Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

THUẬT NGỮ CHỨNG KHOÁN

Bản cáo bạch - Prospectus:

Khi phát hành chứng khoán ra công chúng, công ty phát hành phải công bố cho người mua chứng khoán những thông tin về bản thân công ty, nêu rõ những cam kết của công ty và những quyền lợi của người mua chứng khoán... để trên cơ sở đó người đầu tư có thể ra quyết định đầu tư hay không. Tài liệu phục vụ cho mục đích đó gọi là Bản cáo bạch hay Bản công bố thông tin.
Bản cáo bạch chính là một lời mời hay chào bán để công chúng đầu tư đăng ký hoặc mua chứng khoán của công ty phát hành. Bản cáo bạch bao gồm mọi thông tin liên quan đến đợt phát hành, do đó thông tin đưa ra coi như là một điều kiện thực hiện lời chào bán đó. Thông thường một công ty muốn phát hành chứng khoán phải lập Bản cáo bạch để Ủy ban chứng khoán Nhà nước xem xét, gọi là Bản cáo bạch sơ bộ. Khi đã được chấp thuận bản sơ bộ sẽ được coi là Bản chính thức.
Đối với nhà đầu tư, bản cáo bạch là một tài liệu rất quan trọng, là phương tiện giúp họ đánh giá mức độ sinh lời và triển vọng của công ty trước khi ra quyết định có đầu tư hay không, vì một quyết định thiếu thông tin có thể khiến các nhà đầu tư phải trả giá đắt.
Bản cáo bạch thường có các nội dung chính như: tóm tắt bản cáo bạch, các nhân tố rủi ro, các khái niệm, các chứng khoán phát hành, các đối tác liên quan đến đợt phát hành, tình hình và đặc điểm của tổ chức phát hành và phụ lục. Trong đó thông tin quan trọng nhất của bản cáo bạch là thông tin tài chính: trong quá khứ và trong tương lai.
Thông tin tài chính trong quá khứ là các bản báo cáo tài chính đã được kiểm toán đồng thời có phần thuyết minh và phân tích hoạt động thường là trong 2 năm trước. Dựa vào thông tin này, thông tin tài chính trong tương lai là những kế hoạch dự tính về doanh thu, lợi nhuận, cổ tức...trong năm tới. Qua đó người đầu tư sẽ hình dung được mức lợi nhuận mình có.  


Bán cổ phần khơi mào - Equity carve out
Hoạt động bán cổ phần khơi mào, còn gọi là chia tách một phần, xảy ra khi công ty mẹ tiến hành bán ra công chúng lần đầu một lượng nhỏ (dưới 20%) cổ phần của công ty con mà nó nắm hoàn toàn quyền sở hữu.
Thương vụ này không chỉ cho phép công ty mẹ huy động được lượng vốn cần thiết mà còn giúp họ giữ lại quyền kiểm soát với công ty con. Thông thường, sau khi bán bớt một phần nhỏ cổ phần của công ty con ra công chúng, công ty mẹ sẽ bán nốt số còn lại vào một thời điểm sau đó.
Việc bán khơi mào một lượng cổ phần nhỏ có thể coi là bước khởi đầu cho quá trình chia tách công ty. Các tập đoàn đa ngành khi phát triển đến một mức độ nhất định, hoặc trong những điều kiện kinh tế không thuận lợi có xu hướng sắp xếp lại (streamline) hoạt động của họ cho hợp lý hơn. Một trong các lựa chọn là bán bớt những công ty con phát triển không tốt lắm hoặc ít liên quan đến lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của công ty, thông qua việc phát hành cổ phiếu công ty ra thị trường chứng khoán.
Thông thường, các công ty thường không bán hết ngay 100% số cổ phần của công ty con này ngay sau khi phát hành mà chỉ bán khơi mào một số lượng nhỏ vì một số lý do sau: trước khi phát hành cổ phiếu ra thị trường, các công ty con này thường thuộc quyền sở hữu 100% của công ty mẹ, và ít được thị trường biết đến.
Việc bán khơi mào một lượng nhỏ cổ phần ra thị trường chứng khoán giúp công ty con này được các nhà đầu tư quan tâm hơn và nó có thể giúp giá cổ phiếu tăng dần lên sau một thời gian. Như cách một nhà phân tích nói là nó giúp " khai phá giá trị tiềm ẩn của những công ty con", hay đó thực chất là quá trình công ty mẹ tiếp thị cho cổ phiếu trước khi bán nó.
Tuy nhiên, không phải mọi cổ phiếu sau khi bán khơi mào đều được bán hết sau đó. Nếu công ty mẹ công bố rõ ràng ý định bán hoàn toàn cổ phần của công ty con trong tương lai thì giá cổ phiếu mới tăng, trường hợp ngược lại cổ phiếu của công ty con này thường không hấp dẫn nhà đầu tư bằng.

Bán khống - Short Sales
Trong tài chính, Short sales hay Short selling hoặc Shorting là một nghiệp vụ trên thị trường tài chính được thực hiện nhằm mục đích lợi nhuận thông qua giá chứng khoán giảm.

Trên thực tế hầu hết các nhà đầu tư đều nhằm vào việc mua chứng khoán để chờ giá tăng lên trong tương lai, nhưng những người kinh doanh nhờ vào giá chứng khoán giảm (short-seller) lại kiếm lợi nhuận nhờ vào việc giá cổ phiếu trong tương lai giảm xuống.

Ví dụ: Giả sử công ty XYZ bán cổ phiếu với giá 100.000VNĐ/cổ phiếu. Một người kinh doanh bằng hình thức này sẽ đi vay 100 cổ phiếu của công ty XYZ và bán đi ngay lập tức để thu về 10.000.000VNĐ. Nếu giá cổ phiếu của công ty XYZ giảm xuống chỉ còn 80.000VNĐ/cổ phiếu thì anh ta chỉ phải bỏ ra 8.000.000VNĐ để mua lại 100 cổ phiếu và trả cho công ty XYZ như ban đầu. Như vậy anh ta lãi 2.000.000VNĐ.

Mặc dù anh ta sẽ phải trả ra một khoản nào đó có thể là lãi do đã vay 100 cổ phiếu của công ty XYZ nhưng anh ta sẽ vẫn có lãi, mặc dù anh ta thậm chí không có cả tiền đầu tư ban đầu.

Cách làm này nghe có vẻ đơn giản nhưng cũng vẫn có rủi ro. Khi giá tăng lên, ví dụ 125.000VNĐ/cổ phiếu thì anh ta phải bỏ ra 12.500.000VNĐ để mua lại được 100 cổ phiếu ban đầu để trả lại cho công ty XYZ như vậy anh ta sẽ lỗ 2.500.000VNĐ.

Nghiệp vụ kiếm lợi thông qua giá cổ phiếu giảm đã được bắt nguồn ít nhất từ thế kỉ thứ 18 ở Anh. Những người thực hiện mua bán cổ phiếu kiếm lãi thông qua giá cổ phiếu xuống thấp thường bị nghi ngờ là làm giàu thông qua việc nghèo đi của người khác (vì số những người này rất ít, nhưng nếu giá cổ phiếu giảm xuống thì rất nhiều người đầu tư vào chứng khoán sẽ bị thua lỗ, thậm chí phá sản). Tuy nhiên các nghiên cứu đều kết luận rằng Short-selling đã có đóng góp quan trọng trong việc tạo nên tính hiệu quả của thị trường tài chính.

Nghiệp vụ mua bán khống tại thị trường chứng khoán Việt Nam được một số công ty chứng khoán cung cấp, tuy nhiên vẫn chưa được phổ biến.

Bạn cũng nên đề phòng nhân viên công ty chứng khoán "mượn" cổ phiếu của bạn để bán khống. Nhiều nhà đầu tư đã bị thiệt hại do bị "mượn" mà không xin phép như vậy. Mặc dù đây là một hành vi bất hợp pháp, nhưng rất khó truy cứu trách nhiệm. Vì vậy cách tốt nhất là bạn nên thường xuyên kiểm tra tài khoản của mình.

Bán tháo - Bailing out
Bailing out- bán tháo- chỉ việc bán nhanh bán gấp một chứng khoán hay một loại hàng hóa nào đó bất chấp giá cả, có thể bán với mức giá thấp hơn rất nhiều so với khi mua vào, như một biện pháp cứu vãn thua lỗ hơn nữa khi chứng khoán hay mặt hàng này đang theo chiều rớt giá trên thị trường. Với thị trường chứng khoán, mọi thông tin đều là tài nguyên quí giá, thì chỉ cần một tín hiệu "không lành" đã có thể gây lên hiện tượng bán tháo.

Ta có thể xem một ví dụ, bắt đầu từ thông tin đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng: Tổng Công ty Bảo Minh có khả năng bị phong toả tài khoản do chậm chi trả bảo hiểm đối với Công ty Hoàng Long trong vụ cháy nhà máy sản xuất mì ăn liền nhãn hiệu "Rồng Vàng". Mà trên thực tế việc chi trả tiền bảo hiểm cho Công ty Hoàng Long vẫn chưa được thực hiện là do yêu cầu của nhiều cơ quan chức năng liên quan chứ không phải Bảo Minh cố tình không thực hiện. Chịu ảnh hưởng của những thông tin bất lợi, cổ phiếu Bảo Minh trên sàn Hà Nội nhiều phiên liên tiếp bị bán tháo giá sàn với khối lượng lớn.

Ngoài ra thuật ngữ "Bailing out" còn mang nghĩa "cứu trợ", trợ giúp khẩn cấp cho các định chế tài chính gặp khó khăn, đặc biệt sự trợ giúp của các cơ quan quyền lực đối với các ngân hàng thương mại. Khi một Ngân hàng thương mại đứng trên bờ vực phá sản do có hiện tượng cùng một lúc khách hàng đến đòi rút tiền, Ngân hàng Trung Ương sẽ có hai cách để "bail out": một là dùng uy tín của mình để trấn an khách hàng và xin hoãn lại việc rút tiền; hai là cho ngân hàng thương mại vay tiền để giải quyết một số khoản nợ lớn, và từ đó gây lại lòng tin đối với khách hàng. Hiện nay các tổ chức quốc tế như IMF hay WB cũng cho các ngân hàng các nước thành viên vay như một hình thức "bailing out".    

Báo cáo tài chính - Financial statement
Báo cáo tài chính là các bản ghi chính thức về tình hình các hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp.

Các báo cáo tài chính cung cấp một cái nhìn tổng thể về điều kiện tài chính của doanh nghiệp trong cả ngắn hạn và dài hạn. Có 4 loại báo cáo tài chính cơ bản.
  1. Bảng cân đối kế toán: Báo cáo về tài sản và nợ của công ty trong một thời điểm xác định.
  2. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: còn gọi là Báo cáo lợi nhuận và lỗ, phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong một thời kì.
  3. Báo cáo lợi nhuận giữ lại: Giải thích các thay đổi trong lợi nhuận giữ lại trong một thời kì.
  4. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Báo cáo về các hoạt động dòng tiền của một công ty, đặc biệt là các hoạt dộng đầu tư, cấp vốn...
Đối với các công ty lớn, những báo cáo này thường phức tạp và có thể gồm cả Thuyết minh báo cáo tài chính (Notes to the financial statements) và các thảo luận và phân tích của đội ngũ quản lí. Thuyết minh thường mô tả các khoản mục thên Bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhập và báo cáo lưu chuyển tiền tệ một cách chi tiết hơn. Thuyết minh báo cáo tài chính được coi là một phần không thể thiếu của các báo cáo tài chính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét