Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ MỐI QUAN HỆ, TÁC ĐỘNG QUA LẠI GIỮA DỰ ÁN LUẬT HỘ TỊCH VỚI BỘ LUẬT DÂN SỰ, LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TỪ GÓC ĐỘ GIỚI VÀ NHỮNG KHUYẾN NGHỊ LỒNG GHÉP GIỚI CỤ THỂ TRONG DỰ ÁN LUẬT


I. Mối quan hệ, tác động qua lại giữa Dự án Luật Hộ tịch với Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình dưới góc độ giới
Dự án Luật Hộ tịch (dự án Luật) quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch nhằm xác nhận và ghi vào sổ hộ tịch những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết. Do đó, dự án Luật này có mối liên quan rất chặt chẽ tới Bộ luật Dân sự (BLDS), Luật Hôn nhân và gia đình (LHNGĐ), Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Cư trú, Luật Nuôi con nuôi…
Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu quan điểm chỉ đạo trong xây dựng dự án Luật là bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và đồng bộ, thống nhất với các đạo luật có liên quan đến lĩnh vực hộ tịch (như BLDS, LHNGĐ, Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Cư trú, Luật Nuôi con nuôi…). Về cơ bản, tôi tán thành với cách đặt vấn đề như đã nêu trong Tờ trình. Tuy nhiên, dưới góc độ giới, tôi cũng xin đưa ra một số ý kiến về mối quan hệ, tác động qua lại giữa dự án Luật với BLDS, LHNGĐ:
1. Mối tương quan trong hệ thống pháp luật
Khi xây dựng dự án Luật, Luật Hộ tịch thường được xác định như là luật hình thức (luật thủ tục) của BLDS, LHNGĐ và các luật nội dung khác có liên quan. Thực chất Luật Hộ tịch không đơn thuần là luật quy định về thủ tục mà còn là luật có liên quan trực tiếp đến công nhận và bảo đảm thực hiện các quyền con người nói chung, quyền của cá nhân nói riêng. Do đó, để phát huy tốt nhiệm vụ, vai trò của Luật Hộ tịch, cần xem xét mối quan hệ (ở cả góc độ giới) giữa dự án Luật với BLDS, LHNGĐ và các luật nội dung khác có liên quan trên hai phương diện: Luật Hộ tịch là luật hình thức, đồng thời là luật riêng của các luật nội dung. Tiếp cận như vậy, vừa đảm bảo xác định được rõ ràng, cụ thể phạm vi điều chỉnh của các luật, sự đồng bộ, thống nhất trong các quy định về quản lý nhà nước về hộ tịch (trên phương diện luật nội dung và luật hình thức), đồng thời đảm bảo được sự đồng bộ trong một thể thống nhất về quy định quyền và cơ chế bảo đảm công nhận, thực thi quyền của cá nhân (bao gồm bình đẳng giới), khắc phục được những bất cập, hạn chế trong quy định của các luật nội dung không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay (trên phương diện luật chung và luật riêng).[1]
2. Mối quan hệ với BLDS và LHNGĐ dưới góc độ giới
BLDS điều chỉnh các quan hệ xã hội được thiết lập trên nguyên tắc bình đẳng giữa các bên tham gia, do đó về cơ bản các nguyên tắc trong bình đẳng giới cũng đã được ghi nhận tương đối rõ nét ở Bộ luật này. Điều 5 của BLDS quy định “trong quan hệ dân sự, các bên đều bình đẳng, không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng với nhau”, ngoài ra nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận, nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền dân sự, nguyên tắc thiện chí trung thực… cũng đã được ghi nhận như là các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
LHNGĐ với tư cách là luật riêng của BLDS cũng đã kế thừa và bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự trong các quan hệ hôn nhân và gia đình. Đồng thời, Luật này cũng đã ghi nhận nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng trong hôn nhân và nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú.
Về quyền nhân thân của cá nhân, hai Luật này đã ghi nhận nhiều quyền con người và quyền công dân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Trong đó có một số quyền có tính nhạy cảm giới cần được công nhận, bảo vệ hoặc tổ chức, thực hiện thông qua thủ tục đăng ký hộ tịch do cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền thực hiện (nội dung điều chỉnh của dự án Luật Hộ tịch), bao gồm:
- Quyền đối với họ tên và thay đổi họ tên (Điều 26, Điều 27 BLDS) được xác nhận thông qua thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch;
- Quyền xác định dân tộc (Điều 28 BLDS) được xác nhận thông qua thủ tục khai sinh hoặc thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch;
- Quyền được khai sinh (Điều 29 BLDS) được xác nhận thông qua thủ tục khai sinh;
- Quyền được khai tử (Điều 30 BLDS) được xác nhận thông qua thủ tục khai tử;
- Quyền xác định lại giới tính (Điều 36 BLDS) được xác nhận thông qua thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch;
- Quyền kết hôn (Điều 39 BLDS, các điều 9, 10, 11, 12, 13, 14 LHNGĐ) được xác nhận thông qua thủ tục đăng ký kết hôn;
- Quyền ly hôn (Điều 42 BLDS, Điều 85 LHNGĐ) được xác nhận thông qua thủ tục đăng ký ghi vào sổ bộ hộ tịch, sổ hộ tịch cá nhân về việc ly hôn theo bản án, quyết định có hiệu lực về ly hôn của Tòa án;
- Quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con (Điều 43 BLDS, Điều 65 LHNGĐ) được xác nhận thông qua thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con hoặc thủ tục đăng ký ghi vào sổ bộ hộ tịch, sổ hộ tịch cá nhân về việc xác định cha, mẹ, con theo bản án, quyết định có hiệu lực về ly hôn của Tòa án;
- Quyền đối với quốc tịch (Điều 45 BLDS) được xác nhận thông qua thủ tục đăng ký khai sinh;
- Quyền về giám hộ và được giám hộ (các điều 59, 63, 70, 71 BLDS, các điều 79, 80, 81, 82, 83, 84 LHNGĐ) được xác nhận thông qua thủ tục đăng ký giám hộ.
Ngoài những quyền trên, một số quyền nhân thân khác được quy định trong BLDS tuy không cần được xác nhận thông qua thủ tục đăng ký hộ tịch, nhưng lại là yêu cầu trong đăng ký hộ tịch, đòi hỏi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cũng như mọi cá nhân, tổ chức phải tôn trọng và bảo vệ, như quyền bí mật đời tư (Điều 38), quyền được bảo vệ danh dự nhân phẩm, uy tín (Điều 37), quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 47), quyền tự do đi lại, tự do cư trú (Điều 48)…
Các quy định nêu trên của BLDS và LHNGĐ về cơ bản đã đảm bảo nguyên tắc lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Trong quy định về thủ tục đăng ký hộ tịch, Dự án Luật cần tiếp tục ghi nhận thành tựu này. Đồng thời, nếu BLDS và LHNGĐ có quy định chưa thể hiện rõ vấn đề giới, thì dự án Luật cần nghiên cứu, khắc phục thông qua các quy định về thủ tục đăng ký hộ tịch.[2]
3. Tác động của một số quy định trong BLDS, LHNGĐ đến dự án Luật[3]dưới góc độ giới
* Quyền đối với họ, tên và quyền xác định dân tộc:
Theo Điều 26, Điều 27 của BLDS, cá nhân có quyền có họ, tên và thay đổi họ, tên của mình trong các trường hợp luật định. Tuy nhiên, BLDS chưa thể hiện rõ vấn đề giới trong xác định họ của cá nhân. Trong khi đó, họ, tên và quyền với họ, tên có tính nhạy cảm giới cao do ảnh hưởng của phong tục, tập quán con sinh ra thường theo họ của cha (trừ một số cộng đồng dân tộc ít người con sinh ra theo họ của mẹ).
Về quyền xác định dân tộc, Điều 28 của BLDS quy định: “cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của người con được xác định là dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ”. Quy định này cũng đã đảm bảo một phần yêu cầu về lồng ghép giới. Tuy nhiên, với quy định dân tộc của con có thể được xác định theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ đã không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật lập pháp trong lồng ghép giới, tính thống nhất trong áp dụng pháp luật và có thể làm cho bình đẳng giới trong xác định dân tộc của cá nhân trở thành hình thức.
- Tác động đến dự án Luật
Dự án Luật phải đảm bảo quyền về họ, tên và xác định dân tộc của cá nhân được đảm bảo thực hiện thông qua thủ tục đăng ký khai sinh hoặc thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch. Đồng thời, dự án Luật cũng cần có quy định khắc phục sự khuyết thiếu về vấn đề giới trong quy định quyền đối với họ, tên và xác định dân tộc trong BLDS, LHNGĐ.
Đánh giá:
Dự án Luật đã có tính toán đến vấn đề giới trong thủ tục xác định họ, dân tộc của cá nhân, khi quy định trong khai sinh họ, dân tộc của người con có thể được xác định theo thỏa thuận của cha mẹ (Khoản 5 Điều 24 dự thảo Luật): “Khi đăng ký khai sinh, họ, dân tộc của người con được xác định theo họ, dân tộc của người cha hoặc họ, dân tộc của người mẹ theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha, mẹ”.
Tuy nhiên, việc quy định cơ quan đăng ký hộ tịch có thể lựa chọn tập quán hoặc thỏa thuận của cha mẹ trong xác định họ, dân tộc của người con vẫn chưa khắc phục được hạn chế của BLDS (đã phân tích ở trên), dễ dẫn tới bình đẳng giới trong xác định họ, dân tộc của cá nhân trở thành hình thức trong thực tiễn. Đề nghị dự án Luật quy định khi đăng ký khai sinh, họ, dân tộc của người con được xác định theo họ, dân tộc của người cha hoặc họ, dân tộc của người mẹ theo thoả thuận của cha mẹ, trong trường hợp không có thỏa thuận của cha mẹ thì xác định theo tập quán.
Đối với việc xác định họ, dân tộc của con ngoài giá thú, dự án Luật dường như đã có sự “thiên lệch” khi quy định họ, dân tộc của người con được xác định theo họ, dân tộc của mẹ: “Trường hợp đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú thì họ, dân tộc của người con được xác định theo họ, dân tộc của người mẹ. Phần ghi về người cha trong Sổ bộ hộ tịch và Sổ hộ tịch cá nhân để trống. Nếu vào thời điểm khai sinh có người nhận con, thì kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh”.
Đề nghị dự án Luật quy định, khi đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú thì họ, dân tộc của người con được xác định theo họ, dân tộc của người cha hoặc người mẹ đã được xác định trước. Phần ghi về người cha hoặc mẹ chưa được xác định trong Sổ bộ hộ tịch và Sổ hộ tịch cá nhân để trống. Nếu vào thời điểm khai sinh có người nhận con, thì kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh. Trong trường hợp cha, mẹ của con ngoài giá thú cùng được xác định, thì họ, dân tộc của con ngoài giá thú theo họ, dân tộc của cha hay của mẹ căn cứ theo thỏa thuận của cha, mẹ, trong trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận thì xác định họ, dân tộc theo tập quán.
Về thay đổi họ, dân tộc, dự án Luật chưa có quy định bảo đảm vấn đề giới trong trường hợp thay đổi họ, dân tộc của con chưa thành niên, con mất năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc thay đổi họ, dân tộc từ họ, dân tộc của cha sang họ, dân tộc mẹ hoặc ngược lại.
* Quyền được khai sinh: Theo quy định của Điều 29 BLDS, cá nhân sinh ra có quyền được khai sinh. Tuy nhiên, BLDS không quy định về nguyên tắc lựa chọn nơi đăng ký khai sinh. Do đó, Chính phủ đã có hướng dẫn về lựa chọn nơi đăng ký khai sinh theo nguyên tắc: “1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.
2. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh” (Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch).
Quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh như vậy chưa đảm bảo được quyền bình đẳng giữa cha, mẹ về đăng ký khai sinh, cũng như sự thuận lợi cho người dân trong thực hiện quyền được khai sinh của trẻ em.
- Tác động đến dự án Luật
Dự án Luật phải đảm bảo quyền được khai sinh của cá nhân trên cả hai phương diện lồng ghép giới và sự thuận tiện cho người dân, qua đó khắc phục được sự khuyết thiếu trong lồng ghép giới về quyền được khai sinh trong BLDS và trong pháp luật hiện hành về đăng ký hộ tịch.
Đánh giá:
Dự án Luật chưa bảo đảm tốt vấn đề giới trong quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh, khi về cơ bản, dự án Luật tiếp tục kế thừa quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP:
“1. Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em; trường hợp không xác định được nơi thường trú của người mẹ thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ tạm trú thực hiện đăng ký khai sinh.
2. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, tạm trú của người mẹ thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người cha thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em; trường hợp không xác định được nơi thường trú của người cha thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi tạm trú của người cha thực hiện đăng ký khai sinh.” (Điều 22 Dự thảo Luật).
Đề nghị dự án Luật quy định việc khai sinh cho con được thực hiện ở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hay của mẹ căn cứ vào sự thỏa thuận của cha mẹ, trong trường hợp cha mẹ không có thỏa thuận thì việc khai sinh thực hiện ở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú, tạm trú của người mẹ. Để đảm bảo sự thống nhất trong quản lý về Sổ bộ hộ tịch, có thể quy định theo một trong hai phương án: (1) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của cha hoặc mẹ đã thực hiện việc khai sinh cho con là nơi quản lý sổ bộ hộ tịch, (2) Ủy ban nhân dân nơi thường trú của mẹ là nơi quản lý sổ bộ hộ tịch. Trường hợp đăng ký khai sinh tại nơi cư trú, không phải nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch thì sau khi đăng ký, Hộ tịch viên phải thông báo ngay bằng văn bản trong đó ghi đầy đủ những nội dung đã được đăng ký cho Hộ tịch viên, nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch để ghi vào Sổ bộ hộ tịch và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
* Quyền kết hôn: Theo Điều 39 BLDS, nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình có quyền tự do kết hôn. Điều 12 LHNGĐ quy định “Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên kết hôn là cơ quan đăng ký kết hôn”. Điều 17 Nghị định số 158/NĐ-CP quy định: “1. Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ thực hiện việc đăng ký kết hôn.
2. Trong trường hợp cả hai bên nam, nữ là công dân Việt Nam đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở nước ngoài về nước đăng ký kết hôn, đã cắt hộ khẩu thường trú ở trong nước, thì việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú trước khi xuất cảnh của một trong hai bên nam, nữ”.
Như vậy, về nguyên tắc, BLDS, LHNGĐ và pháp luật hiện hành về đăng ký hộ tịch đã bảo đảm vấn đề giới giới trong quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, việc quy định Ủy ban nhân dân có thẩm quyền theo nơi cư trú còn chưa phù hợp với thực tiễn Ủy ban nhân dân nơi quản lý hộ tịch gốc và Ủy ban nhân dân nơi cư trú của công dân là khác nhau. Từ đó đã không tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền kết hôn.
- Tác động đến dự án Luật
Dự án Luật phải đảm bảo quyền của cá nhân về đăng ký kết hôn trên cả hai phương diện lồng ghép giới và sự thuận tiện cho người dân.
Đánh giá:
Dự án Luật đã có những quy định tốt trong định hướng cải cách về thẩm quyền và thủ tục trong đăng ký kết hôn, giải quyết được những bất cập, hạn chế trong quy định của Luật HN-GĐ, bảo đảm vấn đề giới và sự thuận tiện cho người dân. Theo Điều 25 của dự thảo Luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản lý Sổ Bộ hộ tịch hoặc nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ có thẩm quyền giải quyết việc đăng ký kết hôn. Dự thảo Luật cũng quy định về thủ tục đăng ký kết hôn tại nơi cư trú, không phải nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch của bên nam, nữ, thì sau khi đăng ký kết hôn, Hộ tịch viên phải thông báo ngay bằng văn bản trong đó ghi đầy đủ những nội dung đã được đăng ký cho Hộ tịch viên nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (khoản 5 Điều 26).
* Quyền nhận cha, mẹ, con: Theo các Điều 43 BLDS, Điều 64, 65 LHNGĐ: người không được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình là cha, mẹ hoặc là con của người đó. Con có quyền xin nhận cha, mẹ của mình ngay cả khi cha, mẹ đã chết. Con đã thành niên xin nhận cha, không đòi hỏi phải có sự đồng ý của mẹ; xin nhận mẹ, không cần có sự đồng ý của cha.
Điều 33 Nghị định số 158/NĐ-CP quy định “”Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con”.
Như vậy, về nguyên tắc, BLDS, LHNGĐ và pháp luật hiện hành về dăng ký hộ tịch đã bảo đảm vấn đề giới trong quy định về nhận cha, mẹ, con. Tuy nhiên, việc quy định Ủy ban nhân dân có thẩm quyền theo nơi cư trú còn chưa phù hợp với thực tiễn Ủy ban nhân dân nơi quản lý hộ tịch gốc và Ủy ban nhân dân nơi cư trú của công dân là khác nhau. Từ đó, không tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền nhận cha, mẹ, con. Mặt khác, pháp luật hiện hành về đăng ký hộ tịch cũng chưa có quy định về xác định cơ quan có thẩm quyền về nhận cha, mẹ, con trong trường hợp cả cha, mẹ cùng nhận con và họ có nơi cư trú khác nhau.
- Tác động đến dự án Luật
Dự án Luật phải đảm bảo quyền của cá nhân về đăng ký nhận cha, mẹ, con trên cả hai phương diện lồng ghép giới và sự thuận tiện cho người dân.
Đánh giá:
Dự án Luật đã bảo đảm sự thuận tiện cho người dân khi quy định: Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch của người con hoặc nơi cư trú của người nhận hoặc được nhận là cha, mẹ, con có thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con. Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con tại nơi cư trú, không phải nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch thì sau khi đăng ký, Hộ tịch viên phải thông báo ngay bằng văn bản, trong đó ghi đầy đủ những nội dung đã được đăng ký cho Hộ tịch viên, nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch để ghi vào Sổ bộ hộ tịch và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Tuy nhiên, dự án Luật chưa quy định về xác định cơ quan có thẩm quyền về đăng ký nhận con trong trường hợp cả cha, mẹ cùng nhận con và họ có nơi cư trú khác nhau. Trong trường này cần thiết phải quy định về nguyên tắc lựa chọn nơi có thẩm quyền đăng ký nhận con theo nơi cư trú của cha hay của mẹ.
* Quyền về giám hộ và được giám hộ
Theo quy định của BLDS, cha, mẹ, con, anh, chị, em, ông bà nội, ông bà ngoại, cháu nội, cháu ngoại là những người thuộc diện giám hộ đương nhiên của nhau. Ngoài ra, việc giám hộ có thể được hiện thông qua giám hộ cử. Theo LHNGĐ, các thành viên gia đình khi thực hiện việc giám hộ có thể thỏa thuận cử một người trong số họ có đủ điều kiện làm người giám hộ để làm người giám hộ cho thành viên gia đình cần được giám hộ.
Ngoài ra, theo BLDS, việc giám hộ phải được giám sát. Người giám sát do những người thân thích của người được giám hộ cử ra, trong trường hợp không có người thân thích hoặc những người thân thích không cử được người giám sát việc giám hộ thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người giám hộ sẽ cử người giám sát.
- Tác động đến dự án Luật
Dự án Luật phải bảo đảm lồng ghép giới trong các quy định về thủ tục đăng ký giám hộ và thủ tục giám sát việc giám hộ.
Đánh giá:
Dự thảo Luật đã có những quy định tốt trong định hướng cải cách về thẩm quyền và thủ tục đăng ký giám hộ, giải quyết được những bất cập, hạn chế trong quy định của LHNGĐ và BLDS. Quy định về thẩm quyền đăng ký giám hộ trong Dự thảo Luật (Điều 27, khoản 4 Điều 28, Điều 49) phù hợp với thực tiễn hơn, đảm bảo lồng ghép giới, tạo thuận lợi cho người dân hơn so với quy định hiện hành (Điều 63 BLDS, Điều 102 LHNGĐ).
Tuy nhiên, để đảm bảo lồng ghép giới, dự án Luật cần bổ sung quy định về thỏa thuận của người tự nguyện làm người giám hộ (nếu có) trong giám hộ cử (Điều 28 và Điều 50). Về giám sát giám hộ, dự án Luật chưa có quy định về thủ tục cử người giám sát theo thỏa thuận của những người thân thích của người được giám hộ hoặc của Ủy ban nhân dân nơi cư trú của người giám hộ.
II. Những khuyến nghị cụ thể về lồng ghép giới trong dự án Luật
- Thứ nhất, về mối tương quan trong hệ thống pháp luật, khi xây dựng dự án Luật cần tiếp cận mối quan hệ giữa Luật Hộ tịch với BLDS, LHNGĐ và các luật nội dung có liên quan khác trên hai phương diện: Luật Hộ tịch là luật hình thức (luật thủ tục), đồng thời cũng là luật riêng của các luật nội dung;
Thứ hai, dự án Luật cần quy định về việc xác nhận họ, dân tộc của cá nhân theo các nguyên tắc sau:
1. Khi đăng ký khai sinh, họ, dân tộc của người con được xác định theo họ, dân tộc của người cha hay họ, dân tộc của người mẹ căn cứ vào thoả thuận của cha mẹ, trong trường hợp không có thỏa thuận của cha mẹ mới xác định họ, dân tộc theo tập quán.
2. Trường hợp đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú thì họ, dân tộc của người con được xác định theo họ, dân tộc của người cha hoặc người mẹ đã được xác định trước. Phần ghi về người cha hoặc mẹ chưa được xác định trong Sổ bộ hộ tịch và Sổ hộ tịch cá nhân để trống. Nếu vào thời điểm khai sinh có người nhận con, thì kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
3. Về thay đổi họ, dân tộc, dự án Luật cần quy định về thỏa thuận của cha, mẹ trong trường hợp thay đổi họ, dân tộc của con chưa thành niên, con mất năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc thay đổi họ, dân tộc từ họ, dân tộc của cha sang họ, dân tộc mẹ hoặc ngược lại.
- Thứ ba, về khai sinh, Dự án Luật cần quy định việc khai sinh cho con thực hiện ở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hay của mẹ căn cứ vào sự thỏa thuận của cha mẹ, trong trường hợp cha mẹ không có thỏa thuận thì việc khai sinh thực hiện ở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú, tạm trú của người mẹ.
Để đảm bảo sự thống nhất trong quản lý về Sổ bộ hộ tịch, có thể quy định theo một trong hai phương án: (1) Ủy ban nhân dân nơi thường trú của cha hoặc mẹ đã thực hiện việc khai sinh cho con là nơi quản lý sổ bộ hộ tịch, (2) Ủy ban nhân dân nơi thường trú của mẹ là nơi quản lý sổ bộ hộ tịch. Trường hợp đăng ký khai sinh tại nơi cư trú, không phải nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch thì sau khi đăng ký, Hộ tịch viên phải thông báo ngay bằng văn bản trong đó ghi đầy đủ những nội dung đã được đăng ký cho Hộ tịch viên, nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch để ghi vào Sổ bộ hộ tịch và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Thứ tư, bổ sung quy định về xác định cơ quan có thẩm quyền về đăng ký nhận con trong trường hợp cả cha, mẹ cùng nhận con và họ có nơi cư trú khác nhau.
- Thứ năm, quy định về việc thỏa thuận của người tự nguyện làm người giám hộ (nếu có); thủ tục cử người giám sát theo thỏa thuận của những người thân thích của người được giám hộ hoặc của Ủy ban nhân dân nơi cư trú của người giám hộ.

[1] Xem thêm: Nguyễn Hồng Hải “Mối quan hệ giữa Luật Hộ tịch với Luật Hôn nhân và gia đình và tác động của các chế định hôn nhân và gia đình đến dự án Luật Hộ tịch”. Tòa đàm chuyên gia về lồng ghép vấn đề giới trong dự án Luật Hộ tịch, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Hà Nội, ngày 7/9/2012.
[2] Có ý kiến cho rằng, trên phương diện luật hình thức và luật nội dung, những bất cập, hạn chế về lồng ghép giới trong các luật nội dung thì phải được sửa đổi, bổ sung các luật nội dung đó, không thể thực hiện trong xây dựng Luật Hộ tịch.
[3] Dự thảo Luật Hộ tịch được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Nguồn: HỘI THẢO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ VỚI VIỆC LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG DỰ ÁN LUẬT VIỆC LÀM, LUẬT HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ, LUẬT HỘ TỊCH. Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và UN WOMEN IN VIETNAM đồng tổ chức. TPHCM. 30/9/2012 – 01/10/2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét