Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Án lệ và án mẫu - những khả năng áp dụng ở nước ta hiện nay

Trong Dự án Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự, mới đây Tòa án nhân dân tối cao đã đề xuất cho phép được xét xử theo án lệ, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa tán thành1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh đã mở một chuyên đề nói về án lệ. Trong đó có rất nhiều quan điểm đưa ra nhằm ủng hộ hay phản đối việc áp dụng án lệ ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong những quan điểm đó, đôi khi còn có sự hiểu không chính xác về án lệ, án mẫu. Vì vậy, trước khi cân nhắc có nên áp dụng án lệ ở Việt Nam hiện nay hay không, chúng ta cần phân biệt rõ về án lệ và án mẫu để có một phương án giải quyết hợp lý.
1. Phân biệt án lệ và án mẫu
1.1. Án lệ
Nói đến án lệ, người ta thường nói đến sự khiếm khuyết của các quy phạm pháp luật trong một hệ thống pháp luật. Thông thường án lệ chỉ xuất hiện khi có một sự kiện pháp lý mới nảy sinh mà chưa có những quy phạm pháp luật thực định điều chỉnh cụ thể về lĩnh vực đó hoặc do xung đột pháp luật mà chưa có các dẫn chiếu pháp luật rõ ràng.
Cơ sở hình thành án lệ chính là những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật. Khi có những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật, tòa án sẽ viện dẫn những căn cứ pháp luật được coi là hợp lý để đưa ra một phán quyết có tính đột phá và bản án này sẽ được tòa án tối cao công bố là án lệ để áp dụng chung cho các trường hợp tương tự do khiếm khuyết quy phạm hoặc chưa có dẫn chiếu quy phạm rõ ràng. Tuy nhiên, việc hình thành án lệ - theo các nhà kinh điển - cũng không phải là phương thức làm luật tốt. Chẳng hạn, Montesquieu cho rằng “…Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền lập pháp thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống và quyền tự do của công dân, quan toà sẽ là người đặt ra luật”2.
Ngoài ra, việc xây dựng án lệ cũng phải tuân thủ những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt chứ không chỉ đơn thuần là phán quyết bất kỳ của toà án tối cao đối với một vấn đề mới. Cụ thể:
- Yêu cầu về tuân thủ các nguyên tắc của lập pháp: Một bản án chỉ được coi là án lệ nếu nó tuân thủ các học thuyết mà lập pháp đang theo đuổi. Chẳng hạn, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nước ta hiện nay, các cơ sở lập pháp không thể không tuân thủ các nguyên tắc pháp chế mác xít. Vì vậy, trong những hoàn cảnh cụ thể, nếu án lệ lại sử dụng các nguyên tắc lập pháp phi mác xít thì nó không được chấp nhận áp dụng. Nguyên tắc lập pháp còn đòi hỏi án lệ phải tuân thủ các quy định về tính thống nhất quy phạm, nghĩa là án lệ khi được xây dựng lên không được xung đột với các quy phạm đã tồn tại trước đó. Ngoài ra, án lệ cũng phải tuân thủ các nguyên tắc về thời hiệu. Án lệ sẽ bị thay thế và huỷ bỏ bằng những quy phạm pháp luật của các đạo luật khi khoảng trống pháp lý đó đã được lấp đầy…
- Yêu cầu tuân thủ tính pháp chế: Án lệ khi được xây dựng lên không phải mặc nhiên được thông qua và được coi là căn cứ pháp lý hợp pháp để áp dụng chung. Án lệ muốn có được vị trí của mình trong hệ thống quy phạm pháp luật thì nó phải được thông qua bằng những cơ chế hợp pháp. Nghĩa là, án lệ do toà án xây dựng lên phải có cơ chế để thừa nhận nó là một nguồn pháp luật. Thông thường, con đường hợp pháp để thừa nhận án lệ là bằng những quy phạm pháp luật cụ thể hoặc những dẫn chiếu pháp lý để thừa nhận án lệ…
1.2. Án mẫu
Án mẫu là những bản án được xây dựng trên những cơ sở pháp luật hết sức vững chắc mà trong những tình huống như vậy, khó có thể đưa ra phán quyết khác được; do đó, khi có những tình huống tương tự thì tòa án phải đưa ra các phán quyết tương tự. Một điểm cần lưu ý là, khi bản án được coi là án mẫu thì toà án tối cao sẽ chuyển tải đến các toà án cấp dưới để làm nguồn tham khảo và các toà án cấp dưới coi đó là những bản án mẫu để xét xử những vụ án tương tự.
Điểm giống nhau giữa án lệ và án mẫu là trong các điều kiện tương tự thì tòa án đều phải ra những phán quyết chung được coi là chuẩn mực và các phán quyết đó được thừa nhận như những giá trị bắt buộc chung. Đây là điều đã gây ra khá nhiều nhầm lẫn giữa án lệ và án mẫu của nhiều học giả trong thời gian qua.
2. Một số vấn đề trong việc áp dụng án lệ và án mẫu
2.1. Pháp luật hình sự và những điều cấm trong việc sử dụng án lệ
Như đã trình bày trên, án lệ chỉ được hình thành khi trong quá trình xét xử còn có những khoảng trống pháp luật mà luật chưa điều chỉnh hết được hoặc có những xung đột pháp luật (chủ yếu là luật quốc gia và luật quốc tế hoặc một số trường hợp giữa các ngành luật) mà chưa có dẫn chiếu rõ ràng. Điều này khuyến khích sự sáng tạo của các thẩm phán trong việc vận dụng các quy phạm pháp luật để áp dụng và nâng nó lên thành án lệ. Tuy nhiên, trong pháp luật hình sự nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, hành vi sáng tạo pháp luật trong luật hình sự là một hành vi bị cấm. Bởi pháp luật hình sự là một loại pháp luật đặc biệt mang nặng tính trừng trị đối với cá nhân. Cho nên, để bảo vệ sự yếu thế của cá nhân trong sự đối trọng quyền lực với Nhà nước, hầu hết các nước đều áp dụng nguyên tắc không có luật là không có tội. Chính vì vậy, pháp luật hình sự là một “mảnh đất dữ” đối với sự tồn tại của án lệ và án lệ trong pháp luật hình sự chỉ được thừa nhận nếu nó nghiêng về việc bảo vệ quyền lợi của kẻ yếu thế - cá nhân. Tương tự, trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, các hành vi xử phạt hành chính cũng là một “mảnh đất không an lành” đối với sự tồn tại của án lệ, vì các nguyên tắc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân cũng hạn chế sự sáng tạo pháp luật nếu nó gây tổn hại cho cá nhân.
2.2. Các căn cứ để áp dụng án mẫu
Không giống như án lệ, có thể nói môi trường áp dụng của án mẫu trong các quan hệ pháp luật dường như không có những hạn chế trong các ngành luật vì việc áp dụng án mẫu thường không đi trái các nguyên tắc pháp lý thông thường.
Như đã trình bày ở trên, việc ra đời của án mẫu xuất phát từ những cơ sở pháp luật hết sức vững chắc mà trong những tình huống tương tự khó có thể đưa ra phán quyết khác được. Chính vì vậy, án mẫu được các nhà thực tiễn hết sức cổ vũ vì nó làm cho việc áp dụng pháp luật được gần gũi nhau hơn giữa các toà án trong cùng một hệ thống tư pháp. Chẳng hạn, với một khoảng cách giữa giới hạn trên và giới hạn dưới khá cao như trong Bộ luật Hình sự nước ta: ở đó mức thấp nhất và mức cao nhất của cùng một khoản trong một điều luật là khá cao (ví dụ: Khoản 1 các Điều 82, 83, 84, 85 Bộ luật Hình sự có khoảng cách từ mức thấp nhất đến mức cao nhất là từ 12 năm đến tử hình; Điều 86, Khoản 1, khoảng cách trên và khoảng cách dưới là 13 năm. Ngoài ra còn có khá nhiều điều khoản quy định về hình phạt tù có thời hạn có khoảng cách trên và dưới lên đến 10 năm). Do vậy, nhằm tránh tình trạng có cùng mô tả cấu thành nhưng có người được áp dụng mức thấp nhất của khung, có người lại được xử ở khung cao nhất; hoặc có những vụ việc giống nhau nhưng lại có những phán quyết khác nhau trong các vụ án gây nhiều tranh cãi trong hoạt động xét xử, thì những bản án mẫu sẽ được tham khảo cho các trường hợp tương tự nhằm đưa ra phương án xử lý thích hợp nhất.
Tuy nhiên, việc áp dụng án mẫu có những hạn chế và vướng mắc nhất định, như:
- Yêu cầu lập pháp và vấn đề áp dụng án mẫu: Khi nghiên cứu về các quy phạm pháp luật, các nhà làm luật đều thừa nhận một điều rằng, các quy phạm pháp luật khi được xây dựng phải đảm bảo yêu cầu vừa mang tính khái quát nhưng cũng phải dễ hiểu và dễ áp dụng. Chính vì điều này mà các bộ luật, các luật hay các văn bản quy phạm thông thường cũng chỉ giới hạn số điều luật nhất định. Ví dụ, nhiều nhất như Bộ luật Dân sự nước ta năm 1995 cũng chỉ mới có 838 điều và trong số 838 điều này, có đến 15 điều quy định về các nguyên tắc cơ bản. Điều đó là dễ hiểu bởi nếu luật muốn viết ra để áp dụng cho mỗi trường hợp cụ thể như những tập án mẫu thì luật phải chứa đến hàng vạn điều mà cũng không thể ghi hết được nội dung để áp dụng.
- Tư duy của các nhà làm luật về án mẫu: Trong lý luận của các nhà làm luật, việc họ xây dựng những khung hình phạt có sự dao động cao, các quy phạm pháp luật có tính trừu tượng để áp dụng chung đối với nhiều quan hệ pháp luật không hẳn là không có các lý do chính đáng của nó. Xuất phát từ lý thuyết cũng như thực tiễn, chúng ta có thể thấy rằng, cho dù có cùng một hành vi nhưng sự xuất hiện của các yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau là có thể đưa kết quả của quá trình xét xử đi đến những chiều hướng khác nhau. Chẳng hạn, cùng hành vi phạm tội, cùng có những yếu tố cấu thành nhưng yếu tố nhân thân, thái độ ứng xử trước tòa thể hiện sự ăn năn hay ngoan cố… liệu có nên áp dụng cùng một mức án mới là hợp lý? Hay cùng một vụ việc dân sự có rất nhiều yếu tố giống nhau nhưng trong vụ án có đương sự không thuê luật sư, có vụ án đương sự thuê luật sư, và trong vụ án, sự xuất hiện của luật sư đã tìm được nhiều tình tiết làm thay đổi bản chất của vụ án, do đó, việc áp dụng án mẫu có thể coi là hợp lý?
Và trong thực tế, các sự kiện pháp lý xảy ra là muôn màu muôn vẻ từ những hoàn cảnh khách quan khác nhau, môi trường xã hội khác nhau, yếu tố tâm, sinh lý khác nhau, thì việc áp dụng những án mẫu có phù hợp hay không?
Thêm nữa, mục tiêu của quá trình cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay là làm tăng tính độc lập của thẩm phán; do đó, việc khuyến khích áp dụng án mẫu trong quá trình xét xử có đi trái các mục tiêu cải cách của hệ thống tư pháp hay không?
- Về lập trình xét xử: Một điều đáng bàn nữa, đó là vấn đề lập trình xét xử. Nhiều người đã nghĩ đến việc xây dựng những cỗ máy xét xử để xét xử thay cho các thẩm phán vì chỉ cần nạp những dữ liệu đầu vào, các cỗ máy đó sẽ đưa ra những dữ liệu đầu ra… Đây có phải là một lý do chính đáng để mọi người mong muốn có được các bản án mẫu hay không?

3. Thực tiễn nước ta về vấn đề áp dụng án lệ và án mẫu
3.1. Về án lệ
Trong các văn bản pháp luật của nước ta, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội từ chối áp dụng án lệ có phải không có lý do chính đáng? Về bản chất, thừa nhận án lệ là thừa nhận thẩm quyền làm luật của Tòa án nhân dân tối cao. Hiện nay, các bộ, ngành đều muốn “làm luật” và sản phẩm như chúng ta đã biết, đều rất có lợi cho họ và mang nhiều thiệt hại đến xã hội, liệu Tòa án nhân dân tối cao đã vượt ra khỏi tầm đó để Quốc hội có thể tin tưởng giao cho trọng trách làm luật? Hơn nữa, việc trao thẩm quyền này cho Tòa án nhân dân tối cao thì cơ chế nào để Quốc hội có thể còn giữ được thẩm quyền làm luật theo hiến định?
 Án lệ không phải tự nhiên được hình thành mà nó cũng phải xây dựng trên những cơ sở lý thuyết vững chắc, chẳng hạn xuất phát từ những học thuyết pháp lý mà hệ thống pháp luật quốc gia đang theo đuổi và thừa nhận. Ví dụ, việc theo đuổi hệ tư tưởng mác xít trong việc xây dựng pháp luật ở nước ta đòi hỏi việc hình thành các án lệ phải tuân thủ các tư tưởng của học thuyết này. Ngược lại, các học thuyết pháp lý cho dù là kinh điển nhưng đi trái các tư tưởng pháp lý mác xít liệu có được thừa nhận khi nó được Tòa án nhân dân tối cao công nhận là án lệ? và nó sẽ được lý giải như thế nào trước các cơ quan lập pháp?
Ở nước ta, việc chưa thể áp dụng án lệ cũng có cơ sở của nó. Theo cách thức tổ chức quyền lực hiện tại, Tòa án chỉ là một cơ quan phái sinh đối với Quốc hội; như vậy, về thẩm quyền để ra một bản án có cơ sở áp dụng lâu dài (án lệ) có lẽ là điều thiếu thực tế vì thẩm quyền ban hành luật và thẩm quyền phê chuẩn các điều ước quốc tế đều nằm trong tay Quốc hội; do đó, việc sáng tạo luật chắc cũng khó có cơ chế dành cho Tòa án. Bên cạnh đó, trong thực tiễn xét xử ở nước ta từ trước đến nay cũng chưa thấy viện dẫn được những trường hợp cụ thể về việc thiếu quy phạm pháp luật điều chỉnh hoặc xung đột pháp luật để làm cơ sở chính đáng cho việc ra đời một bản án lệ.
 Mọi sự việc không phải nhất thành bất biến mà nó luôn vận động. Án lệ cũng vậy, khi lỗ hổng pháp luật được các cơ quan lập pháp “lấp đầy” hoặc “vá” nó bằng các quy định pháp luật mới thì án lệ không được áp dụng nữa, mà nó phải được áp dụng bằng pháp luật thực định. Do đó, điều kiện tồn tại án lệ cũng phải là những khoảng thời gian hạn chế và đâu là cơ chế hữu hiệu để xóa bỏ sự tồn tại của một án lệ? Đó là những câu hỏi chưa thể tìm được câu trả lời thỏa đáng đối với thực tiễn đời sống pháp lý hiện nay. Vì vậy, vấn đề cơ bản là phải làm rõ cơ sở thỏa đáng cho việc tồn tại án lệ ở nước ta hiện nay.
3.2. Về án mẫu
Việc cổ động cho những bản án áp dụng chung như án mẫu đã trình bày trên, mặc dù đạt được tính thống nhất cao trong hoạt động xét xử, nhưng hạn chế của những bản án này cũng không phải là nhỏ. Việc cân nhắc giữa lợi và hại, chắc các học giả cũng như các nhà lý thuyết và thực tiễn nước ta đã xem xét khá kỹ lưỡng. Và cũng khó có thể đi qua được một số hạn chế, như:
Thứ nhất, làm mất đi tính độc lập của các thẩm phán và hội đồng xét xử trong hoạt động xét xử. Đồng thời, việc quá coi trọng án mẫu sẽ biến các thẩm phán thành những cỗ máy xét xử chứ không phải là hiện thân của công lý và làm mất khả năng cảm nhận công lý từ phía chính những thẩm phán.
Thứ hai, nó làm tăng sự lệ thuộc của Tòa án cấp dưới vào Tòa án nhân dân tối cao, làm mất tính năng động của hệ thống tư pháp vì việc luôn phải trông chờ, cập nhật những phán quyết mới của Tòa án nhân dân tối cao trong các vụ việc cũng làm giảm sự chủ động của hệ thống tư pháp.
Thứ ba, việc đề cao các án mẫu thực chất lại làm mất đi sự hiện thân của xã hội, làm tăng tính máy móc trong các bản án. Việc đánh giá, xem xét công lý của mỗi vụ án không được quyết định bởi các thẩm phán khác nhau và các trình độ khác nhau. Và nếu chúng ta hệ thống hóa thành công toàn bộ các quy phạm pháp luật thực định thành những bản án mẫu, có lẽ nên thay thế đội ngũ thẩm phán hiện tại bằng đội ngũ những công chức văn thư lưu trữ để họ có thể dễ dàng tìm kiếm được hệ thống các bản án mẫu trong kho tư liệu thư viện của Tòa án nhân dân tối cao để làm căn cứ pháp lý áp dụng cho những vụ án đã được mẫu hóa.


(1) Xem: Vi Trần – Thanh Tùng, Án lệ, những điều chưa biết, http://phapluattp.vn/20100926111929467p0c1063/an-le-nhung-dieu-chua-biet.htm
(2) Montesquieu, Bàn về tinh thần pháp luật, Hoàng Thanh Đạm dịch, Nxb. Lý luận chính trị, H., 2004, tr. 106.

Nguồn: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét