Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Làn sóng mất thanh khoản đang lan rộng

Đầu tháng 9.2011, một số nhà đầu tư tìm cách chạy khỏi Công ty Chứng khoán SME (SME) vì cho rằng đơn vị này không thể đáp ứng các giao dịch rút, chuyển tiền của họ. Sau đó, SME bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đình chỉ hoạt động lưu ký 1 tháng (3.11-3.12.2011).
Mới đây, ngày 22.11, Công ty Chứng khoán Tràng An (TAS) cũng bị VSD cảnh cáo vì mất khả năng thanh toán cho các giao dịch chứng khoán. TAS không còn khả năng thanh toán trong các giao dịch mua bán với nhà đầu tư, đồng thời nợ Quỹ Hỗ trợ Thanh toán của VSD hơn 7 tỉ đồng. Theo nguyên tắc, sau khi cân bằng lượng tiền nhà đầu tư mua và bán, nếu thiếu thì công ty chứng khoán phải xuất tiền để bù vào cho VSD. Trong trường hợp này, TAS bắt buộc phải bù thêm tiền cho VSD. Tuy nhiên, TAS tạm thời phải nhờ đến Quỹ Hỗ trợ Thanh toán của VSD để không phải hủy các giao dịch của nhà đầu tư như trường hợp của SME. Khác với SME, Tổng Giám đốc TAS là ông Lê Hồ Khôi đã thừa nhận rằng, Công ty mất khả năng thanh toán vì không quản lý chặt khâu chuyển tiền của nhà đầu tư.
Nguyên nhân mất thanh khoản
Có nhiều lý do để một công ty chứng khoán rơi vào trường hợp mất thanh khoản. Với trường hợp của TAS, nhà đầu tư sẽ thấy có thể vì 2 lý do. Thứ nhất, khách hàng quan trọng (dân trong nghề hay gọi là khách VIP) trước nay vốn được ưu ái mua trước chuyển tiền sau. Tuy nhiên, khi thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư VIP không có tiền nộp nên bỏ của chạy lấy người. Nhiều giao dịch VIP như thế khiến công ty không kịp bù tiền dẫn đến mất thanh khoản. Thứ hai, công ty chứng khoán thực hiện cho vay ký quỹ (margin) với tỉ lệ nhất định. Nhà đầu tư thấy giá cổ phiếu thấp và tiến hành bắt đáy. Sau đó giá cổ phiếu lại tiếp tục giảm buộc nhà đầu tư phải nộp thêm tiền vào tài khoản. Nếu nhà đầu tư không còn tiền hoặc không muốn nộp thì công ty chứng khoán sẽ ôm trái đắng. Dù có bán ra cổ phiếu để thu tiền về cũng không đủ vốn vì giá cổ phiếu xuống thấp, chưa kể không thu được cả phần lãi vay của nhà đầu tư cho khoản vay ký quỹ này. Những giao dịch kiểu này khiến họ dần hao hụt tiền mặt, nhất là với những công ty chứng khoán có nguồn vốn hạn hẹp.
Một lý do nữa là do thiếu vốn, không ít công ty chứng khoán phải xoay xở bằng nhiều cách để đáp ứng tiền mặt cho nhà đầu tư mua cổ phiếu. Chẳng hạn, khi thực hiện các hợp đồng margin, họ phải kết hợp với ngân hàng để bù vào phần vốn cho nhà đầu tư vay ký quỹ với tính toán rằng, lãi suất cho nhà đầu tư vay cao hơn lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, lúc nhà đầu tư bỏ chạy thì chính công ty chứng khoán phải trả lãi cho ngân hàng. Theo phần thuyết minh báo cáo tài chính của SME, các khoản phải trả đã tăng gấp đôi sau 6 tháng (tính đến 30.6.2011), lên hơn 600 tỉ đồng, trong đó phần nhiều là nợ ngân hàng.
Bên cạnh đó, một số công ty chứng khoán đã dùng những tài khoản ít giao dịch để bù đắp cho các giao dịch hiện thời. Đến khi những tài khoản này giao dịch trở lại hoặc muốn rút tiền, công ty lâm vào cảnh mất khả năng thanh toán. “Rõ ràng, vấn đề quản lý tách bạch tài khoản của nhà đầu tư và công ty chứng khoán chưa được quản lý tốt, xa hơn nữa là vấn đề quản trị rủi ro chưa được quan tâm đúng mức”, chuyên gia tài chính Phạm Thứ Triệu cho biết.
Đối với các tổ chức tài chính, lĩnh vực kinh doanh luôn được đẩy mạnh tối đa khi thị trường đang tốt. Thế nhưng khi thị trường xấu và kéo dài như thời gian qua, các khoản nợ quá hạn khó có khả năng thu hồi lại trở thành rủi ro lớn cho chính họ. Theo ông Phan Dũng Khánh, Trưởng Phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam, ngay cả những công ty chứng khoán lớn cũng đang gặp khó khăn với các khoản tiền lớn cho khách hàng của mình vay.
Bởi vậy, hệ lụy của việc này thể hiện trước tiên ở các khoản phải thu trong báo cáo tài chính, mặc dù có thể được đưa vào nhiều mục khác nhau để giấu đi. Chẳng hạn, tính đến cuối quý III/2011, trong 338 tỉ đồng khoản phải thu ngắn hạn của Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) có tới 283 tỉ đồng là các khoản phải thu khác. Con số này ở Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là 325 tỉ đồng (trong tổng số 443 tỉ đồng), ở Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS) là 364 tỉ đồng (trong tổng số 377 tỉ đồng).
Ai tiếp bước SME và TAS?
Theo ông Triệu, từ giờ đến cuối năm sẽ có không ít công ty chứng khoán có vốn thấp như SME hay TAS lâm vào cảnh khó khăn, đầu tiên là mất khả năng thanh toán. “Việc mất khả năng thanh toán trở thành làn sóng đang lan rộng là điều có thể dự báo được, khi họ liên tiếp lỗ và vốn chủ sở hữu cũng không còn nhiều”, ông nói. Theo ông, các công ty chứng khoán có vốn lớn tạm thời có thể cầm cự được.
Ông Triệu cũng dự báo, trong tổng số các công ty chứng khoán hiện nay, đến năm 2012 sẽ chỉ còn khoảng 1/3 tồn tại, khi mà các quy định quản lý công ty chứng khoán ngày càng chặt chẽ. Các công ty sẽ phải tính đến chuyện sáp nhập hoặc giải thể. Tuy nhiên, khả năng sáp nhập hoặc mua lại là rất khó. Bởi hiện nay, công ty chứng khoán nhỏ tồn tại nhiều vấn đề như cho vay margin quá tay, tự doanh lỗ nặng mà phần nhiều là những cổ phiếu OTC (cổ phiếu trên thị trường phi tập trung) và tài chính không minh bạch. Bên cạnh đó, tài sản cố định của công ty chứng khoán chẳng đáng là bao (ngay cả tài sản cố định của công ty chứng khoán lớn như SSI cũng chưa tới 170 tỉ đồng). Với tài sản không đáng kể và không có tiềm năng rõ nét thì tìm được người mua là khá khó khăn.
Nếu công ty chứng khoán chịu quan tâm phát triển mảng quản trị rủi ro cho chính đơn vị mình sớm hơn, thì khi thị trường khó khăn kéo dài cũng không đến nỗi khiến nhiều công ty phải điêu đứng như hôm nay.

Nguồn: Nhịp cầu đầu tư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét