Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ HỢP NHẤT CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN

Thời gian vừa qua, cùng với quá trình xây dựng đề án tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn chỉnh Đề án tái cơ cấu lại  hệ thống các tổ chức tín dụng. Ngày 06 tháng 12 năm 2011, Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố vụ hợp nhất tự nguyện đầu tiên giữa ba ngân hàng thương mại cổ phần (Sài Gòn, Việt Nam Tín nghĩa và Đệ Nhất) thành một ngân hàng thương mại cổ phần mới (NHTMCP).
Sự kiện hợp nhất 03 NHTMCP này là một trong những hành động cụ thể thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD và chủ trương giảm nhanh số lượng các ngân hàng yếu kém, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Việc hợp nhất các NHTMCP là quá trình phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều bên và phát sinh nhiều vấn đề pháp lý cần xử lý. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập một số vấn đề pháp lý cần quan tâm, xử lý trong quá trình thực hiện hợp nhất các NHTMCP. 
1. Bản chất pháp lý của việc hợp nhất các NHTMCP
Theo quy định tại Thông tư 04/2010/TT-NHNN ngày 11/02/2010 của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư 04), “hợp nhất tổ chức tín dụng” được hiểu là hình thức hai hoặc nhiều tổ chức tín dụng hợp nhất thành một tổ chức tín dụng mới bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang tổ chức tín dụng mới, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các tổ chức tín dụng bị hợp nhất. Như vậy, về bản chất pháp lý, hợp nhất các NHTMCP là việc hai hoặc nhiều NHTMCP hợp nhất với nhau thành một NHTMCP mới. Hệ quả pháp lý của hoạt động hợp nhất các NHTMCP là việc chấm dứt pháp nhân đối với các NHTMCP bị hợp nhất, đồng thời khai sinh một pháp nhân NHTMCP mới. Về mặt pháp lý, NHTMCP mới sẽ kế thừa toàn bộ quyền và
nghĩa vụ pháp lý của các NHTMCP bị hợp nhất, cụ thể bao gồm: (i) Quyền chủ nợ của các NHTMCP bị hợp nhất đối với các khoản cấp tín dụng, khoản đầu tư vào trái phiếu, chứng khoán nợ khác được chuyển sang cho NHTMCP mới; (ii) Quyền cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu của các NHTMCP bị hợp nhất đối với các khoản góp vốn, mua cổ phần được chuyển sang NHTMCP mới; (iii) Quyền sở hữu đối với các tài sản của NHTMCP bị hợp nhất (như trụ sở, bất động sản, tài sản khác…) được chuyển sang NHTMCP mới; (iv) Các nghĩa vụ nợ đối với khoản vay, tiền gửi dưới mọi hình thức… của các NHTMCP bị hợp nhất cũng được chuyển sang NHTMCP mới. Hay nói cách khác, quyền của người gửi tiền tại các NHTMCP bị hợp nhất được bảo đảm. Việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đặc biệt là người gửi tiền đã  được pháp luật quy
định thuộc trách nhiệm của các NHTMCP liên quan; (v) Các quyền và nghĩa vụ khác theo hợp đồng/thỏa thuận của các NHTM bị hợp nhất được chuyển giao sang NHTMCP mới.

2. Một số vấn đề pháp lý cần xử lý khi thực hiện hợp nhất các HTMCP
Quá trình thực hiện việc hợp nhất các NHTMCP có một số vấn đề pháp lý cần xử lý như sau:
Thứ nhất, về quyền và nghĩa vụ của cổ đông của các NHTMCP bị hợp nhất. Về mặt pháp lý, việc hợp nhất các NHTMCP chính là việc các cổ đông của NHTMCP bị hợp nhất góp vốn vào NHTMCP mới bằng tài sản là vốn cổ phần của cổ đông tại các NHTMCP bị hợp nhất. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tài sản góp vốn không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được định giá.
Trong trường hợp hợp nhất  các NHTMCP, việc định giá tài sản góp vốn là căn cứ pháp lý để xác định tỷ lệ chuyển đổi cổ phần của cổ đông tại các NHTMCP bị hợp nhất sang cổ phần của NHTMCP mới và là căn cứ xác định mức vốn điều lệ của NHTMCP mới. Việc định giá tài sản góp vốn trong trường hợp hợp nhất các NHTMCP được thực hiện thông qua kiểm toán độc lập báo cáo tài chính của các NHTMCP bị hợp nhất. Ngoài ra, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông của NHTMCP mới, sự lành mạnh về tài chính của NHTMCP mới, việc định giá tài sản của các NHTMCP bị hợp nhất phải được thực hiện đồng thời với việc xử lý các khoản nợ xấu của các NHTMCP để xác định chính xác giá trị tài sản còn lại của cổ đông tại NHTMCP bị hợp nhất.
TẢI TOÀN VĂN BÀI VIẾT TẠI ĐÂY

Nguồn: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 24/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét