Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

BÀN THÊM VỀ LỢI ÍCH DOANH NGHIỆP THU ĐƯỢC TỪ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI CÔNG NGHỆ

Tạp chí Hoạt động Khoa học số tháng 9.2009 đã đăng tải bài viết “Một số bàn luận về lợi ích của doanh nghiệp từ quyền sở hữu trí tuệ đối với công nghệ” với nội dung đề cập tới trường hợp một số cơ quan, ban/ngành tỉnh B tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định bổ sung 5,5 tỷ đồng với tên gọi “giá trị tài sản của sáng chế” vào mục “chi phí khác” của một dự án đầu tư, khi doanh nghiệp này áp dụng công nghệ của mình nghiên cứu, mang lại hiệu quả hơn so với công nghệ trước đó.
Sau khi bài viết được đăng tải, đầu năm 2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này đã tổ chức lấy lại ý kiến tham khảo của các ban/ngành và đã đề xuất UBND tỉnh B rút lại quyết định bổ sung 5,5 tỷ đồng cho doanh nghiệp T. Ngay sau khi văn bản mới được UBND tỉnh ban hành, trong công văn kiến nghị với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp T đã khẳng định việc sử dụng công nghệ mới trong quá trình thi công là “không có góp vốn, không có chuyển giao công nghệ nên không có nội dung chi phí này là đúng”, nhưng doanh nghiệp T còn đang thắc mắc: “Vậy doanh nghiệp lấy tiền từ đâu để trả cho tác giả sáng chế?”. Thiết nghĩ, do đây là vấn đề tương đối mới mẻ với nhiều doanh nghiệp nên cần phải đưa ra bàn luận cho thấu đáo, làm cơ sở rút kinh nghiệm cho các địa phương khác, các công nghệ khác để giải quyết các trường hợp tương tự. Bài viết sau đây, tác giả sẽ bổ sung đôi điều về vấn đề đó.
Trước hết phải khẳng định rằng, công nghệ F, F1 (sau đây gọi chung là công nghệ F) về giải pháp ngăn mùi của hệ thống thoát nước đô thị của doanh nghiệp T là một công nghệ mang lại hiệu quả cao về kinh tế và môi trường. Trong thời gian qua, doanh nghiệp T cũng giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về sáng tạo KH&CN, nhiều địa phương khác trong cả nước đã triển khai áp dụng công nghệ F. Doanh nghiệp T đã được Sở KH&CN tỉnh B cấp giấy chứng nhận là “doanh nghiệp KH&CN”. Tác giả của sáng chế là người thuộc doanh nghiệp T. Chủ sở hữu sáng chế là doanh nghiệp T.
Với công nghệ F, doanh nghiệp T được UBND tỉnh B giao làm chủ đầu tư và trực tiếp thi công công trình có sử dụng công nghệ F mà không phải thông qua phương thức đấu thầu theo Luật Đấu thầu và công trình được sử dụng hoàn toàn nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, sau khi đem ra phân tích, tính toán so với giải pháp thông thường, thấy rằng giải pháp đã làm lợi cho Nhà nước 55 tỷ đồng, doanh nghiệp T yêu cầu UBND tỉnh B bổ sung 10% giá trị làm lợi (5,5 tỷ đồng) gọi là “giá trị tài sản trí tuệ của sáng chế”, hay “chi phí để nghiên cứu, cải tiến công nghệ” bổ sung vào mục “chi phí khác” của dự án đầu tư. Đồng thời doanh nghiệp T đã mời một công ty định giá, xác nhận công nghệ này có giá trị là trên 6 tỷ đồng.
Đề nghị trên của doanh nghiệp T là chưa đúng với tinh thần của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng hiện hành. Kinh phí 5,5 tỷ đồng mà doanh nghiệp T đòi bổ sung trên đây không phải là những lợi ích doanh nghiệp thu được khi sử dụng sáng chế (ở đây là giải pháp hữu ích F) mà pháp luật quy định và cho phép. Những lợi ích của doanh nghiệp T thu được khi sử dụng giải pháp F khi thi công công trình thể hiện ở những điểm sau:
Theo Nghị định 81 (Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật KH&CN):
- Doanh nghiệp T được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho số thu nhập tăng thêm do các hoạt động này mang lại (Khoản 5, Điều 42) .
- Các chi phí đầu tư cho việc nghiên cứu sáng tạo giải pháp F được coi là chi phí hợp lý và được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp (Khoản 1, Điều 44).
Theo Luật Chuyển giao công nghệ (2005):
- Doanh nghiệp T được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập tăng thêm trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 7 năm tiếp theo (Khoản 4 Điều 44).
- Doanh nghiệp được trích một phần lợi nhuận trước thuế hàng năm lập quỹ phát triển KH&CN để tiến hành hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ (Điều 45).
Khi thực hiện bán (chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng ) công nghệ – giải pháp F hoặc trường hợp doanh nghiệp T sử dụng giải pháp F để thi công các công trình, doanh nghiệp T thu được lợi ích như sau:
- Giá trị thu được từ việc bán (chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng) công nghệ – giải pháp F.
- Lợi nhuận doanh nghiệp thu được khi sử dụng giải pháp F thi công các công trình (theo Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan).
- Doanh nghiệp T được hưởng những ưu đãi khác từ thuê đất (nếu có) để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho việc sáng tạo và phát triển các giải pháp thuộc hoạt động khoa học, công nghệ; được góp vốn bằng giá trị giải pháp F trong các dự án đầu tư hoặc vào vốn của doanh nghiệp (Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ)…
Ngoài ra, do T là doanh nghiệp KH&CN, theo quy định của Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19.5.2007 về doanh nghiệp KH&CN (Nghị định 80), cũng như Thông tư 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV ngày 18.6.2008 hướng dẫn thi hành Nghị định 80, sau khi được công nhận là doanh nghiệp KH&CN và đáp ứng một số điều kiện về doanh thu, doanh nghiệp T sẽ được hưởng những ưu đãi sau:
- Được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN;
- Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế.
- Được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà.
- Khi doanh nghiệp có dự án thuộc đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư phát triển được hưởng chính sách về tín dụng đầu tư phát triển theo quy định tại Nghị định 151/2006/NĐ-CP ngày 20.12.2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu, bao gồm: Cho vay đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư.
- Được hưởng các dịch vụ tư vấn, đào tạo từ các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp của Nhà nước không phải trả phí dịch vụ; được ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm trọng điểm, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu KH&CN của Nhà nước; hưởng các hỗ trợ ưu đãi từ Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Đối mới công nghệ quốc gia theo cơ chế tài chính của các Quỹ này.
- Được Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao cho thuê đất, cơ sở hạ tầng với mức giá thấp nhất trong khung giá cho thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; được UBND các địa phương cho thuê đất, cơ sở hạ tầng với mức giá thấp nhất theo khung giá của Nhà nước tại địa phương nơi doanh nghiệp KH&CN thuê.
Các nội dung nêu trên mới chính là những lợi ích của doanh nghiệp T thu được khi sử dụng sáng chế, là cơ sở để doanh nghiệp T tính toán chi trả thù lao cho tác giả sáng chế theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước quy định về lợi ích của doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ đã quá rõ ràng. Vấn đề là doanh nghiệp T chưa nắm được các quy định này, nên không biết lấy kinh phí từ đâu để chi trả cho tác giả sáng chế nên đã đưa ra những đề nghị không hợp lý.
Giá trị 5,5 tỷ đồng trong trường hợp cụ thể, đối với ngân sách của một địa phương, một quốc gia có thể không lớn (hay thậm chí nó có thể rất nhỏ so với những lợi ích doanh nghiệp T thu được khi áp dụng đúng quy định về cơ chế, chính sách dành cho doanh nghiệp). Nhưng nó sẽ là một con số khổng lồ, mà ngân sách nhà nước sẽ phải chi trả một cách vô lý, khi đây được coi là tiền lệ trong việc giải quyết những trường hợp tương tự. Nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phải nhập công nghệ từ nước ngoài và đang khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư, nghiên cứu đổi mới công nghệ. Hơn thế nữa, nó còn thể hiện tính nghiêm minh, công bằng, chính xác khi áp dụng pháp luật.
Cơ chế, chính sách của Việt Nam đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hiện nay tuy còn nhiều vấn đề phải bàn để chỉnh sửa cho phù hợp, nhưng những ưu đãi hiện có dành cho các tổ chức tham gia nghiên cứu, cải tiến công nghệ đã cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế.
Việc các doanh nghiệp tự đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ là một hướng đi tích cực để nâng cao năng lực cạnh tranh. Để tận dụng tối đa những ưu đãi của Nhà nước, mang lại thêm những lợi ích cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp nên có bộ phận tư vấn pháp lý có năng lực để hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các đề nghị đúng và xác đáng, tránh những “đề xuất vô lý” làm mất thời giờ của các cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước ở tỉnh B, việc tham khảo thông tin trên các diễn đàn trao đổi của các tạp chí lớn, có uy tín để xem xét giải quyết công việc, đặc biệt đối với những vấn đề mới, từ đó dũng cảm sửa sai, “dù muộn còn hơn không” là việc làm đáng được công luận biểu dương. Thông qua trường hợp cụ thể này, các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN cũng cần có biện pháp tích cực hơn nữa trong công tác phổ biến thông tin KH&CN cho các doanh nghiệp. Đây cũng là hình thức hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ trong giai đoạn hiện nay. 

Nguồn: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC, BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét