Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

"Cười ra nước mắt" chuyện đòi quyền làm cha

Hành trình xác nhận cha cho con luôn có những câu chuyện cười ra nước mắt. Người thì khao khát được công nhận quyền làm cha, nhưng sao mà khó, kẻ lại chối bỏ, để rồi mất công “đáo tụng đình” để đi đòi.
Hình minh họa
Hình minh họa
Là cha mà không được thừa nhận
Cư trú tại đường Cách mạng tháng Tám, phường 13, quận 10 TP.HCM, anh Phan Nguyễn Thanh Ngọc quen với chị Nguyễn Thị Thúy Kiều ở ấp Mỹ Thập, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh vào năm 2004.
Hai người sống với nhau như vợ chồng, nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 2006, họ sinh con trai Nguyễn Anh Khôi. Bé Khôi được 2 tháng, do bất hòa với chồng chị Kiều bỏ đi. 3 tháng sau, tìm được “vợ”, anh Ngọc đã yêu cầu chị Kiều làm giấy khai sinh cho bé Khôi.
Chị Kiều về quê làm giấy khai sinh cho con, nhưng khai con mang họ mẹ và chỉ ghi tên mẹ. Còn anh Ngọc, tuy là cha bé Khôi nhưng không được thừa nhận trên giấy khai sinh của bé. Cầm tấm giấy khai sinh của con do “vợ” đưa lại, anh Ngọc thấy không có tên mình trong phần khai người bố, lúc đó mới tá hỏa nhưng chị Kiều lại tiếp tục bỏ đi…
Từ đó đến nay đã 4 năm trôi qua, bé Khôi lớn không trong sự chăm sóc của bà nội và người bố đang  loay hoay với thủ tục để được công nhận là cha của chính con mình. Để đi tìm quyền làm cha, anh Ngọc đã nhiều lần về quê “vợ” tìm “vợ”, nhưng không gặp, gia đình “vợ” cũng không mặn mà hợp tác.
Anh làm đơn gửi UBND xã Mỹ Long Bắc xin xác nhận quyền làm cha thì được giải thích rằng chỉ khi có mặt người vợ công nhận anh chính là cha đứa bé mới đúng quy định. Bé Khôi đã sắp đến tuổi đi học, cứ đà này, bé sẽ không được nhập hộ khẩu vào nhà bà nội và bố thì chuyện đi học chắc sẽ nhiều khó khăn.
Không nhận con, mà lại đòi quyền làm cha
Năm 2009, TAND TP HCM đã thụ lý đơn kiện của ông S (quốc tịch Canada) đòi xác nhận cha cho con. Điều đáng nói là trước đó, khi biết mình được làm cha, ông S. đã không nhận con, để rồi sau đó lại kiện đòi con.
Mẹ đứa bé, bị đơn của vụ kiện cho biết, bà và ông S quen nhau khi đi du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long vào đầu năm 2003. Sau chuyến đi, hai người thường liên lạc rồi về sống chung. Được ít lâu, bà có thai. Lúc này, cả hai chuẩn bị hồ sơ để làm thủ tục kết hôn. Thế nhưng thủ tục sắp hoàn thành thì ông S đột nhiên từ chối, không muốn kết hôn nữa. Bị từ hôn, bà chịu nhiều sóng gió nhưng bà vẫn tìm cách cố níu kéo tình cảm của ông.
Bằng chứng là bà đã lặn lội đưa con trai sang Canada thuyết phục ông kết hôn để trong giấy khai sinh của con không khuyết tên cha. Những tưởng khi đưa con sang, ông S sẽ đồng ý nhưng bà chỉ nhận được sự hững hờ. Nhận thấy mọi cố gắng của mình không thành, bà đưa con trai quay về nước và coi như chưa từng quen biết ông.
Kể từ đó, bà đã một mình gồng gánh nuôi con học hành mà không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào từ phía ông. Thỉnh thoảng ông S quay lại Việt Nam và xin phép bà cho đưa con đi chơi mấy ngày, bà vui vẻ đồng ý...
Tháng 2/2009, ông S bỗng dưng điện thoại cho bà bảo đã gặp luật sư, chuẩn bị kiện bà ra tòa để đòi con. Tưởng ông nói đùa, bà cũng không mấy để ý. Nhưng 3 tháng sau, bà nhận được giấy triệu tập của TAND TP HCM với tư cách là bị đơn trong vụ án xác định cha cho con.
Quá ngỡ ngàng, mẹ của đứa bé đã phản ứng việc Tòa thụ lý vụ án vì từ lâu bà vẫn muốn con trai mình chính thức mang họ cha. Sự việc đã được chứng minh là bà bỏ ra nhiều tiền bạc, công sức sang tận Canada yêu cầu ông S cưới bà và nhận con. Nay bà lại bị kéo đến Tòa thì thật trớ trêu.
Pháp luật luôn khuyến khích nhận con
Qua hai vụ việc trên có thể thấy, hành trình xác nhận cha cho con luôn có những câu chuyện cười ra nước mắt như vậy. Người thì khao khát được công nhận quyền làm cha, nhưng sao mà khó, kẻ lại chối bỏ, để rồi mất công “đáo tụng đình” để đi đòi. Thế nhưng, vấn đề đáng quan tâm nhất ở đây là rồi liệu các ông bố có được pháp luật công nhận quyền làm cha của mình hay không?.
Ở trường hợp của anh Phan Nguyễn Thanh Ngọc, Luật sư Hoàng Văn Trợ - Công ty Luật hợp danh Sài Gòn - Việt Nam khẳng định: Không nên quá lo lắng vì pháp luật luôn khuyến khích nhận con. Nhưng cái khó trong việc xác nhận quyền làm cha của anh Ngọc là ở chỗ anh không có giấy đăng ký kết hôn - bằng chứng đáng tin cậy nhất về mặt pháp lý để chứng minh anh chính là cha đứa trẻ, còn việc UBND xã Mỹ Long Bắc yêu cầu phải có mặt người mẹ bé Khôi để làm thủ tục thừa nhận quyền làm cha của anh Ngọc là không sai quy định pháp luật.
Tuy nhiên, để giải quyết, anh Ngọc có thể gửi hồ sơ (bao gồm đơn xin xác nhận, giấy khai sinh của trẻ, giấy tờ tùy thân của cha, bản tường trình sự việc có xác nhận của người làm chứng...) tới tòa án dân sự địa phương nơi cư trú. Nhận được đơn, Tòa sẽ tiến hành kiểm tra AND xác định quan hệ cha con. Nếu đúng sự thực, anh Ngọc sẽ có quyền ghi tên mình vào mục người cha ở giấy khai sinh của con.
Diễn biến của câu chuyện thứ hai cho thấy, tháng 10/2009, Tòa thành phố ra quyết định trưng cầu giám định ADN của đứa con trai cho dù bà mẹ đứa trẻ vẫn một mực khẳng định không hề cản trở ông S nhận con, để đến mức phải cậy tới Tòa. Bà này còn yêu cầu Tòa đình chỉ vụ án này để chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp giải quyết. Bởi bà và ông S không hề có tranh chấp nên theo Nghị định 68 của Chính phủ (quy định về việc xác nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài), việc này thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp. Tuy nhiên, phía ông S đã không đồng tình và tiếp tục yêu cầu Tòa giám định AND.
Về vụ việc này, TS.Nguyễn Tiến - giảng viên Trường ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh cho rằng Tòa thụ lý vụ án theo đơn khởi kiện của ông S là không sai thẩm quyền. Mặc dù người mẹ cho rằng không cản trở, không tranh chấp về con cái nhưng hai bên vẫn không thống nhất được việc làm thủ tục. Vì vậy, Tòa vẫn phải tiếp tục xử lý vụ án, cho trưng cầu giám định ADN. Sở Tư pháp chỉ có thể giải quyết trong trường hợp người mẹ và ông S cùng thống nhất với nhau là nộp hồ sơ qua Sở để làm thủ tục xác nhận cha cho con.

Nguồn: Báo pháp luật Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét