Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

"Ăn quả đắng" vì đối tác "ma" mang mác CORPORATION

Công ty H. (TP.HCM) ký hợp đồng mua 150 tấn bông phế liệu của Cty SG TRADING CORPORATION, có địa chỉ tại  Pa-ki-xtan. Công ty H. mở L/C qua ngân hàng Pakistan trả tiền ngay cho người bán. Thế nhưng khi nhận được hàng, Cty H. mở container thì thấy bên trong container chỉ toàn là đá và rác.
Công ty H. lập tức mời giám định và gửi thư khiếu nại đến khách hàng Pa-ki-xtan. Tuy nhiên khách hàng Pa-ki-xtan lập tức cắt đứt mọi liên lạc. Đại sứ quán Việt nam tại Pa-ki-xtan và Thương vụ đã tìm cách tiếp xúc với khách hàng và thông báo cho các cơ quan hữu quan của Pa-ki-xtan đề nghị hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tên công ty là tên giả. Địa chỉ công ty là 1 phòng khóa kín. Tài khoản của công ty tại ngân hàng đã bị rút hết tiền.
Đây không phải trường hợp duy nhất bị lừa tại Pa-ki-xtan. 
Công ty V. (TP. HCM) ký hợp đồng bán 16,4 tấn cao su cho Cty GLOBAL TRADING CORPORATION. Điều kiện thanh toán là đặt cọc 10 % trị giá hợp đồng, phần còn lại thanh toán theo phương thức D/P. Sau khi ký hợp đồng, phía người mua chuyển tiền đặt cọc. Sau khi nhận được tiền đặt cọc, công ty V. tiến hành giao hàng, lập chứng từ thanh toán và gửi cho bên mua.
Tuy nhiên, sau khi gửi chứng từ thanh toán, công ty V. không nhận được số tiền còn lại. Công ty liên hệ lại với khách hàng Pa-ki-xtan thì khách hàng lập tức cắt đứt mọi liên lạc. Đại sứ quán Việt nam tại Pa-ki-xtan và Thương vụ đã tìm cách tiếp xúc với khách hàng và thông báo cho các cơ quan hữu quan của Pa-ki-xtan đề nghị hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tên công ty là tên giả.
Địa chỉ công ty không xác định được. Người chuyển tiền đặt cọc là một cá nhân hiện không liên lạc được. Tổ chức nhận chứng từ để làm thủ tục thanh toán theo phương thức D/P - ROYAL EXCHANGE LTD. không phải là 1 ngân hàng mà chỉ là 1 đại lý thu đổi ngoại tệ kiêm chuyển tiền ra nước ngoài theo kênh không chính thức.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Pa-ki-xtan, kinh nghiệm từ các vụ DN Việt Nam bi lửa ở Pa-kit-xtan cho thấy, các tổ chức lừa đảo thường lấy tên giả có chữ cuối cùng là CORPORATION,  thường không đưa ra số điện thoại cố định mà chỉ đưa ra đưa ra số điện thoại di động, không đưa ra số fax hoặc đưa ra số fax sai, không sử dụng được.
Các tổ chức lừa đảo cũng thường đưa ra các địa chỉ E-mail công cộng như hotmail.com/yahoo.com, trong khi địa chỉ E-mail của doanh nghiệp Pa-ki-xtan thường là tên-doanh-nghiêp@cyber.net.pk. Ngoài ra, các tổ chức lừa đảo thường đưa ra các điều kiện hợp đồng sao cho có thể tẩu tán tiền/hàng thật nhanh (trong trường hợp công ty H. là thanh toán bằng L/C trả tiền ngay; trong trường hợp công ty V. là gửi thẳng chứng từ cho đại lý thu đổi ngoại tệ).
Thực tế cho thấy các tổ chức lừa đảo chỉ thực hiện được hành vi lừa đảo khi các DN Việt Nam quá sơ hở. Như trường hợp công ty H. là không yêu cầu tổ chức giám định uy tín kiểm tra hàng trước khi giao. Trường hợp công ty V. là không gửi chứng từ giao hàng qua ngân hàng…
Những vụ việc bị lừa kiểu này không phải là hiếm. Thế nhưng vẫn có doanh nghiệp bị “ăn quả đắng”. Đây hẳn là bài học kinh nghiệm cho các DN khi làm ăn với đối tác nước ngoài.
Nguồn: Báo pháp luật điện tử Việt nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét