Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Sacombank: Lo bị thâu tóm

Đối với một doanh nghiệp có cả tỉ cổ phiếu niêm yết như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB), ít người dám nghĩ đến chuyện đi thâu tóm, bởi muốn nắm được tỉ lệ cổ phần chi phối (trên 51% vốn) là chuyện rất khó. Thế nhưng, nếu nắm vài chục phần trăm cổ phần, nhỉnh hơn tỉ lệ sở hữu của vị chủ tịch để nắm quyền quản trị thì lại có vẻ dễ hơn và khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, nỗi lo bị thâu tóm dường như ít nhiều vẫn đang hiện hữu tại STB.
Phòng thủ
Vào khoảng đầu tháng 7.2011, thị trường rộ lên thông tin có một nhóm nhà đầu tư lắm tiền muốn thâu tóm STB và đang mua gom cổ phiếu này. Thực hư chưa biết ra sao nhưng về phía STB, dù không thừa nhận chuyện này nhưng từ đó đến nay, STB đã liên tục tiến hành nhiều biện pháp tự vệ.
Gần đây nhất, STB tuyên bố sẽ mua vào 10% cổ phiếu quỹ, tương đương 10% vốn và thời gian thực hiện từ ngày 15.11-15.12.2011. Tính theo giá mà cổ phiếu STB đang được giao dịch những ngày gần đây là khoảng 14.000 đồng/cổ phiếu, ước tính Ngân hàng sẽ dùng đến 1.400 tỉ đồng tiền mặt để mua vào.
Trước đây, những tổ chức liên quan đến ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch STB, cũng có những động thái đáng chú ý. Chẳng hạn, cuối tháng 7.2011, Công ty Bourbon Tây Ninh (SBT) và Công ty Sản xuất Thương mại Thành Thành Công lần lượt mua vào 7,5 triệu và gần 15 triệu cổ phiếu STB. Những người bán số cổ phiếu này là vợ, con gái và con dâu ông Thành. Theo như lời ông Thành chia sẻ với một số tờ báo lúc bấy giờ, việc này nhằm chuyển cổ phần STB từ sở hữu cá nhân về sở hữu pháp nhân là Công ty Thành Thành Công. Hai công ty trên đều do bà Huỳnh Bích Ngọc, vợ ông Thành, làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Đặc biệt, đầu tháng 8.2011, khi Quỹ Đầu tư Dragon Capital quyết định bán toàn bộ hơn 61 triệu cổ phiếu STB (khoảng 6,6% vốn), Ngân hàng cũng tìm cách “quy về một mối”. Cụ thể, khi Dragon Financial Holdings Limited, đơn vị đầu tư do Dragon Capital quản lý, đăng ký thoái hết vốn tại STB (4.8-4.10.2011) thì ông Chang Hen Jui, chồng của vị Phó chủ tịch STB, cũng đăng ký mua lại và mua được hơn một nửa.
Kế đến, trong tháng 9.2011, 2 công ty con của Thành Thành Công là Công ty Đường Ninh Hòa (NHS) và Công ty Đặng Huỳnh đã mua vào tổng cộng hơn 9 triệu cổ phiếu STB nữa. Ngoài ra, khi Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal (SCR) vừa bán ra 7,32 triệu cổ phiếu STB (5.9- 5.11.2011) cũng là lúc SBT công bố mua vào thành công (1.8-30.9.2011) tương đương lượng cổ phiếu này.
Tính đến nay, tỉ lệ sở hữu cổ phiếu STB của ông Thành và các tổ chức có liên quan vào khoảng 20%. Nếu mua thành công lượng cổ phiếu quỹ như đã đăng ký, tỉ lệ này sẽ được nâng lên mức 30%. Tuy nhiên, 30% vẫn chưa phải là con số an toàn cho chức Chủ tịch STB của ông Thành.
Con bài của ông Thành
Chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Thành cho biết, nếu giá cổ phiếu STB dưới 2 chấm (20.000 đồng/cổ phiếu) thì Sacombank sẽ mua lại cho đến khi cổ phiếu về đúng giá trị thực. Đó có thể được xem là lý do cho việc mua 100 triệu cổ phiếu quỹ, cũng là con bài thứ hai sau chiến lược gom cổ phiếu về một mối. Đồng thời, ông cũng khẳng định: “Chúng tôi chưa thấy nguy cơ bị thâu tóm. Bản thân Ngân hàng cũng đã có chuẩn bị”.
Tất nhiên, ông Thành đã có sự tính toán. Thế nhưng việc mua 100 triệu cổ phiếu chỉ trong 1 tháng là điều khó thực hiện vào lúc này. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, khối lượng giao dịch trung bình của cổ phiếu STB chưa đến 1 triệu đơn vị/phiên. Theo quy định, lượng cổ phiếu quỹ mua vào mỗi phiên không được vượt quá 10% tổng khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu đó trong phiên liền trước. Nghĩa là, mỗi phiên STB chỉ có thể mua được 100.000 đơn vị làm cổ phiếu quỹ. Nếu những phiên sau, khối lượng giao dịch có tăng lên thì STB cũng chỉ mua được thêm 10% của phần dôi ra này.
Vì vậy, trong vòng 1 tháng, STB nhiều nhất cũng chỉ mua được 10% lượng cổ phiếu đăng ký. Trên lý thuyết, kế hoạch này hoàn toàn không có tính khả thi. Nếu vậy, phải chăng ông Thành vẫn còn con bài nào khác?
Kế hoạch mua 100 triệu cổ phiếu đang lưu hành lần này của Sacombank trùng hợp với kế hoạch thoái vốn gần 10% của Ngân hàng ANZ (Úc) được công bố trước đó. Tuy nhiên, ông Thành khẳng định 2 chuyện này không liên quan với nhau. Và có lẽ ông Thành cũng không cần lo về điều này. Bởi lẽ, như trao đổi với Vietstock hồi tháng 7 vừa rồi, ông Thành cho biết khoản vốn góp gần 10% của ANZ đã được ủy thác cho ông toàn quyền quyết định.
Như vậy, nếu tính luôn phần vốn của ANZ, ông Thành sẽ yên tâm hơn với khoảng 40% cổ phần của STB. Hoặc dù mua cổ phiếu quỹ không thành công, ông Thành cũng nắm được hơn 30% cổ phần STB trong tay, tính luôn cả phần của ANZ.
Dù vậy, cũng cần xem lại khả năng người ngoài có thể vào nắm quyền tại Sacombank hay không. Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Thành cho biết hiện Sacombank có 76.000 cổ đông và chưa có ai nắm đến 30-40% cổ phần STB. Tuy nhiên, nếu xem lại các kịch bản trước đây sẽ thấy để hoàn thành một kế hoạch thâu tóm chưa hẳn phải có tỉ lệ cổ phần cao.
Chẳng hạn trong vụ thâu tóm Công ty Xây dựng Công Nghiệp Descon (DCC), ông Trịnh Thanh Huy, Chủ tịch Công ty Bất động sản Bình Thiên An, dẫn đầu nhóm đi thâu tóm, chỉ nắm có 1% cổ phần DCC (cả nhóm là 21,6%). Hay vụ ông Nguyễn Khánh Linh, lãnh đạo cấp cao Quỹ Đầu tư Chứng khoán Bản Việt, dẫn đầu nhóm đi thâu tóm Công ty Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM (FDC), cũng chỉ nắm 6,4% cổ phần của công ty này.
Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn về nghi vấn nhóm đi thâu tóm đã đạt được mục tiêu, ông Thành cho rằng không có chuyện này. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: “Trường hợp có cá nhân nào thu gom cổ phiếu và giữ vị trí trong Hội đồng Quản trị của Sacombank thì cũng chỉ giữ một lá phiếu. Không những vậy, hoạt động của Hội đồng Quản trị còn chịu sự giám sát của cổ đông sáng lập”. Có vẻ như ông Thành đã có sự trù tính và sẵn sàng cho kịch bản bị thâu tóm?
Nếu đúng như thế thì liệu kẻ nào đủ mạnh để thâu tóm Sacombank? Ông Phạm Thứ Triệu, chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, cho rằng chỉ những người am hiểu về ngân hàng mới đi thâu tóm ngân hàng. Trong nhóm này, khả năng ngân hàng nước ngoài mua gom cổ phiếu với tỉ lệ có quyền phủ quyết (35%) ở một ngân hàng trong nước vào thời điểm này cũng không thể xảy ra, vì bị vướng trần sở hữu 30%. Từ đó có thể thấy, đối tượng đi thâu tóm ngân hàng trong thời điểm hiện nay và sắp tới sẽ là những tổ chức tài chính - ngân hàng trong nước.

Nguồn: Nhịp cầu đầu tư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét