Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Bảo đảm công bằng trong thuế thu nhập cá nhân

Đảm bảo công bằng trong việc đánh thuế dựa trên khả năng trả thuế của đối tượng nộp thuế, không mang tính tận thu và có xét đến điều kiện, hoàn cảnh sống của từng người là một nguyên tắc quan trọng của pháp luật về thuế. Ở đây, đòi hỏi công bằng phải là sự công bằng chung của xã hội, phù hợp với định hướng phát triển của nước ta và các nước trên thế giới, nên trong thuế thu nhập cần phải đưa ra những quy định về miễn, giảm thuế.
1.  Đối với các khoản thu nhập miễn thuế
Trước đây, trong các Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao năm 1991, 1994, 1997, 1999, 2001, 2004 khi quy định về thu nhập tính thuế đều liệt kê những khoản thu nhập của cá nhân thuộc diện chịu thuế thu nhập và những khoản thu nhập không thuộc diện chịu thuế. Cách tiếp cận về quy định thu thuế như vậy sẽ có bất cập vì đã loại một nhóm thu nhập ra khỏi phạm vi điều chỉnh của thuế thu nhập. Mặc dù, thu nhập không chịu thuế và thu nhập miễn thuế đều không phải nộp thuế, nhưng đối với thu nhập miễn thuế, cá nhân phải kê khai theo luật định, để Nhà nước nắm được thông tin phục vụ công tác quản lý, tạo ra trách nhiệm phải nộp thuế đối với mỗi cá nhân có thu nhập và thấy được tính nhân văn của Nhà nước trong vấn đề quy định thu nhập chịu thuế. Các khoản thu nhập miễn thuế được xác định từ lý do chính trị, xã hội hay quản lý của Nhà nước. Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 quy định về các khoản thu nhập cá nhân được miễn thuế tại Điều 4, có một số vấn đề cần được xem xét lại. Cụ thể là:
Thứ nhất, pháp luật về lao động không khuyến khích người sử dụng lao động yêu cầu người lao động làm thêm giờ. Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007) quy định người lao động làm thêm không quá 4 giờ trong một ngày và 200 giờ trong một năm. Thời gian làm thêm giờ là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, việc quy định miễn thuế đối với phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ - được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật - sẽ tạo sự không công bằng. Để đảm bảo công bằng giữa các đối tượng lao động và không làm phức tạp trong quá trình tính thuế, theo chúng tôi, không nên quy định miễn thuế đối với phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật.
 Thứ hai, khi cá nhân có tài sản thì cá nhân có thể lựa chọn nhiều cách thức đầu tư để bảo toàn và phát triển nguồn vốn của mình. Cá nhân đó có thể lựa chọn kênh đầu tư là bất động sản, chứng khoán, gửi tiết kiệm… Những cá nhân có tiền lãi gửi từ các tổ chức tín dụng, lãi từ bảo hiểm nhân thọ thì không phải đối tượng có khó khăn về kinh tế. Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, thu nhập có được từ những khoản đầu tư như bất động sản, chứng khoán… đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Đa số các nước đều thu thuế thu nhập cá nhân trên tiền lãi tiết kiệm như Trung Quốc là 20%, In-đô-nê-xi-a là 20%, Phi-líp-pin là 20%, Thái Lan là 15%. Để tạo sự công bằng theo nguyên tắc khả năng trả thuế và nguyên tắc lợi ích giữa các cá nhân có tài sản, nên quy định thu nhập của các cá nhân từ tiền lãi tại các tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không được miễn thuế thu nhập cá nhân.

2. Đối với quy định về giảm trừ gia cảnh
Việc quy định về giảm trừ gia cảnh theo Luật Thuế thu nhập cá nhân còn một số bất cập sau:
Thứ nhất, Luật Thuế thu nhập cá nhân còn gắn với nhiều chính sách xã hội, nên vấn đề  xác định những ai là người phụ thuộc mà đối tượng nộp thuế được giảm trừ để đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa những đối tượng có người phụ thuộc và đối tượng không có người phụ thuộc theo quy định của pháp luật là vấn đề cần thiết. Nếu hai cá nhân có thu nhập chịu thuế như nhau, nhưng có đối tượng phụ thuộc khác nhau thì mức độ đóng góp vào ngân sách nhà nước sẽ khác nhau. Theo quan điểm của chúng tôi, phải xác định đối tượng phụ thuộc dựa trên những mối quan hệ gắn bó với đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, để luật thuế thu nhập cá nhân tương thích với các luật khác. Đó là, mối quan hôn nhân, nuôi dưỡng đang tồn tại, quan hệ huyết thống trong phạm vi ba đời. Tuy nhiên, những đối tượng đó chỉ nên xác định là đối tượng phụ thuộc với điều kiện đối tượng là con chưa thành niên hoặc những cá nhân đó không có khả năng lao động, không có thu nhập mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng. Vì nếu trong luật thuế quy định nhiều đối tượng phụ thuộc thì sẽ dẫn đến sự không công bằng theo chiều dọc và theo chiều ngang, dễ dẫn đến việc kê khai gian dối về đối tượng phụ thuộc và không khuyến khích được trách nhiệm lao động của cá nhân sống trong xã hội. Theo tinh thần của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, chúng tôi thấy có một số điểm không hợp lý về việc quy định đối tượng phụ thuộc như sau:
- Khoản 3 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 quy định con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề nếu không có thu nhập hoặc thu nhập không vượt quá mức quy định thì coi là người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh cho cha mẹ. Quy định này dẫn đến sự không công bằng giữa những đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân vì việc học tập là vấn đề phải làm suốt đời người, Nhà nước khuyến khích học tập và đã có chính sách cho vay vốn đối với những người đi học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề. Nên người học có thể vay vốn của chính sách này để trang bị tri thức cho mình và sau này đi làm sẽ trả dần cho Nhà nước. Việc học là quá trình đầu tư cho tương lai, khi nói về thị trường lao động thì người sử dụng lao động sẽ phải trả lương gồm cả phần bù đắp chi phí đào tạo, ai được đào tạo nhiều, có trình độ cao thì sẽ có cơ hội nhận được lương cao hơn. Nên để công bằng cho những người có con thành niên đi học hoặc vừa học vừa làm hoặc đi làm trước học sau, theo chúng tôi, nên bỏ quy định ở khoản 3 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007.
- Để khuyến khích thực hiện kế hoạch hóa dân số và gia đình, mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh từ một đến hai con, nên theo chúng tôi, đối với con thứ ba trở lên không tính là đối tượng phụ thuộc để giảm thuế cho cha mẹ. Bởi vì nếu chúng ta quy định trường hợp này sẽ gây mất công bằng giữa những người nộp thuế. Những người chấp hành chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình tốt, thực hiện sinh từ 01 đến 02 con thì có thể phải nộp thuế nhiều hơn đối với những người không chấp hành chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình của Nhà nước khi những đối tượng này có cùng mức thu nhập.
- Đối với cha mẹ, ông bà đã hết tuổi lao động thì thông thường thu nhập sẽ rất thấp hoặc có thể không có, nhưng những người này có thể đã tích lũy được số tài sản rất lớn, đủ để nuôi sống họ suốt đời. Nên nếu đưa vào Luật Thuế thu nhập cá nhân những người này là đối tượng phụ thuộc thì sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng và không đúng ý nghĩa của cụm từ “đối tượng phụ thuộc”. Vì vậy, theo chúng tôi, những người này phải có trách nhiệm kê khai là không có tài sản gì để đảm bảo nguồn sống ở dưới mức thu nhập GDP bình quân đầu người thì mới được xem xét là đối tượng phụ thuộc để tính giảm trừ gia cảnh cho những đối tượng trực tiếp nuôi dưỡng.
Thứ hai, việc áp dụng giảm trừ gia cảnh chỉ áp dụng đối với những cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công mà không áp dụng đối với những người có thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, từ trúng thưởng, từ nhượng quyền thương mại, từ thừa kế, quà tặng trong Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 là không đảm bảo công bằng về mặt đối xử với những cá nhân trong xã hội. Vì mỗi cá nhân đều phải chi tiêu cho nhu cầu sống của bản thân và những người phụ thuộc, việc lựa chọn nghề nghiệp để mưu sinh là tùy vào bản thân người đó. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đều hướng tới sự phát triển con người và gia đình của họ. Trong thực tế, đa số nhà đầu tư chứng khoán, bất động sản ở Việt Nam là những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nên để tạo ra sự công bằng cho các cá nhân nộp thuế cần đưa ra quy định: tất cả các cá nhân cư trú có thu nhập thì đều được giảm trừ gia cảnh khi tính thu nhập chịu thuế.
Thứ ba, về nguyên tắc thì Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 không phải luật thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao nên việc quy định về giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân tạo ra thu nhập và người phụ thuộc xét về bản chất là đánh thuế vào người có thu nhập ở một mức độ nhất định. Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 còn gây nhiều tranh cãi vì trong luật đưa ra mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế là 04 triệu đồng, một con số cố định như vậy là không hợp lý vì chưa tính tới yếu tố lạm phát ở nước ta nên luật sẽ phải thường xuyên thay đổi. Như, năm 2007 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng là 12,63%, năm 2008 chỉ số CPI 22,97%, năm 2009 chỉ số CPI 6,52%, năm 2010 CPI là 11,75%, đến tháng 9/2011 chỉ số CPI tăng so với năm 2010 là 16,63%. Như vậy, từ năm 2007 đến tháng 9/2011, tổng CPI của Việt Nam tăng 70,5%, nên điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Theo chúng tôi, nên xác định mức thu hợp lý trên nguyên tắc mở rộng diện thu, hạ thấp mức thu thì vẫn đảm bảo được nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tạo được sự công bằng trên diện rộng cho những người có thu nhập. Để đảm bảo nguyên tắc công bằng thì thu thuế nên thu từ đồng thu nhập đầu tiên, nhưng phải xét tới điều kiện, hoàn cảnh sống của cá nhân, nên lấy mức lương tối thiểu làm cơ sở đưa ra mức giảm trừ gia cảnh. Vì khi Chính phủ đưa ra mức lương tối thiểu thì Chính phủ đã phải xem xét mức sống trung bình của người dân, trong đó có tính đến chỉ số lạm phát. Tương tự như vậy, khi xác định mức giảm trừ gia cảnh, Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 đưa ra con số 1,6 triệu cho những người phụ thuộc cũng là không có cơ sở và khó ổn định lâu dài. Những người phụ thuộc cũng căn cứ vào mức lương tối thiểu để làm cơ sở tính số tiền giảm trừ cho người nộp thuế.

Nguồn: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét