Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

Nước Nhật là một xã hội thiền

Đối diện với thế gian “vô thường” bằng cảnh giới “thường”, người Nhật đã vượt qua chính mình từ đó.
Sau trận động đất kinh hoàng kéo theo sóng thần xảy ra ngày 11/3 tại vùng đông bắc nước Nhật, cư dân trên địa cầu lại bị “chấn động” bởi tinh thần quật cường, ý chí bền bỉ, dẻo dai, phẩm chất khắc kỷ, tự trọng và tâm thái cam chịu, bình thản tuyệt vời của người dân Nhật. Những dấu hiệu ban đầu càng cho thấy sức mạnh hồi sinh tiềm ẩn đằng sau một dân tộc từ lâu đã hứng chịu nhiều thiên tai. Và điều đáng nói nhất ở đây đó là tâm thái của người Nhật – một tâm thái “thường” trước những diễn biến “vô thường” trên thế gian.

Cách ứng xử văn hóa của người Nhật trong thời khắc sinh tử, khi con người phải đối diện với vấn đề hiện sinh càng khiến cho nhiều người bàng hoàng. Tinh thần Nhật không đi từ chiều rộng hoành tráng của chiến dịch “chống thiên tai”, mà thấm xuống tầng sâu, bằng những chi tiết nhỏ đi vào tâm hồn và lòng trắc ẩn của con người. Trong cuốn “Sự va chạm của các nền văn minh”, tác giả Samuel Huntington từng chỉ ra sự lúng túng của nhiều nhà nghiên cứu trong việc sắp xếp nền văn minh Nhật. Từng chịu ảnh hưởng bởi văn minh Trung Hoa, Châu Âu, nhưng rốt cuộc, “Nhật Bản về mặt văn hóa là một nước đơn độc”, hiểu theo ngôn ngữ đương đại, đó là quốc gia có bản sắc văn hóa.

Rất nhiều bài báo mô tả quang cảnh trật tự xếp hàng nhận thực phẩm cứu trợ của người Nhật nhằm ngợi ca tính kỷ luật của người dân nơi đây. Thực tế, thói quen xếp hàng phổ biến ở nhiều quốc gia công nghiệp, người dân nước ta vào thời kỳ bao cấp cũng từng xếp hàng “rồng rắn” để hứng nước hay mua nhu yếu phẩm... Song, chúng ta cần khu biệt giữa xếp hàng trong điều kiện “thường” và “vô thường”. Tính kỷ luật của người Việt nói chung phổ biến bằng hành vi chịu sự ràng buộc bởi thuộc tính ngoại tại, khi thiếu giám sát, nó sẽ tự giải cấu (giải thể cơ cấu). Giống như việc tham gia giao thông, có cảnh sát, người ta dừng trước đèn đỏ, còn không có công an, đèn xanh, đèn đỏ hay đèn vàng đều “vô phân biệt”. Nói thế nhằm tránh lối tư duy suy diễn giản đơn theo kiểu “nhân rộng”, “sinh sản vô tính” một cách hồn nhiên tinh thần, văn hóa Nhật. Vì, dù rằng chúng ta có thượng tôn pháp luật hay thực thi nghiêm khắc, chắc sẽ chỉ có tác dụng trong điều kiện “thường” mà thôi! Cái “giới” bên ngoài và “giới” bên trong vốn khác nhau, giữa một đằng là hành vi “tự lập pháp” còn một bên là “luật pháp”.

Công dân Nhật là những người được giáo dục bằng lòng tự trọng, tự kỷ, tự lập pháp, nên giá trị văn hóa mà họ thủ đắc có tác dụng điều tiết hành vi một cách đơn độc như chính nền văn hóa “độc nhất vô nhị” này phơi bày ra trước nhiều niền văn minh khác. Chúng ta đã biết về tinh thần thượng võ của giới Samurai. Tinh thần ấy cũng phủ lấp cả giới nhân sĩ, trí sĩ, cùng nhiều công dân đất nước Nhật. Chính vì thế, việc xếp hàng trật tự như nhiều báo chí mô tả không chỉ đơn thuần nằm ở khía cạnh đạo đức, hay pháp luật. Tính kỷ luật của hệ giá trị Pháp luật chủ yếu phát huy tác dụng trong điều kiện “thường”, còn trong tình trạng “vô thường”, hay vô chính phủ, thiếu người giám sát, Pháp luật sẽ giảm tác dụng đáng kể, thậm chí mất đi chức năng điều tiết hành vi vốn có. Vì thế, những biểu hiện của tinh thần Nhật không thể lý giải bằng tư duy “luật” thường. Qua những dẫn chứng hiển hiện trên bề nổi, tảng băng chìm sâu dưới lòng văn hóa ấy cho thấy nước Nhật chính là một xã hội Thiền!

Mặc dù Thiền tông du nhập Nhật Bản khá muộn (thế kỷ XII), nhưng có ảnh hưởng sâu rộng tới văn hóa Nhật Bản, thậm chí trở thành hình thái ý thức của xã hội Nhật. Và hình thái ý thức ở đây cần được hiểu theo nghĩa của Louis Althusser, nhà triết học người Pháp nổi tiếng thế kỷ XX là hình thái ý thức đã được vô thức hóa, tiềm ẩn, không hiện hữu, nhưng chi phối đời sống xã hội. Để tìm hiểu nó, người ta không chỉ dựa vào ngôn ngữ, hệ thống tái hiện, mà còn phải tham chiếu hình thức vật chất, hiểu là những sản phẩm văn hóa được sản sinh qua lăng kính của Thiền tông.

Thiền có nhiều cách hiểu khác nhau, ban đầu chỉ đơn giản là tinh thần coi cái chết như là sự trở về, “sinh tử như một” phổ biến trong giới võ sĩ đạo, sau triển khai thành quan niệm sống bình dị, giản đơn, coi trọng hiện tại, từ khoảnh khắc tĩnh lặng, tịch mịch, bình thản cho đến tâm thái hồn nhiên như mây trời, gió nước… Thiền là phương thuốc diệu dụng chữa trị căn bệnh sốc nổi của tâm hồn con người. Đối diện với thế gian “vô thường” bằng cảnh giới “thường”, người Nhật đã vượt qua chính mình từ đó. Lòng Thiền (lòng tin, lòng yêu thương, lòng thành tâm) đủ sức gánh chịu tất cả, kể cả động đất và sóng thần như vừa xảy ra.

Thiền không chỉ là hình thái ý thức, một khung tư tưởng khuôn con người vào những quy phạm hành vi hay đạo đức mà còn là hệ giá trị thuộc về bản thể của nền văn hóa Nhật. Chúng ta biết, người Nhật từ nhỏ đã quen với cách ngồi Du già (tư thế Vajrâsana), một kiểu ngồi Thiền trong Yoga nhằm rèn luyện sức bền bỉ, dẻo dai và quan trọng là tĩnh tâm. Nhạc Nhật là một ví dụ điển hình về sự lĩnh hội đi vào chiều sâu tĩnh lặng, cộng hưởng với nhịp đập bên trong. Tác phẩm âm nhạc truyền thống nổi tiếng thế giới của Nhật là bản Sakura minh chứng rất rõ cho điều này. Những người chơi nhạc đều biết, cái khó của Sakura không nằm ở nốt đàn, mà nằm trong sự thể hiện chiều sâu nội tại, đặc biệt là sự ổn định về tiết nhịp. Người vội vàng, hấp tấp, tính khí nóng nảy, khó thể đàn hay được tác phẩm phẩm này. Vì, Sakura cần sự ổn định từ bên trong, một sự thẩm thấu nội tại, không phải chu kỳ đều đặn của chiếc máy đập nhịp.


Tôi có dịp tiếp xúc với trẻ Nhật nhờ dạy chúng học nhạc. Điều dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa trẻ em Nhật và các dân tộc khác là chúng rất “tĩnh”, ít hiếu động hơn hẳn so với con nít ở ta. Bởi vậy, tính chuyên chú của trẻ em Nhật Bản đặc biệt cao. Chúng ta không nên vội vàng đưa ra kết luận cho hai cách giáo dục ở hai nền văn hóa khác biệt. Nhưng, qua đó nhằm lý giải cho tình hình hiện nay của nước Nhật. Nhờ vào tu Thiền, dù ý thức hay vô thức giúp cho người Nhật cực kỳ tinh tế, tinh xảo, chuyên chú cao độ để làm ra những sản phẩm tuy phổ biến, nhưng độc đáo, từ Trà đạo, Bonsai cho đến võ thuật, nghệ thuật, tư tưởng… Thiền của người Nhật là thứ tham Thiền trong cuộc sống, một tinh thần dấn thân, tiến lên “núi có hổ” nhằm hướng dẫn cuộc sống. Và đặc biệt, nhờ vào trí tuệ Thiền, người Nhật mới giữ được tâm thái thường trong điều kiện bất thường, “định” ngay cả khi “vô thường”. Phẩm chất ấy thuộc về điểm cực hạn trong giới hạn thường, nhưng nó cũng chính là “thường” trong pháp Thiền bao la.

Nguồn: Tạp chí Tia Sáng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét