Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Bất cập và giải pháp hoàn thiện pháp luật hợp đồng ở Việt Nam

Hợp đồng là hành vi thỏa thuận nhằm phục vụ lợi ích của các bên. Ngoài việc thỏa thuận vì lợi ích này, hợp đồng còn là sự thỏa thuận nhằm chia sẻ rủi ro. Lợi ích và rủi ro chính là tiền đề làm các quan hệ xã hội ngày càng phát sinh nhiều biến thể. Chính vì thế mà hợp đồng trở nên phổ biến và bao quát trong đời sống xã hội[1]và ký kết hợp đồng - hay còn gọi là cách thức để sự thỏa thuận có giá trị pháp lý nhất định - được pháp luật bảo vệ. Trên thực tế, tranh chấp hợp đồng có thể phát sinh bất cứ lúc nào, từ hành vi thực hiện hợp đồng hay từ những điều khoản ký kết trong hợp đồng. Cũng vì thế mà pháp luật hợp đồng phải ngày càng được hoàn thiện và minh bạch.

1. Bất cập của pháp luật hợp đồng hiện nay
Pháp luật hợp đồng Việt Nam chủ yếu do hai nguồn luật điều chỉnh là Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005) và Luật Thương mại năm 2005 (LTM 2005), bên cạnh đó, chế định hợp đồng còn tồn tại trong các quan hệ pháp lý khác được điều chỉnh theo những luật chuyên biệt như: Luật Sở hữu trí tuệ (LSHTT), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Kinh doanh bảo hiểm... Cá biệt, có những quan hệ đặc thù tưởng chừng như không có bóng dáng của hợp đồng nhưng thực tế vẫn tồn tại khá nhiều, như trong quan hệ hôn nhân gia đình.
Ở Việt Nam, BLDS 2005 - với tư cách là luật chung - đã có những quy định về chế định hợp đồng, nên những luật còn lại - với tư cách là luật chuyên ngành - phải tuân theo và dựa trên các quy định của BLDS 2005. Tuy nhiên, cách thức áp dụng thì lại ưu tiên cho luật chuyên ngành nếu luật chung có quy định khác với luật chuyên ngành. Câu chuyện này thực tế đã gây ra sự bất cập lớn trong pháp luật hợp đồng ở Việt Nam, vì quy định của BLDS 2005 với các luật chuyên ngành khác hầu như không tiệm cận với nhau, và ngay cả trong những luật chuyên ngành vẫn còn nhiều khác biệt vì một quan hệ hợp đồng có thể sử dụng đến nhiều quan hệ pháp lý. Do đó, những hạn chế cơ bản trong pháp luật hợp đồng Việt Nam hiện nay là tản mát, thiếu tính thống nhất và có khả năng dẫn đến tình trạng xung đột pháp luật.
Có thể nhận thấy sự thiếu tính thống nhất của pháp luật hợp đồng khi xem xét về tính thương mại của hợp đồng. Điều 388 BLDS 2005 quy định: Hợp đồng dân sự (HĐDS) là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Theo khái niệm này và dựa trên phạm vi điều chỉnh của BLDS 2005, có thể hiểu HĐDS còn có nghĩa rộng là bao quát luôn cả quan hệ thương mại. Nhưng thực tiễn giải quyết tranh chấp ở Tòa án và Trọng tài lại có sự phân biệt tính thương mại hay tính dân sự của hợp đồng và thực tiễn giải quyết các vụ việc cũng đã chứng minh rằng, sự phân biệt tính thương mại hay tính dân sự chỉ gây ra nhiều bất cập mà thôi.
Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010 (LTTTM 2010) quy định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài là: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài. Quy định này có nghĩa rằng, Trọng tài Việt Nam khi thụ lý đơn khởi kiện phải xem xét tính thương mại của tranh chấp, tuy rằng, sự tiến bộ của LTTTM 2010 đối với Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 là ở chỗ, không cần phải xác định tính thương mại là trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng. Giả sử ngay cả trong hợp đồng, nếu tranh chấp không phát sinh từ hoạt động thương mại thì Trọng tài không được thụ lý đơn khởi kiện ngay cả khi có một thỏa thuận Trọng tài hợp pháp.
Khoản 1 Điều 3 LTM 2005 quy định: Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lời, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác.
Nếu xét về thẩm quyền giải quyết tranh chấp các hợp đồng thương mại (HĐTM) của Trọng tài hiện nay thì tính thương mại được xét dựa trên yếu tố sinh lời của các hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác. Như vậy, một trường hợp tranh chấp phát sinh trong hợp đồng, đã có thỏa thuận trọng tài nhưng tính thương mại không thể xác định được, liệu rằng Trọng tài có thẩm quyền để giải quyết hay không? Chắc chắn Trọng tài sẽ rất lúng túng trong vấn đề này. Mặt khác, theo LTTTM 2010 thì thẩm quyền của Trọng tài có thể mở rộng ở những tranh chấp thương mại không phát sinh trong hợp đồng, và tương tự như trường hợp trên, Trọng tài cũng thật khó trong việc xác định thẩm quyền của mình. Bên cạnh đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2011 về kinh doanh thương mại[2] cũng đang mang tính liệt kê (khác với liệt kê mang tính loại trừ) và dựa vào mục đích lợi nhuận làm căn cứ tiên quyết.
Đối với Trọng tài Việt Nam khi giải quyết các tranh chấp HĐTM đều vận dụng các quy phạm về HĐTM được điều chỉnh trong BLDS 2005, LTM 2005 và các chế định hợp đồng đặc thù trong Luật Đầu tư (LĐT), Luật Xây dựng (LXD), LSHTT… Những quy định này về hợp đồng vẫn nằm rải rác trong các văn bản pháp luật, đã gây nên sự chồng chéo, làm hạn chế hoạt động áp dụng pháp luật của Trọng tài.
Sự thiếu tính thống nhất của pháp luật hợp đồng còn thể hiện ở mâu thuẫn giữa BLDS 2005 và LTM 2005 liên quan đến chế định phạt hợp đồng. Khoản 2 Điều 422 BLDS 2005 quy định: mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên tự thỏa thuận. Tự thỏa thuận có nghĩa là các bên được phép tự do ấn định mức phạt mà không bị ràng buộc bởi các quy định của pháp luật, điều này thể hiện nguyên tắc tự do thỏa thuận đã được quy định trong pháp luật dân sự nhưng điều đáng lưu tâm là LTM lại quy định về mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Ở quy định khác trong LXD, mức phạt vi phạm tối đa là 12%. Cùng điều chỉnh về một vấn đề nhưng lại có sự khác biệt giữa các văn bản. Điều đó đòi hỏi các bên phải phân biệt rạch ròi xem quan hệ nào do BLDS 2005 điều chỉnh và quan hệ nào được điều chỉnh bởi LTM hoặc các luật khác điều chỉnh và điều này là rất khó phân biệt khi BLDS 2005 được xem là luật chung với đối tượng điều chỉnh là các quan hệ về tài sản, nhân thân trong quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại, lao động[3]. Sự khác biệt về mức phạt vi phạm dẫn đến sự khác biệt trong việc quy định mối quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Điểm 2 khoản 3 Điều 422 BLDS 2005 quy định: Trong trường hợp các bên thỏa thuận phạt vi phạm mà không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm. Trong khi đó, khoản 2 Điều 307 LTM 2005 lại quy định: Trong trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm mà không có thoả thuận bồi thường thiệt hại thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.
Theo chúng tôi, sự khác biệt giữa các quy định liên quan đến phạt vi phạm trong hai văn bản pháp luật nêu trên có nguyên nhân từ: (i) có sự phân biệt rõ ràng giữa HĐDS thông thường và HĐTM; (ii) quy định về hợp đồng tản mát trong các văn bản pháp luật nhưng lại không thống nhất giữa luật chung và luật chuyên ngành; (iii) một hệ thống văn bản dưới luật đồ sộ có giá trị áp dụng cao hơn cả văn bản luật.
Ngoài ra, sự thiếu thống nhất, xung đột pháp luật hợp đồng còn thể hiện ở các quy định về tài sản mua bán phải đăng ký quyền sở hữu. Khoản 2 Điều 439 BLDS 2005 quy định: Đối với tài sản mua bán mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu, quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó. Tương tự khi quy định về đăng bộ nhà đất, Luật Đất đai 2003 (LĐĐ 2003) quy định thời điểm chuyển quyền sử dụng đất là từ khi người nhận chuyển nhượng hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. Khoản 2 Điều 127 LĐĐ 2003 quy định: Trong thời hạn không quá mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý đất đai thuộc Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, các bên tham gia chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nơi đã nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, Luật Nhà ở (LNO) và Nghị định hướng dẫn lại quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu sớm hơn nhiều so với quy định của BLDS 2005. Khoản 3 Điều 93 Luật LNO  quy định: Hợp đồng về nhà ở phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của UBND xã đối với nhà ở tại nông thôn… Khoản 1 Điều 63 NĐ90/NĐCP/2006 ngày 6/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn LNO quy định: Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở đối với trường hợp mua bán nhà ở tính từ ngày hợp đồng mua bán nhà ở được công chứng hoặc chứng thực.
Thực tế khi đi đăng bộ, bên mua và bên bán còn phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và lệ phí trước bạ, thời gian từ lúc công chứng xong cho đến lúc hoàn tất thủ tục sang tên nhanh nhất cũng trên 10 ngày. Do đó, trong Luật LNO, thời gian từ lúc ký hợp đồng công chứng đến thời điểm đăng bộ đã có một “khoảng trống pháp luật”, như thế, các quy định pháp luật đã xung đột nhau. Khi đã xung đột pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) 2008[4] đã giải quyết vấn đề này bằng cách sẽ áp dụng văn bản có giá trị cao hơn, hoặc là theo luật chuyên ngành, trường hợp có giá trị ngang nhau về thứ bậc của văn bản và tính chuyên ngành thì áp dụng văn bản được ban hành sau. Vì vậy đối với trường hợp này, LNO được ban hành sau BLDS (2005) nên có giá trị áp dụng. Giả sử trong trường hợp sau này, khi BLDS 2005 sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn giữ nguyên quy định như cũ thì BLDS mới lại có giá trị áp dụng vì lúc này BLDS được ban hành sau LNO.
Như vậy, khi xung đột xảy ra thì chủ thể của hợp đồng phải hứng chịu hậu quả. Họ là bên chịu tất cả mọi phí tổn do sự xung đột pháp luật dẫn đến. Các nhà làm luật không tính đến tính thống nhất của pháp luật, không cân nhắc kỹ lưỡng đến phạm vi điều chỉnh của VBQPPL, khiến cho phạm vi của VBQPPL này chồng lên phạm vi của VBQPPL khác. Vì vậy, để tránh sự tản mát của pháp luật hợp đồng, tránh những xung đột pháp luật gây khó khăn cho các chủ thể hợp đồng thì pháp điển hóa pháp luật hợp đồng Việt Nam thành Luật Hợp đồng thống nhất là một trong những giải pháp khả thi vì tự thân quan hệ hợp đồng đã hình thành một quan hệ pháp luật có phạm vi điều chỉnh độc lập.
2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật hợp đồng  
2.1. Định hướng hoàn thiện pháp luật hợp đồng  
Một trong những mục tiêu quan trọng của công cuộc cải cách pháp luật ở Việt Nam được xác định tại Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 là “xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch”. Nhằm thực hiện việc công khai, minh bạch hoá hệ thống pháp luật, đảm bảo để mọi cơ quan, tổ chức, công dân đều có thể tiếp cận hệ thống pháp luật một cách dễ dàng, giảm bớt thời gian, chi phí cho việc tìm kiếm VBQPPL cũng như xác định hiệu lực của văn bản, thì một trong những giải pháp đặt ra là pháp điển hóa hệ thống quy phạm pháp luật.
Thứ nhất, hoàn thiện[5] các quy định nội dung về hợp đồng trong BLDS như: khái niệm hợp đồng, giao kết hợp đồng, phạt hợp đồng, các loại hợp đồng…; thống nhất sự tản mát bằng những quy định cụ thể trong BLDS trở thành luật chung cho các luật chuyên ngành. Các quy định có tính chất chung chỉ nên quy định trong BLDS 2005. Trong Bộ luật này cần có những quy định chung có tính khái quát cao, thể hiện rõ quyền tự do hp đồng để bảo đảm tính ổn định cao của BLDS sau lần sửa đổi, bổ sung này. Không nên đưa vào BLDS các quy định về các loại hợp đồng chuyên biệt mà để cho các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định. Nếu có đưa một loại hợp đồng nào đó vào trong BLDS 2005 thì không nên quy định ở văn bản pháp luật khác nữa để tránh trùng lặp, chồng chéo[6]. Một số học giả khác cũng chung quan điểm về thống nhất hợp đồng trong BLDS 2005, ví dụ[7] sớm thống nhất pháp luật về xử lý vi phạm hợp đồng bằng cách bỏ các quy định từ Điều 292 đến Điều 316 của LTM và hoàn thiện các quy định trong BLDS 2005 (trong đó có kế thừa ưu điểm của LTM) về xử lý vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.  
Thứ hai, vẫn hoàn thiện quy định hợp đồng trong BLDS nhưng chỉ hoàn thiện những nền móng cơ bản, còn lại các quy định khác trong BLDS và những quy định tản mát thì xây dựng một đạo luật riêng biệt điều chỉnh.
Thứ ba, kết hợp pháp điển hóa nội dung pháp luật hợp đồng với việc bóc tách quan hệ hợp đồng trong BLDS và thống nhất sự tản mát bằng cách tập hợp các quy định trong các luật chuyên ngành, văn bản dưới luật, sau đó hệ thống và xây dựng thành một đạo luật riêng biệt điều chỉnh quan hệ hợp đồng tiến bộ và phù hợp với thông lệ thế giới cũng như các quy định của UNIDROIT (Viện Thống nhất Tư pháp Quốc tế - nghiên cứu, tìm kiếm các quy định chung để điều chỉnh hợp đồng sao cho có thể thích hợp trong nhiều hệ thống pháp luật của những nước khác nhau), gọi là “Luật Hợp đồng thống nhất”.
2.2. Xây dựng Luật Hợp đồng thống nhất  
Ở Việt Nam, đa số các nhà khoa học pháp lý đều cho rằng, giữa ngành luật công và luật tư có sự phân biệt rõ ràng về phạm vi và đối tượng điều chỉnh, trong đó ở ngành luật tư thì BLDS đóng vai trò là luật gốc. Từ những quy định chung trong BLDS, họ tiếp tục phát triển các chế định chuyên ngành như: Luật Hôn nhân gia đình, LTM, LĐĐ, LSHTT, Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động… Chúng tôi không thừa nhận quan niệm này, bởi lẽ nếu đã là “gốc” thì vai trò của Hiến pháp nằm ở đâu trong một xã hội pháp trị? Và bởi lẽ, một cây không thể sống bằng hai gốc, cũng không thể có “gốc chính” hay “gốc phụ”. Vì vậy, cần coi quan hệ hợp đồng là một quan hệ đặc thù và rộng lớn, nên nó phải được điều chỉnh trong một đạo luật riêng biệt, bởi một người dân bình thường không thể làm thay công việc của luật sư hay thẩm phán khi chỉ ra rằng hợp đồng này thuộc về dân sự, về thương mại hay đầu tư…
Công việc cố gắng hoàn thiện các chế định hợp đồng trong BLDS 2005 và các đạo luật khác hiện nay có thể được ví von như một ngôi nhà “ọp ẹp” và không đủ không gian sống, nhưng thay vì xây một ngôi nhà mới cho nó thì người ta cố gắng dùng những chất liệu kết dính để tu sửa nó. Vấn đề ở chỗ là càng cố gắng tu sửa bao nhiêu người ta càng phải cố gắng tính đến khả năng chịu được sự tồn tại của những đổi thay sắp đến mà đây là công việc gian truân đối với cả những kỹ sư lành nghề. Vì vậy, để thuận tiện cho xã hội khi mà quan hệ hợp đồng vốn dĩ đã chi phối hầu hết các quan hệ trong đời sống xã hội, phát sinh mỗi ngày một đa dạng, phức tạp thì việc thống nhất điều chỉnh bằng “Luật Hợp đồng thống nhất” là điều hết sức cần thiết. Theo đó, BLDS sẽ được giản lược, nhẹ đi, chỉ làm nhiệm vụ điều chỉnh những vấn đề chung về tài sản và nhân thân mà không điều chỉnh quan hệ hợp đồng nữa.
“Luật Hợp đồng” là luật chỉ điều chỉnh về tất cả các quan hệ hợp đồng. Xét về khía cạnh hợp đồng, dù các quốc gia khác[8] cố gắng định nghĩa hợp đồng như thế nào đi chăng nữa thì đều dựa vào một bản chất duy nhất nói lên sự tồn tại của hợp đồng, đó là sự thỏa thuận. Từ sự thỏa thuận, các quốc gia cố gắng điều chỉnh nó bằng những kỹ thuật lập pháp của riêng mình. Ví dụ ở Trung Quốc, cũng là một quốc gia đang trên đà xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cũng theo trường phái pháp luật thành văn đã xây dựng thành công Luật Hợp đồng riêng biệt vào năm 1999. Trước đây, các chế định về hợp đồng của Trung Quốc được quy định tại Luật Hợp đồng kinh tế, Luật Hợp đồng kinh tế có yếu tố nước ngoài, Luật Công nghệ… Tuy nhiên khi gia nhập WTO, để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, tránh những bất tiện cho các chủ thể gặp khó khăn khi tìm hiểu chế định hợp đồng để tiến hành ký kết HĐTM, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng Luật Hợp đồng dựa trên nội dung của UNIDROIT; nó là sự kết nối tất cả quy định hợp đồng nằm rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau trước đây. Điều này tạo hành lang pháp lý thuận tiện và an toàn cho các nhà đầu tư cũng như các thương nhân Trung Quốc. Hay như UCC (Luật Thương mại thống nhất) của Hoa Kỳ đã quy định luôn cả vấn đề hợp đồng ở trong đó, hoặc ở các quốc gia khác như: Đức (châu Âu) và Indonesia (Đông Nam Á)... đã ban hành hẳn một đạo Luật Hợp đồng riêng biệt. 

Bảng: Nguồn pháp luật hợp đồng ở một số quốc gia trên thế giới

Việt Nam
BLDS  2005, LTM 2006, LĐT 2006, LSHTT 2009, LNO 2006, LXD…
Pháp
Án lệ, BLDS …
Đức
Án lệ, Luật về những Điều khoản chung hợp đồng…
Anh
Án lệ, Luật Hợp đồng 1999, Luật Bán và cung cấp hàng hóa 1994…
Eu
Nguyên tắc HĐTM quốc tế …
Indonesia
Luật Hợp đồng
Thái Lan
BLDS  (Thái Lan đã thống nhất LTM vào LDS)
Hoa Kỳ
Án lệ, UCC, BLDS của một số bang như Louisiana, Califonia, hoặc trong các luật liên bang (như: Luật về Chữ ký số trong thương mại quốc tế và trong nước…) và luật của các bang trong từng lĩnh vực cụ thể (như: Luật Thống nhất về giao dịch điện tử…)
Nhật Bản
BLDS
Trung Quốc
Luật Hợp đồng
      
Công việc pháp điển hóa pháp luật hợp đồng ở Việt Nam cần quán triệt những quan điểm sau đây:
Một là, phạm vi của pháp luật hợp đồng tương đối rộng, là đạo luật điều chỉnh hành vi thỏa thuận giữa các bên, là công cụ đại diện cho mưu cầu lợi ích kinh tế của cá nhân và tổ chức. Vì vậy, xét về phạm vi và đối tượng điều chỉnh thì chúng ta nên ưu tiên xây dựng một Luật Hợp đồng riêng biệt. Với xu hướng giản lược BLDS 2005, các nguyên tắc và các vấn đề chung của hợp đồng sẽ được quy định chung cho tất cả các hợp đồng không phân biệt dân sự, thương mại hay hợp đồng có yếu tố nước ngoài.
Hai là, trên thực tế, ngày càng xuất hiện các loại hợp đồng[9] với nhiều chủng loại khác nhau. Tuy nhiên, việc phân chia các loại hợp đồng trong BLDS 2005 và các đạo luật chuyên ngành khác lại dựa trên đối tượng của hợp đồng. Cách phân loại như thế không có cơ sở khoa học và dẫn đến nhiều hệ lụy[10]. Do đó, nội dung tiếp theo của hoạt động pháp điển hóa pháp luật hợp đồng là rà soát trên thực tế các loại hợp đồng, quy định các loại hợp đồng theo phân nhóm chủng loại hợp đồng để tránh trường hợp Luật lạc hậu so với thực tiễn. Việc sắp xếp chủng loại hợp đồng phải dựa trên hành vi và mục đích giao kết chứ không dựa trên đối tượng hợp đồng.
Ba là, về kỹ thuật lập pháp, những vấn đề chung và chủng loại của hợp đồng cần được sắp xếp trong một đạo luật hoàn chỉnh và thống nhất. Việc những chủng loại của hợp đồng là vấn đề có thể phát sinh nhất, tuy nhiên, nếu dựa trên mục đích của hành vi thỏa thuận thì các nhà làm luật có thể phân biệt và dự liệu được. Do đó, tuổi thọ của Luật Hợp đồng sẽ được kéo dài.  
Ngoài ra, việc pháp điển hóa pháp luật hợp đồng trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế cần đảm bảo hai đặc tính cơ bản: (i) tính thống nhất, tiện dụng thể hiện trong việc tập hợp các chế định hợp đồng trong BLDS, kết hợp với tất cả các quy định hợp đồng trong LTM và các luật khác liên quan như: LSHTT, LĐT, LXD… sau đó xây dựng thành một Luật Hợp đồng thống nhất trên cơ sở kế thừa những chế định sẵn có, quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến các loại hợp đồng bao gồm: chủ thể ký kết, đối tượng hợp đồng, đồng tiền thanh toán, phương thức thanh toán, quyền nghĩa vụ của các bên, phạt vi phạm, lãi suất, cơ quan tài phán tranh chấp và những quy định khác về dung sai...; (ii) tính tương thích, hội nhập thể hiện qua việc nghiên cứu tiếp thu pháp luật nước ngoài như: các nguyên tắc của UNIDROIT về HĐTM quốc tế 2004, các quy định trong Công ước viên về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế 1980 (CIGS), các công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, các tập quán về điều kiện chuyển rủi ro sở hữu hàng hóa (Incoterm 2010), về thanh toán quốc tế (UCP.600)… trong đó cũng cần cân nhắc loại giao dịch thông qua người làm chứng của Công ước Viên 1980 đưa vào Luật Hợp đồng nhằm đảm bảo tính tương thích với các tập quán, điều ước khi hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới. Việc kế thừa những tinh hoa của pháp luật hiện hữu và tiếp thu pháp luật nước ngoài trong quá trình xây dựng Luật Hợp đồng thống nhất cần phải đảm bảo ba nội dung cơ bản là: phù hợp với thể chế chính trị và bản sắc riêng của Việt Nam; thuận tiện cho các chủ thể liên quan; đáp ứng được sự tương đồng pháp luật trong giao thương quốc tế để có xử sự phù hợp, nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO.
       Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hành lang pháp lý để các chủ thể có thể ứng xử đúng theo pháp luật nên việc pháp điển hóa hệ thống pháp luật là hòn đá tảng xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Pháp luật hợp đồng cần được thống nhất cũng không thể nằm ngoài yêu cầu chung đó. Pháp luật hợp đồng ngày càng được thống nhất sẽ tạo mọi điều kiện cho các chủ thể xử sự với nhau ngày càng phù hợp hơn, các thỏa thuận được các bên tôn trọng và thực hiện ngày càng tốt hơn, tranh chấp sẽ bớt đi trên cơ sở các quy định của pháp luật hợp đồng./.   


[1] Tuy nhiên, ở nghĩa hẹp (theo khía cạnh pháp lý) thì không phải bất kỳ sự thỏa thuận nào cũng là hợp đồng.
[2] Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).
[3]Điều 1 BLDS 2005.
[4] Khoản 3 Điều 83 Luật Ban hành VBQPPL quy định: Trong trường hợp các VBQPPL do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.
[5]Xem thêm: Dương Anh Sơn (2001), Vấn đề hoàn thiện pháp luật hợp đồng kinh tế ở nước ta hiện nay, Tạp chí Khoa học pháp lý số 4 - 2001
[6]Phạm Hữu Nghị, Vấn đề cải cách hợp đồng - BLDS 2005 2005. Trích dẫn từ: http://vibonline.com.vn/vi-VN/Forum/TopicDetail.aspx?TopicID=3036.
[7]Đỗ Văn Đại (2011), Hướng tới sự thống nhất về xử lý vi phạm hợp đồng ở Việt Nam, Hội thảo hoàn thiện các báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp, LĐT, LTM - 2011.
[8] Ví dụ: Luật Hợp đồng 1999 của Trung Quốc quy định tại Điều 2: “For purposes of this Law, a contract is an agreement between natural persons, legal persons or other organizations with equal standing, for the purpose of establishing, altering, or discharging a relationship of civil rights and obligations. An agreement concerning any personal relationship such as marriage, adoption, guardianship, etc. shall be governed by other applicable laws”. Tạm dịch: “Trong Luật này, một hợp đồng được hiểu là một thoả thuận giữa các thể nhân, pháp nhân hoặc các tổ chức khác có địa vị bình đẳng, nhằm thiết lập, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ về các quyền và nghĩa vụ dân sự. Một thoả thuận liên quan đến quan hệ cá nhân như hôn nhân, nhận nuôi con nuôi, giám hộ v.v.... sẽ do các luật liên quan khác điều chỉnh.”
 Nguồn download: http://www.novexcn.com/contract_law_99.htm.
[9] Hiện nay theo quy định của BLDS 2005, có 13 loại hợp đồng thông dụng. Mỗi đạo luật chuyên ngành sau đó ra đời thì lại có những quy định khác cho loại hợp đồng của đạo luật đó.
[10] Vì theo từng đối tượng hợp đồng là yếu tố dễ thay đổi trong môi trường kinh tế hiện nay, do đó phải phân loại hợp đồng dựa trên mục đích giao kết hợp đồng, lấy yếu tố này để phân loại hợp đồng là hợp lý. Việc phân loại hợp đồng dựa trên mục đích giao kết sẽ giúp pháp luật hợp đồng có tính dự liệu cho những đối tượng hợp đồng có thể phát sinh sau này mà không cần phải dẫn chiếu đến văn bản pháp luật khác hướng dẫn.

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét