Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Dạy luật không chỉ là truyền đạt

Đào tạo luật hiện nay là một thị trường đa dạng và chất lượng không đồng đều. Giới chuyên gia luật đánh giá không cao về hệ thống đào tạo ngành luật: thiếu thực tiễn, thiếu kỹ năng, sinh viên ra trường phải “đào tạo lại”. Trước nhu cầu của người học, “buộc” nhà trường có trách nhiệm dạy cho người học có khả năng hiểu biết, xử lý tình huống và uốn nắn hành vi của con người
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho PGS.TS Mai Hồng Quỳ và TS Vũ Văn Nhiêm
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho PGS.TS Mai Hồng Quỳ và TS Vũ Văn Nhiêm
Cạnh tranh trong đào tạo luật
Để đạt được mục tiêu đó, nhà trường phải nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút người học - TS. Trần Hoàng Hải, trường Đại học Luật TP.HCM trình bày tại Hội nghị Khoa học, nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập trường Đại học Luật TP.HCM. 
Kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Luật TP.HCM cho thấy chất lượng sinh viên ngày càng được nâng lên, tỷ lệ sinh viên có việc làm và việc làm tốt ngay sau khi tốt nghiệp ngày càng cao, có thể tới trên 90%. Còn trong lĩnh vực pháp luật, Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp xây dựng chiến lược về phát triển nhanh và bền vững đội ngũ luật sư Việt Nam phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế. Dự kiến đến năm 2010 chúng ta có 8.000 luật sư, năm 2020 có 18.000-20.000 luật sư. Con số này cũng dần phát triển theo thị trường. Nếu các cá nhân và doanh nghiệp nhận thức đầy đủ sử dụng dịch vụ luật sư, chắc chắn thị trường ngành nghề này sẽ hút mạnh hơn nữa.
ThS. Trần Kim Liễu – trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng: Chất lượng đầu vào có ảnh hưởng nhất định đến quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra. Nếu người học có điểm khởi đầu thấp, thì họ sẽ phải tăng nỗ lực của bản thân trong suốt chương trình học tập; hoặc phải kéo dài thời gian học tập cho đến khi được tốt nghiệp và nhà trường phải có nhiều giải pháp để đào tạo những sinh viên có đầu vào thấp để có được một sản phẩm chất lượng cao. Mở rộng đầu vào là một cách để dễ dàng có người học, nhưng lại tạo ra áp lực lớn về đầu ra cho nhà trường. Nếu nâng cao chất lượng đầu vào thì trường phải đối mặt với thực tế là tỷ lệ người học sẽ ít hơn, nhưng quá trình đào tạo sẽ giảm sức ép trong việc đạt được sản phẩm chất lượng cao.
Làm quen với thực tế
TS Hải cho rằng, giải pháp phù hợp nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh là Nhà trường phải đảm bảo mục tiêu đại chúng hóa của hệ thống nguồn nhân lực. Theo đó, các hình thức học tập cần được đa dạng để mọi người có điều kiện được học ở trình độ cao nhất có thể và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Để giải quyết mối quan hệ giữa chất lượng và số lượng, đôi khi cũng phải có sự hài hoà giữa hai yếu tố này do yêu cầu của thị trường lao động và cần phải gắn hiệu quả với chất lượng. Không nhất thiết chúng ta phải có một chất lượng đầu vào tốt nhất mà vấn đề là tính hiệu quả, tính thích hợp của chất lượng đầu ra. Điều quan trọng là tỷ lệ những sinh viên ra trường có việc làm ngay và việc làm tốt phải rất cao.
Cũng theo TS. Trần Hoàng Hải: việc đổi mới phương pháp dạy và học là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Bên cạnh việc áp dụng hiệu quả các phương pháp giảng dạy truyền thống, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy thì định hướng xây dựng phương pháp dạy – học đặc thù cho ngành luật là rất cần thiết.
Phương pháp Socratic (phương pháp hùng biện) và phương pháp dạy học theo vấn đề (case study trong hệ thống đào tạo của Mỹ hoặc PBL - trong hệ thống đào tạo của Châu Âu) là 2 phương pháp cần được tập trung phát triển trong thời gian tới. Việc giáo dục pháp luật là nhằm đào tạo ra những người không chỉ biết luật, hiểu luật mà còn biết giải quyết các công việc đa dạng và phức tạp trong thực tế. Dạy luật không phải chỉ là truyền đạt những kiến thức thuộc lòng về nội dung của các đạo luật mà nhắm đến việc đào tạo ra những luật sư có khả năng thắng kiện, cần dạy cho các sinh viên mọi kĩ năng cần thiết để thắng kiện hơn là dạy luật; dạy cho sinh viên kiến thức và kỹ năng phù hợp với tình hình phức tạp và luôn thay đổi của xã hội.
Được biết, phương pháp Socratic trong trình bày các vấn đề pháp lý và việc sử dụng hệ thống tình huống có vị trí rất quan trọng, đòi hỏi lớp học năng động với sự trao đổi các ý kiến, các câu hỏi và câu trả lời giữa các sinh viên và sinh viên phải tham gia tích cực. Với cách học này, sinh viên vừa tự trau dồi được kiến thức pháp lý, kĩ năng làm việc lại vừa tạo cho bản thân khả năng lập luận, khả năng thuyết phục, tạo tiền đề cho công việc sau này của chính họ. Nhà trường cần dành sự đầu tư cần thiết cho việc thiết lập các phiên tòa giả định, bên cạnh đó, sinh viên cần được tham gia kiến tập tại các phiên tòa thực tế để làm quen với công việc ngay từ khi còn là sinh viên.

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét