Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Hủy niêm yết: Ai lợi?

Doanh nghiệp thì lợi nhưng cổ đông thiểu số bị đặt trên “đống lửa”.
Nhóm nhà đầu tư dài hạn trên sàn BSC (Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) gần đây bỗng tá hỏa khi được nhận được thông tin những mã cổ phiếu mình sở hữu đang chuẩn bị hủy niêm yết. Lý do các công ty niêm yết xin ý kiến cổ đông hủy niêm yết là để bảo vệ nhà đầu tư (tránh không để giá cổ phiếu xuống thấp hơn nữa), cũng như để bảo vệ doanh nghiệp khỏi bị thâu tóm.
Không biết việc doanh nghiệp hủy niêm yết có lợi gì hay không nhưng chỉ biết rằng kể từ khi xuất hiện thông tin này, nhiều nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa vì đặt lệnh bán cổ phiếu chưa được trong khi cổ phiếu mỗi ngày một xuống giá.
Sức ép từ thị trường
Gần đây, ngoài một số công ty bị bắt buộc hủy niêm yết do sai phạm và không đáp ứng được điều kiện niêm yết như DVD, VTA, FPC, nhiều doanh nghiệp khác lại tự nguyện xin hủy niêm yết như SQC, SGT, TBC, CSG, TRI, V11, S27.
Theo ông Nguyễn Băng Tâm, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Các công ty niêm yết, tính đến hết quý III/2011, có khoảng hơn 50 công ty niêm yết trên cả 2 sàn HNX và HoSE công bố lỗ. Trong đó, ngành bất động sản và xây dựng có khoảng 13 doanh nghiệp, ngành chứng khoán có khoảng 18 doanh nghiệp công bố lỗ với tổng số tiền lên tới khoảng 1.350 tỉ đồng.
Ngoài việc phải đối mặt với khó khăn chung của nền kinh tế, các công ty niêm yết còn bị ảnh hưởng nặng nề vì thị trường chứng khoán giảm mạnh. Hiện nay, trong tổng số 700 công ty niêm yết, có tới hơn 400 công ty có giá cổ phiếu thấp hơn mệnh giá. Nhiều cổ phiếu đang được giao dịch với mức chỉ 2.000-3.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí, có trường hợp giảm xuống còn 600 đồng/cổ phiếu như cổ phiếu VKP của Công ty Nhựa Tân Hóa. Trong khi đó, giá trị sổ sách của hơn 90% công ty này lại cao hơn mệnh giá. Điều này dẫn đến tình trạng là nếu doanh nghiệp muốn phát hành cổ phiếu với mức giá ngang bằng mệnh giá thì không thể nào thực hiện được.
Sự ảm đạm kéo dài đã khiến cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư đều mất lòng tin. Thị trường chứng khoán không những không phát huy được vai trò là kênh huy động vốn mà ngược lại còn gây áp lực cho doanh nghiệp phát hành cổ phiếu. Nguy cơ bị thâu tóm cũng gia tăng. Do vậy, việc một số doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch rời sàn khi những mục đích trên không còn được đảm bảo là điều có thể hiểu được.
Có bảo vệ được nhà đầu tư?
Mục đích của hầu hết doanh nghiệp khi niêm yết cổ phiếu là tạo thanh khoản cho cổ phiếu, tăng khả năng huy động vốn, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp đến nhà đầu tư, đối tác. Nhà đầu tư khi mua cổ phiếu niêm yết, ngoài việc để hưởng cổ tức, kỳ vọng giá tăng, còn vì tính thanh khoản cao của nó (tức có thể dễ dàng bán ra khi cần tiền).
Việc hủy niêm yết sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi nguy cơ bị thâu tóm, sáp nhập. Tuy nhiên, điều này cũng có thể làm suy giảm hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư, bạn hàng và đối tác. Doanh nghiệp sau đó sẽ trở thành công ty đại chúng giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC) trong khi thị trường này hầu như đóng băng. Vì thế, cổ đông sẽ khó bán được cổ phiếu, còn doanh nghiệp cũng tắc đường huy động vốn.
Nếu doanh nghiệp hủy niêm yết, cổ đông nhỏ sẽ bị thiệt thòi nhiều nhất, vì họ chỉ còn có thể ngồi chờ hưởng cổ tức hằng năm. Trong khi đó, giá cổ phiếu sẽ có thể còn giảm hơn nữa do tâm lý nhà đầu tư luôn lựa chọn cổ phiếu trên sàn niêm yết.
Việc hủy niêm yết của một số doanh nghiệp gần đây sẽ gây xáo trộn tạm thời trên thị trường, tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và các doanh nghiệp niêm yết khác. Tuy nhiên, ông Tâm, Câu lạc bộ Các công ty niêm yết, lại cho rằng cần có sự xáo trộn này vì đó là liều thuốc giúp thanh lọc và kiện toàn thị trường. Bài toán đặt ra là làm sao để có thể đảm bảo lợi ích của nhóm cổ đông thiểu số. Tuy nhiên, lợi ích riêng cần được phối hợp hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp và thị trường. Do đó, các cơ quan quản lý nên xem xét thiết lập một quy chế để nhà đầu tư thiểu số có thể chủ động trong việc ra quyết định không những đối với việc hủy niêm yết, mà còn đối với cả những vấn đề quan trọng khác của doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần đưa ra lộ trình và mục tiêu cụ thể ở từng chặng đường để có thể chủ động buộc các doanh nghiệp yếu, kém phải rời khỏi sàn. Đồng thời, siết chặt các quy định niêm yết và tăng cường việc thực thi tính kỷ luật đối với các sai phạm, tiến đến nâng cao vai trò của thị trường chứng khoán là một kênh huy động vốn dài hạn. Các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường giám sát thị trường, trước, trong và sau khi doanh nghiệp niêm yết, tránh gây hoang mang cho nhà đầu tư như thời gian vừa qua.
Về phía doanh nghiệp, một khi đã xây dựng được một chiến lược phát triển dài hạn thì việc niêm yết là điều cần được xem xét. Không nên coi thị trường chứng khoán là một cuộc chơi, hay thì đến mà dở thì lại đi.

Nguồn: Nhịp cầu đầu tư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét