Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

Hết xử sai, Tòa lại vi phạm tố tụng

Bác yêu cầu của đương sự không có căn cứ, hai bản án của cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều bị hủy. Khi thụ lý giải quyết từ đầu, Tòa lại… lúng túng.
 
Hai cấp đều sai
Nhà đất tại 75B (gồm lô A và lô D) Nguyễn Khuyến, Hà Nội vốn là tài sản của  vợ chồng cụ Lưu Như Kim và Nguyễn Thị Xuân, lần lượt mất vào các năm 1975 và 1999 nhưng chỉ có cụ Xuân để lại di chúc với nội dung là “tất cả tài sản của cụ trong khối di sản chung của vợ chồng cho ông Lưu Quốc Việt (1 trong 3 người con của hai cụ). Vì thế, phần di sản của cụ Kim là tài sản thừa kế của cả ba người con của hai cụ.
Năm 2004, ông Việt khởi kiện chia thừa kế di sản của bố mẹ. Tuy nhiên, vụ kiện này lại “vướng” ở chỗ, năm 1992, anh trai ông Việt là ông Lưu Như Hải đã bán 1 phần di sản cho vợ chồng ông Ngô Văn Khoa. Ông Khoa đã được UBND TP Hà Nội còn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dù việc mua bán là trái pháp luật, vì ông Hải không có quyền bán tài sản.
Vì vậy, ngoài việc đề nghị chia thừa kế, ông Việt còn yêu cầu Toà huỷ hợp đồng mua bán nhà đất giữa anh trai mình với vợ chồng anh Khoa; Sau đó, gom toàn bộ di sản vào khối tài sản chung để tiến hành chia thừa kế theo quy định.
Nhưng có lẽ bị bó buộc bởi ông Hải và ông Khoa đã “trót” mua bán nhà đất với nhau nên HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm đều không huỷ bỏ hợp đồng mua bán trái pháp luật. HĐXX cho rằng, cụ Kim có  một nửa tài sản trong khối tài sản chung và gán luôn phần tài sản này là nhà lô A, nhà 75B Nguyễn Khuyến.
Theo Tòa, do hết thời hiệu khởi kiện thừa kế nên yêu cầu của ông Hải về chia thừa kế và hủy hợp đồng không được xem xét.Với nhận định này, mặc nhiên Tòa công nhận việc ông Hải được sử hữu và được bán nhà lô A của khối tài sản trên. Án phúc thẩm cũng đồng tình với phán quyết này.
Tách vụ án là vi phạm tố tụng?
Tuy nhiên, phán quyết trên đã bị TANDTC huỷ bỏ với lý do toà sơ thẩm và phúc thấm giải quyết yêu cầu của đương sự như trên là không chính xác, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đương sự.
Theo TANDTC, không thể mặc nhiên thừa nhận nhà lô A là tải sản của cụ Kim mà phải xác định chính xác là vì hai vợ chồng cụ Kim không phân chia nhà đất, không có chứng cứ thể hiện nhà lô A của cụ Kim cũng như đất lô C của cụ Xuân. Giá trị nhà lô A dù có tương đương với phần di sản của cụ Kim chăng nữa thì cũng không có nghĩa phần nhà đó là của cụ Kim.
Vì vậy, khi xử giám đốc thẩm, TANDTC đã huỷ án sơ thẩm, phúc thẩm giao vụ án về xét xử sơ thẩm lại theo hướng trước khi phân chia thừa kế di sản của cụ Xuân, phải phân chia di sản của vợ chồng cụ Xuân, cụ Kim từng phần nhà lô A và lô D; phần của cụ Kim đã cho vợ và các con, phần di sản của cụ Xuân được phân chia theo di chúc.
 Đối với yêu cầu của ông Việt xin huỷ hợp đồng mua bán nhà, Toà án cấp sơ thẩm cần phải xác minh, thu thập các chứng cứ về việc ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán nhà có hợp pháp hay không; đồng thời cần phải xem xét về quyền lợi của ông Hải, ông Việt trong căn nhà lô A, nhu cầu sử dụng nhà đất của các đương sự cũng như ý nguyện của cụ Kim và cụ Xuân giao căn nhà đó cho ông Hải hay cho ông Việt.
Theo nội dung trên, tranh chấp quan hệ chia thừa sẽ phải giải quyết song song với tranh chấp quan hệ huỷ hợp đồng mua bán nhà. Nhưng khi thụ lý lại vụ án này, TAND quận Đống Đa đã tách vụ kiện này thành 2 vụ án riêng biệt. Từ đó, Toà ra tiếp quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự chia thừa kế vì lý do là đợi kết quả vụ án dân sự về yêu cầu huỷ hợp đồng mua bán nhà. Với cách giải quyết án như thế này thì vụ án sẽ không có ngày kết thúc.
Tuy nhiên, khi đương sự khiếu nại quyết liệt, TAND quận Đống Đa lại có quyết định nhập vụ án để giải quyết tiếp vụ chia thừa kế nhưng rồi treo hơn 1 năm nay không chịu xử. Với sự phức tạp của vụ án, xem ra Tòa cũng… bí.
Đây là vụ án điển hình cho sự phức tạp của các án dân sự. Với các yêu cầu của đương sự như trên, cần phải xử như thế nào mới đúng pháp luật. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Chu Mạnh Cường về vấn đề này.
Thưa Luật sư, lần xử đầu tiên, các cấp tòa đều cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện chưa thừa kế nên bác yêu cầu của đương sự. Tại sao TANDTC lại không đồng ý với quan điểm này?
 
- Thời hiệu khởi kiện thừa kế được tính là 10 năm kể từ ngày người để lại di sản mất. Nếu hai vợ chồng để lại di sản thì có thể căn cứ vào ngày mất của người mất sau để xác định thời hiệu. Cụ Xuân mất năm 1999 thì năm 2004 vẫn còn thời hiệu khởi kiện chia thừa kế của cụ Xuân, nên cấp sơ thẩm xác định hết thời hiệu khởi kiện là không đúng.
Năm 2004, pháp luật chưa quy định về thời hiệu khởi kiện các vụ án dân sự nên chỉ căn cứ và quy định về thời hiệu chia thừa kế để khởi kiện. Như thế, việc đương sự khởi kiện vẫn đảm bảo yêu cầu về thời hiệu.
Trong một vụ án mà đương sự có yêu cầu “kép” như vụ án này, Tòa án tách ra thành 2 vụ án có đúng không, thưa ông?
- Trong một vụ án, đương sự có quyền đưa ra một hoặc nhiều yêu cầu để tòa án giải quyết. Việc tách vụ án phải căn cứ vào tính chất của yêu cầu chứ không căn cứ vào số lượng yêu cầu. Hai yêu cầu của đương sự có quan hệ chặt chẽ với nhau, cùng liên quan đến một đối tượng là tài sản thừa kế. Tòa có thể phán quyết trong một bản án. Như thế mới đảm bảo tính khả thi của bản án.
Hơn nữa, nếu Tòa tách yêu cầu hủy hợp đồng và yêu cầu chia tài sản thành 2 vụ án để giải quyết thì sẽ gây khó khăn cho người dân và không đảm bảo quyết đúng pháp luật được. Chỉ có 1 vụ án đã kéo dài 7 năm chưa xong. Nếu là 2 vụ án thì có thể phải cần đến 2 thập kỷ thì việc chia thừa kế chắc mới xong. Nếu tách vụ án như trên là vi phạm quy định của pháp luật về tách vụ án.
                                                                                                Xin cảm ơn ông!
Bình Minh (thực hiện)

Nguồn: Báo pháp luật Việt nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét