiền lãi bằng lãi trong hạn cộng với lãi quá hạn; lãi trong hạn được tính trên dư nợ gốc thực tế giải ngân và theo lãi suất cho vay trong hạn theo quy định trong hợp đồng tín dụng; lãi suất trên dư nợ gốc thực tế quá hạn và theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Thực tiễn cho thấy, quy định lãi suất quá hạn theo Quy chế cho vay ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 hiện nay vẫn chưa được ngành Ngân hàng sửa đổi, bổ sung. Các TCTD khi giao kết hợp đồng tín dụng vẫn thường sử dụng điều khoản mẫu có thỏa thuận trả lãi bao gồm lãi trong hạn, lãi quá hạn và tiền phạt chậm trả lãi như trước thời điểm BLDS năm 2005 có hiệu lực thi hành, lãi suất phạt vẫn là 150% lãi suất cho vay trong hạn, khi xảy ra tranh chấp, các TCTD dựa trên thỏa thuận về lãi suất quá hạn trong hợp đồng tín dụng để yêu cầu Toà án giải quyết. Do bên vay vốn, bên bảo lãnh không có yêu cầu xem xét lại về mức lãi suất đối với khoản dư nợ quá hạn, nên thông thường Toà án chấp nhận lãi suất quá hạn theo cách tính của các TCTD, vì vậy, khi giải quyết tranh chấp trong TDNH, Toà án áp dụng lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay theo Quy chế cho vay ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN nêu trên là không đúng với khoản 5 Điều 474 của BLDS năm 2005 và Điều 2 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (Quy chế cho vay không là văn bản quy phạm pháp luật). Vì vậy, ngành Toà án cần sớm ban hành văn bàn hướng dẫn cách tính lãi suất quá hạn theo quy định của BLDS năm 2005.
Đối với việc cho vay bằng ngoại tệ, BLDS năm 2005 chỉ quy định lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại cho vay tương ứng. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam, việc vận dụng lãi suất nợ quá hạn như đối với đồng Việt Nam cho ngoại tệ là không phù hợp. Hiện nay, Quyết định số 718/2001/QĐ-NHNN ngày 29/5/2001 của Thống đốc NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất cho vay bằng đô la Mỹ cho các TCTD với khách hàng vẫn còn hiệu lực, theo đó, lãi suất quá hạn đối với ngoại tệ là 150% lãi suất cho vay ghi trên hợp đồng tín dụng.
3.2. Vận dụng những thay đổi về lãi suất và cơ chế điều chỉnh lãi suất khi giải quyết tranh chấp
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16/5/2008 thì: “Định kỳ hàng tháng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố lãi suất cơ bản. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố điều chỉnh kịp thời lãi suất cơ bản” Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 19/5/2008, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hàng loạt các quyết định giảm lãi suất, chỉ trong khoảng thời gian ngắn chưa đầy 03 tháng từ ngày 01/10/2008 đến ngày 22/12/2008, Ngân hàng Nhà nước đã công bố 6 mức lãi suất cơ bản khác nhau từ 14%/năm xuống 13%; 12%; 11% rồi 8.5%/năm nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động tín dụng. Do đó, đối với các hợp đồng tín dụng đã được ký kết trong giai đoạn này, dù đã giải ngân hoặc chưa giải ngân đều phải điều chỉnh lại lãi suất cho vay nếu như thoả thuận trước hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng trái với quy định tại khoản 1 Điều 1 của Quyết định số 16: “Các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh (lãi suất huy động, lãi suất cho vay) bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng không vuợt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố để áp dụng trong từng thời kỳ”. Bên cạnh đó, đối với giao dịch ngoài lĩnh vực TDNH cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi những tác động trên. Quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản và trong xử lý hình sự đều dựa trên lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Việc thay đổi liên tục cơ chế và mức lãi suất cơ bản vô hình chung làm vô hiệu hoá các giao dịch dân sự hoặc hình sự hoá các giao dịch dân sự đúng pháp luật đã giao kết trước đó (pháp luật hiện hành quy định tội cho vay lãi nặng đối với trường hợp cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột).
Hiện nay, cơ chế điều chỉnh lãi suất theo Thông tư 12/2010/TT-NHNN ngày 14/4/2010 của NHNN cho phép các TCTD cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thoả thuận. Vì vậy, khi giải quyết tranh chấp TDNH, Toà án không chỉ căn cứ vào thoả thuận của các đương sự về lãi suất cho vay, lãi quá hạn và phí chậm trả lãi ghi trong hợp đồng tín dụng mà còn phải đối chiếu với quy định của pháp luật về lãi suất từ vào thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng cho đến thời điểm xét xử sơ thẩm theo nguyên tắc “văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực...” [6] ; đối với những trường hợp các TCTD đã thu lãi suất quá hạn vượt quá mức pháp luật quy định thì phải xem xét trừ vào nợ gốc cho phù hợp. Trước đây, Toà án nhân dân tối cao đã xây dựng sổ tay Thẩm phán hướng dẫn cách tính lãi suất áp dụng cho các tranh chấp hợp đồng tín dụng giai đoạn từ ngày 19/5/2008 đến ngày 01/3/2009 [7] ; theo chúng tôi, hướng dẫn trên không còn phù hợp với tình hình hiện nay, ngành Toà án cần kịp thời sửa đổi, bổ sung và tập huấn sâu rộng cho những người làm công tác xét xử về vấn đề này.
3.3. Về trường hợp vay không có lãi
Khi giải quyết tranh chấp tín dụng nói chung và TDNH nói riêng, không ít trường hợp các bên đương sự tranh chấp về lãi suất hoặc quy định về lãi suất trong các hợp đồng tín dụng không rõ làng. Ngành Ngân hàng chưa có quy định cụ thể hướng dẫn xử lý đối với những trường hợp này. Về nguyên tắc, nếu luật chuyên ngành không có quy định thì áp dụng luật chung để giải quyết. Tại khoản 4 Điều 474 của BLDS năm 2005 quy định: “Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.”. Có ý kiến cho rằng, bên cho vay chỉ được hưởng tiền lãi do sự chậm trả khi hai bên có thoả thuận quá thời hạn vay không lãi mà bên vay không trả nợ thì bên vay phải chịu lãi, nếu trường hợp này xảy ra thì lãi suất áp dụng trong mọi trường hợp sẽ chỉ là lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Theo chúng tôi, khi hợp đồng vay tài sản mà không có lãi, đã quá hạn thì phải áp dụng khoản 2 Điều 305 của BLDS năm 2005 về trách nhiệm dân sự khi chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự để giải quyết, vì trước đó giữa các bên có thoả thuận hợp đồng cho vay có kỳ hạn và không có lãi suất, nếu khi đến hạn, bên vay không trả (kể cả trong trường hợp không có thoả thuận) cũng xem như vi phạm nghĩa vụ dân sự và phải áp dụng mức lãi suất cơ bản do NHNN công bố tương ứng với thời gian chậm trả.
Bên cạnh đó, tại khoản 4 và khoản 5 Điều 474 của BLDS năm 2005 quy định “tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ”, “tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ” được hiểu là khoảng thời gian tính từ ngày tiếp theo sau ngày đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả tiền ghi trong hợp đồng tín dụng (nếu không được gia hạn trả nợ) hoặc ngày tiếp theo sau ngày hết hạn của thời hạn được gia hạn nợ nếu người vay vẫn chưa trả hết nợ đến ngày xét xử sơ thẩm [8] .
3.4. Thoả thuận phạt vi phạm do chậm trả lãi và xác định tiền gốc để tính lãi suất quá hạn
Trong các hợp đồng tín dụng, các TCTD thường quy định các loại phí mà bên vay phải trả ngoài lãi suất cho vay như: Phí định giá tài sản bảo đảm, phí gia hạn nợ, phí thẩm định cho vay, phí điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, phí chậm trả nợ lãi.v.v., ngoài ra, bên vay còn phải thanh toán các loại phí phải trả cho người thứ ba như: Phí công chứng hợp đồng bảo đảm, phí đăng ký thế chấp, phí trông giữ tài sản bảo đảm.v.v. Hiện nay, theo quy định tại Điều 91 của Luật các TCTD năm 2010, thì cho phép các TCTD được tính phí cấp tín dụng, nhưng ngành Ngân hàng chưa có hướng dẫn cụ thể mức phí là bao nhiêu và áp dụng trong những trường hợp nào; đối với điều khoản phạt vi phạm do chậm trả lãi, lâu nay các TCTD vẫn áp dụng dưới hình thức phạt một lần theo tỉ lệ % trên số tiền lãi chậm trả (không cần biết thời gian chậm trả là bao lâu) hoặc phạt lãi trên lãi theo mức lãi suất riêng và thời gian chậm trả, có trường hợp nhập tiền lãi và tiền phạt (hoặc phí cấp tín dụng) vào nợ gốc tại thời điểm đến hạn trả nợ.
Ngành Toà án có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Có ý kiến cho rằng, cần cương quyết bác bỏ thoả thuận trên ngay từ khi giao kết hợp đồng tín dụng vì luật chỉ quy định tính lãi trên nợ gốc chứ không quy định việc tính lãi trên lãi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng, nếu Ngân hàng có yêu cầu và khách hàng không có ý kiến phản đối thì Toà án nên chấp nhận tính theo thỏa thuận phạt trong hợp đồng vì thoả thuận đó không trái pháp luật [9] . Theo chúng tôi, thoả thuận phạt vi phạm do chậm trả lãi hiện nay ngành Ngân hàng chưa có văn bản quy phạm pháp luật cấm thực hiện mà chỉ có các công văn của NHNN yêu cầu phải thực hiện đúng trần lãi suất cho vay. Nếu căn cứ Điều 422 của BLDS năm 2005 quy định: “Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm” thì thoả thuận phạt vi phạm do chậm trả lãi không trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về mức phạt. Đối với những trường hợp người cho vay đưa tiền lãi, tiền phạt hoặc phí cấp tín dụng vào nợ gốc, sau đó tính lãi quá hạn là trái pháp luật (kể cả trong trường hợp các bên có thoả thuận), vì về nguyên tắc, tiền lãi chỉ được tính trên số nợ gốc, việc tính lãi như trên dẫn đến tình trạng bên cho vay có thể lợi dụng thoả thuận này để thu lợi trái pháp luật.
3.5. Xử lý tiền lãi đối với hợp đồng vay ngoại hối trái pháp luật
Ngoại hối là tiền, vàng tiêu chuẩn quốc tế, các giấy tờ có giá và các công cụ thanh toán bằng tiền nước ngoài [10] . Ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động ngoại hối bằng biện pháp hành chính, quy định hạn chế, cho phép và xác định yếu tố giá theo thị trường để điều chỉnh hoặc thông qua các hoạt động mua, bán ngoại hối vì mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia. Hiện nay, việc quản lý ngoại hối được thực hiện theo Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 và Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản hướng dẫn liên quan. Cụ thể, đối với việc cho vay ngoại tệ, TCTD được phép hoạt động ngoại hối cho khách hàng vay vốn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mà khách hàng vay có ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh, mua của TCTD cho vay hoặc TCTD khác bằng văn bản; cho vay ngắn hạn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu xuất khẩu. Trường hợp khách hàng vay bằng ngoại tệ để sử dụng trong nước, thì khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay [11] .
Hợp đồng cho vay ngoại hối phải tuân thủ các quy định nêu trên. Trong trường hợp hợp đồng tín dụng vô hiệu, có Toà án buộc bên vay trả cho bên cho vay cả nợ gốc và lãi, có Toà án chỉ buộc trả nợ gốc, có Toà án tịch thu khoản lãi để sung quỹ Nhà nước. Theo chúng tôi, trong trường hợp này, Toà án phải giải quyết buộc bên vay trả cho bên cho vay khoản nợ gốc, còn khoản lãi mà bên cho vay đã nhận thì buộc họ nộp lại để sung vào công quỹ Nhà nước theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 137 của BLDS năm 2005 về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu.
3.6. Lãi suất chậm thi hành bản án, quyết định của Toà án
Tại khoản 2 Điều 305 của BLDS năm 2005 quy định: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán...”, do đó, lãi suất chậm thi hành án phải theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố, không phân biệt bất kỳ loại án nào như hướng dẫn tại Công văn số 165/KHXX ngày 18/10/2007 của Toà án nhân dân tối cao. Bên cạnh đó, pháp luật thi hành án quy định từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất cơ bản do NHNN công bố tương ứng với thời gian chưa thi hành án. Theo chúng tôi, việc quy định lãi suất chậm thi hành án như trên chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TDNH. Thực tiễn, các TCTD huy động vốn phải chịu lãi suất cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất cơ bản do NHNN công bố, trong khi đó, các Toà án đều thống nhất chỉ tính lãi suất quá hạn từ khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán cho đến thời điểm xét xử ở cấp sơ thẩm, mà không xem xét ở giai đoạn phúc thẩm (giai đoạn từ sơ thẩm đến phúc thẩm kéo dài 3 đến 6 tháng tuỳ theo mức độ phức tạp của từng vụ án và thái độ tích cực của những người làm công tác xét xử); quy định lãi suất chậm thi hành án tính từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án tiếp tục gây thìệt hại cho các TCTD, tạo điều kiện cho bên vi phạm dây dưa kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp và không chấp hành bản án. Đây là vấn đề cần lưu ý khi sửa đổi, bổ sung pháp luật về lãi suất sau này.
Tiếp tục hoàn thìện pháp luật về lãi suất và cơ chế điều chỉnh lãi suất là yêu cầu cần thiết, góp phần vào sự phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường, thực hiện mục tiêu của chính sách tiền tệ nói riêng và điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước nói chung. Qua thực tiễn giải quyết tranh chấp TDNH tại Toà án, chúng tôi thấy pháp luật về lãi suất trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập, đáng lưu ý là việc vận dụng các quy định về lãi suất quá hạn, lãi suất chậm thi hành án.v.v. vẫn còn những quan điểm khác nhau; bên cạnh đó, hướng dẫn của ngành Ngân hàng còn chồng chéo với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; các cơ quan liên ngành cũng chưa kịp thời phối kết hợp để cùng giải quyết vướng mắc nên việc giải quyểt tranh chấp còn thiếu thống nhất, chưa thỏa đáng. Để khắc phục những vấn đề trên, theo chúng tôi cần thiết phải có công trình nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn để hoàn thiện pháp luật về lãi suất trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.

[1] Xem Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, "Hội nghị triển khai công tác năm 2011 của ngành Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”, năm 2011.
[2] Xem thêm Lương Khải Ân, “Giải quyết tốt vấn đề tranh chấp trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng - Một nhân tố quan trọng nhằm bảo đảm duy trì sự ổn định lành mạnh trong hệ thống hoạt động ngân hàng tại Việt Nam”, Hội thảo quốc tế chính sách tiền tệ phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong điều kiện kinh tế thị trường biến động, Nxb GT-VT, Tr.107-118.
[3] Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Thống đốc NHNN.
[4] Khoản 2 Điều 11 Quy chế cho vay ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc NHNN.
[5] Trần Văn Biên, “Mấy ý kiến cho các quy định của dự thảo BLDS (sửa đổi) về hợp đồng vay tài sản”, Tạp chí khoa học pháp lý, số 1(26), năm 2005, tr.43.
[6] Theo khoản 1 Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.
[7] http://toaan.gov. vn/portal/page/portal/ebb/1787571.
[8] Tòa án nhân dân tối cao, “Báo cáo công tác ngành Tòa án năm 2000 và phương hướng nhiệm vụ công tác Tòa án năm 2001”, Hà nội - 2000, tr.28.
[9] http://phapluattp.vn/20110215111425668p0c1063/an-tin-dung-vuong-lat-vat-nhung-kho-go.htm
[10] Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, “Giáo trình Luật Ngân hàng", Nxb Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tr.95.
[11] Xem Thông tư số 07/2011/TT-NHNN ngày 24/3/2011 quy định việc cho vay bằng ngoại tệ của các TCTD đối với khách hàng vay là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn của NHNN.
 Nguồn: Tạp chí Kiểm sát số 12 – Tháng 6/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét