Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

Không để luật “gây khó dễ cho người dân”

Quyền tiếp cận thông tin đã được quy định trong Hiến pháp và nhiều văn bản qui phạm pháp luật. Nhưng thực tế, hầu hết các cơ quan công quyền đều đang rất “lúng túng” khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của người dân. Mà theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền dân chủ, quyền được thông tin của người dân càng cần thiết hơn.
Ngay từ khi manh nha dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, đa số các ý kiến đều đánh giá đây là một dự luật “nhạy cảm”, bởi phải giải quyết mâu thuẫn giữa quyền được tiếp cận thông tin của người dân với việc đảm bảo hoạt động của cơ quan, tổ chức có các thông tin liên quan.
Ngoài ra, những vấn đề còn tồn tại, chưa được giải quyết trong hệ thống pháp luật về công khai và bảo mật thông tin, trách nhiệm của cơ quan công khai thông tin, chủ thể của quyền tiếp cận thông tin, trình tự, thủ tục… và đặc biệt là cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, đã đặt ra nhiều yêu cầu đối với việc dự thảo Luật này.
Đến nay, dự thảo Luật Tiếp cận thông tin đã được chỉnh lý và theo TS.Hoàng Thị Ngân, Văn phòng Chính phủ, “nếu luật này được ban hành và tổ chức thực hiện tốt sẽ là bảo đảm quan trọng về mặt pháp lý để công dân sử dụng quyền hiến định của mình”.
Nhưng để làm được như vậy thì vẫn còn những vấn đề phải giải quyết trong dự thảo Luật. Một trong những nội dung được nhấn mạnh là phạm vi thông tin được cung cấp theo yêu cầu. Dự thảo Luật được xây dựng theo hướng tập trung vào các thông tin được cơ quan có thẩm quyền chủ động cung cấp. Song, phạm vi các thông tin cung cấp theo yêu cầu mà dự thảo đưa ra có phần chưa rõ.
Thông tin có thể được cung cấp rất đa dạng, nên để chặt chẽ cần đưa ra nguyên tắc: tiếp cận thông tin phải được thực hiện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và những thông tin được cung cấp theo yêu cầu “phải liên quan trực tiếp đến hoạt động, sản xuất, kinh doanh, đời sống của người yêu cầu”.
Từ đó cho thấy, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh để có thể cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin của người dân. Đồng thời, đảm bảo tính khả thi của Luật Tiếp cận thông tin sau khi ban hành bằng những cơ chế phù hợp và khả năng “dự đoán trước những tình huống có thể xảy ra để chủ động xử lý” là rất quan trọng.
Có như vậy khi thực hiện luật sẽ không bị “kẹt”, không biến một văn bản qui định về quyền của người dân lại “gây khó dễ cho người dân” như quan điểm của Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên phát biểu tại Hội thảo về Luật Tiếp cận thông tin do Bộ Tư pháp và Quỹ Châu Á tại Hà Nội tổ chức cuối tuần qua.

Nguồn: Báo pháp luật Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét