Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

MỐI QUAN HỆ GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ CHÍNH QUYỀN

“Quan hệ thiện” – “quan hệ ác”
Trong kinh doanh, ngoài các mối quan hệ với khách hàng, với cổ đông, với người lao động…, doanh nghiệp còn có một mối quan hệ rất quan trọng với chính quyền các cấp. Nếu chủ một quán phở chỉ cần quan hệ với cán bộ thuế, công an khu vực là đủ, thì đối với một công ty bất động sản, để lập dự án, phải xây dựng mối quan hệ với rất nhiều cơ quan, ban ngành. Doanh nghiệp càng lớn, mối quan hệ với chính quyền càng rộng.
Doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề thì càng có mối quan hệ phức tạp với nhiều ngành, nhiều cấp. Hiện nay, một số doanh nghiệp còn hình thành hẳn một bộ phận trực thuộc giám đốc hoặc hội đồng quản trị với chức năng duy nhất là quan hệ với chính quyền.
Với bối cảnh hiện tại của đất nước, khi mà luật pháp vẫn còn nhiều khiếm khuyết, cán bộ còn thiếu chuyên nghiệp, điều này cần được xem xét một cách thận trọng hơn là vội lên án như một số ý kiến hiện nay.
Xét về mặt tích cực, mối quan hệ này giúp cho hai bên thực sự hiểu nhau, đặc biệt là khi luật pháp và các quy định chưa thể bao quát và điều chỉnh được tất cả các hành vi cũng như tất cả các ngóc ngách của hoạt động xã hội nói chung, hoạt động kinh tế nói riêng. Nhờ mối quan hệ này, doanh nghiệp có cơ hội chỉ ra những khiếm khuyết của chính sách qua quá trình thực thi. Cán bộ làm công tác quản lý nhà nước có điều kiện kiểm tra, giám sát và đề xuất để kịp thời điều chỉnh những lỗ hổng để công tác quản lý nhà nước ngày càng hoàn thiện. Tạm gọi đây là mối “quan hệ thiện”.
Mối quan hệ doanh nghiệp – chính quyền là một thực tế, không thể phủ nhận và không thể cấm hoặc xóa bỏ bằng mệnh lệnh hành chính. Để phòng ngừa sự lạm dụng của công chức trong khi xử lý công việc, hệ thống luật pháp liên quan đến công chức đã hình thành trên cơ sở của nền tảng tư duy “công chức chỉ được làm những gì luật cho phép”, còn người dân và doanh nghiệp “được quyền làm những gì luật không cấm”. Với nền tảng này, công chức không thể vượt quyền hạn của mình để duyệt cho doanh nghiệp điều gì nếu luật không cho phép.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy rằng mối quan hệ doanh nghiệp – chính quyền đã chuyển sang một giai đoạn mà doanh nghiệp (phối hợp cùng công chức) khai thác triệt để mối quan hệ này để tạo nên những lợi ích riêng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, tài chính… Các vụ án về đất đai tại quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn và nhiều tỉnh thành trong thời gian qua có liên quan đến những mối quan hệ ngầm đã cho thấy rõ hậu quả của việc sử dụng các mối quan hệ nhằm tạo lợi ích riêng. Nhiều doanh nghiệp khi đến làm việc tại một số cơ quan công quyền đã được giới thiệu đến các công ty tư vấn, mà thật ra đó là những đơn vị kinh doanh bằng mối quan hệ với các quan chức. Tạm gọi đây là mối quan hệ “ác”.
Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân ban đầu nhờ mối “quan hệ thiện” mà công việc trôi chảy. Sau đó họ đã dùng mối quan hệ đó như là một kiểu kiếm thêm và dần dần chuyển mối quan hệ đó thành “ác”.
“Thiện” có thắng “ác”?
Từ điểm xuất phát ban đầu với mục đích tốt đẹp, mối “quan hệ thiện” đã phát triển nhanh thành một kiểu kinh doanh với vốn ít, thậm chí không cần vốn mà vẫn có lãi lớn. Ngoài việc xuất phát từ sự tham lam, tư lợi của một số quan chức, doanh nhân, mối “quan hệ ác” đã được nuôi dưỡng thêm bởi các nhân tố như:
Sự thiếu nhất quán của hệ thống luật pháp.
Doanh nghiệp A khi lập thủ tục trả tiền sử dụng đất đã được cơ quan tài chính thông báo giá đất theo văn bản giá đất do tỉnh ban hành phân theo tuyến đường. Nhưng nhờ quan hệ tốt, doanh nghiệp đã được cán bộ địa chính tham mưu giá đất thấp hơn nhờ áp dụng giá theo loại đất. Điều này xuất phát từ việc trước đây một số địa phương còn dùng hai khung giá cho tuyến đường và cho loại đất, dẫn đến giá khác nhau, giúp doanh nghiệp được lợi hàng tỉ đồng nếu biết vận dụng, dĩ nhiên là nhờ mối quan hệ với công chức.
Cùng một vấn đề nhưng tỉnh này xử lý khác tỉnh kia; quận này xử lý khác quận nọ, thậm chí trong cùng một địa phương mà người lãnh đạo này xử lý khác những người lãnh đạo khác; mỗi cán bộ thực thi công vụ hiểu nội dung của các quy định cũng khác nhau. Do vậy, nếu có mối quan hệ với lãnh đạo sẽ được xử lý theo cách tốt nhất.
Sự thay đổi quá nhanh chóng của hệ thống chính sách.
Nhiều luật sư cho biết họ khó cập nhật kịp thời các chính sách, quy định của Chính phủ và chính quyền các cấp. Có luật sư khi tư vấn cho doanh nghiệp còn phải nêu thêm rằng điều này được giải quyết nhanh hay chậm còn tùy vào quan hệ của doanh nghiệp với chính quyền (!).
Theo trang web của Chính phủ, hàng năm, Quốc hội phải ban hành từ 20-30 luật, mỗi luật cần ít nhất hai nghị định, mỗi nghị định lại cần từ 2-3 thông tư và nhiều hướng dẫn để thực hiện, rồi các nghị định khác điều chỉnh, sửa đổi các vấn đề phát sinh và kèm theo đó là các thông tư, hướng dẫn… Đó là chưa kể văn bản, quy định của từng địa phương, từng ngành… Như vậy, cách tốt nhất vẫn là phải có quan hệ để thoát khỏi khu rừng văn bản ngày càng dày đặc này.
Một thiên la địa võng các thủ tục.
Điều này khiến không những doanh nghiệp mà chính các cán bộ công chức cũng gặp khó khăn khi thực thi, không thể nào nắm hết. Cùng một thủ tục, nếu có quan hệ sẽ mất vài tuần, vài ngày, còn không thì có thể mất đến vài tháng. Chẳng hạn ngành xây dựng, tuy đã có cải cách nhưng để hoàn tất thủ tục xây dựng dự án, khối lượng các văn bản, hồ sơ liên quan là rất lớn.
Nhiều cửa.
Phong trào một cửa một dấu rộ lên một thời gian ngắn hiện đã xẹp xuống và doanh nghiệp đang trở lại tình trạng phải chạy nhiều nơi cho một việc. Để lập một dự án xây dựng nhà ở chẳng hạn, doanh nghiệp phải đi qua rất nhiều cửa, từ phường lên quận rồi đến các sở tài nguyên môi trường, sở quy hoạch kiến trúc, tài chính, phòng cháy chữa cháy… Tại tất cả các cửa này, nếu không có quan hệ sẽ không thể nào đẩy nhanh công việc.
Sự thiếu minh bạch trong các chính sách, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, xây dựng.
Thiếu minh bạch nhất trong lĩnh vực đất đai là quy hoạch. Dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực xóa bỏ các dự án treo nhưng hiện tại vẫn còn không ít các khu đất còn quy hoạch treo, khiến người dân và doanh nghiệp có đất không thể làm gì với mảnh đất của mình nếu chẳng may nằm trong khu quy hoạch treo. Những khu đất được quy hoạch đó đều do các doanh nghiệp có quan hệ tốt với chính quyền tìm cách ghìm giữ dù bản thân họ không có khả năng triển khai.
Các tiêu chuẩn trong lĩnh vực nhà đất như mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu dân số, tầng cao… đều là những con số mà việc công bố cũng chỉ mang tính hình thức và đều có thể thay đổi tùy theo “quan hệ”.
Quản lý càng chặt càng tạo cơ hội cho những mối “quan hệ ác” phát triển.
Một sự thật đáng buồn tại nước ta là khi cơ quan quản lý đưa ra những quy định chặt chẽ lại là lúc những mối “quan hệ ác” có dịp phát triển. Ở đây ta không vơ đũa cả nắm. Dù sau đó được ngăn chặn, những “quan hệ ác” cũng đã hạ cánh an toàn.Sự kiểm soát lỏng lẻo, tình trạng thượng bất chính.Ở những địa phương, những ngành nào mà lãnh đạo cao nhất có sự kiểm soát chặt chẽ, nghiêm minh, trong sạch thì ở đó các mối “quan hệ ác” sẽ giảm. Theo quy định, địa phương nào, ngành nào để xảy ra tham nhũng thì lãnh đạo ngành đó, địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng trên thực tế, điều này đã không được thực thi nghiêm túc. Vì thế các mối “quan hệ ác” vẫn có cơ hội phát triển.
Tóm lại, chúng ta phải nhận ra rằng phát triển mối quan hệ doanh nghiệp – chính quyền theo hướng “thiện” sẽ giúp Chính phủ và chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước.
Việc triệt tiêu các “quan hệ ác” không những đòi hỏi một sự kiên trì mà còn đòi hỏi Chính phủ phải nâng cao sự minh bạch, điều mà nhiều chuyên gia, nhiều giới cả trong và ngoài nước đã lên tiếng từ nhiều năm qua nhưng việc thực thi còn thiếu quyết tâm. Do vậy, trước mắt “cái thiện” vẫn phải tiếp tục sống chung với “cái ác”, và doanh nghiệp vẫn thỉnh thoảng phải nhúng tay vào chàm để tồn tại và phát triển. Điều này nếu để lâu sẽ khiến cho môi trường kinh doanh bị “nhiễm bẩn” và các nhà đầu tư chỉ biết dùng “quan hệ thiện” sẽ rút lui dần!
Nguồn: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét