Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Nhiều quy định về đấu giá QSDĐ bất lợi cho người sử dụng

Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giao đất, cho thuê đất và nhiều vấn đề liên quan đến xử lý quyền sử dụng đất (QSDĐ) thông qua hình thức bán đấu giá (BĐG). Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định cần được làm rõ để bảo vệ tốt hơn các quyền của người SDĐ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Chẳng hạn, Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Danh sách những người đăng ký mua được công bố công khai tại nơi BĐG” không phù hợp với thực tiễn hoạt động BĐG tài sản vì quy định này đã tạo điều kiện cho những người tham gia đấu giá liên kết với nhau thông đồng dìm giá dẫn tới khó bán được tài sản với giá cao, kém hiệu quả, không ngăn ngừa được tiêu cực trong BĐG.

Hay điểm a khoản 3 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định việc bán tài sản đã kê biên đối với tài sản kê biên là động sản có giá trị từ trên 10 triệu đồng và bất động sản do tổ chức BĐG thực hiện theo quy định của pháp luật về BĐG tài sản.
Chấp hành viên BĐG tài sản kê biên trong các trường hợp mà tại tỉnh, TP. trực thuộc TƯ nơi có tài sản chưa có tổ chức BĐG hoặc có nhưng tổ chức BĐG từ chối ký hợp đồng dịch vụ BĐG tài sản. Quy định Chấp hành viên BĐG tài sản kê biên trong các trường hợp mà tại tỉnh, TP. trực thuộc TƯ nơi có tài sản chưa có tổ chức BĐG là không phù hợp với thực tiễn BĐG tài sản bởi hiện nay, Trung tâm dịch vụ BĐG tài sản đã được thành lập ở tất cả các tỉnh, TP. trực thuộc TƯ.
Ngoài ra, điểm e Điều 35 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP quy định Tổ chức phát triển quỹ đất có nhiệm vụ tổ chức thực hiện đấu giá QSDĐ theo quy định của pháp luật. Trong khi theo khoản 4 Điều 58 Luật Đất đai thì việc đấu giá QSDĐ lại được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá mà theo đó, Tổ chức phát triển quỹ đất hoặc cơ quan được UBND cấp có thẩm quyền giao xử lý việc BĐG QSDĐ phải ký hợp đồng BĐG tài sản với tổ chức BĐG chuyên nghiệp để thực hiện việc BĐG QSDĐ. Như vậy, điểm e Điều 35 Nghị định 69 không phù hợp với quy định của Luật Đất đai, quy định của pháp luật về BĐG tài sản.
Tất cả những quy định không phù hợp này đang được Bộ Tư pháp đề xuất bãi bỏ nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý đất đai, bảo vệ các quyền của người SDĐ. Bên cạnh đó, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Bốn kiến nghị Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên & Môi trường sớm ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thế nào là “QSDĐ có giá trị lớn, phức tạp”. 

Nguồn: Báo pháp luật Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét